Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc đạt được mục tiêu điện gió ngoài khơi vào năm 2030, giám đốc điều hành một công ty năng lượng do nhà nước sở hữu cho biết. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng cảnh báo về nhiều rào cản pháp lý cần phải được giải quyết, theo Reuters.
Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có tiềm năng năng lượng gió ngoài khơi tốt do gió mạnh và vùng nước nông gần các khu vực đông dân cư. Ước tính ngành này có thể mang lại thêm ít nhất 50 tỷ USD cho nền kinh tế Việt Nam.
Gió ngoài khơi cũng là ưu tiên hàng đầu của các thành viên G7 vốn đã hứa tài trợ Việt Nam để thúc đẩy các nguồn năng lượng tái tạo của đất nước và giảm sự phụ thuộc vào than đá.
Tuy nhiên, môi trường pháp lý và các điều kiện đầy thách thức đối với ngành này trên toàn cầu đang làm phức tạp thêm kế hoạch lắp đặt 6 gigawatt (GW) công suất gió ngoài khơi của Việt Nam vào năm 2030 – từ con số 0 hiện nay – gần tương đương với công suất bổ sung trên toàn thế giới vào nửa đầu năm 2023, theo tới hiệp hội Diễn đàn Thế giới Gió ngoài khơi.
“Rất khó để đạt được 6 GW vào năm 2030,” vị giám đốc điều hành này – người từ chối nêu tên vì không được phép nói chuyện với giới truyền thông – cho biết.
Các chuyên gia trong ngành ước tính rằng việc xây dựng một trang trại gió ngoài khơi thường mất hơn 5 năm và thậm chí còn lâu hơn nữa.
Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam – nơi phụ trách chính sách khí hậu và các cuộc đàm phán với các đối tác G7 về quỹ đầu tư cho điện gió – đã không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Bộ Công thương Việt Nam và công ty PetroViệt Nam cũng không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận về khả năng đạt được mục tiêu năng lượng gió vào năm 2030.
Việt Nam hiện chưa có dự án điện gió ngoài khơi, mặc dù công suất năng lượng gió và mặt trời trên đất liền tăng đột biến trong những năm gần đây. Tuy nhiên, nhiều cơ sở điện gió và mặt trời mới lắp đặt đã gặp khó khăn trong việc kết nối với mạng lưới điện kém phát triển của đất nước.
Sự đột phá của Việt Nam vào lĩnh vực năng lượng gió ngoài khơi diễn ra đúng lúc ngành này phải đối mặt với chi phí vay cao hơn và sự chậm trễ về nguồn cung khiến các dự án trên khắp thế giới, bao gồm cả ở Hoa Kỳ và Anh, bị đình trệ.
Các thành viên G7 đã nêu quan ngại về việc Việt Nam “thiếu các chính sách, quy định và thủ tục phù hợp” trong một tài liệu được chuẩn bị trước Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc bắt đầu vào ngày 30/11 tại Dubai.
Tài liệu này ghi lại các cuộc thảo luận với Hà Nội về tài trợ khí hậu và cam kết cắt giảm lượng khí thải carbon.
Được hoàn thiện vào cuối tháng 10 và được Reuters xem xét, tài liệu cảnh báo thiếu dữ liệu về tốc độ gió ngoài khơi và cấu trúc đáy biển ngoài khơi Việt Nam. Nó cũng lưu ý rằng Việt Nam có năng lực tài chính trong nước hạn chế và ít kinh nghiệm trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi.
Tài liệu cho biết, không gian biển cũng cần phải được xác định rõ ràng, điều này sẽ giúp tránh nguy cơ các khu vực sau này có thể được giao cho mục đích quân sự hoặc vận chuyển và xâm lấn các trang trại gió ngoài khơi.
Hà Nội đã liệt kê quy hoạch không gian biển và các quy định về gió ngoài khơi là những hành động có khả năng được hoàn thiện vào năm 2025, theo một tài liệu dự thảo được Reuters xem xét liệt kê các dự án có thể đủ điều kiện nhận tài trợ quốc tế.
Tài liệu này dự kiến sẽ được thông qua trước hội nghị của Liên Hiệp Quốc ở Dubai trong tháng này. (Theo BBC)