Việt Nam, Ba Lan, Mexico, Maroc và Indonesia đang được hưởng lợi từ sự sắp xếp lại của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tổng quy mô kinh tế của các nước này lên tới 4 nghìn tỷ USD vào năm 2022 – nhiều hơn Ấn Độ và gần bằng Đức hoặc Nhật Bản. Các nước này đều đặt mục tiêu nắm bắt cơ hội kinh tế bằng cách định vị là mối liên kết mới giữa Mỹ và Trung Quốc – hoặc Trung Quốc, châu Âu và các nền kinh tế châu Á khác.
Vị trí địa lý và khả năng thúc đẩy thương mại đã khiến 5 nước này trở thành những nền tảng trung gian quan trọng.
5 quốc gia đang cho thấy hiệu quả kinh tế vượt quá sự kì vọng: Đại diện cho 4% GDP toàn cầu; thu hút hơn 10% – tương đương 550 tỷ USD – trong tổng số các dự án mới đầu tư vào lĩnh vực xanh kể từ năm 2017.
Các nước đều chứng kiến kim ngạch thương mại với thế giới tăng tốc trên mức trung bình trong 5 năm qua, theo phân tích của Bloomberg Economics.
Các nhà kinh tế tại Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đã xem xét dữ liệu từ hơn 25.000 công ty và nhận thấy chuỗi cung ứng đang mở rộng khi các quốc gia khác, đặc biệt là ở châu Á, trở thành điểm dừng bổ sung trong thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ.
Các công ty muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc thường chuyển hoạt động sản xuất sang các nước có nền kinh tế hội nhập cao với Trung Quốc như Việt Nam hay Mexico, nơi đầu tư của các nhà sản xuất Trung Quốc tăng đáng kể trong những năm gần đây.
Về tổng thể, các nhà kinh tế cảnh báo tác động tiêu cực lên tăng trưởng toàn cầu do sự gián đoạn dòng đầu tư và thương mại, trong đó các nước nghèo phải chịu thiệt hại nhiều hơn các nước giàu. Hàng hóa đắt đỏ hơn – do đó lạm phát kéo dài hơn – do sự xáo trộn của chuỗi cung ứng làm tăng chi phí sản xuất.
Tuy nhiên, những quốc gia đóng vai trò trung gian kết nối là bằng chứng cho thấy những lo ngại về sự kết thúc của toàn cầu hóa đang bị đẩy cao quá mức. Hàng hóa và nguồn vốn vẫn được luân chuyển xuyên biên giới – thậm chí còn nhiều hơn trên thực tế.
Việt Nam – Sự cân bằng tinh tế
Vai trò của Việt Nam với tư cách là một nền kinh tế kết nối đã được tăng cường trong những năm kể từ khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, sau đó là đại dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng.
Ví dụ, một tổ hợp nhà máy trị giá 1 tỷ USD của Tập đoàn Công nghệ Foxconn sẽ sản xuất máy tính xách tay MacBook của Apple Inc. đang được triển khai ở miền Bắc Việt Nam. Ngay bên kia sông Cầu, GoerTek Inc., công ty Trung Quốc sản xuất AirPods, đang xây dựng một nhà máy trên khu đất được bao quanh bởi những cây chuối, ao sen và bãi chăn thả trâu.
Với sự kết hợp giữa chi phí lao động phải chăng, cơ sở hạ tầng được cải thiện và danh sách các hiệp định thương mại ngày càng mở rộng, Việt Nam đã thu hút được nhiều nhà cung cấp của Apple, bao gồm Luxshare Precision Industry Co. và Pegatron Corp.
Xu hướng các nhà sản xuất điện tử lớn chuyển một số dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc đại lục sang Việt Nam đã có từ khoảng một thập kỷ trước, nhưng đã tăng tốc trong những năm gần đây.
Mỹ là điểm đến của khoảng 1/3 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong khi Trung Quốc là nhà cung cấp nguyên liệu lớn nhất cho các nhà sản xuất Việt Nam, từ máy móc đến nguyên liệu may mặc.
Việt Nam chính thức nâng cấp quan hệ với Mỹ vào tháng 9/2023 và Mỹ cũng công bố hợp tác để giúp Việt Nam phát triển ngành bán dẫn còn non trẻ.
Ngành công nghiệp điện tử đóng góp 32% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2022, gấp đôi so với một thập kỷ trước. Tính đến tháng 6/2022, lĩnh vực này đã tuyển dụng 1,3 triệu lao động.
Ba Lan – Nhà máy pin
Năm ngoái, chính phủ Ba Lan tuyên bố rằng nước này sẽ xây dựng thương hiệu xe điện Izera của riêng mình. Đó là một tín hiệu rõ ràng cho thấy tham vọng lớn hơn việc trở thành trung tâm sản xuất cho các hãng ô tô Tây Âu.
Ba Lan chỉ đứng sau Trung Quốc trong bảng xếp hạng sản xuất pin toàn cầu, là địa bàn hoạt động của những tập đoàn như LG Chem Ltd., Northvolt AB, SK Innovation Co. và Umicore SA. Lô hàng pin lithium-ion sản xuất tại Ba Lan đạt tổng trị giá 38 tỷ zloty (8,9 tỷ USD) vào năm ngoái, tương đương 2,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, theo dữ liệu chính thức.
Nhà máy sản xuất pin lithium-ion 5 năm tuổi của LG Energy Solution Ltd. ở Wroclaw, phía tây nam đất nước, là cơ sở lớn nhất thuộc loại này ở châu Âu, tuyển dụng hơn 7.000 người. Sau khi quá trình mở rộng trị giá 500 triệu euro (529 triệu USD) hoàn thành vào năm 2025, nhà máy sẽ sản xuất đủ pin hàng năm để cung cấp năng lượng cho 1 triệu ô tô điện.
Cách Wroclaw, ở Nysa khoảng một giờ lái xe về phía nam, một liên doanh giữa Umicore của Bỉ và Volkswagen sẽ đầu tư 1,7 tỷ euro vào một nhà máy sản xuất vật liệu cực âm, một thành phần quan trọng cho pin. Mercedes cũng đang xây dựng một nhà máy sản xuất xe điện gần đó với chi phí hơn 1 tỷ euro.
Mexico – Cửa “phụ” vào nước Mỹ
Kể từ năm 2017, giá trị nhập khẩu của Mexico từ Trung Quốc đã tăng nhanh hơn về mặt danh nghĩa so với giá trị xuất khẩu của Mexico sang Mỹ.
Đó là bởi vì nhiều nhà sản xuất mở nhà máy ở các bang biên giới Mexico ngày nay là các công ty Trung Quốc, bán mọi thứ từ phụ tùng ô tô đến đồ nội thất, tập trung vào thị trường Mỹ.
Khu công nghiệp Hofusan ở Mexico. Ảnh: Bloomberg
Một trong những điểm thu hút lớn nhất đối với Yinlun và các công ty Trung Quốc khác khi thành lập văn phòng ở Mexico là hiệp định thương mại tự do đã kéo dài hơn 30 năm giữa nước này với Mỹ và Canada.
Vào tháng 4, TDI Manufacturing Mexico, một nhánh của Chiết Giang Yinlun Machinery Co., nhà cung cấp hệ thống làm mát cho ô tô và máy móc hạng nặng của Trung Quốc, đã khai trương cơ sở rộng 152.000 foot vuông (hơn 141.000 m2) tại Khu công nghiệp Hofusan – gần Monterrey, nơi tất cả các khách thuê đều là người Trung Quốc.
Yinlun TDI LLC, công ty con có trụ sở tại California của nhà sản xuất Trung Quốc, đã chứng kiến chi phí lao động tăng lên ở Mỹ và chi phí nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc cũng tăng theo. Vì vậy, để phục vụ các khách hàng, công ty đã quyết định đầu tư 20 triệu USD vào năm 2021 để xây dựng nhà máy ở Mexico.
Việc đặt cược đã được đền đáp. Vào tháng 2/2023, khoảng một năm sau khi Yinlun mua đất, chính phủ Mexico thông báo Tesla Inc. sẽ mở nhà máy sản xuất ô tô điện ở cùng bang Nuevo León.
Maroc
Maroc có trữ lượng phốt-phát lớn nhất thế giới. Khoáng chất này là thành phần chính trong pin lithium-iron-phosphate (LFP), một loại pin sạc đang phát triển nhanh chóng được sử dụng trong xe điện.
Quốc gia này đã có ngành ô tô đang phát triển. Giờ đây, chuỗi cung ứng pin EV đang bắt đầu bén rễ. Mối quan hệ thương mại mạnh mẽ của Maroc với châu Âu và Mỹ, cùng với thái độ chào đón đầu tư trực tiếp nước ngoài, khiến nơi đây trở thành nơi gặp gỡ giữa các các công ty liên kết ở hai bên trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng.
Vào năm 2022, Maroc chứng kiến sự kiện công bố đầu tư 15,3 tỷ USD vào các dự án nhà máy mới do các nhà đầu tư nước ngoài tài trợ, gần bằng 5 năm trước đó cộng lại.
Xu hướng này không có dấu hiệu chậm lại. Vào tháng 5, Công ty công nghệ cao Gotion của Trung Quốc đã ký thỏa thuận với vương quốc để xây dựng một nhà máy sản xuất pin trị giá 6,4 tỷ USD. Đây sẽ là một trong những nhà máy lớn nhất thế giới.
Phốt-phát chưa qua xử lý tại một nhà máy. Ảnh: Getty.
Vào tháng 9, nhà sản xuất linh kiện pin của Trung Quốc CNGR Advanced Material Co. công bố dự án trị giá 2 tỷ USD nhằm sản xuất đủ pin LFP để trang bị cho 1 triệu xe mỗi năm. Giám đốc điều hành CNGR Châu Âu Thorsten Lahrs nói Maroc đang ở vị trí thuận lợi để cung cấp pin ô tô trong tương lai.
Indonesia
Indonesia đang tích cực thu hút các công ty từ cả Mỹ và Trung Quốc nhằm thực hiện tầm nhìn của Tổng thống Joko Widodo về việc xây dựng toàn bộ chuỗi cung ứng xe điện.
Tesla và Volkswagen đã được mời đầu tư với mục đích cân bằng sự thống trị của các công ty Trung Quốc trong lĩnh vực tinh chế niken và sản xuất pin.
Với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và dân số 270 triệu người, Indonesia đang đánh cược rằng nước này có vị trí quá quan trọng để buộc phải lựa chọn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, cán cân đầu tư của Mỹ và Trung Quốc ngày càng chênh lệch trong những năm qua, với đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2023 cao gấp đôi so với Mỹ.
(Theo Bloomberg)