Trọng Thành
Trong một bài trả lời phỏng vấn báo Ukraiska Pravda của Ukraina, đăng tải tối hôm qua 27/08/2023, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cho biết Kiev mong muốn được Washington bảo đảm về an ninh lâu dài, tương tự như những hỗ trợ của Hoa Kỳ dành cho Israel.
Nhật báo Pháp Le Monde dẫn lại bài phỏng vấn tổng thống Zelensky trên Ukraiska Pravda, theo đó lãnh đạo Ukraina hy vọng Kiev đạt được một thỏa thuận an ninh bền vững với Mỹ, ‘‘bất kể đảng phái nào cầm quyền’’. Ông Zelensky cũng hiểu rõ là một thỏa thuận như vậy cần phải được Quốc Hội Mỹ thông qua. Cũng trong bài trả lời phỏng vấn Ukraiska Pravda đăng tải hôm qua, tổng thống Zelensky thông báo Kiev sẽ ‘‘ra luật coi tham nhũng trong thời chiến đồng nghĩa với tội phản quốc’’. Về chủ đề ‘‘mô hình Israel’’, đài Pháp Radio J cho hay, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí Israel, đăng tải cùng ngày, tổng thống Ukraina khẳng định : Ukraina cần học hỏi mô hình Israel, để sẵn sàng chuẩn bị cho tình trạng ‘‘chiến tranh kéo dài’’, trong lúc ủng hộ của các đồng minh suy giảm. Nhờ ‘‘mô hình’’ hỗ trợ an ninh như kiểu Israel, Ukraina sẽ có thể nhận được các hỗ trợ về ‘‘vũ khí, công nghệ, đào tạo, tài trợ’’ ổn định từ phía Mỹ.
Bảo đảm an ninh theo ‘‘mô hình Israel’’ cụ thể sẽ là gì ? Về vấn đề này, một phân tích của nhà báo Maxim Trudolyubov chuyên về Nga, trên trang mạng của trung tâm tư vấn về chính trị quốc tế Wilson Center (WWICS), trụ sở ở Washington,cho biết Hoa Kỳ và Israel ‘‘không có một hiệp ước an ninh chung’’, hay ‘‘một liên minh chính thức’’, nhưng Washington có thể dành cho Israel một sự hậu thuẫn chiến lược mạnh mẽ thông qua một Nghị định thư của chính phủ Mỹ. Cam kết bắt đầu được áp dụng từ năm 1981, và được các chính phủ Mỹ sau đó – bất luận là Cộng Hòa hay Dân Chủ – tiếp nối.
‘‘Cũng giống như Ukraina hiện tại, Israel phải đối mặt với các lực lượng quân sự đối địch có sức mạnh vượt trội trong khu vực’’. Để giải quyết vấn đề này, Mỹ cam kết duy trì “lợi thế quân sự” cho Israel, bảo đảm quân đội Israel sẽ luôn có lợi thế về chất lượng trang thiết bị quân sự so với các đối thủ tiềm năng. Hoa Kỳ duy trì viện trợ quân sự đều đặn cho Israel, cam kết tiến hành tập trận chung, Hạm đội 6 của Hoa Kỳ khả năng sử dụng các cảng biển của Israel. Theo chuyên gia Maxim Trudolyubov, ‘‘Ukraina đang ở vị thế tốt để đi theo mô hình tương tự’’, với việc số tiền viện trợ mà Mỹ cam kết dành cho Ukraina đã tương đương với viện trợ dành cho Israel trong suốt ba thập niên qua, và hỗ trợ từ các nước đồng minh khác cũng rất đáng kể. Điều căn bản là chính quyền Ukraina cần ‘‘biến các hỗ trợ khẩn cấp hiện tại thành mối quan hệ đối tác chiến lược bền vững’’.
Bảo đảm an ninh về dài hạn cho Kiev cũng là một quan tâm chính của khối G7 bên lề thượng đỉnh NATO tại Vilnius. Ngày 12/07/2023, các nước G7 (bao gồm Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada, Ý và Anh) công bố một ‘‘sáng kiến đa phương’’ nhằm bảo đảm an ninh cho Ukraina, tăng cường khả năng phòng thủ chống Nga, ngăn chặn Matxcơva gây hấn hơn nữa, với việc cung cấp các thiết bị quân sự tân tiến, huấn luyện binh sĩ, chia sẻ thông tin tình báo và an ninh mạng. Liên Hiệp Châu Âu cũng tham gia vào sáng kiến này.