P. Nguyễn Dũng
Năm xưa, trước thời điểm biến cố Tháng Tư 1975, tôi sống và đi học ở Đà Lạt, thường nghe người lớn nói rằng Đà Lạt gần giống như một Thụy Sĩ của Việt Nam. Có núi cao, hồ lớn, cảnh quan mỹ miều và khí hậu trong lành, mát lạnh như Thụy Sĩ. Đà Lạt cũng có những trường học nổi tiếng khu vực Đông Nam Á thời ấy, không khác gì những trường y, trường doanh thương và trường đào tạo những nghệ nhân trong ngành đón tiếp và phục vụ du khách nổi tiếng của Thụy Sĩ.
Vào những năm 1970, Thụy Sĩ là một điểm đến rất khó đến đối với người Việt Nam dù cho hãng Swissair có đường bay nối Zurich với Sài Gòn. Vấn đề tài chánh và quân dịch là hai vật cản chính. Phải là con nhà rất giàu và có quan hệ tốt mới hy vọng có được hộ chiếu và thị thực qua Thụy Sĩ du học, khác hẳn bây giờ. Thời đó, chỉ có những gia đình rất khá giả mới đủ điều kiện đưa người thân của họ sang Thụy Sĩ điều trị và dưỡng bệnh, nhất là những ai bị bệnh lao.
Nhưng rồi dòng đời đổi thay, Thụy Sĩ tuy không gia nhập EU nhưng sau này chấp nhận cho những ai có thị thực (visa) Schengen được vào nước họ du lịch. Và tôi được dịp lên đường, thỏa mãn ước mơ khi còn là học sinh trung học ở Đà Lạt, đến một đất nước nổi tiếng thế giới về chocolate, pho-mát, đồng hồ, dao bỏ túi (Swiss knife Victorinox)… và những ngân hàng bảo đảm an toàn luôn giữ bí mật tuyệt đối thông tin khách hàng.
LẦN ĐẦU LÊN ĐỈNH NÚI TUYẾT
Sau Pháp (đất nước châu Âu mà tôi đã đến thăm hơn 20 lần) thì Thụy Sĩ là quốc gia châu Âu tôi tìm đến nhiều hạng nhì với tám lần. Những Zurich, Lucern, Geneve, Lausanne, Montreux, Vevey, Gruyères, Bern, Basel, Brunnern, Interlaken, Grindelwald, Jungrau, Lauterbrunnen, Ticino… đã thăm qua, chụp rất nhiều ảnh kỷ niệm. Nhưng có nơi này là tôi nhớ nhiều nhất vì được mời đến tham quan đến bốn lần.
Đó là làng nhỏ ở miền núi tuyết lạnh có tên là Engelberg (Làng Thiên thần) với đỉnh cao Tiltis, trạm dừng lưng chừng núi Trubsee. Những món ngon của Thụy Sĩ, từ lẩu pho-mát (fondue) qua pho-mát nướng (raclette) đến bia và vang Thụy Sĩ, vốn rất hiếm không hề có bán tại Sài Gòn, tôi đều nếm biết lần đầu tại đây! Ngoài ra còn có các trò chơi đi xe hai bánh không cần phải đạp xuống núi hoặc trượt tuyết trên máng gỗ tobogan…
Điểm đến trên núi cao phủ tuyết này chỉ cách nhà ga đường sắt trung tâm Zurich chừng hơn một tiếng tàu điện tốc hành luôn khởi hành và đến nơi rất đúng giờ. Rất tiện, nhanh, sạch. Từ Engelberg, chúng tôi cũng đi tàu điện ngoạn cảnh đến Zermatt, một thị trấn du lịch không hề sử dụng xe hơi, chỉ có xe điện và xe ngựa và… đi bộ. Điểm son của Zermatt chính là đỉnh núi hình tam giác Matterhorn mà chúng tôi cũng có dịp lên chụp ảnh kỷ niệm dù trời rét căm căm.
Tác giả trên cầu treo Titlis
Có bạn từng hỏi, bốn lần thăm một điểm đến mà không chán ư? Không hề có cảm giác ấy khi lần nào đến chúng tôi cũng được nếm trải những cái mới ở Engelberg. Từ những nhà hàng khác nhau qua các cuộc thử sức dẻo dai, sự khéo léo đu dây trong rừng thông đặc thù của dãy núi Alps đến những trò chơi trên lớp tuyết dày giúp bạn có những khoảnh khắc sống vui, sống động của thời còn nhóc nhí. Nếu có năm được đi xe ngựa kéo qua các khu phố của Engelberg thì có năm chúng tôi được mời trải nghiệm cảm giác từ lưng chừng núi Titlis tuột xuống chân núi bằng xe hai bánh không bàn đạp, cứ thế mà lăn xuống, như đứa trẻ 5-6 tuổi vui đùa!
Còn nhớ ngày 8 Tháng Ba 2016, đoàn chúng tôi thật may mắn được tận hưởng đủ tuyết, đủ ánh nắng, đủ tí gió mạnh, đủ độ lạnh (-12C ở độ cao chót vót trên núi Titlis)… Và nhờ vậy cả đoàn 14 khách đều có được những phút đi bộ nhớ đời: Bước trên Titlis Cliff Walk, một cây cầu treo bằng dây cáp với những thanh thép ráp thành sàn cầu bắc qua vực sâu 500m. Đây chính là cây cầu treo cao nhất châu Âu – 3,041m cách mặt nước biển. Từ đầu cầu bên này qua đầu kia, bạn sẽ chậm rãi đi khoảng 150 bước trong sự thích thú pha chút sợ hãi nhớ đời. Nhưng rất an toàn.
MỘT “DALAT PALACE” Ở ENGELBERG
Dấu ấn về Engelberg in đậm nét nhất trong tôi là Terrace Hotel, một khách sạn cổ mà sang tọa lạc trên một sườn đồi cao nhìn xuống toàn thung lũng đầy những mái nhà lung linh ánh đèn trong màn đêm, tháp chuông nhà thờ vươn cao lên khỏi lớp sương mù lúc trời hừng sáng.
Terrace Hotel (ảnh: P. Nguyen Dung) Đường hầm bên dưới Terrace Hotel
(ảnh: P. Nguyen Dung)
Bốn lần du lịch Engelberg, tôi có ba lần ngụ trong khách sạn Terrace. Tôi rất thích dùng đường hầm lành lạnh dài thượt ăn sâu vào lòng núi đá dưới chân đồi rồi lên khách sạn bằng thang máy nhỏ. Thật hấp dẫn. Thụy Sĩ nổi tiếng là nước rất giỏi về nghề đào đường hầm xuyên núi đá.
Những đêm ngủ trong Terrace, càng thú vị với tiếng kẽo kẹt phát ra tủ gỗ, sàn gỗ, cầu thang gỗ rất nhiều năm hứng chịu hàng triệu bước chân du khách, khiến tôi nhớ lại âm thanh quen thuộc ở dưới mái nhà gia đình tại Đà Lạt năm xưa. Tôi mê được ngủ, được ăn, được rảo bước trên những hành lang dài thẳng của Terrace. Phải chăng vì Terrace hao hao như Dalat Palace Hotel của thời những năm 1960, đầu 1970?
Nhìn xa xa, nó hao hao giống Dalat Palace Hotel thật, chỉ khác là từ Terrace, bạn nhìn xuống thung lũng với nhà cửa của cư dân địa phương, còn từ Dalat Palace Hotel, bạn nhìn xuống Hồ Xuân Hương. Từ balcon khách sạn, trong ráng chiều, chợt nhớ đến chuyến đi lần đầu tiên đến với Làng Núi Thiên thần Engelberg, đến với đỉnh cao Titlis phủ tuyết trắng tinh. Và vẫn nhớ các bạn đồng hành lần ấy.