Thanh Tâm
Ukraine đã nỗ lực thúc đẩy các nước tham gia hội nghị thượng đỉnh hòa bình tại Thụy Sĩ, nhưng kết quả đạt được không như kỳ vọng.
Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình Ukraine kéo dài hai ngày 15-16/6 tại Thụy Sĩ đã kết thúc. Hơn 100 quốc gia và tổ chức quốc tế đã cùng nhóm họp tại khu nghỉ dưỡng ven hồ gần thành phố Lucerne để kêu gọi ủng hộ kế hoạch hòa bình 10 điểm mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vạch ra lần đầu vào cuối năm 2022.
Kế hoạch bao gồm chấm dứt chiến sự, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ Ukraine, Nga rút quân khỏi lãnh thổ của Kiev và khôi phục biên giới trước xung đột với Nga, những điều khoản mà Tổng thống Nga Vladimir Putin khó có thể đồng ý.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Phó tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris cùng các lãnh đạo Argentina, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Italy… đã tham dự sự kiện. Bất chấp những ủng hộ mạnh mẽ từ các nước phương Tây, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về việc liệu hội nghị có thể đạt kết quả đến đâu khi cả Nga và Trung Quốc đều không tham dự.
Sau hai ngày nhóm họp, chỉ có 80 quốc gia ký tuyên bố chung, khẳng định Hiến chương Liên Hợp Quốc và “sự tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền có thể đóng vai trò cơ sở để đạt được hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài ở Ukraine”. Văn kiện cũng kêu gọi “tất cả các bên” đối thoại để chấm dứt xung đột.
Tuy nhiên, tuyên bố chung đã không nhận được sự chấp thuận từ một số quốc gia tham dự. Ấn Độ, Arab Saudi, Nam Phi, Brazil, tất cả đều có quan hệ thương mại với Nga và là thành viên nhóm kinh tế BRICS, tham dự hội nghị nhưng không ký tuyên bố chung.
Giới quan sát cho rằng tuyên bố chung dường như cũng là sự thỏa hiệp của các nước phương Tây. Văn kiện nói về “cuộc chiến đang diễn ra của Nga ở Ukraine”, nhưng sau đó tập trung vào các vấn đề bên lề như bảo vệ dân thường và đảm bảo hành lang ngũ cốc, thay vì đặt ra các bước tiếp theo cho hòa bình.
Hội nghị cũng đã bỏ qua các vấn đề khó khăn hơn như tương lai hậu xung đột của Ukraine sẽ như thế nào, liệu Kiev có thể gia nhập liên minh NATO hay không, việc rút quân của cả hai bên sẽ tiến hành như thế nào.
Khi các cuộc thảo luận chuyển sang vấn đề an ninh lương thực và năng lượng hạt nhân ngày 16/6, một số lãnh đạo đã rời đi sớm.
Không quốc gia nào lên tiếng nhận tổ chức một sự kiện tương tự trong thời gian tới, gồm cả Arab Saudi, nơi được kỳ vọng là địa điểm tiềm năng. Ngoại trưởng Faisal bin Farhan Al Saud cho biết vương quốc này sẵn sàng hỗ trợ tiến trình hòa bình, nhưng một giải pháp khả thi sẽ phụ thuộc vào “sự thỏa hiệp khó đạt được”.
Kể từ khi các cuộc đàm phán hòa bình diễn ra trong những tháng đầu xung đột, Ukraine đã liên tục yêu cầu Nga rút quân khỏi biên giới, trong khi Moskva yêu cầu công nhận những vùng lãnh thổ mà họ đã sáp nhập.
Một ngày trước khi hội nghị thượng đỉnh ở Thụy Sĩ khai mạc, Tổng thống Putin đã công bố kế hoạch hòa bình của Điện Kremlin, trong đó kêu gọi Ukraine rút quân khỏi 4 vùng mà Nga đã sáp nhập cuối năm 2022 gồm Kherson, Zaporizhzhia, Lugansk và Donetsk.
Các nhà phân tích cho rằng hội nghị kéo dài hai ngày có rất ít tác động cụ thể tới nỗ lực chấm dứt xung đột, vì một bên quan trọng là Nga không được mời tham dự sự kiện.
Pavan Kapoor, người dẫn đầu phái đoàn Ấn Độ tham dự hội nghị, cho biết New Delhi tin rằng hòa bình “đòi hỏi sự có mặt của tất cả các bên liên quan, cũng như sự tham gia chân thành và thiết thực của hai bên trong cuộc xung đột”.
“Con đường phía trước còn dài và đầy thử thách”, Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd thừa nhận.
Mặc dù thất bại trong việc đưa ra các bước cụ thể hướng tới hòa bình hay quyết định địa điểm cho hội nghị tiếp theo, Ukraine và các đồng minh vẫn đánh giá cao sự kiện.
“Mức độ tham gia cao như thế này cho thấy thế giới quan tâm sâu sắc đến cuộc chiến ở Ukraine”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói.
Trong khi đó, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định hiệu quả của hội nghị này “rõ ràng chỉ là con số không” khi không có sự tham gia của Nga.
“Moskva sẵn sàng hợp tác với bất kỳ ai sẵn sàng đàm phán. Đây là quan điểm của Tổng thống Nga, ông ấy luôn sẵn sàng đối thoại và tham gia những cuộc thảo luận nghiêm túc, thực chất và mang tính xây dựng. Cách tiếp cận của Nga với vấn đề Ukraine là minh bạch và nhất quán, Kiev cũng hiểu rõ điều đó”, ông Peskov nói.