Hồ Quốc Tuấn
Người dân đã xếp hàng mua vàng bình ổn được hơn một tuần, bất kể giá vàng đã giảm mạnh. Hiện tượng này đặt ra câu hỏi “Làm sao để dân chán vàng?”.
Trong bối cảnh đó, hãy quay lại quá khứ, để thấy một số gợi ý.
Năm 2014, tôi đọc được bài báo của nhà báo Thanh Thủy “Đừng tưởng dân chán vàng”, trong đó nêu bật một nguyên nhân khiến cho người dân cứ phải mua vàng. “Một nghiên cứu gần đây của Mỹ cho thấy nhà giàu ở Mỹ thường có xu hướng tích trữ bất động sản, còn nghèo thì thích mua vàng. Ở Việt Nam, người làm công ăn lương, nông dân nhiều đời nay vẫn chưa bỏ được tâm lý tích trữ của cải bằng vàng. Và ngay cả người giàu, họ cũng rất yêu vàng khi mà lạm phát vẫn là nỗi ám ảnh, và vàng là công cụ tuyệt vời để cất trữ tài sản mà không lo phải chứng minh nguồn gốc tài sản ở đâu”, bài báo viết.
Vàng là công cụ tuyệt vời để tích trữ tài sản, và là công cụ phòng thủ. Năm 2024 vàng lại càng được xem là một điểm phòng thủ quan trọng trong bối cảnh xung đột chính trị phức tạp, rủi ro lạm phát và khả năng xảy ra khủng hoảng nợ vẫn đang rình rập – Ray Dalio, nhà quản lý quỹ nổi tiếng và là tác giả của một số đầu sách mà nhiều nhà đầu tư ở Việt Nam đón đọc, đã phát biểu như vậy đầu năm nay. Thời điểm phát biểu đó được đưa ra, giá vàng xung quanh mốc 2.000 USD/ounce, và hiện nay là gần 2.300 USD/ounce. Trung Quốc mua vàng dự trữ 18 tháng liên tục.
Như vậy, cứ có biến động quốc tế, kinh tế khó khăn, thì nhu cầu vàng tăng. Muốn người dân chán vàng không dễ, nhưng không phải là không thể.
Năm 2022, tôi lại đọc được một bài báo khác của nhà báo Hải Lý – “Chán vàng”. Một nhận định quan trọng thời điểm đó: “Khác với quá khứ, mỗi khi lạm phát, vàng trở thành nơi ‘trú ẩn’, nay vàng lép vế trước các kênh tiết kiệm, nhà đất, chứng khoán, ngoại tệ. Đơn giản là vàng đã mất chức năng thanh toán. Đầu tư vàng từ đầu năm đến nay không có lời, kém hẳn gửi tiền ngân hàng, mua bất động sản hoặc ngoại tệ”.
Tất nhiên, người Việt Nam không chán vàng hẳn. Thời điểm 2022 khi bài báo về “chán vàng” xuất hiện, giá vàng khoảng 60 triệu đồng và nay 77 triệu, nghĩa là dân vẫn không “chán vàng” được lâu. Nhưng tình huống 2022 cho ta một gợi ý quan trọng chính là: khi kênh đầu tư thay thế như nhà đất, chứng khoán, tiết kiệm hấp dẫn, thì vàng bớt lấp lánh, dân không đổ đi mua bằng mọi giá nữa.
Nói cách khác, “làm sao để dân chán vàng?” là cách đặt đầu đề chưa đúng. Thay vào đó là “làm sao dân mê làm ăn”, làm sao để các kênh đầu tư thay thế như chứng khoán, tiết kiệm hấp dẫn hơn với dân mới chính là đầu đề đúng.
Gần đây, một phóng sự trên truyền hình đặt câu hỏi: lợi nhuận từ 5 năm qua của nhiều quỹ đầu tư là ấn tượng, 13-18%/năm, nhưng người dân vẫn đi gửi tiết kiệm hay mua vàng thay vì đầu tư vào quỹ? Có người cho rằng vì chứng khoán cũng như cờ bạc, mua rồi có đợt chỉ số VN-Index giảm từ gần 1200 điểm xuống còn dưới 250 điểm trong khoảng hơn 2 năm. Vàng chưa bao giờ rớt giá nhiều như vậy, nhưng vẫn có những đợt rớt giá cả gần 25%/năm, từ hơn 45 triệu giảm hẳn hơn 12 triệu đồng trong năm 2013.
Như vậy, vàng cũng có lên có xuống như cổ phiếu thôi, quan trọng ở cách đầu tư. Nếu không tin tưởng vào năng lực bản thân thì có thể giao cho các quỹ đầu tư như trên mà? Làm sao để dân thay đổi hành vi?
Để tìm hiểu điều này có thể nhìn về các nước phương Tây. Người Anh, người Mỹ không sở hữu nhiều vàng, một nguyên nhân lớn là vì họ mua chứng khoán có lợi hơn. Quỹ lương hưu của Anh và Mỹ đều có những quy định cho miễn thuế giao dịch và lợi nhuận mua bán chứng khoán. Trong trường hợp của Anh là các quỹ ISA được miễn thuế cho 20 nghìn bảng Anh đóng vào quỹ hàng năm, và miễn thuế mãi mãi cho số dư hàng năm (nghĩa là nếu tích lũy 10 năm thì toàn bộ lợi nhuận tạo ra từ 200 nghìn bảng Anh vốn gốc đều miễn thuế). Nếu khéo kết hợp các loại quỹ ISA với các sản phẩm đầu tư ưu đãi thuế khác, cộng với một chiến lược hợp lý thì còn không cần đóng đồng nào cổ tức tiền mặt luôn.
Những chính sách hấp dẫn đó khiến cho tiền đổ vào chứng khoán nhiều hơn vàng trong điều kiện bình thường, và vàng chỉ được sử dụng như công cụ phòng thủ. Nói vậy để thấy muốn dân bớt mê vàng, thì phải có chính sách kích thích các khoản đầu tư mà Nhà nước thấy phù hợp hơn. Nhưng cần phải cân nhắc kỹ và có một tính toán hợp lý. Chẳng hạn nếu đề xuất đánh thuế lên đầu tư vàng qua kênh chính thức, dân có thể đổ sang mua vàng “chui”, hoặc mua đất đầu cơ.
Một bộ chính sách tổng hợp để nắn dòng vốn từ vàng vào bớt các kênh đầu tư dài hạn khác phải cân nhắc hai yếu tố. Một, xác định đâu là kênh đầu tư Nhà nước muốn dẫn vốn vào và từ đó có chính sách khuyến khích hợp lý, ví dụ như miễn thuế. Hai, chính sách phải để dân tự nguyện chuyển dòng vốn từ vàng sang, chứ không phải bắt ép để rồi xuất hiện những “thị trường tự do”, những “chợ bán vàng chui” trên Facebook, Telegram.
Một trong những cách để đảm bảo không có những chợ bán vàng chui chính là đảm bảo dân có thể mua được vàng trong nước với giá gần giá quốc tế một cách dễ dàng, không cần xếp hàng dài. Chuyện này về cơ bản liên quan đến việc phải xem xét lại cơ chế cho nhập khẩu vàng nguyên liệu ở một mức độ nhất định (nếu không thì Nhà nước lấy đâu vàng mà bán cho dân hoài ở “giá bình ổn”).
Việc nhập khẩu vàng nguyên liệu này phải tính toán để ít ảnh hưởng dự trữ ngoại hối và tỷ giá nhất, trong khi vẫn đáp ứng tương đối nhu cầu trong nước. Đây lại là một câu chuyện dài kỳ khác suốt từ 2013 tới nay.