Võ Bá Hải
Nguyễn Tri Phương, con người lịch sử đã đi vào Tổ quốc Việt Nam dưới sắc diện một tướng quân kỳ tài xông pha đánh Xiêm La, bình Chân Lạp, và một vị tướng già đã trút hết tinh lực của mình trả nợ núi sông chống quân viễn chinh Pháp.
Sự kiện đó đã khiến cho chúng ta nghĩ đến Nguyễn Tri Phương, một trang anh hùng giữa hai thế hệ: một thế hệ cổ lỗ trong phương tiện chiến tranh và một thời đại vũ khí tối tân của nền văn minh khoa học! Nguyễn Tri Phương làm tròn trách vụ một dũng tướng dưới triều Thiệu Trị nhưng dần đến Tự Đức thì sứ mệnh của ông đã bắt đầu khó khăn. Sự khó khăn đó bắt nguồn từ sự tương phùng hi hữu giữa Đông và Tây vào năm 1856!
Năm 1847, thương thuyền Pháp cập bến Đà Nẵng.
Năm 1856, chiến hạm Catinat cập bến Đà Nẵng.
Sau gần 10 năm, dân chúng bắt đầu để ý đến sự xuất hiện của người Pháp ngoài cửa Đà Nẵng! Triều đình bắt đầu xôn xao và e ngại cho khả năng phòng thủ của mình. Nhà Vua mật lệnh cho bộ binh nghiên cứu mọi động lệnh của người Pháp. Cục diện chưa được sáng sủa, đột nhiên chiếc La Capricieuse lại cập bến Đà Nẵng! Để làm gì? Nhà Vua khó tin là họ đến thương thuyết cho mục đích của họ là truyền giáo và buôn bán.
Chiều 31/8/1858, Rigault de Genouilly chỉ huy đội thủy quân trên 2 ngàn với các chiến hạm Némésis, Phlégétox, Alarure… và nhiều tàu binh Dordogne, Meurthe… ầm ầm tiến vào Đà Nẵng. Ngày 20/9/1858, làng Mỹ Thị bị chiếm, thống soái Lê Đình Lý trọng thương.
Trước hiện trạng tan vỡ quan binh, Vua Tự Đức lại vời Nguyễn Tri Phương tổ chức quân đội phòng thủ.
“Hạ thần nay đã lục tuần, sức lực giảm hơn thời trai trẻ nhiều” – Nhưng, biết làm sao hơn – Thế là Nguyễn Tri Phương lại xuất hiện trong lịch sử chiến tranh một lần nữa, lần này phải cam go gấp trăm lần!
Tháng tư năm 1859, quân Pháp tấn công Hóa Quê và Nại Hiên, và ít lâu sau đồn An Hải thất thủ!
Trận tập kích quyết liệt được Nguyễn Tri Phương điều động chỉ huy liền sau đó. Tất cả những hầm chông cỏ được đào nhanh, chạy dài từ Hải Châu đến Phù Ninh. Ngày 8/5/1859, quân Pháp ào ạt tiến vào gần đồn Điện Hải không có một sự kháng cự nào! Đột nhiên từ bốn phía, phục binh xuất hiện trước sự dửng dưng tiến thoái lưỡng nan của quân Pháp!
Rigault de Genouilly xin hưu chiến miền Trung để dồn toàn lực vào miền Nam. Và, liền sau đó, Gia Định thất thủ.
Pháp lại trở cờ tấn công đồn Thạch Na và Hải Châu – Nguyễn Tri Phương ra lệnh phản công – Nguyễn Song Thanh, Đào Trí và Tôn Thất Hoàn dũng mãnh đẩy lui địch.
Ngày 19/10/1859, phó đô đốc Page thay Rigault de Genouilly đánh đồn Điện Hải. Ngày 18/11, Page chỉ huy liên quân Pháp – Tây Ban Nha dốc toàn lực đánh Phú Ninh và Thất Đảm. Đại bác từ các pháo đài của quân ta thi nhau nã đạn. Một sự may mắn không lường được: Page bị thương trên chiến hạm Némesis cùng với một vài sĩ quan phụ cận. Nhưng rồi những khẩu đại bác đen ngòm tinh nhuệ của Pháp lại trả lời hùng hồn bằng cách quét rạp pháo đài của quân ta. Viên tham mưu trưởng De Saul đổ bộ, chỉ huy càn quét và làm chủ tình hình từ Đà Nẵng ra Huế.
Một bài học quá đắt về chiến lược và khí giới khiến Nguyễn Tri Phương nghĩ đến cách tổ chức quân đội theo hình thức thủy quân và lục quân. Nhưng mọi cố gắng của ông không được toại nguyện vì tình trạng kinh tế và binh cơ hiện hữu. Và, điều cần hơn hết là Nguyễn Tri Phương tổ chức lại pháo đài, thành lũy và đạo binh khá hùng hậu để phòng thủ.
Ngày 23/3/1860, sau khí đánh hạ các đồn An Hải, Điện Hải, Trà Sơn, quân Pháp kéo thẳng vào Sài Gòn.
Tình thế đã đen tối và dần dà đến chỗ đen tối hơn, Vua Tự Đức đứng trước một sự trạng quá đau thương. Quá khứ đã dẫn đến hiện tại và tương lai chưa đoán được! Hòa ư? Quân Pháp không dại dột gì chấp nhận một biện pháp nghị hòa một khi họ đã nắm được vai trò hoàn toàn chủ động quân sự. Chỉ còn một biện pháp duy nhất là chiến và thủ.
Vua Tự Đức xuống chiếu sai Nguyễn Tri Phương và Nam Kỳ để đối địch với một chiến thuật mới của quân Pháp.
Nguyễn Tri Phương vào Nam, theo sát tình hình quân sự của địch quân và được biết Page đã rút một phần lớn quân đội sang Trung Quốc, còn lại Đại úy Ariès chỉ huy đội quân non một nghìn người, gồm cả quân Tây Ban Nha. Thành trì quân Pháp kiên cố, nằm giữa Sài Gòn – Chợ Lớn, có bố trí súng lớn. Ngoài khơi Cần Giờ có nhiều chiến hạm túc trực.
Nắm rõ quân cơ địch, Nguyễn Tri Phương cho xây pháo đài và đắp phòng tuyến ở phía Bắc Sài Gòn bao vây quanh dinh trại quân Pháp, diện tích chừng 12 cây số vuông, có ụ súng kiên cố khiến quân Pháp phải e dè. Chính một danh tướng Pháp khen ngợi Nguyễn Tri Phương: “… thấy phương pháp dùng binh của Nguyễn Tri Phương, người ta phải tin rằng, vị nguyên soái anh hùng của nước Nam đã biết phương lược xây dựng pháo đài tạm thời như Totleben ở Sébastopol, Denfert Rochereau ở Belfort…” hay là “… Thành lũy của Nguyễn Tri Phương dựng mau như nấm mọc. Hễ chỗ nào có một lối đi là có ngay một chiến lũy ngăn cản”[1].
Vòng đai chiến lược bắt đầu có hiệu lực. Quân Pháp hoàn toàn bị cô lập. Trận chiến Trung Hoa kết liễu quá sớm, Hiệp ước Bắc Kinh ra đời. Viện binh Pháp đến giải vây cho đoàn quân của đại úy Ariès. Lực lượng hùng hậu đó đã phá tan mọi cuộc tấn công của quân ta. Chínih Nguyễn Tri Phương đích thân chỉ huy xông pha trong đêm tối quyết tấn công đồn Cây Mai. Nhưng, thây chất thành đống, quân ta mới đổi được một thành trì nho nhỏ của tướng Fernandez. Đến tháng 11/1860, quân Pháp công hãm các pháo đài ở Gia Định đã bị thất bại nặng nề với 132 xác chết! Nguyễn Tri Phương thêm một lần được tuyên dương công trạng.
Một điều đáng buồn trong lịch sử kháng Pháp là tất cả binh sĩ của Phó Đô đốc Page và các Đô đốc Charner, Renommée lại trở sang Đông Dương sau ngày đình chiến ở Bắc Kinh. Họ đem cả lữ đoàn hải quân, lục quân hợp với liên quân bản xứ và đoàn kỵ mã thám thính. Đoàn quân viễn chinh đó của đô đốc Charner đến Sài Gòn ngày 6/11/1861 với một chiến thuật hành quân qui mô nhằm công hãm một lúc trên tất cả các đồn do Nguyễn Tri Phương chỉ huy.
Ngày 25/11, Charner chỉ huy cánh quân Pháp – Tây Ban Nha đánh đồn Chí Hòa do Nguyễn Tri Phương trấn giữ. Súng nổ vang trời của đoàn quân Tây ào ào công hãm triệt hạ một phần thành. Quân ta ngã gục. Đại bác địch vẫn nã đều để hỗ trợ. Quân Pháp đặt thang leo vào. Quân ta chặt thang phóng hỏa… Viện binh của Pháp càng lúc càng vây chặt mặt thành, xung phong… Cửa đồn bị phá thủng. Thành mất. Quân ta đã thiệt hại gần 2.000 người. Nguyễn Tri Phương trong khi hỗn chiến đã bị thương ở cánh tay và rút tàn quân về Biên Hòa. Pháp phải trả nợ máu bằng 250 người, kể cả một vài sĩ quan.
Quân Pháp đánh chiếm đồn Kỳ Hòa (Chí Hòa) do Nguyễn Tri Phương trấn giữ ngày 24/2/1861. Hình trong sách “Histoire de l’Expédition de Cochinchine en 1861” (Lịch sử cuộc viễn chinh Nam Kỳ năm 1861) của Leopold Pallu De La Barriere, xuất bản năm 1864
Pháp tấn công thành Biên Hòa liên tiếp hai ngày sau, 27 và 28/11/1861, Nguyễn Tri Phương cố thủ… Viện binh triều đình từ Quảng Nam kéo vào.
Nguyễn Tri Phương từ một bậc tướng lãnh uy nghi lại bị nhà Vua giáng cấp làm tham tri trở về dưỡng bệnh ở Bình Thuận.
Đến tháng 8/1861 (tức năm Tự Đức thứ 14), người Pháp hạ thủ thành Định Tường và Gia Định, tiến chiếm Hốc Môn, Trảng Bàng và đến tháng 9 thành Biên Hòa cũng mất. Thế là Nam Kỳ lục tỉnh (Cochinchine) gần lọt vào tay quân Pháp. Vua Tự Đức vội vã hạ chiếu vời Nguyễn Tri Phương, và hồi chức Binh bộ Thượng thư kiêm Biên Hòa sự vụ. Cuộc chiến đấu không còn sôi động như những lần giao phong ác liệt trước, nhưng phong trào tự vệ dần mọc lên, tiếp theo là cuộc khởi binh của Trương Định và Nguyễn Văn Quan.
Nguyễn Tri Phương lại khởi trận chiến tăng cường binh lực, chỉnh đốn đại binh ở Bình Thuận và Phan Rí. Nhưng kễ hoạch bị tiết lộ, thủy sư đô đốc Bonard đã chỉ huy triệt hạ chiến thuyền của ta ngay từ khi mới tổ chức.
Hòa ước 1862 ra đời mang đến cho người ta một mối hận vong quốc.
Từ năm 1862 trở đi, Bắc Kỳ càng lúc càng loạn lạc. Giặc giã nổi lên khắp nơi: giặc Cai tổng Vàng ở Bắc Ninh, giặc tên Phụng ở Quảng Yên, giặc Nùng Hùng Khai ở Tuyên Quang… Nguyễn Tri Phương phải thêm một lần lãnh sứ mạng dẹp loạn đất Bắc. Thân già lắm gian truân, ngoài ông, không ai có thể lãnh trọng trách đó. Vua Tự Đức chỉ mong mỏi, chỉ tìm ở nơi ông một lòng hy sinh, một tấn can trường cứu quốc dù ông đã già, cái tuổi đáng ra phải hưởng mọi sự sung sướng của an nhàn! Nhân tại kinh thành loạn lạc, không ai chống giữ nổi, Vua Tự Đức bèn vời Nguyễn Tri Phương về Kinh bố phòng công cuộc án ngữ.
Cục diện diễn biến điều hòa và đã đem lại cho nước Nam ít năm thái hòa. Phái bộ Phan Thanh Giản và Phạm Phú Thứ sang Pháp cầu hòa và bệ kiến Napoleon III xin chuộc lại các tỉnh đã mất. Điều đó không đem lại kết quả mong muốn vì dù sao Pháp cũng đóng vai chủ động, mọi sự thương thuyết bất cần nếu không mang đến cho họ một sự bành trướng thế lực và nhiều món lợi to như phải đóng tiền quân phí vĩnh viễn cho họ. Kết quả đưa đến khốc hại: La Grandière buộc triều đình giao cho Pháp ba tỉnh hậu giang (ba tỉnh miền Tây). Tháng 6/1867, La Grandière chiếm Vĩnh Long. Phan Thanh Giản uống độc dược tự tử. Rốt cuộc, Châu Đốc và Hà Tiên cũng đều lọt vào tay người Pháp.
Nguyễn Tri Phương giữ tất cả việc trọng hệ quốc gia, từ bộ Binh đến bộ Công. Vua Tự Đức cám cảnh già nua của ông nên việc gì không quan trọng đều để cho ông an nhàn.
Miền Bắc bấy giờ lại thêm rối ren bởi giặc cướp… Từ loạn Ngô Côn làm phản, bọn Tô Tứ hành hung, đến tên cướp Hoàng Tề, bọn cờ Đen cờ Vàng ở vùng Tuyên Quang tung hoành chiếm cứ. Triều đình phải vất vả lắm mới dẹp yên.
Năm Tự Đức thứ 25 (1872), Nguyễn Tri Phương mang bệnh nặng xin về quê an dưỡng. Nguyễn Tri Phương an thân phận về già nhưng mỗi lần nghĩ đến quốc gia, ông vẫn mang máng nhớ đến lời tha thiết của Vua Tự Đức: “Khanh tuổi cao sức yếu, Trẫm cũng dư biết rồi nhưng việc nước long đong thế này, khanh có an lòng chăng?” Có lần Nguyễn Tri Phương thao thức suốt đêm dài trằn trọc, có lẽ vì cảm động lo nghĩ đến cảnh non nước điêu linh, bập bềnh, và cảnh vua tôi một lòng lo quốc biến. Ông vẫn vui với số mệnh và công vụ của mình, nhất là nhà Vua đã nghĩ nhiều đến chính mình: “Trong nước có được một vị lão thần như khanh là may mắn. Những việc thầm thường, khanh nên giao cho các bộ thần làm thay cho khanh, khanh nên vì quốc gia mà thận trọng tấm thân. Khanh chẳng nên khó nhọc quá sức, gây thêm một mối lo cho xã tắc”.
Năm 1871, một thương gia Pháp là Jean Dupuis lợi dụng tính chất khai thác lưu vực Hồng Hà – Vân Nam kiếm chuyện gây hấn với triều đình trong ván bài dùng bọn cướp Tàu Ô và bản xứ làm thế lực.
Năm 1873, Nguyễn Tri Phương đem quân từ Sơn Tây về giữ thành Hà Nội. Jean Dupuis đã nhiều lần gửi thư đe dọa ông. Tình thế trở nên căng thẳng. Các tỉnh Bắc Hà đều được phòng bị và báo động. Đô đốc Dupré truyền lệnh cho đại úy Francis Garnier mang đội chiến thuyền ra Bắc Hà. Garnier đến Hà Nội ngày 5/11/1873 và tin cho Dupré biết: “Tôi nhất định hành động. Tôi sẽ đem 180 quân bản bộ[2] hạ thành Hà Nội và bắt Nguyễn Tri Phương giải về Nam làm tù binh.”
Sáu giờ sáng ngày 20/11/1873, Francis Garnier triệt hạ thành Hà Nội với sự hỗ trợ của đoàn trọng pháo Bany và bộ binh Bain. Một sự bất ngờ khiến quân Nam không chống trả kịp. Súng bắn không trúng đích, ném đá không kết quả trong khi đại bác, súng trường vẫn giòn giã nã đạn vào một mục tiêu: Thành Hà Nội… Đến 7 giờ tối thành Hà Nội thất thủ! Quân Nam từng người ngã gục sau lời trăn trối âm thầm gửi lại non sông. Em Nguyễn Tri Phương là Nguyễn Duy và con trai ông là Phò mã Lâm tử trận. Nguyễn Tri Phương gục đầu bên vũng máu. Bên đùi ông đã nặng vết thương. Ông cố gắng gượng gạo đến khi quân Pháp bắt ông xuống tàu. Họ đổ thuốc cho ông mau bình phục, họ băng bó vết thương.
Nguyễn Tri Phương rơi nước mắt! Non nước ơi! Còn đâu nữa! Phương này sẽ chết theo tiếng gọi của nước non! Biết bao nhiêu nỗi cảm xúc đã đến với ông trong giờ phút đau đớn này. Uống thuốc làm sao được khi ông còn nghẹn ngào nhìn về tương lai dân tộc. Băng bó làm gì để kéo dài chuỗi ngày vô dụng, với cái cảnh “hổ trong lồng nhìn ra núi non rừng rậm”. Nguyễn Tri Phương đã chọn đến một cái chết đầy can đảm. Yếu tố can đảm nhiệt thành của viên dũng tướng nhà Nam khi ông tuyên bố tuyệt thực đến chết! Ngày 20/12/1873, non sông vắng bặt vị anh hùng. Nguyễn Tri Phương thọ 74 tuổi.
“Làm tướng phải chết, và chết ở trận tiền không phải là cái chết nhục nhã.”
Nguyễn Tri Phương đã sống và đã chết theo một ý nguyện quốc gia. Lịch sử đã ghi nhận một điểm son trong thời kỳ chạm trán với quân viễn chính Pháp.
Nguyễn Tri Phương đã là nạn nhân đầu tiên bước lên chiến trường khoa học, chiến trường đó có súng đạn, tàu bè tối tân áp đảo cả hệ thống phòng thủ cổ lỗ của gươm đao, súng mã tử! Ông là kẻ giao thời Đông – Tây gặp gỡ. Và ông không hổ danh là một bậc tiền bối đứng đầu trên nấm mồ những vị anh hùng chống Pháp!■
[1] Theo Phan Trần Chúc và Lê Quế
[2] Quân dưới quyền chỉ huy trực tiếp của một viên tướng
(Theo dòng lịch sử)