Băng Băng tổng hợp
Trong thông báo của mình, hải quân Hoa Kỳ cho biết, ngày 10/05 khu trục hạm mang hoả tiễn dẫn đường USS Halsey thực thi quyền tự do đi lại phù hợp với luật pháp quốc tế gần quần đảo Hoàng Sa.
Quần đảo này thuộc chủ quyền của Việt Nam, hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Theo thông cáo, sau khi tuần tra tự do hàng hải, chiến hạm Mỹ tiếp tục đi vào Biển Đông.
Trung Quốc coi quyền tự do hàng hải hợp pháp của Hoa Kỳ là vi phạm chủ quyền
Trong khi thông cáo của hải quân Hoa Kỳ nêu: “Toàn bộ hoạt động của chúng tôi đều diễn ra an toàn, chuyên nghiệp và tuân thủ quy định quốc tế. Những chiến dịch này nhằm thể hiện lực lượng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”.
Thì tại Trung Quốc, nước này lại khẳng định động thái của Hoa Kỳ là “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và an ninh của Trung Quốc”, theo Reuters.
Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cho hay, hôm 10/05, họ đã theo dõi và xua đuổi USS Halsey khi tàu đi vào lãnh hải của quần đảo Hoàng Sa.
Trung Quốc chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam
Từ năm 1974, sau khi chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bằng vũ lực, Trung Quốc đã dựng lên “thành phố Tam Sa”.
Đến tháng 07/2012, Trung Quốc đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm, nhằm chiếm đóng các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Về phía mình, Việt Nam đã nhiều lần lên án hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, có đầy đủ bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền với Trường Sa và Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động tại Trường Sa và Hoàng Sa nếu không có sự đồng ý của Việt Nam đều không có giá trị.
Hoa Kỳ phản đối “đường cơ sở thẳng” của Trung Quốc ở Biển Đông
Từ phía Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới này thường xuyên khai triển chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông để đáp trả các yêu sách lãnh thổ phi lý của Trung Quốc.
Hải quân Hoa Kỳ phản đối “đường cơ sở thẳng” bao quanh toàn bộ vùng biển ở Biển Đông của Trung Quốc.