VOA Tiếng Việt
Quốc hội Việt Nam dự kiến họp bất thường vào chiều thứ Năm (2/5) để thảo luận về các vấn đề nhân sự, trong đó có việc miễn nhiệm Chủ tịch Vương Đình Huệ, người đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét cho thôi giữ các chức vụ và nghỉ công tác 5 ngày trước, Reuters và truyền thông nhà nước dẫn thông tin từ Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết vào ngày 1/5.
Ông Vương Đình Huệ, 67 tuổi, là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam khóa XV, nhiệm kỳ 2021 – 2026. Ông được Ban Chấp hành Trung ương đánh giá là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở. Ông Huệ đã được phân công giữ nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước.
Ông cũng được xem là ứng viên tiềm năng cho chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản, chức vụ quyền lực nhất trong nhóm “tứ trụ” lãnh đạo Việt Nam.
Vì chức vụ chủ tịch Quốc hội là do đại biểu Quốc hội bầu tại kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ, nên Quốc hội sẽ thực hiện quy trình miễn nhiệm đối với ông Vương Đình Huệ.
Tại phiên họp bất thường lần này, ngoài nội dung về việc miễn nhiệm ông Vương Đình Huệ, vẫn chưa rõ những quyết định hoặc bổ nhiệm nào khác sẽ được đưa ra trong khi 2 trong số 4 chức vụ lãnh đạo cao nhất (“tứ trụ”) của Việt Nam hiện đang bị bỏ trống sau khi Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội đột ngột bị miễn nhiệm trong vòng chưa đầy 2 tháng.
Tháng trước, Quốc hội Việt Nam cũng đã triệu tập phiên họp đặc biệt để chấp nhận việc đột ngột từ chức của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, người đã từ chức giữa bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng kéo dài.
Cả hai lãnh đạo trên đều bị mất chức với lý do mơ hồ là “vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm”, theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng khi công bố trên báo chí việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý cho hai ông “thôi các chức vụ” và nghỉ công tác.
Mặc dù không nêu rõ vi phạm, nhưng toàn bộ truyền thông Việt Nam đều đăng cùng một nội dung nói rằng khuyết điểm của họ “đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân”.
Phiên họp ngày 2/5 là phiên họp bất thường thứ 7 của Quốc hội khoá XV, một điều được xem là “bất thường”, chưa từng xảy ra trước đây của Quốc hội Việt Nam.
Theo nhận định của Reuters, những biến động nhân sự trong giới lãnh đạo cấp cao của Việt Nam giữa bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng lan rộng có thể làm dấy lên mối lo ngại mới về sự ổn định chính trị ở trung tâm sản xuất Đông Nam Á, vốn phụ thuộc nhiều vào đầu tư và thương mại nước ngoài