Rupert Wingfield-Hayes – BBC Tiếng Việt biên dịch
Vừa tổ chức tập trận quân sự trên bầu trời và vùng biển xung quanh Đài Loan, Trung Quốc vừa tung ra chỉ trích nhằm vào người mà họ cho rằng đã châm ngòi cho cuộc tập trận này: tân Tổng thống Lại Thanh Đức.
Từ đài truyền hình nhà nước CCTV rồi các bài xã luận trên Thời báo Hoàn Cầu, cho đến người phát ngôn của Bộ Ngoại giao, điệp khúc lên án Tổng thống Lại Thanh Đức của Trung Quốc rõ ràng là gay gắt.
Thời báo Hoàn Cầu nói ông Lại “kiêu ngạo” và “liều lĩnh”, còn CCTV viết rằng ông “chắc chắn sẽ bị đóng đinh vào chiếc cột ô nhục” và chỉ trích ông về việc “tuyên truyền học thuyết hai quốc gia”.
Tờ báo này cũng cảnh báo rằng nếu ông Lại Thanh Đức và Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) của ông “duy trì con đường độc lập cho Đài Loan, cuối cùng họ sẽ sụp đổ và cháy rụi”.
Nguyên nhân khiến Tổng thống Lại bị cáo buộc như trên là trong bài trong bài phát biểu nhậm chức hôm 20/5, ông đã dùng từ Trung Quốc (中國) khi mô tả Trung Quốc, Bắc Kinh nói rằng khi làm như vậy ông Lại đã bộc lộ suy nghĩ thực sự của mình rằng Đài Loan không phải là Trung Quốc và họ là hai quốc gia khác nhau. Trong mắt chính quyền Tập Cận Bình, đó là sự thừa nhận hệ tư tưởng “ly khai” của ông.
Đối với người ngoài cuộc, điều này nghe có vẻ vô lý. Nhưng trong nhiều thập niên, Bắc Kinh và Đài Bắc đã gây bối rối khi đưa ra định nghĩa của họ về Trung Quốc, cũng như việc liệu Đài Loan có phải là một phần của Trung Quốc hay không. Ngay cả cựu Tổng thống Thái Anh Văn cũng cẩn thận khi đề cập đến Trung Quốc bằng những thuật ngữ uyển chuyển như “bên kia eo biển” hay “chính quyền Bắc Kinh”.
Một số học giả ở Đài Loan sẽ nói với bạn rằng ngôn ngữ như vậy rất quan trọng và ông Lại đã vượt qua ranh giới nguy hiểm. Những người khác cho rằng việc Bắc Kinh không ưa ông đã được định sẵn và bài phát biểu của ông chỉ là lời biện minh cho đợt đe dọa khoa trương mới nhất.
Hầu hết chuyên gia đều đồng ý rằng điều này không thay đổi sự thật cơ bản rằng ông Tập Cận Bình muốn Trung Quốc kiểm soát Đài Loan, còn người dân Đài Loan thì dứt khoát không muốn như vậy.
Nhưng không người nào ở Đài Loan tỏ ra đặc biệt ngạc nhiên. Đối với họ, Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) khá dễ đoán. Khi đảng DPP của ông Lại giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống lần thứ ba liên tiếp vào đầu tháng 1/2024, nhiều người đã tự hỏi Bắc Kinh sẽ phản ứng như thế nào và vào thời điểm nào.
Giả định rõ ràng là điều đó sẽ diễn ra sau khi nhiệm kỳ của ông Lại bắt đầu với bài phát biểu nhậm chức tổng thống của ông. Vì vậy, như chúng ta đang thấy, ba ngày sau lễ nhậm chức của Tổng thống Lại Thanh Đức, Bắc Kinh đã đưa ra phản ứng.
Công tác chuẩn bị cho cuộc tập trận này cho thấy đây không phải là phản ứng bột phát tức thời. Không có quân đội nào, kể cả Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), có thể huy động một cuộc tập trận quy mô như vậy chỉ trong vài ngày. Thật khó để nói chính xác điều gì đang diễn ra, nhưng từ những gì Bắc Kinh công khai, có thể thấy các khu vực mà các cuộc tập trận này bao quát có lẽ là lớn nhất mà chúng ta từng thấy, bao gồm phần lớn eo biển Đài Loan, eo biển Ba Sĩ (giữa Đài Loan và Philippines) và những vùng rộng lớn ở Thái Bình Dương dọc theo bờ biển phía đông của Đài Loan.
Một điều cũng đáng chú ý là lần đầu tiên các hòn đảo xa xôi của Đài Loan nằm rải rác gần bờ biển Trung Quốc cũng được đưa vào. PLA đã đánh dấu các khu vực này là bị lực lượng Trung Quốc “bao vây”. Trên CCTV, chuyên gia quân sự Trung Quốc Trương Chí cho biết cuộc tập trận thể hiện “khả năng của PLA trong việc giành quyền kiểm soát cơ sở hạ tầng quan trọng của Đài Loan”.
Chuyên gia quân sự Đài Loan Yết Trọng đánh giá cuộc tập trận này giống như mô phỏng một cuộc tấn công toàn diện vào hòn đảo, chỉ thiếu việc binh lính đổ bộ. Ông cho rằng việc đưa tất cả các đảo ngoài khơi của Đài Loan vào khu vực tập trận thể hiện kế hoạch của Trung Quốc nhằm loại bỏ các cơ sở có thể tiến hành một cuộc phản công chống lại PLA. Ông Yết Trọng cũng cho rằng cuộc tập trận kéo dài hai ngày này sẽ không phải là cuộc tập trận cuối cùng mà Đài Loan phải đối mặt trong năm nay – xét từ tên gọi “Liên Kiếm – 2024-A”.
Trên đường phố Đài Bắc, phản ứng đối với cuộc tập trận là việc nhún vai tập thể. Nhiều người sẽ nói với bạn rằng họ không lo lắng. Nhưng điều đó không hoàn toàn đúng. Sống cạnh Trung Quốc giống như sống trong vùng động đất. Mối đe dọa luôn ở đó và các cuộc tập trận ngày càng lớn hơn và nguy hiểm hơn, vì vậy bạn cần phải chuẩn bị. Nhưng bạn cũng cần phải tiếp tục cuộc sống của mình.
Bất chấp mối quan hệ căng thẳng giữa đảng DPP cầm quyền của Đài Loan và phe đối lập – hai bên đã tranh cãi tại quốc hội vào tuần trước – thì các cuộc tập trận của Trung Quốc đã gắn kết tất cả họ lại với nhau. Phe đối lập Quốc Dân Đảng, vốn được coi là thân Trung Quốc, đã kêu gọi Bắc Kinh thể hiện sự kiềm chế. Đây không phải là lúc họ muốn bị coi là thân thiện với Bắc Kinh.
Có một điều trớ trêu kỳ lạ ở đây – một điều cho thấy các nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc hiểu về Đài Loan và người dân ở đây ít đến mức nào.
Hôm nay, Bắc Kinh tuyên bố rằng các hoạt động quân sự chỉ tập trung vào việc “răn đe và đánh bại các lực lượng độc lập”.
Họ nói ông Lại là người tồi tệ nhất trong số những nhà lãnh đạo Đài Loan đã thách thức Bắc Kinh. “Lại Thanh Đức đã vượt qua Lý Đăng Huy, Trần Thủy Biển và Thái Anh Văn trong việc thúc đẩy độc lập cho Đài Loan,” một bài bình luận trên CCTV viết. Những cựu tổng thống này, do người dân Đài Loan bầu chọn, đã tạo nên nhóm “những người ly khai” Trung Quốc. Ba trong số họ đến từ đảng DPP.
Mỗi khi Trung Quốc thực hiện hành động đe dọa quân sự, sự ủng hộ dành cho DPP có xu hướng tăng lên, còn sự ủng hộ dành cho Quốc Dân Đảng “thân thiện với Trung Quốc” lại giảm xuống. Một trường hợp gần đây hơn là: các cuộc tập trận quân sự diễn ra nhiều tháng trước cuộc bầu cử vào tháng 1 đã đưa ông Lại lên vị trí đứng đầu.
Nếu mục đích của các cuộc tập trận là khiến người dân Đài Loan sợ hãi quay lưng lại với các đảng và các nhà lãnh đạo thách thức Bắc Kinh thì cho đến nay dường như chúng đang có tác dụng ngược lại.