Nguyễn Thuận
Thời gian gần đây, ung thư vú vượt qua ung thư gan, trở thành bệnh có số người mắc cao nhất ở Việt Nam. Ca bệnh cũng tăng dần theo từng năm.
Tại Việt Nam, theo Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế GLOBOCAN 2022, số ca mắc ung thư vú được ghi nhận là 24.563, chiếm tỷ lệ 13,6% ca ung thư mới mắc và đứng đầu danh sách về số ca mắc ung thư, tiếp sau là ung thư gan, phổi và đại trực tràng.
Gần 3 phụ nữ mắc ung thư thì có một người bị ung thư vú, chiếm gần 29% tổng số ca ung thư ở nữ giới. Ung thư vú chỉ đứng thứ 4 trong số ca tử vong do ung thư gây ra, chiếm tỷ lệ 8,3%. Đứng đầu là ung thư gan.
Trên thế giới, ung thư vú có số người mắc nhiều thứ 2, sau ung thư phổi, với 2,2 triệu bệnh nhân.
Nguyên nhân
Ung thư vú là tình trạng bệnh lý do tế bào tuyến vú phát triển không kiểm soát được, tạo ra các khối u ác tính, có khả năng xâm lấn xung quanh và di căn xa. Bệnh xuất phát từ sự biến đổi của tế bào tuyến vú, tạo thành khối u với các yếu tố nguy cơ như tuổi tác, di truyền, tiền sử bệnh và lối sống.
Trao đổi với Tri Thức – Znews, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Anh Luân, Trưởng khoa Ngoại tuyến vú, Bệnh viện Ung bướu Sài Gòn, cho biết lứa tuổi thường mắc ung thư vú là 40-50 tuổi. Những vấn đề liên quan đến lối sống, chế độ ăn uống góp phần làm tăng số ca ung thư vú mỗi năm.
Bên cạnh đó, hiện người dân quan tâm nhiều hơn đến sức khoẻ, tham gia các chương trình tầm soát và khám sức khoẻ định kỳ, doanh nghiệp cũng cho nhân viên đi tầm soát sớm, nhờ đó phát hiện sớm bệnh. Điều này làm tăng số ca mắc ung thư vú vì phát hiện được nhiều ca ở giai đoạn sớm.
Thêm nữa, chế độ ăn uống hiện nay làm tăng tỷ lệ béo phì, uống rượu bia là nguyên nhân tăng nguy cơ mắc ung thư vú. Người dân đang có lối sống ít vận động cũng góp phần tăng nguy cơ mắc bệnh này.
“Chế độ dinh dưỡng, lối sống là những nguyên nhân có thể thay đổi được, người dân cần điều chỉnh, thay đổi để giảm nguy cơ bị ung thư vú”, bác sĩ Luân nói.
Hiện kỹ thuật tầm soát, phương pháp điều trị ung thư vú ở Việt Nam đã rất tốt. Nếu người bệnh được phát hiện sớm ở giai đoạn 1, khả năng điều trị khỏi bệnh sẽ trên 90%, được trở về cuộc sống bình thường.
Trong khi đó, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện TP Thủ Đức chia sẻ với Tri Thức – Znews rằng ung thư vú đứng đầu trong các loại ung thư không chỉ ở riêng Việt Nam mà còn ở nhiều nước Bắc Âu, Mỹ, Canada, Thuỵ Điển, Phần Lan… thường là những nước phát triển.
Ở Việt Nam, những nguyên nhân khiến bệnh này tăng cao là do bé gái dậy thì sớm. Nếu lúc trước, bé gái bắt đầu dậy thì ở độ tuổi 14-15, thì nay là 10-11 tuổi, do chế độ dinh dưỡng tốt, được bổ sung nhiều chất.
Trẻ em gái vừa dậy thì sớm, vừa mãn kinh muộn làm thời gian tiếp xúc với nội tiết tố kéo dài là tiền đề gây ra ung thư vú.
Ngoài ra, bác sĩ Vũ cho hay một nguyên nhân tích cực là hiện nay phương pháp điều trị ung thư vú hiệu quả hơn lúc trước rất nhiều, giúp người bệnh sống lâu hơn. Từ đó, số lượng người bệnh ung thư vú sẽ tích luỹ cao lên, vì con số thống kê sẽ tính luôn những người đang điều trị.
Nhiều tiến bộ trong điều trị ung thư vú
Theo bác sĩ Vũ mặc dù ung thư vú là loại bệnh ung thư đứng đầu, tỷ lệ tử vong chỉ đứng thứ 4. Điều này cho thấy phương pháp điều trị, máy móc và thuốc ở Việt Nam đang ngày càng tiến bộ. Các bệnh viện trên toàn quốc đều có khả năng tầm soát và điều trị ung thư vú.
“Tôi có nhiều bệnh nhân ung thư vú vẫn sống tốt, sức khoẻ ổn định sau 16 năm điều trị”, bác sĩ Vũ nói.
Thậm chí, nhiều bệnh nhân ung thư vú có thể sống 20-30 năm, số lượng này ngày càng tăng lên. Theo bác sĩ Vũ, mặt bằng chung điều trị ung thư vú ở Việt Nam đang rất hiệu quả, ít tác dụng phụ.
Tuy nhiên, thời gian sống của bệnh nhân còn tuỳ thuộc vào giai đoạn và thể bệnh, đồng thời còn phụ thuộc vào khả năng đáp ứng thuốc của người bệnh.
Không chỉ riêng ung thư, chăm sóc y tế của Việt Nam cũng ngày càng tốt hơn, bằng chứng là tuổi thọ trung bình đã tăng lên. Việc dân số sống lâu hơn thì nguy cơ xuất hiện đột biến, tạo ra ung thư cũng nhiều hơn.