AFP nhắc lại là vào năm 2015, lần đầu tiên Liên Hiệp Quốc đề ra mục tiêu đến năm 2030 SIDA sẽ không còn là mối đe dọa sức khỏe cộng đồng.
Tính đến hết năm 2022, trên toàn thế giới có 39 triệu người sống chung với virus HIV gây bệnh suy giảm miễn dịch ở người. Trong số đó, 20,8 triệu người ở miền đông và miền nam châu Phi và 6,5 triệu người ở châu Á – Thái Bình Dương. 9,2 triệu người không được tiếp cận với các phương pháp điều trị.
Theo báo cáo mới của Chương trình Phối hợp của Liên Hiệp Quốc về SIDA (UNAIDS), năm ngoái thế giới có thêm 1,3 triệu người nhiễm virus HIV, giảm so với con số 3,2 triệu hồi năm 1995. 86% số người nhiễm HIV biết mình đã nhiễm virus của mình và trong số họ, 89% đang được điều trị và trong 93% trường hợp, virus đã bị ức chế. Báo cáo của Liên Hiệp Quốc cũng cho biết số người chết năm 2022 vì các bệnh liên quan đến SIDA là 630.000 người.
Kể từ khi đại dịch bắt đầu, 85,6 triệu người đã bị nhiễm virus HIV và 40,4 triệu người đã chết vì các bệnh liên quan đến SIDA.
Riêng tại Pháp, cơ quan y tế công (SPF) hôm qua 30/11 ra tổng kết thường niên, theo đó tuy số ca xét nghiệm tầm soát đã tăng, thậm chí cao hơn so với trước đại dịch Covid, số người dương tính với virus HIV đã giảm, nhất là ở nhóm nam giới quan hệ đồng tính với những người sinh ra ở Pháp nhờ việc gia tăng sử dụng biện pháp phòng ngừa cho những người có nguy cơ cao.
Tuy nhiên, theo một khảo sát Viện IFOP thực hiện trong tuần này cho SIDACTION – hiệp hội phòng chống SIDA, những định kiến về bệnh SIDA và sự kỳ thị vẫn gia tăng « một cách đáng lo ngại ».
(Theo RFI)