Hà Thúc Sinh
TRẠI AN DƯỠNG
7/76 – 8/77
(Tiếp theo)
BA MƯƠI HAI
Bà cụ trông vui vẻ vô cùng. Anh con trai đã rút vào nhà trong ngồi đan giỏ. Bà cụ ngó trời ngó đất rồi nói nho nhỏ.
– Các cháu chắc khổ lắm!? Nói đoạn bà cụ sắp xếp lại mấy chai rượu trên bàn, nói như an ủi. Mấy ông lớn bậy quá, làm cả nước khổ! Một anh tù cảm khái, đáp.
– Thôi bác ạ, nếu nói bậy thì chính cháu cũng bậy, cũng có lỗi với dân chúng và đất nước rất nhiều…
Câu nói bỗng bị bỏ lửng khi mọi người nhác thấy quản giáo Hồng đã xuất hiện phía ngoài đường. Cả bọn đứng lên. Vài người cám ơn bà cụ. Riêng Hóa từ lúc nãy đã quyên góp được gần hai chục bạc, anh bước lại lễ phép đưa cho bà cụ số tiền. Bà cụ giẫy nẩy không nhận. Bà nói.
– Không, bác đã bảo rồi. Đây là lần đầu tiên từ ngày trại này biến thành trại cải tạo, các anh cải tạo được ghé vào đây ăn uống. Tiếc là bác chẳng có gì đãi. Bác không nhận tiền của các cháu đâu.
Hóa cố nhét vào túi bà cụ nhưng bà cụ không lấy. Vừa lúc ấy quản giáo Hồng bước vào. Hắn hỏi khơi khơi.
– Sao, má đã cho các anh uống nước rồi chứ? Cám ơn rồi về!
Bà cụ bước tới nói vài câu xã giao với tên quản giáo.
Ít phút sau cả đám đã bước ra đường xếp hàng. Những tay vệ binh áp tải tù cũng vừa tới. Đoàn tù lại cuốc xẻng hăng hái trở về trại. Trong lòng ai cũng thấy vui. Quản giáo Hồng cứ tủm tỉm cười và ngó vào mặt từng người. Có lẽ hắn muốn hỏi một câu gì đó, nhưng ngại tụi vệ binh nên không nói gì. Vĩnh đoán được niềm vui trong lòng hắn. Hắn đã làm được một việc dồn nén từ lâu trong lòng, phát xuất từ bản chất lè phè và ương ngạnh của một người gốc miền Nam – đã dám làm những điều mình thích mà không ai dám làm.
Trên đường về, đám Vĩnh thấy toán mắc dây điện của Lê Văn Tần vẫn làm việc trên những cột điện mới trồng. Đây đó những đội hình xếp hàng hai cũng đang mệt mỏi lê gót về phía các trại tù. Đi qua một dãy nhà thuộc ban chỉ huy trại ba, mọi người nhìn thấy một toán vệ binh đang đánh bóng chuyền trên một vuông sân. Lúa gạo miền Nam gần hai năm qua đã biến những xác chết biết đi thành những thân xác vạm vỡ. Dù sao không ai muốn nhìn lâu hơn, vì trên những thân xác ấy là những biểu lộ sự sỉ nhục lớn lao với đám tù: Mỗi thằng đều mặc một cái quần đùi may bằng cờ quốc gia, cờ vàng ba sọc đỏ; một ngọn cờ đã lồng lộng giữa trời tự do, giữa trái tim mọi người yêu tự đo, và đã được tô thắm bằng bao máu xương của bao thế hệ trai trẻ!
Chẳng ai buồn nói với ai. Đi qua một vài dãy nhà khác của bọn bộ đội, Vĩnh và các bạn thoáng nghe một vài câu vọng cổ quen thuộc vang ra từ một chiếc radio của bọn vệ binh. Rõ ràng là giọng Lệ Thủy. Dù yêu nhạc, nhưng xưa kia Vĩnh không thích cải lương. Bây giờ thì khác. Gần hai năm bặt tiếng người của thế giới bên ngoài, tự dưng được nghe lại một câu vọng cổ, lại được hát bằng giọng của một cô đào nổi tiếng Sài Gòn năm xưa, lòng ai cũng nghẹn ngào thổn thức. Vĩnh chạnh nghĩ tới Trúc, chồng Lệ Thủy từng sống với anh ở Trảng Lớn trước đây… Chả hiểu giờ này nó ở đâu? Anh nhớ đến mấy quả ô mai Trúc cho anh khi anh đau lê lết vì bệnh sạn thận…
BA MƯƠI BA
Rõ ràng tin thăm nuôi đã có đến 80 phần trăm đúng, khi bọn quản giáo ráo riết động viên tù lao động tốt, chấp hành nội quy tốt để được chấm công cao và dĩ nhiên sẽ được thăm nuôi sớm hơn người khác. Song song với những đợt động viên, kêu gọi, khích lệ một cách… bắt buộc ấy, những chiếc loa lớn cũng được toán thợ điện Lê Văn Tần lần lượt treo trên những điểm cao nhất của các trại. Ngoài ra, những toán thợ mộc của các trại cũng đã được lệnh thiết lập một dãy nhà thăm nuôi nằm gần khu cổng chính.
Để sửa soạn cho lần thăm nuôi đầu tiên, bọn cán bộ cai tù Cộng sản phát động một chiến dịch đào ao cá. Ao cá này nằm về phía Bắc trại An Dưỡng. Chiến dịch huy động này cả 4 trại tham gia với tổng số lao động cả ngàn người.
Nơi đây là một vùng đất hoang, cửa ngõ dẫn đến một vùng đồi cỏ cây rậm rạp và có nhiều suối nước lớn nhỏ. Thực ra vùng đất này đã được khai quang khá nhiều và anh em cảnh sát trước đây cũng đã khởi sự nhiều bước đầu trong công cuộc thực hiện ao cá. Hiện nay cả ngàn người lại được huy động làm tiếp công tác bỏ dở đó.
Vì là quy mô lớn nên dĩ nhiên ao cá phải rất lớn. Ao có chiều dài sáu mươi thước, ngang bốn mươi thước, đào sâu xuống lòng đất bốn thước, chung quanh đắp bờ cao ba thước, chân bờ rộng năm thước và đê bờ rộng hai thước rưỡi.
Hai trăm tù thường trực đứng dưới lòng ao để đào. Ba trăm khiêng ki. Ba trăm đắp bờ và non ba trăm khác lo đủ thứ việc linh tinh như tiếp tục khai quang, đắp một con đường mới chạy vòng lên tới con đường gần bệnh xá, sửa chữa bảo trì các dụng cụ đào ao…
Trong thời gian thực hiện công tác đào ao cá – một cái ao lớn đến độ bọn tù đâm thắc mắc không hiểu là sẽ dùng nuôi cá mập hay làm mồ chôn tập thể cho chính mình khi cần thiết – bọn tù đã phải lao động 10 tiếng một ngày.
Nếu từ trên cao nhìn xuống, người ta có thể hình dung ra một quang cảnh của thời nô lệ xa xưa, nơi ấy những kiếp người khốn khổ đang khổ dịch xây dựng một công trình kiến trúc cho các bậc vua chúa ở La Mã hay Ai Cập gì đó. Và nếu người ta nhìn xa hơn một tí nữa về phía phi trường Biên Hòa, người ta sẽ vô cùng ngạc nhiên khi thấy hàng đống máy cày, máy ủi, máy xúc đất; hàng đống cơ giới tối tân của “Mỹ ngụy” để lại đã bị bỏ phế một cách vô cùng phí phạm, mặc cho nắng mưa dập vùi để một ngày kia biến thành đống sắt vụn. Tại sao chúng không xử dụng đến những máy móc đó? Trong lũ tù đang lao động quần quật kia, đâu có thiếu những kỹ sư tài ba, những chuyên viên cơ giới lỗi lạc? Nơi đây, một lần nữa xác nhận câu nói của một chính khách Tây phương đúng tuyệt đối: Thời chuyên chính vô sản nắm quyền chính là thời mà nhân và vật lực bị phung phí một cách kinh khủng nhất!
Vĩnh khênh ki cùng với Đặng Ngọc Sinh, họa sỹ và là tổ viên của tổ 3. Sinh hiền lành và nhẫn nhục, vẽ thật đẹp và cũng vô cùng khéo tay trong những công việc thủ công như biến những miếng Inox thành những quân cờ, biến những miếng nhôm dày thành những cái lược có xủi hình long ly quy phượng thật tinh xảo… Một người ít nói vì bệnh tật, một người ít nói vì bản tính, khiêng đất chung với nhau nên một ngày lao động mà coi như dài bằng ba. Dẫu sao Vĩnh thấy như vậy thoải mái hơn. Mỗi ngày, cứ đi lên đi xuống để khênh đất, anh tính nhẩm mình phải bước tới hơn tám trăm nấc thang, những nấc thang đục khoét lài lài theo thế đất cho những người khiêng ki xuống lấy đất và đem đất lên đắp bờ ao… Trong khi đi lên đi xuống, Vĩnh cố gắng tập trung tư tưởng để suy nghĩ những điều anh hằng theo đuổi, hai mắt cố chụp cho hết những hình ảnh, những góc cạnh của chốn địa ngục này.
Với non một ngàn tù thực hiện công tác, dưới sự đốc công trực tiếp của bọn cán bộ trung đoàn, ao cá đã thành hình nhanh chóng. Giờ đây, mỗi khi từ dưới lòng ao khênh đất lên tới bờ thành, Vĩnh đã có thể đứng quan sát suốt một vùng rộng lớn. Anh có thể nhìn thấy những nóc nhà hăng-ga của phi trường Biên Hòa, nhìn thấy những dãy trại nằm san sát nhau, nhìn thấy cả cái tháp nước mà anh nghĩ rằng nó là cái tháp nước phía trước quân đoàn 3 xưa kia… Nhìn lên hướng Bắc, Vĩnh chỉ thấy chập chùng một vùng đồi cây. Có anh em nào của ta trấn đóng trong những vùng đồi cây hoang dã ấy không? Hết ngó vời hướng Bắc, Vĩnh lại ngó về hướng Nam… Nơi đây xa Gia Định chẳng là bao nhiêu đường chim bay, nơi ấy có gia đình họ hàng anh sinh sống… Chao ôi! Thân nhân anh, hàng xóm anh và mấy chục triệu người dân ngày nay sinh sống ra sao? Họ có đói như trong này không? Có nhòm nhỏ tố giác nhau không? Ai giữ được liêm sỹ, ai bị cuốn hút vào cái giòng đời dơ bẩn hiện nay?
Một cán xẻng đập nhẹ vào hông Vĩnh lúc anh vừa đổ xong mớ đất trên cái ki xuống bờ đê và đứng nghĩ ngợi vu vơ. Tiếp theo là một tiếng nói nho nhỏ.
– Tôi vừa gặp một thằng bạn bên trại 4. Nó trong khâu đào đất dưới kia. Nó hỏi tôi có phải có ông bên này không? Nếu có thì nhắn hộ rằng có một người quen ông bên trại 2 gửi lời hỏi thăm ông. Tên hắn là Nguyễn Chí Kham…
Kim thuộc khâu san đất trên bờ ao, vừa thuật lại lời nhắn với Vĩnh. Vĩnh nghĩ mãi đến cái tên mà không nhớ ra. Nguyễn Chí Kham? Nguyễn Chí Kham nào kìa?
– Hắn có nói gì thêm không?
– Có, nó bảo tay Kham nhắn ông là có cả Dzoãn Bình trong này…
Nghe đến cái tên Dzoãn Bình thì Vĩnh mới trực nhớ ra cái tên Nguyễn Chí Kham. Kham là một tay viết truyện ngắn xuất hiện khá thường xuyên trên các báo Văn, Vấn Đề và Bách Khoa trước đây.
– À, tôi nhớ ra rồi. Vậy tay Kham có lao động ở đây không?
Kim lắc đầu mệt mỏi.
– Tôi đâu có biết. Ông hỏi tay ngồi dưới kia kìa.
Theo Kim chỉ, Vĩnh nhìn xuống lòng ao sâu thẳm. Đâu có dễ để nhận ra một người rách rưới, gầy còm, xanh xao trong cả một rừng người đồng dạng như thế! Cuối cùng qua sự mô tả của Kim, Vĩnh định điểm được anh chàng nhắn tin đó. Điểm để nhớ chỉ có cái mũ của anh ta hơi khác mọi người, ấy là anh chùm luôn lên đầu một cái bao cát thay vì khâu vá biến chế thành một cái mũ như mọi người.
Chuyến lấy đất kế tiếp Vĩnh cố lái Đặng Ngọc Sinh về phía anh chàng đội cái bao cát trên đầu. Vĩnh đặt cái ki xuống trước mặt anh để anh xúc đất đổ vào. Vĩnh quan sát một vòng. Bọn cán bộ giờ đã rút vào một góc có bóng mát của ao cá. An toàn! Vĩnh cất tiếng hỏi.
– Xin lỗi anh, có phải anh là bạn của Kim không?
Anh chàng đang xúc đất vội ngừng tay, ngước lên nhìn Vĩnh. Qua một thoáng dò xét anh ta gật đầu.
– Vâng.
Vĩnh thấy anh ta hơi kỹ trong cách trả lời, anh cố cười thật tươi.
– Phe ta cả. Xin anh đừng nghi ngại. Khi nãy Kim có nói với tôi anh có lòng tốt nhắn hộ…
Người đối diện như đã nắm vững vấn đề, anh ta vui vẻ trở lại.
– À, đúng rồi. Thằng Kham cùng tổ tôi nó được biết có anh bên trại 1, nó cũng biết trại anh lao động ở đây nên nhờ tôi tìm cách nhắn hộ. Không dè gặp Kim. Không dè cũng có anh ở đây nữa…
Vĩnh hy vọng có tin gì mới lạ, anh vội vã.
– Thế Kham hắn có nói gì không anh?
Người đối diện lắc đầu.
– Không, không nói gì cả, chỉ nói vậy thôi. Anh bạn nói đoạn nhìn Vĩnh hỏi tiếp. Anh là bạn nó ngoài đời hả? Thằng ấy nguy hiểm quá. Nó cứ viết lách lung tung. Tôi ăn cơm chung với nó từ hồi Katum 1, lên tới đây nó còn ráng đem theo đống tập vở của nó. Tôi teo quá! Anh bạn lại tặc lưỡi. Dù sao nó chỉ viết truyện tình. Truyện nó hay lắm… (Còn tiếp)