Wednesday, November 20, 2024
No menu items!
spot_img
HomeUncategorizedSố phận Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải… ‘an bài trong tuyệt...

Số phận Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải… ‘an bài trong tuyệt vọng’

Người thân của các tử tù ròng rã kêu oan

Dưới các chế độ độc tài, guồng máy tư pháp (công an điều tra, viện kiểm sát, tòa án) chỉ là công cụ của thế lực cầm quyền hành xử theo nguyên tắc “thà giết lầm hơn bỏ sót,” lấy bạo lực để gieo rắc sợ hãi cho toàn xã hội.

Trước Nguyễn Văn Chưởng, đã có những “tử tù” Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long, Huỳnh Văn Nén… bị kết án tử hình dựa trên lời khai “nhận tội” để rồi nhiều năm sau được minh oan và trả tự do. Hiện nay, cùng hoàn cảnh với Nguyễn Văn Chưởng ở Hải Dương còn có Hồ Duy Hải ở Long An mà bản án tử hình của anh đã nhiều lần bị dư luận phản đối gay gắt. Những tử tù này có chung một điểm: Bị tra tấn dã man nên phải nhận tội dù không có bằng chứng khách quan chứng tỏ họ có tội.

Từ trong tù, anh Nguyễn Văn Chưởng gửi thư cho gia đình, khẳng định bị tra tấn, bị ép cung cho nên phải nhận tội. “Họ đánh con tới tấp, con không nói được câu nào nữa. Họ thôi đánh thì con mới thở được và nói là sao các chú đánh cháu, cháu có làm gì đâu? Và họ nói, ‘không làm gì thì tao mới đánh, chứ làm gì thì đã không bị đánh.’ Và họ lại tiếp tục đánh con và dùng còng số 8 treo chỉ có hai đầu ngón chân cái chạm xuống đất.”

Không chỉ Nguyễn Văn Chưởng, nghi can chính của vụ án, mà ngay cả những nhân chứng khẳng định họ đã gặp anh cách nơi xảy ra án mạng tới 40 cây số vào thời điểm oan nghiệt ấy, cũng bị công an tra tấn dã man để buộc họ phải thay đổi lời khai nhằm xóa bằng chứng ngoại phạm của nghi can.

Bố Nguyễn Văn Chưởng bám víu chút hy vọng để không từ bỏ việc kêu oan cho con trai mình

Nhân chứng Trần Quang Tuất (cùng quê với anh Chưởng), nhân chứng Trịnh Xuân Trường (bạn anh Chưởng) – là những người xác nhận anh Chưởng có mặt ở Hải Dương vào thời điểm xảy ra án mạng ở Hải Phòng – đều có đơn tố cáo việc bị công an tra tấn, ép cung, buộc phải viết lời khai theo yêu cầu và hướng dẫn của công an. Anh Trường khai bị công an tên Phong dùng đầu điếu thuốc lá đang hút châm bỏng cả hai cánh tay. Còn anh Tuất bị chửi bới, khóa tay vào ghế suốt ngày, bị đấm vào đầu, dọa bắt giam…

Tình trạng tra tấn dã man, bức cung, ép cung trong các trại tạm giam và đồn công an Việt Nam là chuyện “truyền thống cách mạng.” Có bao nhiêu thanh niên trai tráng vào đồn công an khi đang khoẻ mạnh nhưng một vài hôm sau gia đình phải tới nhận xác! Ngay cả một cựu đại úy công an, ông Lê Chí Thành, khi bị bắt vì tố cáo cấp trên ăn hối lộ, cũng bị các đồng đội cũ tra tấn dã man, bị treo tay chân trong hầm phân suốt bảy ngày đêm, khi ra tòa phải có người dìu đi vì không bước nổi.

Những thông tin về bức cung, ép cung trong vụ án Nguyễn Văn Chưởng không chỉ được đồn đãi trong dư luận mà được trình bày trước tòa và có trong các bài tường trình của báo chí nhà nước trong thời gian đầu của vụ án “nhiều khuất tất.”

Không là luật sư cũng thấy bản án tử hình Nguyễn Văn Chưởng là kết quả của thủ đoạn ép cung, chỉ dựa vào lời khai của đương sự trong tình trạng bị giam cầm và tra tấn. Ngày 15 Tháng Năm, 2012, năm văn phòng luật sư biện hộ cho anh Chưởng cùng làm đơn kiến nghị chủ tịch nước khi đó là ông Trương Tấn Sang, cho rằng bản án tử hình anh Chưởng là oan sai, đề nghị ông cho dừng việc thi hành án tử hình và giao cho Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao xem xét trách nhiệm hình sự của những người tiến hành tố tụng.

Ấy thế nhưng giới lãnh đạo CSVN dường như không thèm đếm xỉa tới đạo lý, coi mạng người như cỏ rác. Một khi công an – lực lượng “còn đảng còn mình” khét tiếng tàn ác – đã kết luận thì coi như đó là chân lý, một thứ chân lý đẫm máu người, mọc lên từ những trận đòn thù ác độc.

Bây giờ thì anh Chưởng sắp bị hành quyết, ôm nỗi oan khiên xuống tuyền đài. Mấy hôm nay, cả nước rộ lên hoạt động gửi thư, nhắn tin cho Chủ Tịch Nước Võ Văn Thưởng, kêu gọi ân xá cho anh Nguyễn Văn Chưởng – coi đó là một giải pháp hợp tình hợp lý hợp pháp sau khi anh đã ngồi trong xà lim tử tù hơn 16 năm qua.

Trang thỉnh nguyện thư avaaz.org cho biết trên Internet đã có 3,644 người ký tên thúc giục ông Thưởng hoãn hành hình Nguyễn Văn Chưởng nhưng số người nhắn tin trực tiếp cho ông Thưởng thì cao hơn rất nhiều. Nhiều người hy vọng ông tân chủ tịch nước có lương tâm, sẽ cải tử hoàn sinh cho anh Chưởng, mà không nghĩ rằng đây là sản phẩm của một hệ thống, một tập thể cai trị mà cá nhân ông chủ tịch không dễ gì thay đổi được dù luật Việt Nam quy định ông có quyền “ân xá” mọi phạm nhân.

Tưởng cũng cần nhắc lại rằng năm 2013 Việt Nam có ký kết tham gia Công Ứớc Chống Tra Tấn và Các Hình Thức Trừng Phạt hay Đối Xử Tàn Ác Vô Nhân Đạo hoặc Hạ Thấp Nhân Phẩm đã được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 10 Tháng Mười Hai, 1984 – nên cộng đồng quốc tế có quyền và nghĩa vụ buộc chính phủ Việt Nam phải thực hiện đúng cam kết.

Ở các nước có tự do, dân chủ và nhân quyền, các tòa án đều cho đúc một câu châm ngôn lên mặt tiền pháp đình để nhắc nhở các quan tòa phải nhớ một nguyên tắc tối thượng: “Thà bỏ lọt tội phạm còn hơn kết án oan người vô tội”. Hầu hết các nước trên thế giới đều bỏ án tử hình vì người bị giết oan sẽ không thể nào cứu sống lại được.

Nhưng dưới các chế độ độc tài, guồng máy tư pháp (công an điều tra, viện kiểm sát, tòa án) chỉ là công cụ của thế lực cầm quyền hành xử theo nguyên tắc “thà giết lầm hơn bỏ sót,” lấy bạo lực để gieo rắc sợ hãi cho toàn xã hội thì e rằng số phận của hai tử tù Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải và bao nhiêu “tử tù dự khuyết” khác nữa đã được an bài trong tuyệt vọng.

Hiếu Chân/Người Việt 

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments