Thông báo về việc bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc bị bãi nhiệm khỏi chức vụ đã không thể qua loa hơn.
Sau hơn một tháng ông Tần Cương không xuất hiện, truyền thông nhà nước Trung Quốc cuối cùng đã đưa ra thông báo về số phận của ông.
Cơ quan ngôn luận của nhà nước Trung Quốc Thời báo Hoàn cầu (The Global Times) đưa tin rằng cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc đã loại ông Tần khỏi vị trí bộ trưởng ngoại giao.
Tin đồn về số phận của ông Tần đã lan truyền trên mạng trong nhiều tuần qua.
Tin đồn phổ biến nhất là việc ông Tần ngoại tình với bà Phó Hiểu Điền (Fu Xiaotian), xướng ngôn viên truyền hình nổi tiếng của đài Phượng Hoàng (Phoenix). Bà Phó cùng với con trai mình cũng đã biến mất.
Phượng Hoàng là một đài truyền hình nhà nước có trụ sở tại Hồng Kông và Thâm Quyến.
Bà Phó, từng học tại Cambridge, được cho là có liên kết với tình báo của Anh Quốc.
Sự biến mất của bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc và việc bãi nhiệm các quan chức cao cấp của Trung Quốc trong ban chỉ huy hỏa tiễn chiến lược của nước này trong thời gian gần đây cho thấy mọi thứ đang trở nên bất ổn ở Trung Quốc.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chưa từng bác bỏ tin đồn về mối quan hệ tình cảm giữa ông Tần và bà Phó.
Tuy nhiên, có thể có nhiều lý do quan trọng hơn cho việc bãi nhiệm ông Tần, bởi việc các quan chức cao cấp của ĐCSTQ có nhân tình không phải là hiếm.
Lời xin lỗi của ông sau vụ Hoa Kỳ bắn hạ một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc đã bị nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh nhìn nhận không tích cực và có thể đã dẫn đến những nghi ngờ sâu xa hơn về lòng trung thành của ông.
Ông Tần mới nhậm chức được bảy tháng, được bổ nhiệm làm bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc vào ngày 30/12/2022.
Theo các kênh truyền thông đưa tin, lần cuối cùng ông Tần xuất hiện trước công chúng là vào ngày 25/06 trong cuộc gặp với các bộ trưởng ngoại giao Nga, Việt Nam, và Sri Lanka.
Hôm 11/07, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo ông Tần sẽ không tham dự cuộc họp của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Indonesia vì lý do sức khỏe.
Ông Tần đã dự kiến đến thăm Úc để tham gia vào Đối thoại Ngoại giao và Chiến lược Trung Quốc-Úc, vốn đã bị hoãn lại sau khi ông biến mất.
Chỉ trong vòng một giờ sau khi ông bị bãi nhiệm, tất cả các tài liệu tham chiếu về ông Tần đã bị xóa khỏi trang web của Bộ Ngoại giao. Thật kỳ lạ, một số tham chiếu đã được khôi phục vài ngày sau đó!
‘Chiến binh sói’ bị hạ gục
Ông Tần đã thăng tiến trong hàng ngũ ĐCSTQ dưới thời Tập Cận Bình. Ông được thăng chức Vụ trưởng Vụ Thông tin của Bộ Ngoại Giao vào năm 2011 sau khi kết thúc nhiệm kỳ công sứ tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Vương quốc Anh từ năm 2010 đến 2011. Năm 2014, ông trở thành Vụ trưởng Vụ Lễ tân của Bộ Ngoại Giao.
Năm 2018, ông Tần được thăng chức lên làm Thứ trưởng Ngoại giao và ba năm sau trở thành đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ. Ông đến Hoa Kỳ vào tháng 07/2021 để đảm nhận vị trí của mình tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn.
Chính với vai trò này, ông đã gây dựng danh tiếng là một trong những “chiến binh sói” mạnh miệng nhất trên toàn cầu, hăng hái cổ xúy cho ĐCSTQ và lên án bất kỳ hành vi chỉ trích nào đối với chế độ.
Được ông Tập Cận Bình chọn làm bộ trưởng ngoại giao, ông Tần đã trở thành một người thân tín của nhà lãnh đạo Trung Quốc này.
Cú ngã ngựa của ông là một sự xấu hổ đáng kể đối với chế độ Bắc Kinh. Đáng chú ý, ông Tần còn là một trong những thái tử Đảng—hậu duệ của thế hệ các nhà lãnh đạo đảng cộng sản đã đưa chế độ này lên nắm quyền.
Giống như ông Tập, vốn là thái tử thuộc thế hệ thứ hai, ông Tần là thái tử thuộc thế hệ thứ tư.
Sự thăng tiến nhanh chóng của ông là một dấu hiệu cho thấy ông có chỗ đứng trong triều đại Trung Quốc. Giờ đây, nó là nguyên nhân gây ra sự xấu hổ đáng kể và có thể cho thấy một cuộc chiến nội bộ khác trong ĐCSTQ.
Không lâu sau khi ông Tần được bổ nhiệm, cựu phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), đã mất chức.
Ông Triệu từng là một người thân tín của cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tạ Phong (Xie Feng), vốn đã được chuyển đến Hoa Thịnh Đốn để thay thế ông Tần. Vai trò của những người như ông Tạ trong cú ngã ngựa của ông Tần là gì thì còn chưa rõ.
Không nghi ngờ gì rằng ông Tập sẽ vượt qua thất bại mới nhất này, dù cho thực tế là chính ông đã thay đổi các quy tắc để bổ nhiệm ông Tần làm bộ trưởng ngoại giao của chế độ.
Mặc dù ĐCSTQ coi việc loại bỏ ông Tần đơn giản là một vấn đề nội bộ, nhưng nó làm tăng thêm nhận thức ngày càng sâu về độ tin cậy trong các giao dịch với Trung Quốc.
Điều trớ trêu là ông Tần từng là một quan chức cấp trung ương trong bộ máy an ninh và đối ngoại của Trung Quốc. Đối với một người còn khá trẻ ở tuổi 57 mà đã được nâng lên một chức vụ cao như vậy, ông Tần chắc chắn đã thu hút một số lượng kẻ thù kha khá trong suốt thời gian ông thăng chức.
Một sự kiện bình thường trong ĐCSTQ
Ông Tần chỉ là một quan chức cao cấp của Trung Quốc “biến mất” trong những năm gần đây.
Ông Bao Phàm (Bao Fan), một nhà tài chính, đồng thời là chủ tịch của công ty China Renaissance Holdings Ltd, đã mất tích từ tháng Hai. Có thông tin cho rằng ông ta đã “vắng mặt” và sau đó là ông ấy đang “trợ giúp trong một cuộc điều tra.”
Ông Bao cùng với nữ diễn viên Phạm Băng Băng (Fan Bingbing), nhà tài phiệt Tiêu Kiến Hoa (Xiao Jianhua), người sáng lập Alibaba Jack Ma, và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp khác, chẳng hạn như Diêm Phong (Yim Fung) và Mao Hiểu Phong (Mao Xiaofeng), đều mất tích khi họ đang trong một hình thức điều tra nào đó. Còn có những người khác, chẳng hạn như cựu chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ (Meng Hongwei) và thẩm phán Tòa án Tối cao Wang Lin Qin.
Một hệ thống giam giữ các đảng viên đang bị điều tra vì các tội danh bị cáo buộc, tội phạm chính trị, và các cáo buộc tương tự, được gọi là Song Quy (Shuanggui) đã tồn tại từ năm 1990—theo hình thức được quy định—nhưng [hệ thống này có lịch sử] còn lâu hơn thế. Hệ thống được điều hành bởi một cơ quan của đảng, đó là Ủy ban Kỷ luật Trung ương.
Tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc vào tháng 03/2018, hệ thống này đã trải qua một cuộc cải tổ với việc thành lập Ủy ban Giám sát Quốc gia (NSC) và hình thức cho loại hình giam giữ này được chuyển thành Lưu Trí (Liuzhi – nghĩa là “tạm giam giữ trong tù”).
Với sự thay đổi này, việc áp dụng hình thức giam giữ bí mật đã được hệ thống hóa bổ sung thành luật, và phạm vi của những cá nhân mà NSC có thể điều tra—và đưa vào Lưu Trí—đã tăng lên.
Trước đây Lưu Trí chỉ áp dụng giới hạn trong các đảng viên, nhưng bây giờ đã mở rộng đến các quan chức nhà nước, các nhà quản lý doanh nghiệp nhà nước, trường đại học và trường học, bệnh viện, cũng như tất cả các cơ quan công cộng khác, chẳng hạn như các hãng truyền thông nhà nước.
Ngoài ra, Lưu Trí cũng đã được áp dụng đối với những người cung cấp dịch vụ, chẳng hạn như nhà thầu, cho một cơ quan của Đảng hoặc nhà nước.
Mặc dù không được hệ thống hóa thành luật, nhưng hệ thống Lưu Trí có thể và đã được sử dụng để giam giữ những người liên quan đến một vụ án mà bản thân họ không phải là đối tượng điều tra.
Theo nghiên cứu của tổ chức Nhân quyền, Safeguard Defenders, hàng chục nghìn người đã bị giam giữ bí mật dưới hệ thống này.
Việc ông Tần có tái xuất vào một thời điểm nào đó trong tương lai hay bị đưa ra xét xử vì vi phạm luật an ninh quốc gia hoặc tham nhũng hay không vẫn cần chờ xem.
Cú ngã ngựa của ông phản ánh cuộc tranh giành quyền lực nội bộ đang diễn ra trong ĐCSTQ, và thực tế, đó là không ai có thể an toàn trước sự giam giữ tùy tiện ở Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times (Theo Epoch Times)