Reuters
Một quan chức hàng đầu của Mỹ cho biết Tổng thống Joe Biden sẽ ký một thỏa thuận an ninh mới với Ukraine vào thứ Năm 13/6 để cam kết là Mỹ sẽ trợ giúp lâu dài cho quốc gia này, khi ông Biden họp với các nhà lãnh đạo của nhóm gồm 7 nền dân chủ ở Ý.
Ông Biden khởi hành đi Ý hôm 12/6 để tăng áp lực lên Nga về cuộc chiến đánh vào Ukraine, cũng như gây sức ép đối với Trung Quốc vì nước này hỗ trợ Moscow và về vấn đề thừa công suất công nghiệp.
Cố vấn an ninh quốc gia thuộc Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan nói với các phóng viên trên máy bay Không lực 1 rằng bản thỏa thuận sẽ nêu rõ “sự hỗ trợ của chúng tôi sẽ kéo dài từ hiện tại tới tương lai… đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh”.
Ông Sullivan phát biểu rằng “Bằng việc ký kết này, chúng tôi cũng sẽ gửi đến Nga tín hiệu về quyết tâm của chúng tôi. Nếu ông Vladimir Putin nghĩ rằng ông ấy có thể trụ lại lâu hơn liên minh hỗ trợ Ukraine thì ông ấy sai rồi”.
Ông nói thêm rằng 15 quốc gia đã ký các thỏa thuận an ninh của riêng họ, điều này sẽ tăng cường “khả năng phòng thủ ngăn ngừa” của Ukraine. Ông Sullivan cho hay thỏa thuận của Mỹ sẽ bao gồm cam kết hợp tác với Quốc hội Mỹ về việc viện trợ cho Ukraine trong tương lai nhưng sẽ không cam kết đưa lực lượng của Mỹ vào tham chiến.
Trước đó, Tòa Bạch Ốc cho biết ông Biden sẽ gặp lại Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tại hội nghị thượng đỉnh, sau đó sẽ họp báo chung. Mỹ cũng dự kiến là ông Biden sẽ gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người vừa tuyên thệ nhậm chức thủ tướng nhiệm kỳ thứ ba, và Mỹ đang chờ Ấn Độ chính thức xác nhận việc ông Modi tham dự hội nghị thượng đỉnh.
Những người đứng đầu G7, là các nền dân chủ phát triển nhất thế giới, sẽ bàn bạc và giải quyết nhiều thách thức trong cuộc họp trong các ngày 13-15/6, bao gồm các cuộc chiến ở Ukraine và Trung Đông, tình trạng mất cân bằng thương mại với Trung Quốc, các mối nguy từ trí tuệ nhân tạo và các thách thức phát triển ở Châu Phi.
Các nhà lãnh đạo cũng sẽ công bố các lệnh trừng phạt mới và kiểm soát xuất khẩu chống lại Nga, nhằm vào các pháp nhân và mạng lưới giúp đỡ lực lượng của ông Putin trong cuộc chiến ở Ukraine. Các quan chức chính quyền Mỹ cho hay những nỗ lực nhằm kiềm chế nền kinh tế phục vụ chiến tranh đang tăng trưởng của Nga sẽ là một chủ đề thảo luận quan trọng.
Tăng cường nguồn ngân quỹ cho Ukraine sẽ là ưu tiên hàng đầu tại cuộc họp G7, trong đó, các quan chức Mỹ và châu Âu mong muốn chốt lại các giải pháp trước khả năng ông Trump có thể tái đắc cử chức tổng thống Mỹ và điều đó sẽ làm tăng mức độ bất định về sự trợ giúp của Mỹ dành cho Kyiv trong tương lai.
Nhóm G7 và Liên hiệp châu Âu đang xem xét cách thức sử dụng các khoản lãi sinh ra từ tài sản của Nga bị phong tỏa ở phương Tây để cung cấp cho Ukraine một khoản vay lớn nhằm đảm bảo nguồn tài chính cho Kyiv trong năm 2025.
Bên cạnh đó, ông Biden sẽ thúc ép các nhà lãnh đạo còn lại trong G7 đồng ý với một kế hoạch mang tính sáng tạo nhằm sử dụng tiền lãi trong tương lai của khoảng 281 tỷ USD là tiền của ngân hàng trung ương Nga để hỗ trợ khoản vay 50 tỷ USD cho Ukraine.