Thursday, June 27, 2024
No menu items!
spot_img
HomeThế GiớiBên trong làn sóng cực hữu đang trỗi dậy tại châu Âu

Bên trong làn sóng cực hữu đang trỗi dậy tại châu Âu

Rupert Wingfield-Hayes – BBC Tiếng Việt biên dịch

Các đảng cực hữu đang thắng thế ở nhiều nơi tại châu Âu và Thủ tướng Ý Giorgia Meloni nhìn thấy được thời khắc lớn đang tới gần.

“Chúng ta đang đứng trước một cuộc bầu cử mang tính quyết định,” nhà lãnh đạo của Đảng Anh em Ý (Brothers of Italy) phát biểu qua video trong sự kiện chật kín người tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha.

Bà Marine Le Pen từ Đảng Tập hợp Quốc gia (National Rally) của Pháp ngồi ở hàng đầu, cùng với ông Santiago Abascal, lãnh đạo Đảng Vox của Tây Ban Nha.

“Chúng ta là cỗ máy cho tiến trình phục hưng lục địa,” Thủ tướng Ý tuyên bố, trước khi những người tham dự đồng loạt đứng lên vỗ tay tán dương.

Các đảng cực hữu đã giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử tại Ý và Hà Lan, dẫn đầu cuộc bỏ phiếu tại Pháp, Áo và Bỉ và giành được ghế trong chính phủ Phần Lan và Slovakia.

Hiện các đảng cực hữu đã đảm bảo hơn tỷ lệ 3/10 số phiếu bầu khi 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) tiến hành bầu cử nghị viện từ ngày 6-9/6 và các đảng này đã trở thành lực lượng hùng mạnh nhất trong Nghị viện châu Âu.

Cuộc đấu đá nội bộ đang đe dọa tước đi ánh hào quang về sự trỗi dậy của phái cực hữu sau hàng loạt các vụ bên bối liên quan đến Đảng AfD của Đức.

Đây là lý do tại sao các đồng minh của Đảng AfD trong EU đã khiến đảng này của nước Đức bị gạt ra khỏi nhóm chính trị Danh tính và Dân chủ (ID) cực hữu trong Nghị viện châu Âu.

Các đồng minh của AfD không muốn có sự dính dáng nào tới một đảng có ứng viên hàng đầu là ông Maximilian Krah, người đã đưa ra những quan điểm có vấn đề về đội quân Waffen SS khét tiếng của nhà độc tài phát xít Adolf Hitler và nhân vật số hai của đảng đang đối mặt với những cáo buộc nhận tiền từ Tổng thống Nga Vladimir Putin, điều mà người đàn này đã lên tiếng bác bỏ.

Bà Marine Le Pen không muốn dây dưa vào mối quan hệ ấy. Trong nhiều năm qua, bà này đã tìm cách để gột rửa đảng của bà thoát khỏi những quan điểm cực đoan của cha mình, nhà sáng lập đảng tiền thân của Đảng Tập hợp quốc gia và đã bị kết tội coi thường nạn diệt chủng người Do Thái Holocaust.

Đảng của bà Marine Le Pen hiện đang có tỷ lệ ủng hộ khoảng 30% và bà là một trong những ứng viên sáng giá để trở thành tổng thống Pháp tiếp theo vào năm 2027.

Câu chuyện thành công lớn nhất của phe cực hữu tại châu Âu là bà Giorgia Meloni cũng mang những hy vọng to lớn. Tham vọng của bà là tạo nên một lực lượng cánh hữu có thể nắm quyền lực tại Brussels (một trong những nơi hội họp chính của Nghị viện châu Âu).

“Sẽ có thêm nhiều chính trị gia [trong Nghị viện châu Âu] hơn và những người này sẽ nắm vai trò chính thống hoặc sự hiện diện của họ dần trở nên bình thường,” bà Sabine Volk, một nhà quan sát về cực hữu từ Đại học Passau ở Đức, đánh giá.

Nếu nhóm trong EU của bà Giorgia Meloni mang tên Các nhà bảo thủ và cải cách châu Âu (ECR) đạt kết quả tốt trong các cuộc bầu cử, có khả năng họ có thể tìm thấy điểm chung với phe trung hữu của Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen.

Đảng Nhân dân châu Âu (European People’s Party) của bà Ursula von der Leyen cuối cùng có thể sẽ trở thành nhóm lớn nhất và bà đã để ngỏ khả năng liên minh với ECR miễn là họ ủng hộ châu Âu, ủng hộ Ukraine và ủng hộ pháp quyền.

ECR không chỉ bao gồm Đảng Anh em Ý (Brothers of Italy), mà còn đảng đối lập dân túy cánh hữu của Ba Lan là Đảng Luật pháp và Công lý (Law and Justice), Đảng Vox của Tây Ban Nha, Đảng Người Phần Lan (Finns Party) của bà Riikka Purra – tham gia chính phủ Phần Lan – và Đảng Dân chủ Thụy Điển (Sweden Democrats) của nhà lãnh đạo Jimmy Akesson, người làm việc với chính phủ Thụy Điển nhưng không thuộc chính phủ.

Cực hữu là gì?

Thật khó để tưởng tượng là tất cả họ đều đồng thuận với các yêu cầu của bà von der Leyen, đặc biệt khi các đảng trung hữu trong nhóm của bà sẽ thậm chí không chấp nhận liên minh như vậy.

Nhưng nếu có thì Nghị viện châu Âu có thể điều chỉnh một cách khác biệt đáng kể về các chính sách xanh, người di cư và tị nạn.

Nếu hai nhóm cực hữu – ECR và ID – vượt qua các sự khác biệt nội bộ, thì sau đó họ có thể hình thành một nhóm quyền lực.

Nhà nghiên cứu Sabine Volk rất ngờ vực về “một siêu liên minh” gồm các đảng cực hữu, cũng như Tiến sĩ Matthias Dilling, một chuyên gia về chính trị châu Âu từ Đại học Swansea.

“Phe cực hữu tại châu Âu có một lịch sử chia rẽ,” ông cho biết. “Tôi không biết liệu chúng ta sẽ chứng kiến một nhóm cực hữu duy nhất khi họ cứ tiếp tục không đồng nhất, xét về mặt nội bộ.”

Nhóm ID, cũng bao gồm Đảng Tập hợp Quốc gia của Pháp, đồng thời có Đảng Liên đoàn (League) của Ý, Đảng Tự do (Freedom Party – FPÖ) của Áo, Đảng Tự do (Freedom Party) của ông Geert Wilders từ Hà Lan, Đảng Vlaams Belang của Bỉ và Đảng Nhân dân Đan Mạch (Danish People’s Party).

Có những ý kiến khác nhau xoay quanh điều gì tạo nên một đảng cực hữu, nhưng bà Marine Le Pen, giống như ông Wilders, phản đối chuyện dán nhãn này.

Nhà khoa học chính trị người Hà Lan, Cas Mudde – có lẽ là nhà quan sát cực hữu tại châu Âu nổi tiếng nhất – cho rằng cốt lõi của cực hữu bao gồm chủ nghĩa bản địa bài ngoại, chủ nghĩa chuyên chế và chủ nghĩa dân túy.

Ông cũng định nghĩa chủ nghĩa dân túy bài ngoại là một “dạng chủ nghĩa dân tộc bài ngoại”.

Trong khi Đảng Tập hợp Quốc gia và Đảng Anh em Ý đã làm việc cật lực để gỡ bỏ cái mác cực hữu, Tiến sĩ Matthias Dilling nói ba trụ cột mà nhà khoa học chính trị Cas Mudde đề cập “hiện diện rất rõ ràng” cho cả hai đảng này.

Bà Sabine Volk nói các chính sách về di cư và chống chủ nghĩa nữ quyền thường kết nối các phong trào cực hữu lại với nhau.

Một số đảng có thể ủng hộ bình đẳng giới tính, nhưng nói cho cùng thì vẫn muốn phụ nữ ở nhà hơn, bà lập luận.

Đảng Anh em Ý gần đây đã thúc đẩy thông qua luật cho phép các nhóm người chống phá thai được đi đến các phòng khám để ngăn chặn phụ nữ phá thai.

Mặc dù một số nhà phê bình xem đảng bảo thủ theo chủ nghĩa dân tộc Fidesz cầm quyền của Hungary là cực hữu, nhưng đảng này lại không thuộc nhóm cực hữu nào.

Hầu hết các đảng cực hữu đều có truyền thống tìm cách chống lại việc EU đóng vai trò như một lực lượng siêu quốc gia và nhiều đảng vẫn còn làm như vậy.

Nhưng đảng của bà Meloni đã để lại đằng sau lập trường “phản kháng từng có lúc rất dữ dội nhằm vào Brussels”, Giáo sư Leila Simona Talani từ Đại học King’s College London nói.

Khẩu hiệu bầu cử châu Âu của bà có nội dung “chúng tôi muốn châu Âu trở thành một người khổng lồ chính trị với vai trò đi đầu trên trường quốc tế”.

Trong khi đó, Đảng Tự do Áo đang tranh cử với khẩu hiệu “Hãy chấm dứt sự điên cuồng EU”, với hình ảnh phía sau là Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ôm hôn Chủ tịch Ủy ban châu Âu cùng các cụm từ thu hút dư luận như “khủng hoảng tị nạn”, “chủ nghĩa cộng sản kinh tế” và “hỗn loạn corona”.

Mặc cho các bê bối trong nước cứ liên tục xảy ra, nhà lãnh đạo đảng FPÖ, ông Herbert Kickl, đang dẫn đầu các cuộc thăm dò bầu cử EU và có thể chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc gia vào mùa thu.

Tâm lý hoài nghi về châu Âu vẫn còn phổ biến trong phe cực hữu, nhưng hiện người ta ít nói tới chuyện rời EU.

Đảng Tự do của ông Geert Wilders từng ủng hộ cuộc trưng cầu ý dân về “Nexit” của Hà Lan để rời khỏi EU nhưng hiện tuyên bố: “Tôi thấy ở Hà Lan không còn ai ủng hộ Nexit nữa.”

Tình hình đối với Đảng Người Phần Lan cũng giống như vậy, không tìm cách để Phần Lan rời khỏi EU, còn gọi là Finxit: “Chuyện Phần Lan đơn phương rời EU là không thực tế” trong tương lai gần, đảng này tuyên bố.

Lãnh đạo Đảng Dân chủ tại Thụy Điển, ông Jimmie Akesson, không hoàn toàn bác bỏ ý tưởng này và muốn gỡ bỏ điều khoản về tư cách thành viên EU ra khỏi hiến pháp quốc gia.

Bà Marine Le Pen chưa bao giờ là người ủng hộ EU, nhưng không còn đề cập đến việc rời khỏi liên minh này nữa.

Bà đã tìm cách cáo buộc giới chức EU “thúc đẩy Đạo Hồi và chủ nghĩa tỉnh thức” và tìm cách xóa nhòa đường biên giới quốc gia tại châu Âu.

Đảng của bà hiện đang do ông Jordan Bardella, người đứng đầu trong danh sách bầu cử Nghị viện châu Âu, lãnh đạo.

Nhưng cựu lãnh đạo cơ quan Cảnh sát biển và Biên phòng châu Âu, ông Fabrice Leggeri, hiện là ứng viên thứ 3.

Hiện vẫn khó dự đoán được nền chính trị theo chủ nghĩa dân tộc mang tính rời rạc này sẽ diễn biến như thế nào sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu từ ngày 6 đến 9/6.

Nhưng các đảng cực hữu được tổ chức tốt hơn nhiều so với trước đây, cuộc thăm dò ở Madrid cho thấy.

Thậm chí Tổng thống Argentina Javier Milei cũng đã có mặt.

“Đây là một phần trong lộ trình dài [cho phe cực hữu] để tạo dựng những mối gắn kết và mạng lưới quốc tế,” Tiến sĩ Matthias Dilling nhận định.

Câu hỏi đặt ra là liệu họ có một tham vọng tương tự như bà Giorgia Meloni hay không.

“Tôi muốn thử nghiệm điều gì đó không dễ dàng mà thú vị, đó là lặp lại ngay tại châu Âu điều mà chúng tôi đã đạt được ở Ý,” bà Giorgia Meloni trả lời đài truyền hình của Ý.

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments