Friday, November 22, 2024
No menu items!
spot_img
HomeUncategorizedDù thiếu nhân chứng, vật chứng, công an-kiểm sát-tòa án quyết ai...

Dù thiếu nhân chứng, vật chứng, công an-kiểm sát-tòa án quyết ai chết, người đấy phải chết?

Luật sư Lê Văn Hòa (ảnh chụp màn hình trang Facebook cá nhân của ông, 8/8/2023)

Cho đến ngày 9/8, vẫn chưa rõ số phận của tử tù Nguyễn Văn Chưởng ra sao, dù cha của ông Chưởng là ông Nguyễn Trường Chinh và hàng nghìn người thỉnh cầu Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng tạm hoãn thi hành án đối với ông Chưởng.

VOA mới đây phỏng vấn luật sư Lê Văn Hòa, người nắm rõ những điểm có thể chứng minh ông Chưởng bị kết án oan.

Luật sư Hòa từng là Tổ trưởng Kiểm tra án oan của Ban Nội chính Trung ương, thuộc Đảng Cộng sản, và trực tiếp được giao nhiệm vụ xem xét lại đơn kêu oan về vụ án của ông Nguyễn Văn Chưởng trong giai đoạn 2013-2014. Sau đó, ông Hòa có thời gian làm luật sư tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho ông Nguyễn Trường Chinh kêu oan cho con.

VOA: Thưa ông, là một trong những người lên tiếng kêu gọi các nhà lãnh đạo Việt Nam tạm hoãn án tử hình cho ông Nguyễn Văn Chưởng, xin ông cho biết có những căn cứ gì để làm như vậy?

Luật sư Lê Văn Hòa: Tôi căn cứ vào nhân chứng, vật chứng, tang chứng. Trong các năm 2013, 2014, tôi công tác tại Ban Nội chính Trung ương [thuộc Đảng Cộng sản Việt Nam], tôi được Trưởng ban lúc đó là ông Nguyễn Bá Thanh giao làm Tổ trưởng Kiểm tra án oan, nghiên cứu, làm rõ lời kêu oan của tử tù Nguyễn Văn Chưởng.

Chúng tôi đã làm việc với cơ quan chức năng và sau đó chúng tôi báo cáo lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, trực tiếp với ông Nguyễn Bá Thanh là Trưởng ban.

Chúng tôi căn cứ vào hồ sơ vụ án, đương nhiên là có thêm một số nguồn tài liệu khác do một số nhà báo của báo Người Đưa Tin thuộc Hội Luật gia Việt Nam cung cấp.

Việc Ban Nội chính Trung ương giao cho chúng tôi nghiên cứu về vụ án này – để báo cáo cho lãnh đạo Ban, để có cơ sở tham mưu, báo cáo lên cấp trên – có xuất xứ từ bài báo đăng trên báo Người Đưa Tin nói về đơn kêu oan của tử tù Nguyễn Văn Chưởng, đã dùng tăm thêu lên chiếc áo kêu rằng mình bị oan trong việc bị cáo buộc và xử tù qua hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm về tội giết người. Cụ thể là giết thiếu tá cảnh sát hình sự, công an Hải Phòng, trong buổi tối khoảng 21h ngày 14/7/2007.

Qua nghiên cứu các tài liệu mà chúng tôi thu thập được, tổ công tác chúng tôi báo cáo ông Nguyễn Bá Thanh. Chúng tôi khẳng định đây là ý kiến của tập thể, không phải ý kiến cá nhân, cả 3 người trong tổ đồng thuận cao, không thành viên nào trong tổ có ý kiến khác.

Chúng tôi khẳng định rằng tử tù Nguyễn Văn Chưởng bị các cơ quan tố tụng cáo buộc là chủ mưu và tham gia chém nạn nhân là không khách quan.

VOA: Qua phân tích, nghiên cứu của tổ, có những bằng chứng gì hoặc lập luận gì mạnh nhất để khẳng định ông Chưởng bị oan?

Luật sư Lê Văn Hòa: Chúng tôi khẳng định những dấu hiệu Chưởng bị oan là rất rõ ràng. Thứ nhất, lời khai của các bị cáo và một số nhân chứng thể hiện rất nhiều mâu thuẫn, không đủ cơ sở kết luận Chưởng là chủ mưu. Nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng của vụ án này đã không làm rõ.

Chủ yếu là họ dựa vào lời khai còn nhiều mâu thuẫn của Vũ Toàn Trung, là một trong ba bị cáo trong vụ án. Vũ Toàn Trung, theo tài liệu về vụ án mà chúng tôi thu thập được, là một con nghiện heroin rất nặng. Cơ quan tố tụng cũng dựa vào lời khai của một cô gái tên là Nguyễn Thị Lan Phương, là người yêu của Vũ Toàn Trung, để buộc tội Chưởng.

Lời khai của hai người này, Vũ Toàn Trung và Nguyễn Thị Lan Phương, có rất nhiều mâu thuẫn thể hiện trong rất nhiều bút lục. Ví dụ như bút lục 477, 441, 435, 433, 415, 423, 426, v.v…

Có lúc đối tượng Vũ Toàn Trung khai “hôm nay tôi mới nói thật” khi trả lời cán bộ điều tra. Trong rất nhiều lời khai, thì có lời khai “hôm nay tôi nói thật”. Vậy, lấy cơ sở nào để kết luận lời khai nào của Vũ Toàn Trung là thật?

Bị cáo này bị kết án hơn 20 năm tù. Trong vụ án có ba bị cáo. Chưởng bị cáo buộc là chủ mưu với mức án sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm đều y án, giám đốc thẩm cũng không cải sửa mức án cho Nguyễn Văn Chưởng theo kháng nghị giám đốc thẩm của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Trong bản án sơ thẩm đầu tiên chỉ có bị cáo Chưởng kháng cáo, kêu oan và khẳng định là trong buổi tối 14/7/2007, bản thân Chưởng không có mặt tại hiện trường nơi xảy ra vụ án và thời điểm đó Chưởng đang về chơi, thăm nhà và gặp gỡ một số người bạn tại quê của Chưởng ở xã Bình Dân, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Nhà của Chưởng cách hiện trường vụ án gần 40 kilomet.

Một bị cáo nữa là Đỗ Văn Hoàng bị cáo buộc là kẻ thủ ác, thực hiện những nhát chém rất nghiêm trọng trên thái dương, trên đầu của thiếu tá Nguyễn Văn Sinh, gây nên cái chết của Nguyễn Văn Sinh.

Chưởng kháng cáo, kêu oan, khẳng định mình không tham gia viêc giết hại thiếu tá Nguyễn Văn Sinh để cướp tài sản, như cáo buộc của các cơ quan tố tụng. Vũ Toàn Trung không kháng cáo, kêu oan.

Từ niềm tin nội tâm của tôi, tôi thấy rất nhiều khả năng bản chất vụ án này không đúng như các cáo buộc của cơ quan tố tụng là đây là vụ án giết người để cướp tài sản, có rất nhiều mâu thuẫn.

Tôi cho rằng có dấu hiệu cho thấy thiếu tá cảnh sát hình sự Nguyễn Văn Sinh bị giết chết không hẳn là do nguyên nhân bị giết để nhằm mục đích cướp tài sản của anh Sinh, mà có thể vì nguyên nhân khác.

Tôi đã thay mặt tổ công tác viết báo cáo gửi Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh và tôi đưa ra nghi vấn đó: có thể thiếu tá Nguyễn Văn Sinh bị giết do nguyên nhân xã hội như là ghen tuông, tình ái, hay mâu thuẫn về tiền nong, hoặc là lý do khác.

Vụ án này có rất nhiều tình tiết cho thấy là cơ quan tố tụng cáo buộc nhóm Chưởng, Hoàng và Trung không khách quan.

Về khám nghiệm hiện trường, tôi thấy có vi phạm rất nghiêm trọng. Trong một vụ án mạng, khâu khám nghiệm hiện trường là khâu quan trọng đầu tiên, đặc biệt quan trọng.

Trong vụ án này, thiếu tá cảnh sát hình sự Nguyễn Văn Sinh bị giết, theo hồ sơ vụ án, vào tầm 21h ngày 14/7/2007. Lúc xảy ra vụ án, địa bàn xảy ra vụ án có trời mưa rất to. Nhưng đến tầm 15h30 phút ngày hôm sau, 15/7/2007, cơ quan điều tra mới tổ chức khám nghiệm hiện trường.

Hơn một nửa ngày sau, mười mấy tiếng đồng hồ sau mới khám nghiệm, trong khi trời mưa, thì làm sao còn dấu vết. Những dấu vết quan trọng chắc chắn bị mất đi. Hoặc là có thể những vật chứng tại hiện trường có thể cũng bị xáo trộn, cũng bị thất lạc.

Thứ hai là công tác thu giữ vật chứng của vụ án cũng rất tùy tiện. Sau khi thiếu tá Nguyễn Văn Sinh bị đâm chém và hấp hối, người dân ở xung quanh hiện trường vụ án đã báo cho công an phường Đông Hải 2 và nơi công tác của thiếu tá Sinh.

Theo hồ sơ vụ án, tối hôm đó, Nguyễn Văn Sinh được phân công là trực ban hình sự. Từ lúc nhận được tin báo, thượng sĩ Phạm Ngọc Quang, chiến sĩ công an phường Đông Hải 2, quận Hải An, thành phố Hải Phòng, đến hiện trường.

Không rõ lý do gì thượng sĩ Phạm Ngọc Quang lại đem áo mưa, áo cảnh sát, dép của nạn nhân Nguyễn Văn Sinh đem gửi ở phòng bảo vệ của công ty New Hope ở ngay cạnh hiện trường vụ án.

Còn điện thoại di động và khẩu súng ngắn K59 với băng đạn còn 1 viên mà thiếu tá Sinh được giao thì anh cảnh sát Phạm Ngọc Quang lại mang đi đâu không rõ. Đến hơn 1h ngày 15/7/2007 mới được lập biên bản thu giữ, đến 17h cùng ngày mới làm thủ tục niêm phong. Đây là chứng cứ thứ hai mà tôi cho là rất nghiêm trọng. Công tác thu giữ, lập biên bản các tang vật trong vụ án này rất nguy hiểm.

Thứ ba là các dấu vết chúng tôi căn cứ vào các bản ảnh chụp tử thi của nạn nhân Nguyễn Văn Sinh. Chúng tôi căn cứ vào dấu vết đó, và nội dung này cũng được rất nhiều luật sư trước đây họ dùng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bị cáo Nguyễn Văn Chưởng trước các phiên tòa, và nhiều nhà báo khác cũng phân tích.

Căn cứ vào các dấu vết để lại trên áo và thi thể của nạn nhân Nguyễn Văn Sinh, chúng tôi cũng đồng tình với quan điểm là không thể nói rằng nạn nhân chỉ bị tấn công, bị tác động tại hiện trường, mà có thể bị tấn công, tác động trước đó tại một địa điểm khác.

Địa điểm là hiện trường chính, theo hồ sơ vụ án, nơi thiếu tá Sinh bị giết chết thì chưa hẳn là hiện trường chính của vụ án. Chúng tôi đã đặt nghi vấn như thế.

Bản giám định pháp y của Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an, kết luận các vết hằn, xây xát trên da ở vùng thắt lưng của nạn nhân Nguyễn Văn Sinh do vật cứng có cạnh tiếp xúc dài, hẹp gây ra. Ngoài ra còn có các tổn thương tụ máu ở vùng thắt lưng hai bên do vật tày gây nên.

Căn cứ vào lời khai mâu thuẫn, căn cứ vào hành vi, hung khí và dấu vết trên cơ thể nạn nhân thì hoàn toàn không phù hợp và cũng không được thực nghiệm, điều tra, làm rõ.

Các cơ quan tố tụng kết luận hung khí của nhóm Chưởng là dao, kiếm chứ hoàn toàn không có hung khí nào là vật tày.

Như tôi phân tích ở trên, biết đâu trước khi bị chém bằng dao, kiếm, nạn nhân Nguyễn Văn Sinh có thể đã bị tấn công bằng vật tày ở địa điểm khác. Đấy cũng là một nghi vấn của chúng tôi và đã báo cáo với Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh.

Hồ sơ vụ án nói rằng anh Sinh mặc áo mưa vì trời đang mưa và đang gọi điện cho ai đó, thì ba đối tượng Chưởng, Hoàng và Trung ngồi trên xe máy lao đến. Tài liệu chúng tôi thu thập được khẳng định Chưởng không tham gia. Bị cáo Hoàng và Trung nhảy xuống chém. Những nhát chém quyết định, gây ra cái chết của anh Sinh là những nhát chém của Hoàng.

Sau khi bị chém như thế, anh Sinh chưa chết ngay. Chúng tôi xem những bản ảnh khám nghiệm hiện trường thì anh Sinh là người rất to béo, có sức khỏe rất tốt, thì anh Sinh dùng súng bắn chỉ thiên, theo hồ sơ vụ án.

Chúng tôi đặt vấn đề là tại sao anh Sinh học, được đào tạo ở trường công an, là cảnh sát hình sự nhiều năm rồi, cớ gì mà lúc anh bị tấn công, luật hoàn toàn cho phép bắn thẳng vào người hoặc vào chân để bắt sống đối tượng tấn công mình chứ, lúc ấy anh đang thi hành nhiệm vụ mà, thế thì tại sao anh không bắn thẳng vào người đối tượng mà lại bắn chỉ thiên 3 phát.

Cơ quan điều tra không làm rõ dấu vân tay trên cò khẩu súng của anh Sinh có phải là dấu vân tay của thiếu tá Nguyễn Văn Sinh hay không hay là của người khác thì không kết luận được, không làm rõ, không có việc khám nghiệm khẩu súng đó. Đấy là một căn cứ nữa mà chúng tôi nghi vấn.

Một nội dung cũng rất quan trọng nữa là chứng cứ ngoại phạm của Nguyễn Văn Chưởng cũng không được các cơ quan tố tụng cả cấp sơ thẩm lẫn phúc thẩm làm rõ.

Sau khi vụ án xảy ra, vào rạng sáng 3/8/2007, Chưởng bị cơ quan cảnh sát điều tra, công an thành phố Hải Phòng, bắt giữ. Lý do ban đầu là kiểm tra hành chính, Chưởng thiếu giấy tờ. Sau đó mới chuyển sang giam giữ vì nghi tham gia giết người.

Ngày 4/8/2007, em trai của Nguyễn Văn Chưởng (sinh năm 1983) là Nguyễn Trọng Đoàn (sinh năm 1987) xin được xác nhận của một số nhân chứng khẳng định họ đã gặp Chưởng trong buổi tối ngày 14/7/2007 tại quê ở Hải Dương, tức là Chưởng không có mặt ở hiện trường vụ án.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các luật sư bào chữa cho Chưởng đã đề nghị hội đồng xét xử cho mời các nhân chứng đó đến tòa để hội đồng xét xử thẩm vấn để làm rõ, nhưng không được chấp nhận.

Ngày 10/8/2007, Đoàn cầm đơn khiếu nại của mẹ mình và các giấy xác nhận của khoảng 7 nhân chứng đem nộp cho cơ quan cảnh sát điều tra, công an Hải Phòng, thì bị bắt khẩn cấp luôn về tội che giấu tội phạm.

Việc bắt khẩn cấp Đoàn tôi cho rằng rất là nghiêm trọng. Nếu như vụ án Nguyễn Văn Chưởng được lật lại, được sự chỉ đạo của những người có trách nhiệm cao nhất, thì cũng phải làm rõ việc cơ quan điều tra công an Hải Phòng bắt Nguyễn Trọng Đoàn, em ruột của Nguyễn Văn Chưởng, là đúng hay sai.

Nguyễn Trọng Đoàn cũng rất oan ức. Ông Nguyễn Trường Chinh và và Bích, bố mẹ tử tù Nguyễn Văn Chưởng, đã mất người con thứ hai là Nguyễn Trọng Đoàn rồi. Cháu này mất vì ung thư, cũng mới tháng nay thôi.

Họ đứng trước nguy cơ nếu thi hành án đối với Nguyễn Văn Chưởng mà không được Chủ tịch nước can thiệp, chỉ đạo để tòa án thành phố Hải Phòng tạm dừng lệnh thi hành án, tôi nghĩ chỉ trong thời gian rất ngắn chỉ tính bằng ngày, bố mẹ của tử tù Nguyễn Văn Chưởng sẽ mất nốt người con trai là Nguyễn Văn Chưởng.

(còn nữa)

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments