Thursday, November 21, 2024
No menu items!
spot_img
HomeBình LuậnQuan điểmNhân chuyện Chùa Ba Vàng bàn về tiền công đức đóng vào...

Nhân chuyện Chùa Ba Vàng bàn về tiền công đức đóng vào đền chùa ở Việt Nam

Nguồn hình ảnh, Ba Vang Pagoda – Thông báo từ trang của Chùa Ba Vàng

Bộ Tài chính Việt Nam vừa yêu cầu tỉnh Quảng Ninh báo cáo trước số thu tiền công đức năm 2022 và bốn tháng đầu năm 2023.

Kết quả, Bộ Tài chính nhận được báo cáo của 221/450 di tích lịch sử – văn hóa thuộc diện cần kiểm tra, chỉ chiếm 47%. Sau khi rà soát và trừ ra những di tích – đền chùa không có khoản tiền công đức, cúng dường, Bộ Tài chính nhận thấy còn hơn 50 đền chùa ở Quảng Ninh chưa có báo cáo về tiền công đức, trong đó có chùa Ba Vàng ở TP. Uông Bí, thuộc di tích cấp tỉnh, được đánh giá có số thu công đức tốt.

Từ báo cáo này, đã nảy sinh những tranh cãi về tiền công đức giữa thế quyền Hà Nội và thần quyền Quảng Ninh thể hiện qua câu chuyện chùa Ba Vàng ở Uông Bí.

Chùa Ba Vàng ‘thu chi hoàn hảo’

Trước thông tin của Bộ Tài chính nêu chùa Ba Vàng chưa có báo cáo về tiền công đức, ngày 23/7/2023, trả lời các báo VN, sư trụ trì Thích Trúc Thái Minh khẳng định thông tin chùa Ba Vàng không báo cáo thu chi tiền công đức là không đúng sự thật, “không đoàn nào đến kiểm tra, không có yêu cầu nhà chùa nộp báo cáo thu chi tiền công đức thì cơ sở đâu mà cho rằng chùa Ba Vàng không báo cáo thu chi tiền công đức?”

Ngoài ra chúng ta còn thấy có “Thông cáo” và “Thông cáo số 2” trên Facebook Chùa Ba Vàng vào ngày 23/7 với hàng ngàn lượt like và bình luận của Phật tử, cho rằng báo chí “câu view”, “nói sai sự thật”.

Sau khi nhận được văn bản thứ hai của TP. Uông Bí yêu cầu báo cáo tiền công đức, ngày 28/7 sư trụ trì Thích Trúc Thái Minh mới gửi báo cáo thu – chi tiền công đức cho chính quyền. Thời gian báo cáo chỉ hơn một tháng (từ 19/3-30/4/2023), chứ không phải cả năm 2022 và bốn tháng đầu năm 2023 như công văn yêu cầu của Bộ Tài chính.

Số chi tiền công đức trong hơn một tháng của chùa Ba Vàng (trích theo VnExpress) là hơn 4,1 tỷ đồng bằng đúng với số thu. Cân đối thu – chi của chùa không thiếu đồng nào, chứ không phải luôn “bội chi” như ngân sách trung ương.

Căn cứ vào số thu, có thể tính ra trung bình một ngày, chùa Ba Vàng nhận được 100 triệu đồng tiền công đức.

Ngoài ra, sư Thích Trúc Thái Minh cũng viện dẫn công văn của Bộ Tài chính, công văn của giáo hội Phật giáo Việt Nam để khẳng định: ông chỉ báo cáo số thu tiền công đức tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, còn tiền công đức tài trợ cho tôn giáo và cho nhà tu hành thì đó là “vấn đề nội bộ của giáo hội Phật giáo Việt Nam” nên không kê khai.

Phải nói là về khoản này, sư nói đúng. Trước đó, ban quản lý di tích chùa Yên Tử cũng biện minh là số thu tiền công đức thấp vì họ không thể ghi nhận số tiền công đức dâng cúng trên bàn thờ Phật và dâng cúng cho nhà tu hành, theo Tuổi Trẻ ngày 23/7.

Vậy thì đây là tranh cãi khái niệm, tiền công đức là gì. Nếu Bộ Tài chính không giải thích rõ ràng khái niệm “tiền công đức cho di tích” bao gồm những gì thì tiền vào đền chùa ở 63 tỉnh thành chắc chắn còn đầy câu hỏi.

Mặt khác, khi nhìn vào báo cáo số chi công khai của chùa Ba Vàng, chúng ta hai khoản chi lớn nhất của chùa Ba Vàng là dành cho Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và UBND TP. Uông Bí.

Trong đó, chùa Ba Vàng đóng góp cho Ủy ban trung ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam 2,6 tỷ đồng, nhằm ủng hộ chương trình xây nhà cho người nghèo tỉnh Điện Biên và mổ mắt cho người nghèo ở tỉnh Tuyên Quang; đóng góp cho UBND TP.Uông Bí 800 triệu đồng để ủng hộ cho chương trình “xóa nhà tạm dột nát”.

Tiền từ chùa lại chạy về bộ máy, thậm chí góp vào ngân sách thành phố nên dễ hiểu là chùa củng cố được mối quan hệ tốt đẹp với chính quyền.

Tiền công đức ‘không phải tiền chùa’

Một người bạn tu tại gia, rất sùng kính Phật và am hiểu về đạo Phật ở Sài Gòn mà tôi biết là cư sĩ Thiện Tri Thức đã nhận định: Việc nhà nước quy định minh bạch thu-chi tiền công đức là rất đúng.

Vì để như xưa nay, các di tích – danh lam thắng cảnh – đền chùa thu được bao nhiêu không ai biết, chi thế nào cũng chẳng ai hay, sẽ làm dấy lên sự nghi ngờ về đạo đức của các nhà tu hành.

Theo anh, tiền công đức mà Phật tử để lại trong các đền chùa cũng giống như các con chiên của đạo Công giáo góp tiền để duy trì hoạt động của nhà thờ và giúp các linh mục có thể chuyên tâm vào việc tu hành và truyền bá đạo. Các ngôi chùa ở Thái Lan, Sri Lanka, Trung Quốc… mà anh từng viếng thăm đều có thùng công đức quyên góp tiền từ bá tánh, nhưng mỗi nơi có cách thu khác nhau. Trong khi chùa ở Thái Lan hay Sri Lanka vào cửa tự do thì các chùa lớn ở Trung Quốc đều bán vé vào cửa, cứ như Disney Land.

Nhưng nếu các sư thầy và linh mục dùng tiền công đức đó sai mục đích mà họ quyên góp, họ sẽ gánh tội rất nặng, còn nặng hơn kẻ trộm hay các cán bộ lạm quyền tham nhũng. Họ có thể không phải “trả nợ” ở đời này, nhưng phải “trả nợ” ở đời sau, như thế còn khủng khiếp hơn vì luật nhân quả là không loại trừ ai cả. Phải sống thiện thì quả mới thiện. Chùa mà làm sai thì sẽ bị trời phật phạt nặng hơn người thường, vì cuộc sống này không phải chết là hết, anh khẳng định.

Quay trở lại tiền công đức, nếu không cần tu sửa đền chùa, các sư thầy có thể dùng tiền đó giúp ích cho xã hội như tham gia các hoạt động từ thiện của địa phương hay cả nước, nhưng phải dùng cho đúng đối tượng, không phải cứ ủng hộ mà không cần kiểm tra xem tiền đó có được sử dụng đúng mục đích quyên góp hay không. Vì như đã nói, tiền công đức là tiền của bá tánh, chùa nào hay tỉnh nào sử dụng tùy tiện là có tội.

Mặt khác, theo anh, cách cúng dường tốt nhất không phải là cứ góp tiền thiệt nhiều cho đền chùa mà không cần biết họ làm gì, cách đó là cái sai của Phật tử. Nhiều Phật tử mà anh biết thường đem vào chùa biếu sư thầy đủ thứ của ngon vật lạ, kể cả lo cho thầy từ máy massage chân đến lưng, không thiếu thứ gì. Sư thầy không biết kiềm chế mà nhận hết thì đó là lỗi của sư thầy.

Cách cúng dường tốt nhất theo cư sĩ Thiện Tri Thức là Phật tử mỗi khi vào chùa nên tĩnh tâm, cầu nguyện, đọc một thời kinh khoảng 5 – 10 phút, như thế mới giúp cho bầu khí nhà chùa linh thiêng. Một nhà chùa linh thiêng thì bầu khí nơi đó trong lành, năng lượng tỏa ra giúp ai đến chùa cũng cảm nhận sự bình an.

Còn nếu có ủng hộ tiền thì Phật tử chỉ nên cúng vừa phải theo khả năng của mỗi người. Đừng nghĩ càng bỏ nhiều tiền thì trời phật càng phù hộ. Đó là cách nghĩ sai.

Cuối cùng, theo anh, nên cầu nguyện cho các sư thầy biết thực hành chánh pháp, thực hiện lời Phật dạy, làm gương cho Phật tử. Các nhà sư là đang đi tu mà, họ đang sửa tâm, sửa chính mình, chưa phải là Phật nên họ có thể sai lầm. Sai lầm đó họ không nhận ra thì họ sẽ phải trả nghiệp, ai có nghiệp của người đó, không cần lo lắng, anh nói thêm.

Và tôi hiểu, tiền công đức dâng cúng cho đền chùa không phải là “tiền chùa”, muốn sử dụng sao cũng được, nên việc phải minh bạch thu – chi là điều cần thiết.

Từ việc này, sẽ rõ ra chỗ nào sử dụng tùy tiện và Phật tử sẽ tự hiểu mình cần phải làm gì.

Bài thể hiện quan điểm riêng của cây bút Song May, hiện sống tại Sài Gòn.

(Theo BBC).

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments