Saturday, November 23, 2024
No menu items!
spot_img
HomeTin nổi bậtViệt Nam gia nhập cuộc chơi nghìn tỷ USD cùng loạt "ông...

Việt Nam gia nhập cuộc chơi nghìn tỷ USD cùng loạt “ông lớn” Mỹ, Trung

Thị trường hydro có thể đạt hơn 1.400 tỷ USD mỗi năm vào 2050. Cuộc đua giành thị trường nghìn tỷ USD đang nóng lên với sự nhập cuộc như Mỹ, Ấn Độ…và Việt Nam.

Theo Grand View Research, quy mô thị trường sản xuất nhiên liệu hydro (hydrogen) được định giá 155,35 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến sẽ tiếp tục bùng nổ với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 9,3% trong giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2030.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng dự đoán thị trường hydro có thể đạt trị giá hơn 1.400 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050, trong đó, các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi sẽ nắm giữ hơn 65% thị trường này.

Theo McKinsey, nền kinh tế hydro có thể hỗ trợ doanh thu toàn cầu hơn 2,5 nghìn tỷ USD mỗi năm vào năm 2050, tạo việc làm cho hơn 30 triệu người và sẽ giúp tránh được 6 tỷ tấn khí thải CO2.

Trong bối cảnh nhu cầu về năng lượng sạch trên toàn cầu ngày càng lớn, hydro đang nổi lên như một “con dao khử carbon” thay thế cho nguyên liệu hóa thạch. Là năng lượng có tính linh hoạt và có lợi thế hơn các loại năng lượng tái tạo khác như gió, mặt trời, hydro được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang tương lai bền vững, giảm thiểu carbon.

 Tiềm năng của thị trường hydro.

Chưa kể, chi phí sản xuất hydro giảm dần trong khi dòng vốn đầu tư tăng mạnh cũng giúp mang đến những triển vọng tích cực cho thị trường này. Theo BloombergNEF, chi phí sản xuất hydro xanh đã giảm 40% trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2020 và dự kiến sẽ giảm tới 85% vào năm 2050.

Tính đến thời điểm hiện tại, phần lớn lượng tiêu thụ hydro đều phục vụ cho ngành công nghiệp hóa chất như sản xuất amoniac, sản xuất phân bón, chất bán dẫn, và tinh chế các sản phẩm dầu mỏ. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, hydro có thể trở thành “nhân tố vàng” trong các lĩnh vực như sản xuất điện, giao thông vận tải cùng nhiều ngành công nghiệp khác.

Ông Sven Thieme, Chủ tịch điều hành của Ohlthaver & List Group, công ty tư nhân lớn nhất ở Namibia đang có kế hoạch xây dựng nhà máy hydro xanh trị giá 18 triệu USD, nhận định: “Mặc dù việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch là hành trình tốn thời gian và khó khăn nhưng hydro xanh là một trong những nhân tố vàng giúp đưa chúng ta đến đích”.

Cả thế giới đặt cược vào hydro

Trước tiềm năng của hydro, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó tiên phong là Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản,… đã và đang nỗ lực giành ngôi dẫn đầu trên thị trường tiềm năng hàng nghìn tỷ USD. Tính đến đầu năm 2023, đã có hơn 40 quốc gia ban hành chiến lược về hydrogen cũng như các chính sách hỗ trợ về tài chính lớn nhằm phát triển ngành công nghiệp này.

Vào tháng 6/2023, Mỹ công bố chiến lược và lộ trình quốc gia về hydrogen sạch. Theo đó, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ dành 9,5 tỷ USD đầu tư vào xây dựng mạng lưới hạ tầng sản xuất và vận chuyển hydrogen sạch, giảm chi phí sản xuất để từ đó sử dụng hydrogen thay thế khí đốt và cung cấp năng lượng cho các lĩnh vực công nghiệp, vận tải nặng,…

Tòa bạch ốc xem việc phát triển hydro sạch là yếu tố cần thiết để hiện thực hóa tầm nhìn của Tổng thống Biden về một nền kinh tế xanh tăng trưởng mạnh mẽ và đưa lượng phát thải ròng ở Mỹ về bằng 0 vào năm 2050. “Việc đẩy nhanh quá trình khai thác hydrogen chính là chìa khóa mở ra một tương lai năng lượng sạch an toàn với giá cả phải chăng”, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer M. Granholm khẳng định.

Chính phủ các quốc gia thuộc khối EU cũng không chậm trễ trong việc đầu tư vào sản xuất hydro xanh nhằm củng cố an ninh năng lượng, nhất là sau cuộc chiến Nga – Ukraine đã để lộ ra những “lỗ hổng” trong an ninh năng lượng tại lục địa già.

Năm 2022, hydro chiếm 2% trong tiêu thụ năng lượng tại châu Âu và chủ yếu dùng trong sản xuất hóa chất. Trong đó, 96% lượng hydro đó được sản xuất từ khí tự nhiên. Mục tiêu của châu Âu là chuyển số hydro đó sang hydro xanh với kỳ vọng sẽ sản xuất được 10 triệu tấn hydro xanh vào năm 2030 và tăng tỷ trọng sử dụng hydro từ 2% hiện nay lên 14% vào năm 2050.

Các quốc gia châu Âu cũng đã triển khai khoản tài trợ trị giá 800 triệu euro thuộc chương trình Ngân hàng Hydrogen nhằm hỗ trợ chi phí sản xuất khí đốt và cùng nhiều lĩnh vực liên quan khác. Vào tháng 6/2023, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Italy Giorgia Meloni đã ký hợp đồng xây dựng Hành lang SoutH2, một đường ống dẫn hydro từ Italy qua Áo tới miền Nam nước Đức. Trong khi đó, Pháp cũng đã thúc đẩy Tây Ban Nha đồng ý kết nối hydro dưới biển thay vì đường ống dẫn khí đốt tự nhiên qua dãy Pyrenees.

Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Ấn Độ và Trung Quốc nổi lên như hai trong số những người chơi chính trên thị trường hydro. Với Sứ mệnh Hydrogen Quốc gia, Ấn Độ tham vọng trở thành trung tâm hydro xanh toàn cầu với mục tiêu sản xuất 5 triệu tấn hydro xanh mỗi năm vào năm 2030.

Chính phủ Ấn Độ cũng đã phê duyệt gói tài trợ trị giá 174,9 tỉ rupee hỗ trợ sản xuất, sử dụng và xuất khẩu hydro xanh, đặt mục tiêu “làm cho hydro xanh có giá cả phải chăng, giảm chi phí sản xuất trong vòng 5 năm tới” và trở thành quốc gia xuất khẩu hàng đầu của dòng nhiên liệu mới này. Song song với đó, Ấn Độ còn tạo điều kiện cho các nhà sản xuất hydro xanh bằng cách miễn giảm một số khoản phí và lược bỏ nhiều quy trình cấp phép liên quan.

 Nhiều quốc gia chạy đua phát triển thị trường hydro

Trong khi đó, Trung Quốc hiện là nhà sản xuất hydro lớn nhất thế giới với sản lượng khoảng 25 triệu tấn mỗi năm, tương đương 1/4 sản lượng hydro toàn cầu. Trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc (2021 – 2025), hydro được xem là 1 trong 6 ngành công nghiệp được ưu tiên phát triển.

Quốc gia châu Á này đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cũng như đầu tư hàng tỷ USD cho nền kinh tế hydro. Chỉ tính riêng trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2019, ch tiêu cho hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ hydro của Trung Quốc đã tăng gấp 6 lần, lên hơn 600 triệu USD.

Hơn 1/3 các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc cũng đã và đang lập kế hoạch sản xuất, lưu trữ, phân phối và sử dụng hydro, trong đó điển hình là tập đoàn dầu khí Sinopec, một trong những công ty dầu khí hàng đầu Trung Quốc, đã xây dựng 31 trạm tiếp nhiên liệu hydro ở 17 tỉnh, thành phố.

Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc đua hydro. Mới đây, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Chính phủ phê duyệt Chiến lược về sản xuất năng lượng hydrogen đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược này đề ra mục tiêu hình thành, phát triển chuỗi cung ứng hydro sạch tại Việt Nam, sản xuất được 100.000 – 500.000 tấn hydrogen vào năm 2030 và tăng lên 10 – 20 triệu tấn vào năm 2050.

Tiềm năng nhưng vẫn cần thận trọng

Mặc dù tiềm năng của thị trường hydro xanh trong tương lai là không thể phủ nhận nhưng không ít chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng thế giới cần cẩn trọng khi đặt cược vào hydro.

Ủy viên Nghị viện về Môi trường, ông Simon Upton đã từng cảnh báo chính phủ New Zealand trong một bức thư dài 8 trang về việc không nên vội vàng trong việc chuyển hướng sang sử dụng hydro xanh. “Chính phủ nên đặc biệt thận trọng trong việc trợ cấp cho việc tạo ra ngành sản xuất hydro xanh và điều cần làm trước tiên là phân tích toàn bộ hệ thống năng lượng của quốc gia”, ông nói.

Ông Adam Tooze, Giám đốc Viện Châu Âu tại ĐH Columbia (Mỹ), cũng hoài nghi rằng thế giới đang ở ngã 3 đường trong quyết định theo đuổi một xu hướng năng lượng mang tính cách mạng như hydro.

Nhiều chuyên gia khác cũng lên tiếng cảnh báo chính phủ các quốc gia cần thận trọng nếu không muốn hàng chục tỷ USD đổ vào hydro trở thành vô ích. Trên thực tế, những lo ngại này không phải là không có căn cứ.

Theo Báo cáo “Thị trường hydro xanh: Tiềm năng và thách thức” của WWF, dù hiện có nhiều cam kết và kế hoạch xây dựng lộ trình phát triển hydro ở nhiều quốc gia nhưng thị trường hydro vẫn đang gặp nhiều trở ngại.

Mặc dù hydro hiện là một thị trường tiềm năng mới nổi và đang phát triển nhưng vẫn chưa có tiêu chuẩn quốc tế nào đề cập đến việc sản xuất và sử dụng hydro, khiến các quốc gia phải xây dựng các tiêu chuẩn và quy định của riêng mình.

Việc thiếu các tiêu chuẩn và quy định quốc tế liên quan đến hydro là trở ngại lớn ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường hydro toàn cầu.

Chưa kể, chi phí sản xuất, lưu trữ và vận chuyển hydro vẫn đang ở mức cao, đòi hỏi sự đầu tư lớn vào các phương tiện vận chuyển, đường ống, trạm nạp hoặc các cơ sở để chuyển đổi hydro thành dạng amoniac.

WWF cũng chỉ ra rằng nhu cầu hydro, hydro xanh trong tương lai không được bảo đảm. Phần lớn các quốc gia trên thế giới vẫn chưa có chiến lược phát triển hydro cụ thể – ngay cả những quốc gia đã hình thành thị trường tiêu thụ hydro đáng kể.

Khi tìm kiếm các giải pháp kỹ thuật cho bài toán khử cacbon, chúng ta phải cẩn thận với những ảo ảnh của quá trình chuyển đổi năng lượng nếu không muốn các khoản đầu tư hàng tỷ USD bị đổ sông đổ bể, ông Adam Tooze, Giám đốc Viện Châu Âu tại ĐH Columbia (Mỹ) nhận định.

(Theo VietnamFinance)

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments