Nhiều người dùng mạng xã hội tại Việt Nam kêu gọi tẩy chay ứng dụng mạng xã hội Snapchat vì hiển thị bản đồ có đường lưỡi bò phi pháp, xâm hại chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông trên không gian mạng.
Đường lưỡi bò do Trung Quốc tự vẽ ra trên Biển Đông, đòi chủ quyền gần 90% diện tích vùng biển quan trọng này ở khu vực Đông Nam Á.
Nhiều người dùng trong ngày 6/11 cho truyền thông hay, “đường lưỡi bò” xuất hiện trong tính năng bản đồ ở chế độ vệ tinh trên ứng dụng Snapchat. Bản đồ phi pháp này xuất hiện kể từ khi mạng xã hội này tiến hành cập nhật từ cuối tháng 10, đầu tháng 11 vừa qua.
Trong họp báo chiều 6/11, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử – Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết đã ghi nhận thông tin về việc bản đồ của ứng dụng Snapchat chứa đường lưỡi bò. Nhưng theo ông Tự Do, mạng xã hội này chưa có đầu mối liên hệ tại Việt Nam. Tuy vậy, ông Cục trưởng khẳng định Cục sẽ tìm cách xử lý.
Từ sáng 6/11, nhiều người dùng Snapchat tại Việt Nam phát hiện bản đồ của ứng dụng hiển thị đường lưỡi bò phi pháp. Ứng dụng này có ba kiểu bản đồ, gồm bản đồ điểm nóng, vệ tinh và kỷ niệm. Trong đó, đường lưỡi bò xuất hiện ở kiểu bản đồ vệ tinh.
Một quản trị viên một nhóm phản đối đường lưỡi bò trên Facebook cho biết trên tờ VNExpress rằng đây có thể không phải nhầm lẫn thông thường vì bản đồ sai lệch nằm trong chế độ vệ tinh, không có trong bản mặc định. Đây là bản quốc tế, rất nhiều người dùng trên thế giới cùng thấy, không riêng ở Việt Nam.
Theo thông tin trên ứng dụng, Snapchat sử dụng dữ liệu của OpenStreetMap. Đây cũng là nền tảng bản đồ đã nhiều lần bị phát hiện hiển thị đường lưỡi bò.
Sau một ngày kêu gọi tẩy chay ứng dụng này trên các hội nhóm mạng xã hội, đến ngày 7/11, tờ VietNamNet cho biết trên chợ ứng dụng Google Play của Android, điểm đánh giá trung bình của Snapchat đã tụt xuống còn 3,5 sao. Trên chợ App Store của Apple, điểm trung bình của Snapchat hiện chỉ còn ở mức 2,8 sao.
Snapchat là ứng dụng mạng xã hội của Mỹ, hiện có gần 400 triệu người dùng trên toàn cầu. Tuy nhiên, số lượng người dùng ở Việt Nam không nhiều.
(Theo RFA)