Philippines sẽ thực hiện “tất cả các hành động thích hợp để dỡ bỏ các rào chắn” tại một khu vực có tranh chấp ở Biển Đông, cố vấn an ninh quốc gia Philippines nói hôm thứ Hai.
Philippines hôm Chủ Nhật đã chia sẻ những hình ảnh cho thấy một hàng rào nổi chặn tàu đánh cá tiếp cận Bãi cạn Scarborough, với các tàu tuần duyên Trung Quốc đậu gần đó. Manila nói sẽ bảo vệ quyền lợi của ngư dân nước mình.
Biển Đông: VN theo sát tàu TQ gần mỏ dầu do Nga khai thác trong EEZ
Trung Quốc nói Biển Đông không phải ‘đấu trường’ của các cường quốc
‘Trung Quốc đã quân sự hóa hoàn toàn một số đảo nhân tạo trên Biển Đông’
“Chúng tôi lên án việc lực lượng tuần duyên Trung Quốc lắp đặt các rào chắn nổi,” cố vấn an ninh quốc gia Eduardo Año cho biết trong một thông cáo.
Philippines cáo buộc Trung Quốc lắp đặt “hàng rào nổi” này là để ngăn tàu cá của ngư dân Philippines đi vào Bãi cạn Scarborough.
Lực lượng tuần duyên Philippines nói chướng ngại vật dài 300m ngăn cản ngư dân hoạt động ở một đầm phá nằm trong Bãi cạn Scarborough.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hơn 90% diện tích Biển Đông, đã và chiếm giữ bãi cạn này vào năm 2012.
Thiếu tướng Hải quân Jay Tarriela của Lực lượng Tuần duyên Philippines cho biết một đội tuần tra nước này đã phát hiện ra rào chắn vào hôm thứ Sáu.
Ông nói ba tàu tuần duyên và một tàu dân quân biển Trung Quốc đã lắp đặt hàng rào chắn khi tàu Philippines đến.
Các tàu Trung Quốc đã phát đi qua sóng vô tuyến 15 thách thức và cáo buộc tàu và ngư dân Philippines vi phạm luật pháp quốc tế và của Trung Quốc, trước khi rời đi “khi nhận thấy sự hiện diện của giới truyền thông trên tàu (Philippines)”, ông nói.
Hãng tin Reuters cho biết Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Thiếu tướng Tarriela của lực lượng tuần duyên Philippines cho biết rào chắn này đang “tước đoạt sinh kế của [ngư dân]”.
Ông nói thêm rằng ngư dân Philippines cho biết Trung Quốc thường lắp đặt các rào chắn như vậy.
Ông cho biết cơ quan của ông sẽ làm việc với các chính phủ liên quan nhưng sẽ “bảo vệ các quyền trên biển và bảo vệ vùng biển của chúng tôi”.
Biển Đông là ngư trường giàu có và được cho là có trữ lượng dầu khí khổng lồ. Hơn một nửa số tàu đánh bắt cá trên thế giới hoạt động ở khu vực này.
Trung Quốc bị phản đối ở nhiều nước
Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc – bao gồm chủ quyền đối với các vùng đất liền và vùng biển lân cận – đã khiến không chỉ Philippines mà còn cả Việt Nam, Đài Loan, Malaysia và Brunei bực bội.
Trung Quốc đã hậu thuẫn cho các yêu sách mở rộng của mình bằng việc xây dựng đảo và tiến hành tuần tra trên biển.
Hoa Kỳ nói họ không đứng về bên nào trong các tranh chấp lãnh thổ, nhưng đã cử tàu quân sự và máy bay đến gần các đảo tranh chấp trong hoạt động mà họ gọi là các chiến dịch “tự do hàng hải”.
Bắc Kinh đã chiếm giữ Bãi cạn Scarborough vào năm 2012 và buộc ngư dân Philippines phải đi xa hơn, đánh bắt ở những vùng biển ít cá hơn.
Về sau, Trung Quốc cho phép Philippines đánh cá gần đó, khi quan hệ được cải thiện dưới thời cựu Tổng thống Rodrigo Duterte.
Tuy nhiên, căng thẳng đã gia tăng kể từ khi Ferdinand Marcos Jr trở thành tổng thống vào năm ngoái.
Tổng thống Marcos Jr đã khôi phục quan hệ an ninh với Hoa Kỳ và vào đầu năm 2023 đã cho phép quân đội Mỹ tiếp cận rộng rãi hơn các căn cứ quân sự của Philippines.
Điều này khiến Trung Quốc tức giận, bởi sự hiện diện mạnh mẽ hơn của Mỹ ở Philippines giúp cho Washington có một vòng cung liên minh trải dài từ Hàn Quốc và Nhật Bản ở phía bắc đến Australia ở phía nam.