Trang Nguyên
Tổng thống Joe Biden phát biểu tại Tòa Bạch Ốc trong National Small Business Week vào ngày 1 Tháng Năm 2023, tôn vinh những đóng góp của doanh nghiệp nhỏ thành công. (ảnh: của Alex Wong/Getty Images)
Nước Mỹ được xây dựng dựa trên ước mơ của các chủ doanh nghiệp nhỏ, nhưng đại dịch COVID-19 đã khiến hơn 1/3 doanh nghiệp Mỹ phải đóng cửa, trong đó có nhiều doanh nghiệp đóng cửa vĩnh viễn, và những doanh nghiệp khác phải vật lộn để tồn tại.
Đại dịch cũng bất ngờ mang lại lợi ích cho những người khác, vì việc đóng cửa cho phép các doanh nhân nhỏ có cơ hội biến niềm đam mê của họ thành hiện thực là trở thành công ty hoạt động mạnh mẽ hơn.
Theo cơ quan quản lý doanh nghiệp, toàn quốc có 32.2 triệu doanh nghiệp nhỏ, sử dụng gần một nửa lực lượng lao động Hoa Kỳ và đóng góp 44% vào GDP toàn quốc. Người nhập cư đã thành lập hơn 18% doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ.
Nhưng đại dịch qua rồi, mà thách thức vẫn còn, gây điêu đứng cho nhiều doanh nghiệp, tạo ra những thách thức trong việc tiếp cận nguồn vốn để bắt đầu và mở rộng một doanh nghiệp nhỏ.
Những thách thức như vậy đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ và các cộng đồng bị thiệt thòi. Đó là lý do Dịch vụ truyền thông sắc tộc (Ethnic Media Services -EMS) tổ chức buổi hội thảo xoay quanh giải pháp giúp doanh nghiệm nhỏ phát triển.
Hội thảo được tổ chức vào trung tuần Tháng Bảy với gần 100 tham dự, cùng các diễn giả: Thượng nghị sĩ Mark Warner (Dân chủ-Virginia); Charles Phillips, đồng sáng lập the Black Economic Alliance; Shelly Kapoor Collins, nhà sáng lập Quỹ Shatter and Partner, Sway Ventures, và Sierra Georgia, sáng lập viên Gelat’OH!
Bốn diễn giả đưa ra những thách thức mà phụ nữ và các cộng đồng yếu thế gặp phải khi bắt đầu và mở rộng một doanh nghiệp nhỏ. Theo Thượng nghị sĩ Mark Warner, để đưa ra những thách thức và giải pháp cho việc bắt đầu và phát triển các doanh nghiệp nhỏ trong môi trường hậu COVID-19, các tổ chức tài chính phát triển cộng đồng – CDFI – là một trong những chìa khóa để phục hồi.
Warner cho biết, trong đại dịch COVID-19, ông có sự hợp tác chặt chẽ với cựu Bộ trưởng tài chánh Steve Mnuchin phân phối $12 tỷ tài trợ thông qua CDFI, Tổ chức lưu ký thiểu số – MDI – và vốn cấp 1 thông qua sáng kiến của Bộ Tài chính được gọi là Chương trình đầu tư vốn khẩn cấp.
Sau vụ George Floyd bị sát hại, nhiều tập đoàn cam kết chống lại nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống. Mark Warner cho biết điều đó đã không thực sự xảy ra khi thảo luận về kế hoạch giúp các công ty Mỹ làm điều đúng đắn. Ông nói: “Tiếp cận vốn là vấn đề hết sức quan trọng, nhiều doanh nhân thiểu số không có mối quan hệ với ngân hàng để cho phép họ đăng ký vay vốn thành công.”
Doanh nhân Sierra Georgia, sáng lập viên Gelat’OH!, người từng gặp phải vấn đề này khi cô cố gắng mở rộng doanh nghiệp nhỏ của mình – Gelat’OH, có trụ sở tại Washington DC. Georgia nói: “Giống như nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ khác, tôi bắt đầu chỉ với một người và doanh nghiệp của tôi không lớn nổi.”
Giống như nhiều phụ nữ da màu muốn khởi nghiệp, Georgia không có nhà riêng để có thể lấy đó mà thế chấp vay vốn. Cô có nhận được tài trợ thông qua CDFI, nhưng chỉ được một nửa kinh phí cần để có thể mở rộng kinh doanh. Vì vậy, cô phải chạy tới SMBX, một thị trường trái phiếu kết nối các doanh nghiệp nhỏ với các nhà đầu tư địa phương.
“Đó là một đợt chào bán trái phiếu thực sự. Nếu bạn quyên góp cho GoFundMe của ai đó, bạn sẽ không bao giờ thấy số tiền đó nữa, nhưng nếu bạn mua trái phiếu Gelat’OH, bạn sẽ nhận lại 11% số tiền của mình sau hai năm,” Georgia, người đã huy động được $25,000 thông qua SMBX, cho biết. “Đó là cách để mang lại của cải cho cộng đồng và trao quyền cho các chủ doanh nghiệp nhỏ.”
Charles Phillips, đồng sáng lập the Black Economic Alliance, người từng phục vụ trong Ban Phục hồi Kinh tế của cựu Tổng thống Barack Obama, cho biết: “Chúng tôi có rất nhiều doanh nhân xây dựng doanh nghiệp, gây dựng sự giàu có và hỗ trợ gia đình họ. Và họ hỗ trợ gia đình của họ theo cách đó và truyền lại cho gia đình mình. Và vì vậy, chúng tôi ca ngợi các doanh nhân ở đất nước này vì đó là một trong những điểm khác biệt lớn của chúng tôi.”
“Nhưng không phải ai cũng có khả năng thực sự xây dựng một doanh nghiệp,” Phillips nói, và trích dẫn một cuộc khảo sát năm 2020 của công ty tư vấn quản lý McKinsey cho thấy, hầu hết các gia đình người da đen không biết ai có thể cho họ vay $3,000 nếu họ muốn bắt đầu kinh doanh.
Tin tốt, là tinh thần kinh doanh vẫn tồn tại và phát triển tốt trong cộng đồng người da đen. “Nếu bạn nhìn lại 5 năm qua, doanh nghiệp là người da đen tăng trưởng trung bình khoảng 34%, là lĩnh vực phát triển nhanh nhất của nền kinh tế để hình thành doanh nghiệp mới. Nhưng họ cần thêm vốn, đào tạo và tiếp cận với những mối quan hệ này,” Phillips nói.
Phillips tham gia Trung tâm Doanh nhân Da đen của các trường cao đẳng dành cho người da đen, là Morehouse và Spelman, để đào tạo các doanh nhân trẻ trở thành những người kinh doanh giỏi.
Trước đó, Warner lưu ý, một trong những phân khúc kinh doanh phát triển nhanh nhất là các doanh nghiệp do phụ nữ da đen làm chủ. Shernaz Daver, Giám đốc Tiếp thị của Khosla Ventures và là người có thâm niên 35 năm trong ngành công nghệ, cho biết sân chơi không bình đẳng cho những phụ nữ muốn khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp.
Daver kể lại một số kinh nghiệm mà những người quen của bà chia sẻ, khi họ cố gắng vay tiền để kinh doanh, và gặp phải sự phân biệt, tất nhiên không ai nói thẳng. Cụ thể là khi vay tiền, họ gần như bị từ chối, cho đến khi tìm ra được một “ông” là đồng sáng lập. Những người đi vay tiền là nữ, còn “bị” hỏi, “chừng nào có con?” trong khi nếu là đàn ông thì chẳng ai hỏi. Nếu phụ nữ trình bày dự đoán tài chính của mình, thì được nhận định là chủ quan, tích cực, còn nếu là nam trình bày, họ sẽ được đánh giá là con người tự tin.
“Tôi đã làm việc trong ngành hơn 35 năm và nghe điều tương tự như vậy. Thật là tệ hại!,” Daver nói. “Nếu bạn là người da đen hoặc gốc Tây Ban Nha, điều đó còn tồi tệ hơn. Thực tế chỉ 2% số tiền đầu tư mạo hiểm dành cho những người sáng lập do phụ nữ lãnh đạo. Điều này cần phải thay đổi, vì tiếp cận vốn là chìa khóa mở cánh cửa cho các doanh nghiệp hoạt động tốt.”
Daver cho biết, rất nhiều phụ nữ đang thành lập các công ty đầu tư của riêng họ, tập trung vào việc tài trợ cho các doanh nghiệp hỗ trợ nhu cầu của phụ nữ. Bà lưu ý, có rất nhiều công ty khởi nghiệp do phụ nữ lãnh đạo đang bước ra khỏi ngành công nghệ sinh học. “Nếu bạn có khả năng hoặc có khuynh hướng tham gia vào lĩnh vực STEM, hãy làm điều đó.”
“Tôi phải tin rằng thế giới đang thay đổi và chúng ta sẽ tiếp tục thay đổi nếu tất cả chúng ta làm điều đó như một cộng đồng. Nếu làm được điều đó, chúng ta có thể có những ‘nữ Steve Jobs’, hoặc ‘nữ Jack Ma’ của riêng mình,” Daver nói.
(Pháp luật- Vấn dề hôm nay)