Thursday, November 21, 2024
No menu items!
spot_img
HomeVăn HóaSông Bồ mến thương!

Sông Bồ mến thương!

Lê Phượng

Quê tôi có con sông nhỏ bé, hiền hòa nằm phía Bắc thành phố – sông Bồ. Nếu sông Hương là dòng sông lớn của Huế, dòng sông đã đi vào thơ, ca, nhạc họa, dòng sông của tao nhân mặc khách thì sông Bồ chỉ là phụ lưu của Huơng Giang, hiền lành chảy qua các làng mạc phía Bắc thành phố và in đậm trong lòng người đi xa.

Thuở nhỏ, khi theo mẹ lên Phú Ốc quê ngoại, tôi dọc theo những ngôi làng chạy theo sông. Qua đò Ba Bến, nhìn nước sông trôi, tôi từng mơ ước một ngày nào đó tôi sẽ ngược sông Bồ, xem những nơi nó đi qua, tìm đến nơi khởi thủy của nó nhưng khi lớn lên tôi lại đi xa, mơ uớc chỉ là mơ ước! Sau nầy tôi mới biết hơn về sông Bồ.

Sau khi vượt qua bạt ngàn núi rừng hoang sơ của Trường Sơn hùng vĩ, đến A Roằng thuộc A Lưới, Sông Hương bỗng tản ra, một nhánh rẻ xuôi theo hướng Đông Nam tạo thành sông Bồ. Sông chảy qua Cổ Bi, Hiền Sĩ, Phò Ninh, Thượng An, Bồ Điền, xuôi về Phú lễ, Hạ Lang, Bác Vọng… rồi nhẹ nhàng trôi về các vùng hạ lưu khác.

1.Sông Bồ ai đã đặt tên?

Sông Bồ, theo sử sách xưa nó từng được gọi là Phú Ốc, Hiền Sĩ, Cổ Bi vì nó chảy qua các địa danh nầy và người dân mượn tên làng để gọi tên sông.

Cũng theo sách xưa, vào thời nhà Lê (thế kỷ XV) sông có tên là Đan Điền do chảy qua địa phận huyện Đan Điền (dưới triều Nguyễn Đan Điền đổi tên là Quảng Điền như ngày nay), Đan Điền giờ chỉ còn là địa danh được tưởng nhớ như một hoài niệm đẹp.

Gọi là sông Bồ (hay Bồ Giang) vì thượng nguồn có nhiều cỏ Xương Bồ, một loại cỏ rất thơm. Trong Đồng Khánh địa dư chí, bản dịch của Ngô Đức Thọ và các cộng tác viên, NXB Thế giới, Hà Nội, 2003, tập II, tr. 1.430) có ghi.

Người ta vẫn nhắc mít Thanh Lương, cà Phù Lai, quýt Hương Cần. (Hình minh hoạ: Wikipedia)

“Bồ Giang tục truyền nguyên thượng đa xương bồ, cố danh Bồ Giang, kỳ thủy lưu hạ thanh nhi khiết, thị huyện hạt nội chư thủy sảo thắng.” Tạm nghĩa: Tục truyền trên thượng nguồn sông Bồ có nhiều cỏ Xương Bồ. Cho nên có tên là Bồ Giang. Nước sông này vừa trong, vừa sạch, có thể coi là con sông đẹp nhất trong huyện.

Trước khi vào Quảng Điền, nơi có quê nội tôi, con sông đi qua nhiều vùng đất, những gì chắt lọc của con sông đều dồn tụ nơi đây. Quảng Điền là vựa lúa lớn nhất Thừa Thiên Huế, nơi đây có Phước Yên, Niêm Phò. Phước Yên một thời là thủ phủ của chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Và cả hai nơi nầy nổi tiếng trong câu nói dân gian quen thuộc: “Niêm Phò nhiều tiền, Phước Yên nhiều lúa” và có thị trấn Sịa trù phú, sầm uất.

Tôi lớn lên bên dòng sông Bồ. Sông Bồ quê tôi như một dải lụa dài ôm ấp những làng quê nghèo khó trải dài từ A Lưới, Hương Trà, Phong Điền, Quảng Điền rồi gặp lại dòng Hương ở Ngã Ba Sình như mối tình không đành đoạn và cùng ra biển cả bao la.

2. Sông Bồ vừa chảy vừa dâng hương cho đời

Như bao dòng sông khác, sông Bồ góp phần làm điều hòa khí hậu cho vùng phía Bắc thành phố, cung cấp nước sinh hoạt cho nhà nhà, người người trong thời gian dài vì thời ấy chưa có máy nước. Sông Bồ còn là mạng lưới tưới tiêu cho các cánh đồng trải dài theo sông. Nếu đi dọc theo sông, ta bắt gặp những cánh đồng bát ngát, những khu vườn xanh mát, xum xuê. Cây trái nơi đây do uống nước sông Bồ và hấp thụ chất dinh dưỡng từ phù sa sông Bồ mà ngọt ngào, đậm đà. Đến nay, người ta vẫn nhắc mít Thanh Lương, cà Phù Lai, quýt Hương Cần như nhắc về thứ sản vật quý của sông Bồ. Hạt đậu, củ sắn, củ khoai cũng mang nét đặc sắc riêng, bở, bùi và thơm ngọt.

Đặc biệt, sông Bồ còn là con đường thủy tiện lợi cho các vùng ven thành phố. Tôi nhớ, hồi ấy, các làng phía bắc sông Hương ít có cầu cống, muốn lên phố chúng tôi cũng phải qua sông, đến các bến xe. Để tiện lợi hơn thì đi đò. Đò từ Sịa chạy dọc theo sông Bồ men theo các rặng tre, vượt qua các cánh đồng xanh mướt, qua những nương sắn, bãi mía hay các giàn bầu lúc lỉu quả bên sông, đưa chúng tôi ra phố và trở ngược lại làng.

3. Sông Bồ yêu mến chảy qua làng tôi

Tôi mãi miết chạy theo sông mà quên đi đoạn sông chảy qua làng mình, ngôi làng mà tôi yêu thương gắn bó.

Sông Bồ còn là mạng lưới tưới tiêu cho các cánh đồng trải dài theo sông. (Hình minh hoạ: Tuổi Trẻ)

Phò Nam là tên làng tôi nhỏ nhắn nằm lặng lẽ bên bờ sông Bồ của xứ Quảng Điền. Có một điều lạ lùng là làng hai bên sông đều gọi là Phò Nam: là Phò Nam làng và Phò Nam phe và họ cùng uống chung nước của một dòng sông nên tình yêu không bao giờ chia cắt.

Trên sông có con đò nhỏ để nối đôi bờ, san sẻ bao buồn vui, hạnh ngộ. Tôi nhớ bóng tôi từng đứng bên sông gọi đò hay đứng nhìn những quả sung hay ngái dại trôi nổi bập bềnh theo bóng nắng chiều. Khi tôi trở lại làng thì làng đã có cầu, cầu làm cho việc đi lại thuận tiện hơn và tình cảm của đôi bờ càng thắt chặt.

Con sông Bồ chảy qua làng tôi, nó là nguồn nước trong lành cho mọi người trong thời xưa cũ và giúp tưới tiêu cho cả một vùng rộng lớn. Những bãi sắn khoai, những bãi đậu, nương ớt, vườn chè cũng nhờ dòng sông và dựa vào sông mà sống, mà ngút ngát xanh. Ôi con sông tôi yêu thương và gắn bó! Nơi có những cây si, cây cừa soi bóng mát cả tuổi thơ tôi. Tôi đi xa nhưng bao năm sông Bồ vẫn chảy dịu dàng trong tâm hồn tôi để tôi luôn thương nhớ.

Giờ đây vùng đất ven sông Bồ đã phát triển, đường sá, cầu cống được hình thành. Những bến sông xưa, nơi người dân gánh nước, tắm giặt hay có thể rửa rau cỏ chiều chiều, vẫn còn đó qua bao sụt lở, lún bồi của thời gian và dòng chảy. Tuy không còn được sử dụng vào những việc trên, vì đã có nước máy vào tận từng nhà nhưng những bến nước được sửa sang, xây dựng lại, tạo thành những điểm nhấn cho dòng sông thêm đẹp và yên bình.

Đó cũng là những chỗ dừng chân của khách bộ hành giữa trưa nắng. Nơi đây còn có những ngôi nhà nhỏ yên bình nép dưới rặng cây, những ngôi chùa nhỏ, yên ắng với tiếng chuông tan trong sương chiều khiến lòng ta lắng lại tìm về cõi tịnh yên.

Năm tháng đã trôi xa, không biết bao nhiêu nước sông đã về biển cả nhưng chuyện về sông thì đọng mãi trong tâm hồn! Ôi sông Bồ mến thương! Dịu buồn mà chảy hoài trong tâm tưởng.

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments