Saturday, November 23, 2024
No menu items!
spot_img
HomeTin nổi bậtThi hành án tử Nguyễn Văn Chưởng: Nhà nước vấy máu dân...

Thi hành án tử Nguyễn Văn Chưởng: Nhà nước vấy máu dân oan

Gia đình kêu oan cho tử tù Nguyễn Văn Chưởng

Sau 15 năm kêu oan cho con, cha mẹ Nguyễn Văn Chưởng từ một thầy lang khá giả phải bán nhà cửa, tài sản trở thành người vô gia cư, ăn ngủ vật vạ gầm cầu, lề đường. Ngày 4-8 gia đình “tử tù” được Tòa án thông báo lựa chọn hình thức nhận thi hài con. Thủ tục thi hành án đã khởi động. Điều đáng nói bản án này, không chỉ  bị án, gia đình, luật sư kêu oan mà chính Viện Kiểm Sát Tối Cao, Ủy Ban Tư Pháp của Quốc Hội cũng thấy oan nhưng nó vẫn được thi hành. Nhân danh nhà nước giết oan người vô tội, nền tư pháp và cả bộ máy nhà nước đang vấy máu dân oan

Đêm 4-8, dư luận mạng xã hội bùng vở sự căm phẫn với thông tin sét đánh từ nhà báo Nguyễn Đức “Tử tù” Nguyễn Văn Chưởng sắp bị thi hành án”. Kèm theo đó là hình ảnh văn bản lạnh lùng “Thông báo về việc làm đơn xin nhận thi hài tro cốt của người đã bị thi hành án tử hình”

Nhà báo nhắn tin cho Chủ tịch nước!

Không chỉ thông tin đơn thuần, phần cuối status, Nguyễn Đức đã kiến nghị “Tôi kiến nghị Chủ tịch nước cần xem xét hoãn thi hành án tử Nguyễn Văn Chưởng và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cần xem xét lại vụ án này. Mong các đại biểu quốc hội quan tâm vụ án Nguyễn Văn Chưởng có kiến nghị khẩn cấp tạm hoãn thi hành án tử Nguyễn Văn Chưởng.” (1)

Năm tiếng đồng hồ sau, khoảng 10 giờ đêm Nguyễn Đức đã đăng thêm một status mới với nội dung nóng hổi làm lòng người phấn chấn, hy vọng “Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vừa nhắn tin trả lời tôi về thông tin tôi nhắn Chủ tịch nước chuyện tử tù Nguyễn Văn Chưởng sắp bị thi hành án.

“Tôi đã nhận được tin nhắn của Anh!” (Chủ tịch nước trả lời lúc 21:09 giờ tối 4/8/2023). Thật cảm kích, dù bận trăm công ngàn việc, Chủ tịch nước vẫn dành chút thời gian xem tin nhắn về số phận ngàn cân treo sợi tóc của Nguyễn Văn Chưởng”.

Nguyễn Đức cũng đăng kèm nội dung tin nhắn gửi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng lúc 17g15 ngày 4/8/2023.

Kính gửi Chủ tịch nước, tôi là Nhà báo Nguyễn Đức- Biên tập viên Báo Pháp Luật TP.HCM.

Hôm nay tôi nhận thông tin TAND TP Hải Phòng gửi thông báo cho gia đình tử tù Nguyễn Văn Chưởng là sắp thi hành án tử đối với Chưởng. Đây là vụ án báo chí viết nhiều, đại biểu quốc hội lên tiếng nhiều. VKS tối cao từng kháng nghị giám đốc thẩm hủy án vì nhiều tình tiết cần làm rõ. Mong Chủ tịch nước xem xét cho tạm hoãn thi hành án tử Nguyễn Văn Chưởng và yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét lại vụ án còn nhiều oan khuất này. Kính chúc Chủ tịch nước và gia đình mạnh khỏe.”

Không chỉ vậy, Nguyễn Đức còn cho biết “Trong ngày hôm nay tôi đã nhắn tin cho các đại biểu quốc hội thực hiện chức trách của đại biểu về trường hợp tử tù Nguyễn Văn Chưởng”.

Chỉ sau hai tiếng đồng hồ vào khoảng 0 giờ ngày 5-8, status này đã có 1.300 lượt bày tỏ cảm xúc, 119 bình luận và 322 lượt chia sẻ. (2)

Trong nhà nước tập quyền cộng sản, mọi cán bộ viên chức đều được ràng trong nội quy là không được viết, bày tỏ những ý kiến phản biện trên mạng xã hội thì việc làm của Nguyễn Đức quả là dũng cảm. Càng dũng cảm hơn nữa vì Nguyễn Đức từng lên bờ xuống ruộng, từng cận kề với cái vòng thòng lọng điều 331 qua những bài viết những clip thông tin, kiến nghị về vụ án Hồ Duy Hải.

Việc một nhà báo địa phương nhắn tin kiến nghị với chủ tịch nước và các đại biểu Quốc Hội cũng là điều chưa từng có tiền lệ ở xứ sở có quá nhiều quyền dân chủ để người ta lợi dụng mà thành tội phạm.

Cảm động và khâm phục nhà báo Nguyễn Đức nhưng cũng không thể không ghi nhận thái độ cầu thị hạ cố quan tâm của Chủ Tịch Nước Võ Văn Thưởng đã nhắn tin trả lời. Dù nội dung tin nhắn của ông rất trung tính đến vô cảm nhưng cũng là tín hiệu đáng mừng gieo hy vọng cho nhiều người.

Ít nhất tin nhắn ấy cũng thể hiện trách nhiệm của ông Chủ Tịch Nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư Pháp về một sự kiện quan trọng có ảnh hưởng đến nền tư pháp và cả uy tín danh dự, nhân phẩm của ông.

Vấn đề là tại sao Nguyễn Đức nhiệt huyết kiến nghị đến lãnh đạo quốc gia và đại biểu Quốc Hội can thiệp việc thi hành án tử tù Nguyễn Văn Chưởng đã mang án tử từ 15 năm qua.

Bị bức cung, xóa hồ sơ, nhân chứng bị trấn áp

Đây là vụ án oan mà không chỉ Nguyễn Văn Chưởng phải tẩn mỉ rút từng sợi chỉ áo để viết thành thơ kêu oan, cha anh hai lần cắn tay lấy máu viết thơ kêu oan, luật sư kêu oan mà cả Viện Kiểm Sát Nhân dân tối Cao, Chủ Nhiệm Ủy Ban Tư Pháp Quốc Hội, trưởng đoàn giám sát cũng công nhận là oan.

Năm 2014, báo Tuổi Trẻ và nhiều tờ báo từng đăng ý kiến Luật sư Hoàng Văn Quánh (Ðoàn luật sư TP Hà Nội), người bào chữa cho Nguyễn Văn Chưởng ở phiên phúc thẩm, cho biết tại tòa cả hai anh em Chưởng khai bị đánh đập nên phải nhận tội. Các bản cung phía dưới chữ ký Chưởng đều viết chữ “EC” (tức bị ép cung).

Hồ Sơ vụ án có một số tài liệu bị mất, biên bản xác định thương tích trên người bị cáo Chưởng khi Chưởng về trại tạm giam Trần Phú do giám thị trại giam lập, có y sĩ trại giam chứng kiến nhưng không có trong hồ sơ.

Khi bị bắt, Chưởng bị tịch thu điện thoại. Bị cáo và luật sư đề nghị cơ quan điều tra khôi phục cuộc gọi và xác định xem Chưởng có mặt tại Hải Phòng vào tối 14-7 hay không nhưng yêu cầu này cũng không được thực hiện.

Ðôi dép, khẩu trang màu xanh và thanh đoản kiếm thu giữ tại hiện trường thì cơ quan điều tra không làm rõ của ai. Quần dài và áo lót của nạn nhân là tang vật thu giữ, sau đó bị hủy mà không hiểu vì lý do gì.

Quá trình tham gia vụ án từ giai đoạn điều tra, các luật sư bị Công an TP Hải Phòng gây khó dễ, kéo dài thời gian cấp giấy chứng nhận bào chữa, không cho tiếp xúc với bị can. Họ phải gửi đơn kiến nghị đến Bộ Công an, Viện KSND tối cao và phó thủ tướng Chính phủ.

Luật sư cũng nêu ra các bằng chứng ngoại phạm là vụ án xảy ra ở Hải Phòng đêm 14-7 nhưng nhiều nhân chứng đã xác nhận Chưởng có mặt ở Hải Dương vào thời điểm đó. Khi bị triệu tập đến cơ quan điều tra, họ bị đánh đập nên mới phải khai không nhớ rõ ngày. Sau đó về suy nghĩ lại thấy áy náy, họ làm đơn khẳng định tối 14-7 có gặp Chưởng tại Hải Dương. (3)

Viện Kiểm Sát Tối Cao, Ủy Ban Tư Pháp cũng thấy oan

Viện KSND TC từng kháng nghị Giám Đốc Thẩm bản án vì chưa đủ căn cứ vững chắc buộc tội nhưng Hội Đồng Thẩm Phán TANDTC đã giám đốc thẩm và y án tử hình. Năm 2014, vụ án được đưa và diện giám sát trong chương trình giám sát án oan sai của UBTVQH.

Trình bày trước Đoàn giám sát, Phó viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hải Phong một lần nữa bảo lưu quan điểm của lãnh đạo Viện KSND tối cao.

Qua xem xét hồ sơ vụ án, chúng tôi thấy chưa đủ căn cứ vững chắc để kết luận Chưởng là người chủ mưu, cầm đầu vụ giết người” –

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng căn cứ vào hồ sơ thì Chưởng cũng không phải là người có vai trò chính gây ra cái chết (gây ra vết thương trên trán của nạn nhân – NV).

Hồ sơ không chứng minh được Chưởng chủ mưu bàn bạc đi giết người thì không thể kết tội giết người và tuyên án tử hình Chưởng được.

Theo ông Hiện, vụ Nguyễn Văn Chưởng đã qua xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm với cấp xét xử cao nhất là Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì vụ này nếu có sai cũng hết đường kháng nghị, bởi quyết định của pháp luật về tố tụng hình sự thì quyết định của Hội đồng thẩm phán là quyết định cuối cùng” – ông Nguyễn Văn Hiện nói. (4)

“Pháp luật” không qua “thế lực”

Có lẽ từ những bế tắc pháp lý mà ông Hiện nêu, Luật Tố Tụng Hình Sự sửa đổi năm 2015 đã đưa ra điều luật mới. “Điều 404: Yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

1. Khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không biết được khi ra quyết định đó, nếu Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó.

2. Trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

3. Trường hợp Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mở phiên họp xem xét kiến nghị đó.

Trường hợp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị thì báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mở phiên họp xem xét đề nghị đó.” (5)

Như vậy đến thời điểm hiện nay thì bản án Nguyễn Văn Chưởng không còn bị vướng vào ngõ cụt là hết luật, hết cấp xử lại như thời điểm năm 2014.

Vấn đề là nền tư pháp, thể chế chính trị, Đảng có thiện chí để khai thông cái bế tắc ấy, bảo đảm tòa án xét xử công minh giải oan cho người vô tội hay không? Vướng mắc thật sự không phải là “pháp luật” mà là “thế lực”. Điều 404 đặt ra để làm sang cho nền tư pháp nhưng chưa hề được thi hành.

Tương tự như trường hợp Nguyễn Văn Chưởng, vụ án Hồ Duy Hải cũng được VKSNDTC kháng nghị Giám Đốc Thẩm và bị “hội đồng dao thớt” y án. Sau giám đốc thẩm Ủy Ban Tư Pháp Quốc Hội đã họp với đa số ý kiến thành viên đồng tình kiến nghị xem xét lại bản án giám đốc thẩm “Đa số ý kiến phát biểu đều đề nghị xem xét lại “tính đúng đắn” của quyết định giám đốc thẩm.” (6)

Nhưng đến nay vụ án vẫn chìm trong im lặng. Điều 404 vẫn không được thực thi. Biết đâu, sau Nguyễn Văn Chưởng, lại đến lượt gia đình Hồ Duy Hải nhận thông báo!

Tại sao “pháp luật” chịu thua “thế lực”. Pháp luật thực hiện qua tổ chức, con người mà trong thể chế cộng sản hiện nay, các ông bà Viện Trưởng VKSNDTC, Chủ Nhiệm Ủy ban Tư Pháp Quốc Hội đều chỉ là Ủy Viên Trung Ương Đảng, trong khi Chánh Án Nguyễn Hòa Bình là thành viên Ban Bí thư hai khóa, hiện lại leo thêm nấc mới là Ủy Viên Bộ Chính Trị. Chức vụ đảng, quyền lực chính trị của Nguyễn Hòa Bình cao hơn Lê Minh Trí, Lê thị Nga đến hai bậc, áo mặc sao qua khỏi đầu.

Nếu thừa nhận hai bản án của Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải sai, hóa ra những tuyên bố của chánh án Nguyễn Hòa Bình trước nay là láo khoét sao?

Đây là thách thức với những nhà lãnh đạo tối cao, với ông Thưởng cũng như các vị đại biểu Quốc Hội. Những tin nhắn của nhà báo Nguyễn Đức là sợi dây xích trách nhiệm mà các ông không thể né tránh. Hoặc ngăn chặn tội ác để tay không vấy máu hoặc im lặng thỏa hiệp giết người vô tội. Để tội ác nhân danh công lý diễn ra công khai trước dư luận không chỉ cá nhân ông Thưởng mà cả thể chế này đang vấy máu dân oan. (Theo RFA).

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments