Thursday, June 27, 2024
No menu items!
spot_img
HomeViệt NamTin Việt NamNhập khẩu từ Việt Nam sang Mỹ tăng vọt khi Hoa Thịnh...

Nhập khẩu từ Việt Nam sang Mỹ tăng vọt khi Hoa Thịnh Đốn tăng thuế với Trung Quốc

Reuters

Nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ đã tăng lên đáng kể giữa bối cảnh Hoa Kỳ tăng cường nỗ lực giảm thương mại với Trung Quốc, Reuters dẫn các dữ liệu cho biết, trong khi Việt Nam lại phụ thuộc rất nhiều về nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc cho các đơn hàng xuất khẩu.

Hãng thông tấn Anh cho biết có một sự đột biến đáng kể trong quan hệ thương mại giữa Trung Quốc-Việt Nam-Mỹ làm cho tình trạng mất cân bằng thương mại càng lớn, khi Việt Nam vào năm ngoái có mức thặng dư thương mại với Mỹ gần 105 tỷ USD, lớn gấp 2,5 lần so với năm 2018 khi chính quyền Trump lần đầu tiên áp thuế nặng đối với hàng hóa Trung Quốc.

Việt Nam hiện có thặng dư thương mại với Hoa Kỳ cao thứ tư, chỉ thấp hơn Trung Quốc, Mexico và Liên minh châu Âu.

Mối quan hệ cộng sinh ngày càng nổi lên, theo dữ liệu thương mại, hải quan và đầu tư mà Reuters xem xét từ Liên Hiệp Quốc, Mỹ, Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời được xác nhận bởi những ước tính sơ bộ từ Ngân hàng Thế giới và từ nhiều nhà kinh tế và chuyên gia về chuỗi cung ứng.

Dữ liệu cho thấy sự bùng nổ xuất khẩu của Việt Nam được thúc đẩy bởi hàng nhập khẩu từ nước láng giềng Trung Quốc, với dòng vốn chảy vào từ Trung Quốc gần như khớp hoàn toàn với giá trị và sự biến động của xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong những năm gần đây.

Trong những ước tính sơ bộ được chia sẻ với Reuters, Ngân hàng Thế giới tính toán có mối tương quan đến 96% giữa hai dòng chảy, tăng từ mức 84% trước đó trong nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump.

“Sự gia tăng nhập khẩu của Trung Quốc vào Việt Nam trùng với sự gia tăng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ có thể được Mỹ coi là do các công ty Trung Quốc sử dụng Việt Nam để né tránh các mức thuế bổ sung áp đặt lên hàng hóa của họ”, Darren Tay, chuyên gia kinh tế hàng đầu tại công ty nghiên cứu BMI, nhận định, đồng thời lưu ý rằng điều này có thể dẫn đến việc áp thuế quan đối với Việt Nam sau cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ.

Tình trạng mất cân bằng thương mại ngày càng gia tăng diễn ra giữa lúc Việt Nam đang tìm cách đạt được quy chế kinh tế thị trường tại Hoa Thịnh Đốn sau khi Tổng thống Joe Biden thúc đẩy nâng quan hệ ngoại giao với quốc gia cựu thù lên mức cao nhất vào năm ngoái.

Với mức hơn 114 tỷ USD vào năm ngoái, nhập khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ từ Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi so với năm 2018 khi cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ bắt đầu, điều này đã thúc đẩy sức hấp dẫn của quốc gia Đông Nam Á này đối với các nhà sản xuất và thương nhân đang tìm cách giảm thiểu rủi ro liên quan đến căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.

Dữ liệu thương mại của Mỹ cho thấy mức gia tăng này chiếm hơn một nửa mức giảm 110 tỷ USD kể từ năm 2018 trong nhập khẩu từ Bắc Kinh.

Trong các ngành công nghiệp chủ chốt như dệt may, thiết bị điện, “Việt Nam gánh hơn 60% tổn thất của Trung Quốc”, ông Nguyễn Hùng, chuyên gia về chuỗi cung ứng tại Đại học RMIT Việt Nam, nói.

Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy đầu vào của Trung Quốc vẫn rất quan trọng, vì phần lớn những gì Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đều được làm từ các bộ phận và linh kiện được sản xuất tại Trung Quốc.

Linh kiện nhập khẩu năm 2022 chiếm khoảng 80% giá trị xuất khẩu điện tử của Việt Nam, là mặt hàng nhập khẩu chính của Mỹ từ Việt Nam, theo số liệu từ Ngân hàng Phát triển Châu Á.

Theo dữ liệu của Việt Nam, 1/3 hàng nhập khẩu của Việt Nam đến từ Trung Quốc, chủ yếu là hàng điện tử và linh kiện.

Khoảng 90% hàng hóa trung gian được ngành điện tử và dệt may Việt Nam nhập khẩu vào năm 2020 sau đó được “bao gồm trong xuất khẩu”, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cho biết trong một báo cáo và lưu ý rằng con số này cao hơn 1 thập niên trước và vượt xa mức trung bình ở các nước công nghiệp hóa.

Mối quan hệ cộng sinh được phản ánh trong dữ liệu mới nhất. Theo đó, trong quý đầu tiên của năm nay, nhập khẩu của Hoa Kỳ từ Việt Nam lên tới 29 tỷ USD, trong khi nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt tổng cộng 30,5 tỷ USD, phản ánh dòng chảy tương ứng tương tự trong các quý và năm qua.

Các nhà phân tích cho rằng do lạm phát vẫn ở mức cao, Tòa Bạch Ốc vẫn giữ im lặng về mức thặng dư thương mại lớn của Việt Nam, nhưng điều đó có thể thay đổi sau cuộc bầu cử vào tháng 11.

Ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng tại phái đoàn Việt Nam của ADB, nhận định: “Một kịch bản có thể xảy ra là sau bầu cử, ai thắng có thể thay đổi chính sách đối với Việt Nam”. Ông lưu ý rằng điều này sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu của Mỹ.

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội từ chối bình luận với Reuters về tình trạng mất cân bằng thương mại.

Bộ ngoại giao và Công thương Việt Nam và Bộ thương mại Trung Quốc cũng không trả lời yêu cầu bình luận của hãng thông tấn Anh.

Sợi bông và pin mặt trời

Đột biến trong quan hệ thương mại giữa Trung Quốc-Việt Nam-Mỹ phản ánh sự gia tăng đầu tư vào Việt Nam khi các công ty chuyển một số hoạt động ra khỏi Trung Quốc.

Nhiều trong số các nhà sản xuất là các công ty Trung Quốc đã tăng đầu tư vào các nhà máy mới của họ ở miền Bắc Việt Nam nhưng vẫn phụ thuộc rất nhiều vào chuỗi cung ứng từ quê nhà.

Trong một số trường hợp, các sản phẩm hoàn chỉnh được dán nhãn “Made in Vietnam” mặc dù không được làm thêm gì tại Việt Nam, như Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã kết luận trong một cuộc điều tra về tấm pin mặt trời vào năm ngoái. Một cuộc điều tra khác của Mỹ về dây cáp nhôm và cuộc điều tra lần thứ hai về các sản phẩm tấm pin mặt trời vì bị cáo buộc được trợ giá không công bằng đang được tiến hành.

Một lý do khác khiến Việt Nam bị Mỹ giám sát là vì những tiếp xúc với Tân Cương, một khu vực ở Trung Quốc mà Hoa Kỳ cấm nhập khẩu vì những cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với người thiểu số Duy Ngô Nhĩ.

Tân Cương là nguồn cung cấp sợi bông và polysilicon chính của Trung Quốc được sử dụng trong các tấm pin mặt trời. Cả hai mặt hàng này đều quan trọng đối với ngành công nghiệp Việt Nam, nơi xuất khẩu quần áo cotton và tấm pin mặt trời chiếm khoảng 9% xuất khẩu sang Mỹ vào năm ngoái.

Theo dữ liệu hải quan Hoa Kỳ, Việt Nam là quốc gia có khối lượng các lô hàng bị từ chối nhập cảnh vào Hoa Kỳ cao nhất tính theo giá trị, vì những rủi ro về lao động cưỡng bức đối với người Duy Ngô Nhĩ.

Nhập khẩu bông thô của Việt Nam từ Trung Quốc đã giảm 11% trong năm ngoái xuống còn 214.000 tấn, nhưng tăng gần gấp đôi so với năm 2018.

Trung Quốc cũng xuất khẩu sang Việt Nam ít nhất 1,5 tỷ USD quần áo cotton, tăng từ mức gần 1,3 tỷ USD của năm 2022. Trong khi đó, nhập khẩu quần áo cotton của Mỹ từ Việt Nam giảm 25% xuống còn 5,3 tỷ USD vào năm ngoái, theo dữ liệu có thể không bao gồm tất cả các mặt hàng bông.

Sự sụt giảm trong nhập khẩu của Hoa Kỳ xảy ra khi Việt Nam năm ngoái vượt qua Trung Quốc để trở thành nhà xuất khẩu chính các sản phẩm nằm trong lệnh cấm về Tân Cương, theo chuyên gia Nguyễn Hùng của RMIT.

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments