Binh lính Mỹ, Indonesia và năm quốc gia khác bắt đầu cuộc tập huấn hàng năm hôm 31/8 trên đảo Java của Indonesia trong khi sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc đang gây lo ngại.
Binh sĩ Mỹ và Indonesia đã tổ chức cuộc tập trận bắn đạn thật Lá chắn Siêu Garuda từ năm 2009. Úc, Nhật Bản và Singapore cũng tham gia vào năm ngoái. Lực lượng Anh và Pháp tham gia cuộc tập trận năm nay với tổng số khoảng 5.000 quân nhân.
Trung Quốc coi các cuộc tập trận mở rộng này là một mối đe dọa, cáo buộc Mỹ xây dựng một liên minh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tương tự như NATO để hạn chế ảnh hưởng quân sự và ngoại giao ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Brunei, Brazil, Canada, Đức, Ấn Độ, Malaysia, Hà Lan, New Zealand, Papua New Guinea, Philippines, Hàn Quốc và Đông Timor cũng cử quan sát viên tới cuộc tập trận kéo dài hai tuần ở Baluran, một thị trấn ven biển ở tỉnh Đông Java của Indonesia.
Tướng Charles Flynn, Tư lệnh Lục quân Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, cho biết 19 quốc gia tham gia huấn luyện là sự thể hiện mạnh mẽ tinh thần đoàn kết đa phương nhằm bảo vệ một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
“Lá chắn Siêu Garuda 2023 được xây dựng dựa trên thành công to lớn của năm ngoái,” ông Flynn cho biết trong một tuyên bố do Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Jakarta đưa ra hôm 29/8. “Cuộc tập trận chung, đa quốc gia này thể hiện cam kết tập thể và sự đoàn kết cùng chí hướng của chúng ta, cho phép một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ổn định, an toàn, hòa bình, tự do và cởi mở hơn.”
Tuyên bố cho biết có ít nhất 2.100 binh sĩ Mỹ và 1.900 quân Indonesia sẽ tăng cường khả năng tương tác thông qua huấn luyện và trao đổi văn hóa, bao gồm mô phỏng chỉ huy và kiểm soát, diễn tập đổ bộ, hoạt động trên không, diễn tập chiếm giữ sân bay và huấn luyện thực địa chung kết hợp với đỉnh cao là một sự kiện bắn đạn thật.
Lá chắn Garuda đang được triển khai ở một số nơi, bao gồm cả vùng biển xung quanh Natuna ở phần phía nam của Biển Đông.
Indonesia và Trung Quốc nhìn chung có mối quan hệ tích cực, nhưng Jakarta bày tỏ lo ngại về điều mà họ coi là sự xâm lấn của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế của nước này ở Biển Đông.
Rìa của vùng đặc quyền kinh tế chồng chéo với “đường chín đoạn” mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố nhằm phân định yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.
Các hoạt động gia tăng của tàu tuần duyên và tàu đánh cá Trung Quốc trong khu vực đã làm cho Jakarta lo lắng, khiến hải quân Indonesia tiến hành một cuộc tập trận lớn vào tháng 7 năm 2020 tại vùng biển quanh Natuna.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi ngày 31/8 bình luận về “Bản đồ Tiêu chuẩn” mới được công bố của Trung Quốc, trong đó thể hiện các yêu sách lãnh thổ của nước này ở Biển Đông, vượt qua các vùng đặc quyền kinh tế hàng hải của Malaysia gần Sabah và Sarawak, và một số quốc gia khác như Brunei, Philippines, Indonesia và Việt Nam.
Bà kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, nói rằng “việc vẽ bất kỳ đường (lãnh thổ) hoặc bất kỳ yêu sách nào đều phải phù hợp” với Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm 30/8 kêu gọi các nước khác kiềm chế “diễn giải quá mức” bản đồ này.
Bộ Ngoại giao Malaysia hôm 30/8 bác bỏ “tuyên bố đơn phương” của Trung Quốc và cho biết bản đồ này “không ràng buộc” đối với Malaysia.
Ấn Độ hôm 29/8 đã chính thức phản đối bản đồ trong đó cho thấy Arunachal Pradesh và Cao nguyên Doklam, nơi hai bên có quan hệ thù địch, nằm trong biên giới của Trung Quốc.
Philippines ngày 31/8 nói tấm bản đồ này là nỗ lực mới nhất của Trung Quốc nhằm đòi chủ quyền đối với các thực thể và vùng biển của Philippines và cho biết nó không có cơ sở theo luật pháp quốc tế.
(Theo VOA)