Saturday, November 23, 2024
No menu items!
spot_img
HomeHOA KỲGiám đốc FBI: Lực lượng tình báo Mỹ 'lép vế hơn nhiều'...

Giám đốc FBI: Lực lượng tình báo Mỹ ‘lép vế hơn nhiều’ so với Trung Quốc

Frank Fang

Theo Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray, Hoa Kỳ đang phải đối mặt với mối đe dọa gián điệp từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) với quy mô lớn hơn những gì Liên Xô phải đối mặt trong Chiến tranh Lạnh.

Hơn nữa, so với Trung Quốc, Hoa Kỳ tuyển dụng số lượng sĩ quan tình báo ít hơn, ông Wray nói với ấn phẩm The New York Times trong một cuộc phỏng vấn đăng ngày 17/9.

“Thực tế là trên thực địa, chúng ta đông hơn rất nhiều so với Trung Quốc, nhưng nhiệm vụ của chúng ta là bảo vệ người dân Mỹ ở quê nhà. Tôi coi đây là thách thức của thế hệ chúng ta”, ông Wray cho hay.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Wray đề cập đến chủ đề này. Hồi tháng 4, ông Wray cũng nói với các nhà lập pháp Hạ viện Mỹ rằng tin tặc Trung Quốc đông hơn các đặc vụ của FBI với tỷ lệ “ít nhất là 50 chọi 1”, và nỗ lực tấn công mạng của Trung Quốc “lớn hơn nỗ lực tấn công mạng của mọi quốc gia cộng lại”.

ĐCSTQ đang tiến hành một cuộc chiến bí mật trên lãnh thổ nước Mỹ và FBI đã đi đầu trong việc chống lại các nỗ lực gián điệp của chế độ này.

Trong những tháng gần đây, hai người đã bị bắt vì nghi ngờ điều hành một đồn cảnh sát bí mật ở thành phố New York, trong khi hai thủy thủ Hải quân bị bắt vì cáo buộc chuyển thông tin quân sự nhạy cảm cho các sĩ quan tình báo Trung Quốc.

Ông Wray lập luận: “Họ [ĐCSTQ] đang truy lùng mọi thứ. Điều khiến bộ máy tình báo của chính quyền Trung Quốc trở nên nguy hiểm là cách họ sử dụng mọi phương tiện sẵn có để chống lại chúng ta cùng lúc, kết hợp giữa mạng, trí tuệ con người, các giao dịch và đầu tư của doanh nghiệp để đạt được các mục tiêu chiến lược của mình”.

Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng tham vọng chiến lược của ĐCSTQ cuối cùng là nhằm mục đích lật đổ nước Mỹ để Trung Quốc thành cường quốc số một trên thế giới. Trong một báo cáo hồi năm ngoái, Lầu Năm Góc cảnh báo rằng Trung Quốc có kế hoạch đánh bại Mỹ trong một trận chiến bằng cách áp đảo năng lực điện tử, thông tin và hậu cần của nước này.

Mối đe dọa từ ĐCSTQ

Ông Wray nói với NY Times rằng FBI có hàng nghìn cuộc điều tra tình báo mở về Trung Quốc và mỗi văn phòng trong số 56 văn phòng hiện trường của FBI đều có các vụ việc đang hoạt động.

Những cuộc điều tra này bao gồm các nỗ lực của gián điệp Trung Quốc nhằm tuyển dụng người cung cấp thông tin, đánh cắp thông tin, đột nhập vào hệ thống và quấy rối các nhà bất đồng chính kiến ​​​​Trung Quốc.

ĐCSTQ đang thực hiện các hành vi đàn áp xuyên quốc gia trên khắp thế giới, chủ yếu là để bịt miệng những người chỉ trích chế độ này ở hải ngoại. Một vụ việc gần đây liên quan đến nỗ lực của chế độ nhằm đe dọa một vận động viên trượt băng nghệ thuật Olympic Hoa Kỳ và gia đình cô sau khi họ lên tiếng trên mạng xã hội về những vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh.

FBI đã tung ra các quảng cáo có mục tiêu kêu gọi mọi người ra trình báo nếu họ là nạn nhân của ĐCSTQ.

“Chính phủ Trung Quốc nhắm mục tiêu, đe dọa và quấy rối người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ ở Hoa Kỳ, các HỌC viên Pháp Luân Công, những người ủng hộ dân chủ ở Đài Loan và Hong Kong, cũng như bất kỳ ai đặt câu hỏi về tính hợp pháp hoặc thẩm quyền của ĐCSTQ”, FBI Boston đã viết trong một bài đăng X vào ngày 15/9, yêu cầu mọi người hãy gọi cho FBI nếu họ trở thành mục tiêu của ĐCSTQ.

Đại tướng Charles Q. Brown Jr., Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, hồi đầu tháng này đã đưa ra một tuyên bố cảnh báo các phi công rằng quân đội Trung Quốc, Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), đang cố gắng “khai thác kiến thức và kỹ năng của các bạn để lấp đầy những lỗ hổng trong năng lực quân sự của họ”.

Tướng Brown viết: “Các công ty nước ngoài đang nhắm mục tiêu và tuyển dụng các nhân tài quân sự do Mỹ và NATO đào tạo trong các lĩnh vực chuyên môn và nghề nghiệp để đào tạo PLA ở hải ngoại nhằm lấp đầy khoảng trống về năng lực quân sự của họ”.

“Về cơ bản, bằng cách đào tạo huấn luyện viên, việc nhiều người chấp nhận ký kết hợp đồng với các công ty nước ngoài này đang làm xói mòn an ninh quốc gia của chúng ta, gây nguy hiểm cho sự an toàn của các quân nhân và đất nước của họ, đồng thời có thể vi phạm pháp luật”.

‘Đơn phương giải trừ quân bị’

Ông Wray đã nhấn mạnh sự cần thiết phải gia hạn Điều 702 của Đạo luật Giám sát Tình báo Nước ngoài (FISA) tại sự kiện “Spy Chat” tại Bảo tàng Gián điệp Quốc tế ngày 7/9.

Ông Wray tuyên bố: “Ngay từ đầu nhiệm kỳ của mình, tôi đã khẳng định rằng không có quốc gia nào – nhấn mạnh là không có quốc gia nào – đại diện cho mối đe dọa phản gián rộng hơn, nghiêm trọng hơn đối với Mỹ so với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.

“Và theo quan điểm của tôi, việc hạn chế, cản trở hoặc mất khả năng tiếp cận Điều 702 của FISA sẽ là một hình thức đơn phương giải trừ quân bị trước ĐCSTQ”.

Điều 702 của FISA cho phép thu thập thông tin tình báo về các đặc vụ nước ngoài hoạt động bên ngoài Hoa Kỳ. Đạo luật này dự kiến ​​​​sẽ hết hạn vào ngày 31/12/2023 và phải được Quốc hội Mỹ gia hạn sau 5 năm liên tiếp.

Ông Wray cảnh báo rằng chính phủ Trung Quốc đang tìm cách đánh cắp các phát minh của Mỹ về trí tuệ nhân tạo (AI). Ông giải thích rằng Hoa Kỳ dẫn đầu thế giới về phát triển AI, và khoảng 18 trong số 20 công ty AI thành công nhất trên thế giới là công ty của Mỹ.

Ông nói thêm: “Khỏi cần phải nói, chính phủ Trung Quốc có mối quan tâm rất lớn đối với những công nghệ này”.

Ông Gregory Allen, người đứng đầu Trung tâm AI và Công nghệ tiên tiến Wadhwani của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, đã nói với các nhà lập pháp vào tháng 5 rằng vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trong lĩnh vực AI quân sự “không phải tất cả đều được đảm bảo”.

“Trong khi Hoa Kỳ có những lợi thế đáng kể, thì Trung Quốc cũng có thể nhanh chóng dẫn đầu trong việc áp dụng năng lực AI của chính phủ và quân đội. Đây là kết quả mà Mỹ nên tìm cách ngăn chặn”, ông Allen nêu rõ.

Vào tháng 7, một nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng của Hạ viện đã đệ trình Dự luật về việc lấp các lỗ hổng đối với Đạo luật sử dụng và phát triển trí tuệ nhân tạo (CLOUD AI) ở nước ngoài.

Theo thông cáo báo chí của đạo luật này, Trung Quốc đã lạm dụng chế độ kiểm soát xuất khẩu của Bộ Thương mại Mỹ bằng cách “truy cập từ xa vào công nghệ trực tuyến của Mỹ để tiếp tục phát triển các công cụ và mô hình trí tuệ nhân tạo của họ”.

Nếu được ban hành, đạo luật này sẽ “vá lỗ hổng đó” và ngăn Trung Quốc “sử dụng sự đổi mới của Mỹ để tăng tốc trí tuệ nhân tạo của chính họ”.

(Theo The Epoch Times, Lam Giang biên dịch)

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments