Sunday, September 29, 2024
No menu items!
spot_img
HomeTin nổi bậtCác tòa án, các nhà lập pháp nỗ lực khôi phục các...

Các tòa án, các nhà lập pháp nỗ lực khôi phục các quyền của người Mỹ theo Tu chính án thứ Tư

Internet vạn vật tạo ra các công cụ giám sát mới, dẫn đến hành vi lạm dụng được cho là đến từ các cơ quan chính phủ

Hồi năm 2018, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã đưa ra một quyết định mang tính bước ngoặt rằng các sĩ quan cảnh sát đã hành động bất hợp pháp khi thu thập dữ liệu trên điện thoại di động từ một công ty tư nhân trong nhiều tháng để theo dõi hành tung của một nghi phạm cướp giật mà không có lệnh cho phép.

Ý kiến đa số của Pháp viện tuyên bố rằng “do bản chất tiết lộ vô cùng chi tiết của CSLI [thông tin vị trí của điện thoại]… thực tế là những thông tin do một bên thứ ba thu thập như vậy sẽ không khiến cho thông tin đó ít xứng đáng được Tu chính án thứ Tư bảo vệ hơn. Ở đây, việc Chính phủ thu thập các dữ liệu định vị điện thoại di động là một cuộc điều tra theo Tu chính án này.”

Tu chính án thứ Tư của Hiến Pháp bảo vệ người Mỹ trước các cuộc điều tra của chính phủ trừ phi có một cơ sở chính đáng chứng minh một hành vi phạm tội và một lệnh khám xét do tòa án ban hành.

Tuy nhiên, hồi tháng 07/2022, Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ (ACLU) đã công bố hàng ngàn trang hồ sơ mà tổ chức này có được thông qua Đạo luật Tự do Thông tin (FOIA), cho thấy Bộ An ninh Nội địa (DHS) đã thường xuyên mua lại một lượng lớn dữ liệu định vị điện thoại di động của công dân Hoa Kỳ, được trích xuất từ các ứng dụng trên điện thoại thông minh.

Những tiết lộ về những gì được cho là sự lạm dụng giám sát như thế này đã thúc đẩy các nhà lập pháp liên bang và tiểu bang — Đảng Dân Chủ cũng như Đảng Cộng Hòa — phát triển các điều luật mới trong nỗ lực khôi phục các quyền của người Mỹ theo Tu chính án thứ Tư.

Vụ tranh tụng tại Tối cao Pháp viện năm 2018, Carpenter kiện Hoa Kỳ, đã đảo ngược điều mà cho đến thời điểm đó các tòa án bật đèn xanh để cơ quan thực thi pháp luật tìm kiếm thông tin cá nhân của người Mỹ nếu họ chia sẻ thông tin đó với bên thứ ba, chẳng hạn như ngân hàng, công ty điện thoại, công ty phát hành thẻ tín dụng hoặc công ty công nghệ. Điều này được gọi là “Học thuyết Bên thứ Ba” và đã có hiệu lực từ những năm 1970 khi Tối cao Pháp viện phán quyết rằng, Đạo luật Bảo mật Ngân hàng cho phép chính phủ tiến hành tìm kiếm hàng loạt dữ liệu ngân hàng tư nhân mà không cần lệnh cho phép, không vi phạm Tu chính án thứ Tư.

Tuy nhiên, với phán quyết của vụ Carpenter, “tòa đã phán quyết với kết quả 5 phiếu thuận và 4 phiếu chống rằng họ cần phải có lệnh để lấy dữ liệu về vị trí điện thoại di động đó,” ông Devin Watkins, luật sư tại Competitive Enterprise Institute, nói với The Epoch Times. “Nếu quý vị cần một lệnh để lấy dữ liệu vị trí điện thoại di động, thì quý vị cũng cần một lệnh tương tự đối với hồ sơ ngân hàng.”

Quý vị bị theo dõi bởi chính ngôi nhà của mình

“Theo Tu chính án thứ Tư, ngôi nhà là một pháo đài; đó là nơi mà một người có thể nương náu và ‘không bị chính phủ xâm nhập một cách vô lý,’” bà Grace Manning tại Trung tâm Luật Đại học Georgetown viết trong một báo cáo năm 2019 có nhan đề “Alexa, cô có thể giữ bí mật không?”

“Với một ngôi nhà thông minh thì không như vậy,” bà Manning nói. “Trong một ngôi nhà được nâng cấp với trí tuệ nhân tạo, thì không có kỳ vọng hợp lý nào về quyền riêng tư trong dữ liệu được chia sẻ với các bên thứ ba như Amazon.”

Học thuyết Bên thứ Ba lập luận rằng việc cung cấp thông tin cá nhân của một người cho ngân hàng là một lựa chọn, và do đó người Mỹ tự nguyện từ bỏ quyền riêng tư của họ. Tuy nhiên, ngày nay, với sự phụ thuộc hoàn toàn vào điện thoại di động, thẻ tín dụng, mua hàng trực tuyến, và những thứ tương tự, việc chia sẻ dữ liệu cá nhân là điều cần thiết để tham gia vào xã hội hiện đại.

Các hệ thống nhà thông minh, như hệ thống Alexa/Echo của Amazon, là trận chiến mới nhất giữa cơ quan chấp pháp và quyền riêng tư, và gần đây đã có một số trường hợp cảnh sát yêu cầu quyền truy cập vào dữ liệu của Amazon, thường là không có lệnh, theo các đạo luật liên bang như Đạo luật Thông tin liên lạc được Lưu trữ (SCA), một đạo luật năm 1986 quy định về các liên lạc điện tử như tin nhắn và thư điện tử.

Nghiên cứu của đại học Georgetown cho thấy: “Để có được dữ liệu liên lạc điện tử theo Đạo luật Thông tin liên lạc được Lưu trữ, Chính phủ chỉ cần đưa ra cơ sở hợp lý để tin rằng các dữ liệu đó có liên quan và quan trọng đối với một cuộc điều tra tội phạm đang diễn ra,” trong khi lưu ý rằng “Chánh án [John] Roberts đã gọi tiêu chuẩn cơ sở hợp lý là ‘một sự khác biệt lớn so với quy tắc cơ sở chính đáng.’”

Một báo cáo hồi tháng 08/2022 của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội nêu rõ rằng “mặc dù SCA đã được thông qua vào năm 1986 để cập nhật quyền riêng tư trong liên lạc do công nghệ thay đổi nhanh chóng vào thời điểm đó, nhưng kể từ đó, các thiết bị, ứng dụng và nền tảng trực tuyến liên lạc điện tử hiện đại đã phát triển nhanh hơn luật pháp.”

Ngày nay, có khoảng 60 triệu gia đình tại Mỹ đã lắp đặt hệ thống thông minh gia đình và con số này dự kiến sẽ tăng 50% lên hơn 90 triệu gia đình vào năm 2027. Trên toàn thế giới, ước tính có hơn 300 triệu gia đình trang bị công nghệ thông minh trong nhà của họ. Ngoài ra, bất kỳ ứng dụng điện thoại thông minh nào, chẳng hạn như Facebook, Amazon và Uber, thường xuyên thu thập dữ liệu về thông tin liên lạc, đi lại, mua hàng, và các thói quen cá nhân khác của người dùng.

Các cơ quan liên bang mua dữ liệu cá nhân từ các nhà môi giới

Gần đây, thông tin được tiết lộ trong các phiên điều trần của ủy ban quốc hội cho thấy các cơ quan chấp pháp và tình báo liên bang đã thu thập và sàng lọc hàng loạt dữ liệu đó, bao gồm cả việc thu mua một lượng lớn thông tin kỹ thuật số của người Mỹ từ “các nhà môi giới dữ liệu” bên thứ ba. Một báo cáo nội bộ hồi tháng Một của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (ODNI), được các Dân biểu Hạ viện Đảng Cộng Hòa giải mật, nêu chi tiết việc các cơ quan tình báo và thực thi pháp luật của Mỹ thường xuyên mua lại “thông tin tình báo trong hoạt động thương mại” (CAI) của các công dân Mỹ.

Theo báo cáo của ODNI, các cơ quan liên bang đã mua “nguồn cơ sở dữ liệu lớn, tinh vi về thông tin người tiêu dùng, có thể gồm lịch sử tín dụng, yêu cầu tiền bồi thường bảo hiểm, hồ sơ tội phạm, lịch sử công việc, thu nhập, dân tộc, lịch sử mua sắm, và các mối quan tâm.” Báo cáo cũng lưu ý về “khả năng lạm dụng CAI tương đương do IC [cộng đồng tình báo] nắm giữ. Trong tay kẻ xấu, những thông tin chi tiết nhạy cảm thu được thông qua CAI có thể tạo thuận tiện cho hành vi tống tiền, theo dõi, quấy rối, và bôi nhọ trước công chúng.”

Và sự tò mò của các cơ quan liên bang về hành vi của người Mỹ dường như chỉ ngày một gia tăng dưới thời chính phủ Tổng thống Joe Biden. Trong thời gian áp dụng hiện tại của Đạo luật Bảo mật Ngân hàng, các giao dịch ngân hàng từ 10,000 USD trở lên, cũng như bất kỳ giao dịch nào mà một ngân hàng xem là “đáng ngờ” vì bất kỳ lý do gì, phải được báo cáo cho Bộ Ngân khố Hoa Kỳ. Vào năm 2021, chính phủ Tổng thống Biden đã cố gắng giảm ngưỡng đó xuống còn 600 USD.

Ngoài ra, theo ACLU, DHS đã trả hàng triệu dollar cho các công ty môi giới dữ liệu như Babel Street và Venntel, công ty thu thập hơn 15 tỷ điểm định vị từ hơn 250 triệu điện thoại di động mỗi ngày. Dữ liệu này cho phép các cơ quan khớp các thiết bị với các điểm định vị và “xác định những khách truy cập lại, các địa điểm thường xuyên lui tới, xác định các cộng sự đã được biết đến, và khám phá các lối sống… để nhận dạng những người mà họ quan tâm.”

Điều này đã khiến một số người kêu gọi ban hành luật mới để khôi phục các biện pháp bảo vệ Tu chính án thứ Tư của người Mỹ trước các cuộc điều tra của chính phủ mà không được tòa cho phép, cũng như sự lạm dụng của các công ty tài chính và công nghệ tư nhân.

Năm 2021, Thượng nghị sĩ Ron Wyden (Dân Chủ-Oregon), Thượng nghị sĩ Rand Paul (Cộng Hòa-Kentucky), và 18 thượng nghị sĩ khác đã đệ trình một dự luật lưỡng đảng mang tên “Tu chính án thứ Tư là Đạo luật không được Mua bán,” nhằm cố gắng ngăn chặn các nhà môi giới dữ liệu bán thông tin cá nhân của người Mỹ cho các cơ quan thực thi pháp luật và tình báo mà không có bất kỳ sự giám sát nào của tòa án.

“Kinh doanh trực tuyến không đồng nghĩa với việc cho phép chính phủ theo dõi tất cả thông tin đi lại của quý vị hoặc lục lọi những chi tiết cá nhân nhất trong cuộc sống của quý vị,” ông Wyden tuyên bố vào thời điểm đó.

“Không có lý do gì mà thông tin do các nhà môi giới dữ liệu thu thập lại nên bị đối xử khác biệt với cùng một dữ liệu do công ty điện thoại hoặc nhà cung cấp dịch vụ thư điện tử của quý vị nắm giữ,” ông nói. “Dự luật này lấp lỗ hổng pháp lý đó và bảo đảm rằng chính phủ không thể sử dụng quyền lực của mình để né tránh Tu chính án thứ Tư.”

Một dự luật tương tự hiện đang được chuyển đến Hạ viện.

Các tiểu bang hành động để bảo vệ dữ liệu cá nhân

Trong tình trạng không có luật liên bang, các tiểu bang hiện đang chủ động hành động.

Hôm 11/05, Tennessee đã ký thành luật Đạo luật Bảo vệ Thông tin Tennessee (TIPA), cùng với California, Utah, Colorado, Connecticut, Virginia, Iowa, và Indiana trong việc yêu cầu mọi người có nhiều quyền kiểm soát hơn đối với dữ liệu cá nhân của họ. TIPA yêu cầu các công ty công nghệ lớn như Google, Instagram, và TikTok phải tiết lộ cho người tiêu dùng thông tin nào đang được thu thập về họ thông qua các hoạt động trực tuyến và cách những công ty này dự định sử dụng thông tin đó.

Người dân Tennessee cũng có thể từ chối bán thông tin cá nhân của họ cho bên thứ ba. Luật này cũng bao gồm các biện pháp bảo vệ dữ liệu sinh trắc học vốn đo lường các đặc điểm thể chất như bản ghi giọng nói, dấu vân tay, quét võng mạc, hoặc nhận dạng khuôn mặt.

“Lượng thông tin cá nhân vô cùng lớn mà các công ty công nghệ lớn thu thập về chúng ta khi chúng ta truy cập trực tuyến thực sự là đáng kinh ngạc,” Phó chủ tịch khối Đa số Hạ viện Johnny Garrett (Cộng Hòa-Tennessee), nhà bảo trợ chính của TIPA, nói với The Epoch Times. “Đạo luật Bảo vệ Thông tin của Tennessee là thành tựu cao nhất của nỗ lực kéo dài nhiều năm, nhằm đưa ra các biện pháp bảo vệ quan trọng đối với dữ liệu do người tiêu dùng cung cấp đồng thời tăng cường tính minh bạch và giám sát.”

Theo một báo cáo của công ty luật White & Case, các biện pháp bảo vệ do TIPA cung cấp chủ yếu áp dụng cho dữ liệu cá nhân, và một số luật về quyền riêng tư của tiểu bang “loại trừ dữ liệu cá nhân tổng hợp hoặc dữ liệu đã hủy danh tính, hoặc thông tin công khai.”

Các loại trừ như thế này dường như được các cơ quan liên bang sử dụng để biện minh khi mua dữ liệu trên điện thoại di động. Báo cáo của ACLU tuyên bố rằng “trước những tác động rõ ràng về quyền riêng tư của việc truy cập thông tin không có giấy phép, các công ty và cơ quan này đã nỗ lực hết sức để hợp lý hóa hành động của họ.”

“Xuyên suốt các tài liệu này, thông tin định vị của điện thoại di động được mô tả theo nhiều cách khác nhau như chỉ là ‘thông tin hoặc dữ liệu người tiêu dùng mà một người tạo ra khi họ làm việc với các trang web và dịch vụ’ (digital exhaust) và không chứa PII (thông tin nhận dạng cá nhân) vì thông tin đó được liên kết với số nhận dạng của điện thoại di động chứ không phải danh tính — mặc dù toàn bộ mục đích của dữ liệu này là để có thể xác định và theo dõi mọi người,” họ viết. “Những hồ sơ đó cũng khẳng định dữ liệu này là được người dùng ‘100% lựa chọn,’ rằng người dùng điện thoại di động ‘tự nguyện’ chia sẻ thông tin định vị và dữ liệu này được thu thập với sự đồng ý của người dùng ứng dụng và ‘sự cho phép của cá nhân đó.’

“Tất nhiên, sự đồng ý đó chỉ là hư cấu: Nhiều người dùng điện thoại di động không nhận ra có bao nhiêu ứng dụng trên điện thoại của họ đang thu thập thông tin GPS và chắc chắn không mong đợi rằng dữ liệu đó sẽ được bán cho chính phủ với số lượng lớn.”

“Các tiểu bang ngày càng tập trung vào việc bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu của người tiêu dùng; tuy nhiên, một số luật của tiểu bang quản lý quyền truy cập dữ liệu của cơ quan thực thi pháp luật đã hết hiệu lực và cần được cập nhật,” ông Jake Morabito, Giám đốc Truyền thông & Công nghệ tại Hội đồng Trao đổi Lập pháp Hoa Kỳ (ALEC), nói với The Epoch Times.

“Mạng internet và công nghệ đã phát triển mạnh mẽ chỉ trong hai thập niên ngắn ngủi,” ông Morabito nói. “Người tiêu dùng ngày nay sử dụng một loạt các dịch vụ kỹ thuật số của bên thứ ba và các nhà cung cấp dữ liệu đám mây mà thậm chí không thể hình dung được nhiều đạo luật trong số này được viết lần đầu tiên là khi nào.”

ALEC đang làm việc với các nhà lập pháp tiểu bang để phát triển luật mẫu phù hợp hơn với công nghệ ngày nay.

Ngày càng có nhiều thanh niên chấp nhận sự giám sát của chính phủ

Đồng thời, có vẻ như ngày càng có nhiều thanh niên Mỹ sẵn lòng để chính phủ theo dõi họ tại nhà. Theo một cuộc thăm dò vào tháng Sáu của Viện Cato, khi được hỏi liệu họ “ủng hộ hay phản đối việc chính phủ lắp đặt camera giám sát trong mỗi hộ gia đình để giảm bạo lực gia đình, lạm dụng và các hoạt động bất hợp pháp khác,” gần một phần ba số người được hỏi thuộc Thế hệ Z (tuổi từ 18 đến 29) cho biết họ ủng hộ việc này.

Thanh niên hiện sẵn sàng hơn trong việc từ bỏ quyền công dân của mình nếu họ nghĩ rằng điều đó sẽ giúp họ an toàn hơn.Thanh niên hiện sẵn sàng hơn trong việc từ bỏ quyền công dân của mình nếu họ nghĩ rằng điều đó sẽ giúp họ an toàn hơn.

Nhìn chung, chỉ có 14% người Mỹ cho rằng đây là một ý tưởng hay, với những người Mỹ từ 45 tuổi trở lên là những người phản đối mạnh mẽ nhất.

“Người Mỹ trên 45 tuổi có thái độ rất khác đối với camera giám sát trong nhà so với những người trẻ tuổi hơn,” báo cáo nêu rõ. “Việc trưởng thành trong Chiến tranh Lạnh giữa các bản tin thường xuyên về việc Liên Xô giám sát người dân của chính họ, có thể đã chứng minh cho người Mỹ thấy rằng sự nguy hiểm của việc trao cho chính phủ quá nhiều quyền lực để giám sát người dân. Những người trẻ tuổi ngày nay ít được tiếp xúc với những tình huống kiểu này và do đó ít nhận thức được sự nguy hiểm của việc mở rộng quyền lực của chính phủ.”

Để theo đuổi sự an toàn thay vì quyền tự do cá nhân, nhiều người Mỹ đã sẵn sàng chấp nhận các quy định về vaccine và khẩu trang, giấy thông hành vaccine, phong tỏa, và các quy định về đại dịch khác trong đại dịch COVID-19. Theo một số cuộc thăm dò gần đây, có thể là sự ủng hộ ngày càng tăng của giới trẻ đối với chủ nghĩa xã hội, mà trong đó khoảng một nửa những người Thế hệ Z ưa thích chủ nghĩa tư bản thị trường tự do hơn, tương ứng với quan điểm nghiêng về việc tăng cường giám sát và thẩm quyền của chính phủ.

Ông Watkins nói: “Rất nhiều người Mỹ trẻ tuổi hiện nay dường như không coi trọng các quyền [dân sự] như một số người thuộc thế hệ cũ. Tôi hy vọng đó chỉ là điều tạm thời.”

“Trong quá khứ, chúng ta đã nhiều lần chứng kiến những cá nhân trẻ tuổi có quan điểm như thế này,” ông nói. “Nhưng sau đó, khi họ chín chắn hơn, quan điểm của họ thay đổi.”

Doanh Doanh biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times (Theo The Epoch Times).

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments