Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy thăm Nhà thờ Hóa hình ở Odesa bị hư hại, ngày 27/7/2023. (ảnh do Văn phòng Báo chí của Tổng thống Ukraine cung cấp)
Trên chiến trường Ukraine, khói mù chiến tranh bao trùm binh lính. Xa chiến trường, một loại chướng khí liên quan gây mất phương hướng làm ảnh hưởng đến những ai muốn tìm hiểu những gì đang diễn ra trong cuộc chiến.
Thông tin sai lệch, thông tin xuyên tạc và thiếu thông tin đều che mờ sự hiểu biết của người dân. Các quan chức của mỗi bên tố cáo những âm mưu quỷ quyệt đang được kẻ thù chuẩn bị, những âm mưu này không bao giờ thành hiện thực. Họ tuyên bố những chiến thắng không thể xác nhận — và giữ im lặng về những thất bại.
Những điều này không chỉ xảy ra trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. Bất kỳ quốc gia nào trong chiến tranh đều bẻ cong sự thật — để nâng cao tinh thần ở mặt trận quê hương, để thu hút sự ủng hộ từ các đồng minh của mình, để cố gắng thuyết phục những kẻ gièm pha thay đổi lập trường.
Nhưng cuộc chiến trên bộ lớn nhất của châu Âu trong nhiều thập niên – và là cuộc chiến lớn nhất kể từ buổi bình minh của thời đại kỹ thuật số – đang diễn ra trong một không gian thông tin quá sôi bỏng. Và công nghệ truyền thông hiện đại, về mặt lý thuyết là một lực lượng để nâng cao kiến thức của công chúng, có xu hướng làm tăng thêm sự hoang mang vì sự lừa dối và sai sự thật tiếp cận khán giả tức thì.
Ông Andrew Weiss, một nhà phân tích tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nói: “Chính phủ Nga đang cố gắng miêu tả một phiên bản thực tế nhất định, nhưng nó cũng được chính phủ Ukraine và những người ủng hộ chính nghĩa của Ukraine đưa ra.”
‘Tung hỏa mù’ không phải là chuyện mới xảy ra
Ngay cả trước khi chiến tranh bắt đầu, sự hoang mang và mâu thuẫn đã đầy rẫy.
Nga dù điều hàng chục nghìn binh sĩ tới biên giới nhưng tuyên bố không có ý định xâm lược. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy luôn hạ thấp khả năng xảy ra chiến tranh – một lập trường đáng báo động đối với một số đồng minh phương Tây – mặc dù việc bảo vệ Kyiv cho thấy các lực lượng Ukraine đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho tình huống đó.
Trong vòng một ngày kể từ khi chiến tranh bắt đầu hôm 24/2/2022, thông tin sai lệch đã lan truyền, đáng chú ý là câu chuyện “Bóng ma Kyiv” kể về một phi công chiến đấu người Ukraine đã bắn hạ sáu máy bay Nga. Nguồn gốc của câu chuyện không rõ ràng, nhưng nó đã nhanh chóng được hỗ trợ bởi các tài khoản chính thức của Ukraine trước khi chính quyền thừa nhận đó là một huyền thoại.
Một trong những trường hợp thông tin sai lệch trắng trợn nhất xảy ra vào tuần thứ hai của cuộc chiến, khi một bệnh viện phụ sản ở thành phố Mariupol trong vòng vây hãm bị ném bom từ trên không. Những hình ảnh được chụp bởi một nhiếp ảnh gia cho hãng tin AP, hãng tin có nhóm phóng viên nước ngoài duy nhất trong thành phố, đã khiến cả thế giới kinh hoàng, đặc biệt là hình ảnh một phụ nữ mang thai nặng nề được cáng qua đống đổ nát.
Cuộc tấn công tàn bạo đã đi ngược lại với tuyên bố của Nga rằng họ chỉ tấn công các mục tiêu có giá trị quân sự và tránh các cơ sở dân sự. Nga đã nhanh chóng phát động một chiến dịch đa hướng để giảm bớt sự phẫn nộ.
Các nhà ngoại giao, bao gồm cả đại sứ của Nga tại Liên hiệp quốc, đã tố cáo tin tức và hình ảnh của AP là hoàn toàn giả mạo. Nga tuyên bố rằng một bệnh nhân được phỏng vấn sau vụ tấn công (có vẻ không bị thương) và người phụ nữ trên cáng là cùng một người và bà đã từng là một diễn viên về khủng hoảng. Ngoại trưởng Sergey Lavrov cáo buộc các chiến binh Ukraine đang trú ẩn trong bệnh viện, khiến nơi này trở thành mục tiêu hợp pháp.
Một tuần sau, nhà hát kịch lớn của Mariupol bị phá hủy trong một cuộc không kích mặc dù từ “trẻ em” được viết bằng tiếng Nga rất to ở hai điểm xung quanh nhà hát để cho thấy rằng thường dân đang trú ẩn ở đó. Vụ không kích đã giết chết khoảng 600 người.
Nga phủ nhận vụ tấn công, một lần nữa tuyên bố rằng các chiến binh Ukraine đang trú ẩn bên trong và rằng chính các chiến binh đã cho nổ tung tòa nhà.
Nga tự tuyên bố về chiến tích của mình
Bộ Quốc phòng Nga gần như hàng ngày đưa ra tuyên bố rằng hạ được hàng chục hoặc hàng trăm binh sĩ Ukraine, những tuyên bố không thể xác nhận và được nhiều người cho là bị thổi phồng.
Vào tháng 1 năm nay, Bộ Quốc phòng đã khoe khoang rằng lực lượng của họ đã giết chết khoảng 600 binh sĩ Ukraine trong một cuộc tấn công bằng phi đạn vào các tòa nhà ở thành phố Kramatorsk, nơi những người lính này tạm trú. Tuy nhiên, các nhà báo, bao gồm cả một phóng viên của AP đã đến địa điểm này vào ngày hôm sau, phát hiện các tòa nhà không bị hư hại nghiêm trọng và không có dấu hiệu của bất kỳ trường hợp tử vong nào.
Nga cho biết cuộc tấn công có mục đích là để trả đũa cuộc tấn công của Ukraine vào một căn cứ của Nga khiến ít nhất 89 người thiệt mạng, một trong những tổn thất lớn nhất được biết đến của Nga trong một vụ việc.
Đôi khi không thể phủ nhận sự thật về sự hủy diệt gây sốc, nhưng ai gây ra thì vẫn còn tranh cãi. Khi một nhà thờ nổi tiếng ở Odesa bị hư hại nặng nề vào tháng 7, Ukraine nói nhà thờ bị trúng phi đạn của Nga; Nga thì nói nhà thờ bị trúng mãnh vỡ của một phi đạn phòng thủ Ukraine.
Việc vỡ đập Kakhovka gây nhiều tác hại vào tháng 5 năm nay, nằm dưới sự kiểm soát của Nga, đã dẫn đến các tin tức mâu thuẫn gay gắt từ Nga – cho rằng đập bị phi đạn Ukraine bắn trúng – và Ukraine, nước cáo buộc lực lượng Nga đã cho nổ tung nó. Một phân tích của AP cho thấy Nga có phương tiện và động cơ để phá hủy con đập.
Cả hai bên đều chơi trò hạ bệ bên kia bằng những tuyên bố về những kế hoạch quỷ quyệt của đối phương. Đôi khi một bên cáo buộc bên kia đang chuẩn bị một cuộc tấn công “báo động giả”, như khi Ukraine tuyên bố Nga đã lên kế hoạch tấn công phi đạn vào đồng minh Belarus để đổ lỗi cho Ukraine và lôi kéo quân đội Belarus vào cuộc chiến.
Nga và Ukraine đều đưa ra mối đe dọa của thảm họa hạt nhân. Hồi tháng 10 năm ngoái, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới với tuyên bố rằng Ukraine đang chuẩn bị một “quả bom bẩn” – một loại chất nổ thông thường phát tán chất phóng xạ. Ngược lại, Tổng thống Ukraine đã nhiều lần cảnh báo rằng Nga đã gài chất nổ để gây ra thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia mà Nga đang chiếm đóng. Bằng chứng của cả hai cáo buộc này đều không có. (Theo VOA).