Sunday, November 24, 2024
No menu items!
spot_img
HomeUncategorizedĐẠI HỌC MÁU 

ĐẠI HỌC MÁU 

Hà Thúc Sinh

                                                      TRẢNG LỚN

                                                        6/75 – 7/76

 (Tiếp theo)

Dù trông còn rất trẻ nhưng hắn bệ vệ hơi sớm, vừa béo lại vừa lùn, nét mặt bóng bẩy với dáng đi nhanh nhẹn chứng tỏ một kẻ rất no cơm ấm cật. Lúc hắn được hai tên vệ binh hộ tống bước vào gần tới cửa hội trường, tên thủ trưởng và tên chính trị viên Thảo của trại từ trong hội trường bương bả chạy ra đón tiếp và chào kính rất long trọng.

Trông cung cách khúm núm của thuộc cấp đối với thượng cấp người ta phải hoàn toàn xét lại câu khẩu hiệu của Cộng sản: Quân đội nhân dân giản dị, liêm khiết, chống quan liêu…

Ít phút sau tên trung tá chính ủy trung đoàn đã đứng trước máy vi âm trên sân khấu. Hắn kiêu hãnh đưa đẩy vài câu chuyện về đời sống tập thể, về quyền lợi của cải tạo viên, về “tình nghĩa” giữa cán bộ khung và cải tạo viên… Ba hoa một lúc hắn mới đi vào đề tài chính. – Gần đây bộ chỉ huy trung đoàn có ghi nhận được một hiện tượng khá đặc biệt, do đó, hôm nay tôi xuống nói chuyện với các anh em cải tạo trại ta về hiện tượng đó. Thứ nhất để giúp anh em quán triệt vấn đề, củng cố niềm tin hơn nữa, tuyệt đối hơn nữa vào đường lối khoan hồng cải tạo trước sau như một của Cách mạng. Thứ hai để nhắc nhở anh em rằng xã hội ta là xã hội công bằng nhất, thưởng phạt phân minh nhất và dứt khoát công ai làm nấy hưởng, tội ai làm nấy chịu.

Tên chính ủy nói tới đây bỗng đổi giọng, hỏi. Trại ta ai cầm càn nhỉ?

Tên Thảo vội nhảy ra gọi lớn xuống dưới.

– Anh Hóa, anh Hóa đâu?

Bên dưới một người đứng lên.

– Anh Hóa cầm càn đấy hả? Anh lên đây, lên đây bắt nhịp cho anh em hát một bài coi nào.

Hóa lầm lũi tiến lên sân khấu. Anh đứng ở một góc sân khấu nhìn xuống mọi người và đề nghị.

– Hôm nay anh em cùng hát bài Cách mạng Mùa Thu. Các anh thuộc hết cả chứ?

Hỏi xong không đợi trả lời, Hóa vung tay lên và miệng hát bắt nhịp: Một mùa Thu hai một…

Bên dưới đồng loạt cất tiếng hát… Một mùa Thu năm xưa Cách mạng tiến ra, đất Việt bừng nguồn sống, thanh niên tung gông phá xiềng…

Khi bài hát chấm dứt, ngay cả tên chính ủy cũng vỗ tay thật nồng nhiệt. Hắn nói.

– Bài này hay đấy nhỉ! Các anh tự biên tự diễn đấy hả?

Nhiều người bên dưới ngạc nhiên. Đây là một hành khúc nổi tiếng của Phạm Duy soạn hồi kháng chiến, tại sao tên chính ủy trung đoàn không hề biết? Nhưng nếu quan sát kỹ một tí vào nguyên tắc dùng cho mặt trận tuyên truyền của Cộng sản, người ta sẽ không còn phải ngạc nhiên.

Trên mặt trận văn hóa (và đối với Cộng sản nó đồng nghĩa với mặt trận tuyên truyền), Cộng sản khác Quốc gia (ít nhất là quốc gia Việt Nam) ở chỗ chúng vô cùng cẩn trọng trong việc xử dụng tác giả và tác phẩm. Trong xã hội Cộng sản dứt khoát không thể tìm ra được hạng văn nghệ sỹ chân trong chân ngoài. Cái kiểu đứng núi này trông núi nọ, hoặc xanh vỏ đỏ lòng với chúng, hoặc viết lách lập lờ đánh lận con đen như một số thằng văn thi nhạc sỹ ở miền Nam trước kia ắt không còn chỗ đội nón tức thì. Cũng nằm trong cái chiều hướng cực kỳ cẩn trọng ấy, trên hệ thống phát thanh của Cộng sản, sau 30 tháng Tư, người miền Nam lắng nghe mãi để tìm thấy những cái tên quen thuộc như Văn Cao (trừ bài quốc ca nhưng đã có tin đồn sẽ thay đổi nay mai), Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Doãn Mẫn… nhưng hầu như rất hiếm hoi được nghe thấy nhạc của những nhạc sỹ Cách mạng gốc trí thức tiểu tư sản này; thay vào đó toàn là những cái tên lạ hoắc như Xuân Hồng, Huy Du… Không phải những lớp nhạc sỹ đàn anh kia không cúc cung tận tụy phục vụ Đảng, nhưng vì với đường lối vô sản chuyên chính của Cộng sản, những người gọi là cũ, có tí dây mơ rễ má với… thuốc phiện, với cô đầu, tim óc từng trải qua một thời văn hóa Phú Lang Sa phản động, thì giả như có quá cần, chúng cũng chỉ xử dụng tí đỉnh trong buổi giao thời. Tới lúc chúng đã đào tạo được một thế hệ mà chúng gọi là thế hệ trí thức xã hội chủ nghĩa, thì lớp cũ coi như xong, coi như một mớ rác và sẽ bị quăng vào cái thùng rác của lịch sử. Nếu như vì một lý do ngoại lệ nào đó chưa thể quăng hết vào thùng rác lịch sử được, những văn nghệ sỹ lớp cũ cũng chỉ được “đóng góp đền ơn Cách mạng” một cách vô cùng khiêm tốn, và việc các tác phẩm của họ được nhà nước phổ biến rộng rãi tuyệt nhiên không bao giờ xảy ra.

Đó là với những người cũ vì lý do này lý do nọ ở lại miền Bắc để phục vụ chế độ Cộng sản, nói chi một người như Phạm Duy, một thiên tài của đất nước nhưng trên thực tế nền văn nghệ Cộng sản đã khai tử ông từ hai chục năm qua, kể từ khi chúng gắn cho ông bản án “phản bội kháng chiến!”.

Trên sân khấu, tên chính ủy trung đoàn cất tiếng hỏi nhưng thực ra hắn cũng chẳng quá quan tâm đến bài hát. Khen ngợi vài câu lấy lệ, hắn chuyển sang mục chính. Hắn nói.

– Hôm nay, mục tiêu của buổi lên lớp là vấn đề tin đồn về đồng chí Môn, người từng là phó thủ trưởng của trại ta.

Trước hết, tôi khẳng định với các anh đồng chí Môn không hề bị hạ tầng công tác như những tin đồn đại phản động của một số kẻ xấu trong tập thể cải tạo ở đây. Đồng chí Môn ra đi là do yêu cầu công tác của Cách mạng. Xưa các anh từng là quân sự cả, các anh thừa biết đời chiến binh có đứng yên một chỗ mãi bao giờ. Thế cho nên nói rằng đồng chí Môn vì tuyên bố này nọ, mất phương hướng, sai đường lối vân vân và vân vân mà bị hạ tầng công tác là hoàn toàn không bao giờ có. Trên có ghi nhận rằng đồng chí Môn cũng có một điểm yếu nhỏ, ấy là đã nói với các anh nhiều điều chưa nên nói, vì các anh trình độ gác ngộ Cách mạng còn thấp, chưa hiểu chủ nghĩa Cộng sản bao nhiêu, nghe những điều ấy có thể dễ dàng chao đảo, dễ dàng nảy sinh nhiều ý nghĩ ngang trái về chính nghĩa của Cách mạng… Trên cũng công nhận những lời nói của đồng chí Môn trong một dịp sinh hoạt gần đây có gây vài hiểu lầm không tốt về Cách mạng cho một số cải tạo viên còn non trẻ về mặt tri thức xã hội chủ nghĩa.

Cà kê dê ngỗng một hồi, tên chính ủy nói xa xôi rằng thì là việc đấu tranh sai trái, báo cáo những kẻ xấu trong thời gian học tập cải tạo là một nghĩa vụ và một minh chứng cho sự tiến bộ của cải tạo viên, tuy nhiên hắn yêu cầu tự hậu, đừng một cải tạo viên nào để cho sự tiến bộ của mình vượt xa hơn hàng rào trại…

Rồi thì buổi lên lớp để nghe đồng chí chính ủy trung đoàn…đính chính vụ đồng chí Môn bị hạ tầng công tác vì tội… đi xa về nói phét cũng chấm dứt. Vĩnh về phòng nằm nghỉ và nghĩ ngợi vẩn vơ. Thấm thoát mà đã một năm xa nhà đi tù Cộng sản. Năm lần làm bản tự khai lý lịch. Ba lần chuyển trại. Bốn lần khám đồ. Hai lần suýt chết vì bệnh và ba lần nhận quà gia đình qua đường bưu điện. Thằng chết vì bệnh hoặc vì tai nạn trong lúc đi lao động khổ sai không đếm hết. Thằng cưa chân cưa tay vì bị mìn bị lựu đạn không nhớ xuể. Những vụ tự tử, vượt rào bị bắn hạ, những vụ chửi bới xỏ xiên Bác và Đảng bị bọn ăng ten báo cáo và bị đem nhốt bỏ đói bỏ khát trong connex… thì nhiều quá. Với khối óc tương đối chịu nhớ như của Vĩnh mà rồi tên tuổi họ cũng dần dần phai nhạt, y hệt như anh và bao nhiêu chiến hữu khác đang bị thế giới Tự Do quên lãng dần!

Hiện tại điều nổi bật nhất là tất cả đang phải đối mặt với những quần thảo của kẻ thù, khi sự tự ti mặc cảm của chúng như những vết thương tới thời kỳ căng mủ. Hậu quả của một anh chàng tiến bộ vượt bực nào đó, đã lên tâu trên bộ chỉ huy trung đoàn và hạ gục được một cán bộ loại trung kiên của Đảng, nhất định sẽ gây nhiều tác hại mới trong nội tình trại L4T3. Ấy là chưa kể đến mối thù của tên thủ trưởng từ dạo hắn bị phanh phui trước “dư luận” một trang nhật ký rất phản động của hắn.

Gần một năm qua, việc lao động chân tay thực sự đã trở thành quen nếp. Lắm anh đã hiên ngang dùng tay không hốt cứt, cũng như đã có lắm anh đi ngang chuồng lợn trung đoàn, mắt trước mắt sau hốt nhẹ một miếng cháy trong máng ăn của lợn dấu vào trong áo. Đang lao động ngoài đồng ngoài ruộng, xảy thấy một con thỏ dại dột rong chơi không đúng chỗ, hàng trăm tên tù cải tạo như những xác chết bừng sống dậy, kẻ tay cuốc người tay xẻng hò hét vang trời và cùng phóng chạy như những thằng điên để dí bắt một con thỏ to không quá nắm tay. Mặc cho lũ vệ binh nổ súng ầm ầm, mặc cho lời chửi rủa của lũ quản giáo, thịt thỏ vẫn trên hết! Đập, chộp, chém, chụp… thôi thì đủ mọi thứ động tác thô bạo được đem ra xử dụng miễn sao xác con thỏ không may kia lọt được vào tay mình. Đã không thiếu cảnh nhiều anh chẳng được ăn thịt thỏ, lại còn bị xẻng cuốc của những anh em khác xơi mất của mình một mảng da đầu hoặc một miếng thịt vai…

Đói! Đói lắm! Thèm mỡ thèm đường ghê gớm lắm. Thiếu mỡ thiếu đường nên vóc dáng bọn tù ngày mỗi teo lại. Mắt thụt vào, hai gò má nhô ra, hàm răng như có triển vọng nở lớn hơn. Kinh khủng nhất là hai bàn chân. Chẳng những “gót son nay đã lấm bùn” mà chân người nào người nấy đều sần sùi, nứt nẻ y chang bàn chân của những người làm ruộng Việt Nam chuyên nghiệp. Lắm lúc buồn ngồi nhìn bàn chân, Vĩnh thấy xót xa lạ thường. Biết bao giờ còn được cái cảnh ngồi cởi đôi giày saut ra, ngả người trên ghế bành, nhìn thằng con 4 tuổi sớm biết nịnh bố lăng xăng chạy đến tháo bí tất cho bố… Bàn chân trắng xanh vì bị bó trong giày suốt ngày. Đưa tay xuống bẻ bão ngón chân nghe rốp rốp. Một mùi hôi hôi thoang thoảng bốc lên – cái mùi mà bà vợ nào cũng la làng nhưng hầu như chẳng có bà nào lại không muốn được độc quyền mà… ngửi! Bàn chân như thế bây giờ hết rồi, hết vĩnh viễn. Cuộc đổi đời thê thảm nhất lịch sử Việt Nam này, Vĩnh chua chát nghĩ, đã làm thay đổi tất cả kể cả cái bàn chân con người. Một ý nghĩ khác chợt len vào ý nghĩ ngậm ngùi trên khiến Vĩnh thấy thống khoái hơn: Tất cả công cuộc cải tạo gọi là vĩ đại của chủ nghĩa Cộng sản, rốt cuộc chỉ có khả năng cải tạo nổi một cái gót chân ta!

Cơm trưa xong, mọi người lại sửa soạn đi lao động. Lúc này bọn cai tù đã khởi sự phát huy cao độ việc xử dụng tù vào những công tác phục dịch cho chúng. Phong thái của những chủ nhân ông đang có trong tay một bọn nô lệ đã hiện hình rõ rệt. Ngoài những công tác lao động có chấm công để báo cáo lên trên, chúng còn xử dụng tù vào những công tác hầu hạ chúng nữa. Chả hiểu đã có anh nào nửa đêm được gọi lên văn phòng đấm lưng cho các quan quản giáo hay chưa; chứ việc kín nước, rửa bát, lau chùi bàn ghế, dọn dẹp bếp núc, khuân gạo vào kho, thái rau nấu cám cho lợn, hốt cứt trong cầu tiêu… nói tóm tất cả những công tác của riêng hậu cần trại giờ tù ngụy cáng đáng hết. Mất dạy nhất là hai khâu: Kín nước cho chúng tắm và rửa bát cho chúng ăn cơm!

Tổ A.3 khốn khổ về vụ kín nước. Thực ra công việc này không nặng. Mười người, mỗi ngày chỉ kéo nước từ giếng lên đổ đầy chừng 30 cái phuy đặt đàng sau bếp hậu cần của ban chỉ huy trại là coi như đạt chỉ tiêu công tác; nhưng nhục thì nhục quá! Mình lầm lũi kéo nước, gánh nước đổ vào phuy dưới trời mưa nắng, trong khi ấy chúng đứng xối nước ào ào tắm với nhau, luôn miệng chửi bới “ngụy” là bọn khinh lao động chân tay, bọn quan liêu, bóc lột và lâu lâu lại quay ra xài xể: Này thằng kia! Lại giếng đàng kia múc đi.. Còn tiếp)

( Chuyện xưa – Chuyện nay)

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments