Thursday, June 27, 2024
No menu items!
spot_img
HomeKiến ThứcVì sao từ xa xưa hoa mẫu đơn đã được mệnh danh...

Vì sao từ xa xưa hoa mẫu đơn đã được mệnh danh là ‘Quốc sắc thiên hương’?

Tâm Ngữ thực hiện-Thiên Lý biên dịch

Tháng Ba cuối mùa xuân, đúng vào tiết trời mưa, chính là thời gian cuối cùng Vua của các loài hoa – Hoa mẫu đơn nở rộ. Như Âu Dương Tu thời Tống viết trong “Lạc Dương mẫu đơn ký” rằng: “Lạc hoa, dĩ cốc vũ vi khai hầu”, ý nói, hoa mẫu đơn ở Lạc Dương nở rộ vào mùa mưa.

Mẫu đơn là loài hoa truyền thống của Trung Quốc, hình dáng lớn, sắc màu rực rỡ xinh đẹp, mùi hương dễ chịu, từ xưa đã trở thành biểu tượng cho phú quý cát tường, còn được người đời gọi là “hoa phú quý”. Chu Đôn Di thời Tống đã viết trong bài “Ái liên thuyết” rằng: “Mẫu đơn, còn được gọi là hoa phú quý vậy.” Trong “Ấu học quỳnh lâm, quyển 4, Hoa mộc loại” cũng nói: “Quốc sắc thiên hương, chính là hoa mẫu đơn phú quý.”

Vậy tại sao hoa mẫu đơn lại có tên gọi mỹ miều “quốc sắc thiên hương”?

Theo ghi chép trong “Tùng song tạp lục” của Lý Duệ thời Đường, Trình Tu Kỷ, người Ký Châu đời Đường, theo học hội họa với bậc thầy nổi tiếng Chu Phưởng trong nhiều năm và đã học được những bí mật tinh thâm của hội họa. Trình Tu Kỷ đặc biệt giỏi vẽ cảnh sơn thủy, cây cối, động vật, vì tài vẽ tranh tinh xảo, ông được mời vào cung và được Đường Văn Tông coi trọng.

Một lần, đương cuối mùa xuân, Văn Tông cùng Dương Phi đang thưởng hoa mẫu đơn trong Hoàng cung. Văn Tông rất thích thơ ca bèn hỏi Tu Kỷ rằng: “Bài thơ về hoa mẫu đơn hiện đang truyền khắp kinh thành là do nhân vật kiệt xuất nào sáng tác?” Tu Kỷ đáp: “Thần từng nghe nói đa số các vị công khanh đều ngâm vịnh tán thưởng bài thơ của Trung thư xá nhân Lý Chính Phong, có hai câu rất hay là ‘Thiên hương dạ nhiễm y, quốc sắc triêu hàm tửu’”. Văn Tông nghe xong thì vô cùng tán thưởng.

Hai câu thơ này dùng thủ pháp biểu đạt tinh tế và truyền cảm, dùng “Thiên hương” để miêu tả hương thơm của hoa mẫu đơn giống như từ trên trời bay xuống, dùng “Quốc sắc” để ví von dáng vẻ thanh tú xinh đẹp của hoa mẫu đơn như đôi má ửng hồng lúc say, mà hương thơm nồng cùng vẻ kiều diễm của hoa mẫu đơn như hiển hiện trên trang giấy. Vì thế, hoa mẫu đơn sau này có biệt hiệu là “Quốc sắc thiên hương”.

Ngay từ thời nhà Tần và nhà Hán, mẫu đơn đã được đưa vào “Thần Nông bản thảo kinh” như một cây thuốc, có mối quan hệ sâu xa với dược học. Thời Nam Bắc triều, Dương Tử Hoa, một họa sĩ nổi tiếng của nhà Bắc Tề, đã từng vẽ hoa mẫu đơn, từ đây hoa mẫu đơn đã bước vào lĩnh vực nghệ thuật hội họa. Vào thời nhà Tùy, Hoàng đế Tùy Dương Đế đế xây dựng Tây Uyển ở Lạc Dương, hoa mẫu đơn được đưa vào Tây Uyển, kể từ đó, hoa mẫu đơn đã vào vườn thượng uyển, càng tăng thêm giá trị thưởng thức.

Vào thời nhà Đường, mọi người vô cùng yêu thích hoa mẫu đơn, mẫu đơn không chỉ trở thành loài hoa kiểng có tiếng mà còn là biểu tượng cho sự hưng thịnh của quốc gia, việc trồng và thưởng ngắm hoa mẫu đơn đã trở thành thời thượng của xã hội lúc bấy giờ. Như bài thơ “Thưởng mẫu đơn” của Lưu Vũ Tích thời Đường có câu: “Duy hữu mẫu đơn chân quốc sắc, hoa khai thời tiết động kinh thành” (Chỉ hoa mẫu đơn mới thực sự đẹp, lúc hoa nở chấn động khắp kinh thành). Trong bài “Mẫu đơn phương”, Bạch Cư Dị cũng viết: “Hoa khai hoa lạc nhị thập nhật, nhất thành chi nhân giai nhược cuồng” (Hoa nở hoa tàn chỉ trong hai mươi ngày, người khắp thành như đều cuồng say). Có thể thấy rằng, người đương thời vô cùng say mê hoa mẫu đơn, và mẫu đơn cũng có địa vị vào thời nhà Đường.

Hoa mẫu đơn Trung Quốc thường được trồng tại thượng uyển, hoàng cung hay phù quan ngày xưa

Ngoài những bài thơ về mẫu đơn vào thời nhà Tống, còn có những tác phẩm ghi chép, nghiên cứu về hoa mẫu đơn, chẳng hạn như “Lạc Dương mẫu đơn ký” của Âu Dương Tu, “Thiên bàng mẫu đơn phổ” của Lục Du .v.v. Vào thời Bắc Tống, Lạc Dương là trung tâm trồng hoa mẫu đơn của cả nước, thậm chí còn được mệnh danh là “Lạc Dương mẫu đơn quán thiên hạ” (Hoa mẫu đơn ở Lạc Dương bao quát khắp thiên hạ).

Vào thời nhà Minh, kinh đô được dời đến Bắc Kinh, hoa mẫu đơn được trồng khắp nơi trong chùa Cực Lạc, còn có các sách chuyên khảo như “Mẫu đơn hoa phổ” do Cao Liêm biên soạn, “Hào Châu mẫu đơn sử” của Tiết Phụng Tường, mà huyện Hào ở tỉnh An Huy nổi tiếng là nơi có nhiều loại hoa mẫu đơn. Đến thời nhà Thanh, mẫu đơn đã được gọi là “quốc hoa”, cũng có những sách chuyên khảo như “Tào Châu mẫu đơn phổ” của Từ Bằng Niên, “Quảng quần phương phổ” của Uông Hạo, và Hà Trạch ở tỉnh Sơn Đông là vùng sản xuất hoa mẫu đơn nổi tiếng.

Nhờ vẻ ngoài duyên dáng cao quý, vẻ đẹp thanh tú cao nhã, hoa mẫu đơn được xem là biểu tượng của sự thịnh vượng, giàu có và tốt lành. Hoa mẫu đơn có thể nói là đẹp cả sắc lẫn hương, dáng lẫn vần, từ xưa đến nay khiến bao bậc văn nhân mặc khách say mê, trong thi, họa, từ, phú, hý khúc đều có những tác phẩm hay vịnh về mẫu đơn được người đời tán thưởng. Ví như, bài thơ “Mẫu đơn” của Bì Nhật Hưu thời nhà Đường có viết:

“Lạc tận tàn hồng thủy thổ phương, Giai danh hoán tác bách hoa vương. Cạnh khỏa thiên hạ vô song diễm, Độc chiếm nhân gian đệ nhất hương”

Tạm dịch nghĩa:

Hoa rụng gần hết mới tỏa hương, Tiếng tăm nổi khắp ấy hoa vương. Vẻ đẹp đua tranh thiên hạ khó, Độc chiếm nhân gian nhất mùi hương.

Hoa mẫu đơn từ đó còn có tên gọi là “Bách hoa vương” (Vua của các loài hoa).

Riêng Âu Dương Tu thời Tống đã viết trong “Lạc Dương mẫu đơn ký – Hoa thích danh” rằng: “Tiền Tư Công thưởng hoa nói: Người ta gọi mẫu đơn là vua của các loài hoa, nay hiềm nỗi hoa màu vàng mới có thể làm vua, mà những loài khác chỉ có thể xếp sau vậy.” Cho nên, mẫu đơn lại có được danh xưng mỹ miều là “vua của các loài hoa”. Cũng vào thời nhà Tống, hoa mẫu đơn ở Lạc Dương là phát triển nhất, được gọi là “hoa Lạc Dương”. Chẳng hạn như trong bài thơ “Mạn Thành” của Lý Thường Ẩn thời Đường có câu rằng: “Viễn bả Long Sơn thiên lý tuyết, tương lai nghĩ tịnh Lạc Dương hoa” (Ngàn dặm xa đem Long Sơn tuyết, tương lai sánh cùng Lạc Dương hoa.”

Người xưa khi chia tay thường đem thược dược tặng cho người thân và bạn bè đi xa, vì vậy thược dược còn được gọi là “Khả ly”, “Tương ly”. Hoa thược dược vừa lớn vừa đẹp, trông giống như hoa mẫu đơn, vì vậy người đời Đường gọi hoa mẫu đơn là “mộc thược dược”. Như “Tùng song tạp lục” viết: “Giữa thời Khai Nguyên, trong cung bắt đầu trồng hoa mộc thược dược, tức mẫu đơn ngày nay”. Tự chú thích: Trong “Khai Nguyên Thiên Bảo hoa mộc ký” viết: “Trong cung gọi mộc thược dược là mẫu đơn”. Vào giữa thời Khai Nguyên triều đại nhà Đường, hoa mẫu đơn trồng khắp Trường An, phong tục thưởng hoa phát triển mạnh mẽ, đến thời nhà Tống thì thịnh hành ở Lạc Dương. Trong các loài hoa, mẫu đơn đứng đầu, thược dược đứng thứ hai, cho nên người ta nói mẫu đơn là “Hoa vương”, thược dược là “Hoa tướng”.

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments