Tập đoàn Intel sẽ không mở rộng đầu tư vào Việt Nam như Hà Nội mong đợi, trong khi vẫn tiếp tục “đổ tiền” vào Malaysia, Ba Lan và Israel. Chính quyền Việt Nam liệu rút ra được những bài học gì từ “cú quay xe đột ngột” này?
Bản tin của hãng Reuters cũng như một số trang mạng quốc tế khác như South China Morning Post (SCMP) hay The Diplomat (1) tuần trước đã tập trung đưa tin rất đậm về việc Tập đoàn Intel của Hoa Kỳ tạm dừng việc phát triển cơ sở sản xuất chip bán dẫn ở Việt Nam. Trao đổi với Tuổi Trẻ Online vào tối 7/11, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, cho biết ông vừa tiếp nhận thông tin liên quan đến việc Intel chưa mở rộng sản xuất chip tại Việt Nam trên truyền thông quốc tế. Tuy nhiên, ông Thi khẳng định cho đến thời điểm này, phía Intel Việt Nam chưa có thông tin chính thức với phía Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM về những thay đổi trong kế hoạch mở rộng nhà máy. Hiện tại, Intel Việt Nam vẫn đang đầu tư, sản xuất bình thường tại nhà máy của Intel đặt bên trong Khu công nghệ cao TP.HCM tại TP Thủ Đức (2).
Trước tin Intel “gác lại kế hoạch” đầu tư thêm một tỷ USD mở rộng nhà máy tại Việt Nam, chiều 8/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội về quan điểm của MPI về vấn đề này. Bộ trưởng cảm thấy “tiếc nuối”, nhưng đó là quyền lựa chọn của doanh nghiệp. Chia sẻ về lý do mà Reuters đưa ra cho rằng Intel “gác kế hoạch” mở rộng đầu tư thêm một tỷ USD tại Việt Nam là do “thiếu điện và thủ tục hành chính rườm rà”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng: “Đây chỉ là một lý do, vấn đề thiếu hụt điện mới chỉ xảy ra cục bộ một số nơi, một số thời gian. Chính phủ cam kết bảo đảm đủ điện cho các doanh nghiệp, không chỉ riêng doanh nghiệp nào”. Trả lời câu hỏi liệu có còn nguyên nhân khác dẫn đến việc Intel gác lại kế hoạch mở rộng đầu tư, Bộ trưởng MPI khẳng định: “Còn có nguyên nhân như địa-chính trị, cạnh tranh giữa các quốc gia và chính sách thuế tối thiểu toàn cầu” (3).
“Tiếc nuối” có lẽ chưa đủ nói hết trạng thái “vỡ mộng” của phần lớn quan chức và người dân Việt. Bởi vì, sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng vượt cấp quan hệ lên “đối tác chiến lược toàn diện” (CSP), Việt Nam kỳ vọng sẽ trở thành một địa chỉ tin cậy, không chỉ đối với các nhà đầu tư Mỹ, trong việc trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực “hót” nhất hiện nay, dù chỉ là khâu “gia công” nào đó trong tiến trình “quang khắc” (photolitography) mà thôi. Cuối tháng 10 vừa rồi, tại Hà Nội, Việt Nam được cho là đang thực hiện chiến lược thu hút đầu tư nhiều hơn vào bán dẫn, gồm cả các công ty trong lĩnh vực sản xuất chip (foundry). Một số quan chức trong ngành cho biết, các cuộc đàm phán ở giai đoạn này tập trung vào vấn đề như ưu đãi, trợ cấp, cơ sở hạ tầng, lực lượng lao động. Một nguồn tin cũng tiết lộ trong các đàm phán trên có sự xuất hiện của hai nhà sản xuất chip là GlobalFoundries và PSMC. Người này cũng cho biết việc xây dựng nhà máy đầu tiên tại Việt Nam có thể sẽ phục vụ việc sản xuất những chip không quá tiên tiến, như chip dùng trong ôtô hoặc lĩnh vực viễn thông (4).
Trong bối cảnh nói trên, “sự quay xe đột ngột” của Intel không chỉ là gáo nước lạnh đội vào ước mơ cháy bỏng của nhiều giới, cả chuyên gia lẫn chính khách. Dù sao, Intel cũng đã làm được một chuyện rất bổ ích: Đưa Việt Nam, cả chính quyền lẫn các nhà doanh nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ cao, trở về với mặt đất. Rõ ràng, trong lĩnh vực này, phải biết mình, biết đối tác, không thể lấy “chủ nghĩa anh hùng cách mạng” để “trám vào” những thiếu hụt “chết người”. Liên quan đến quyết định của Intel, nhiều nhà phân tích hoài nghi, đằng sau các mỹ từ ngoại giao như “thiếu điện và hành chính rườm rà” chắc chắn còn nhiều “khúc nhôi” khác mà các nhà doanh nghiệp Mỹ không tiện nói ra (?!) Intel đã bắt đầu ở Việt Nam từ năm 2006 với nhà máy sản xuất và kiểm định chip tại Khu công nghệ cao TP HCM. Sau lần đầu tư thêm 475 triệu USD đầu năm 2021, tính đến nay, tổng vốn của tập đoàn rót vào Việt Nam là 1,5 tỷ USD. Vừa rồi Intel định đầu tư thêm một tỷ USD nữa. Tuy nhiên, chẳng thấm tháp gì nếu so với việc Intel đã rót bảy tỷ USD đầu tư xây dựng một nhà máy mới tại Malaysia, dự kiến sẽ hoạt động vào năm 2024. Intel cũng vừa công bố kế hoạch đầu tư tới 4,6 tỷ USD vào một cơ sở lắp ráp chip gần thành phố Wrocław, Ba Lan. Nhưng khủng nhất, là khoản đầu tư 25 tỷ USD xây một nhà máy mới tại Israel (5). Đúng là “con cá mất bao giờ cũng là con cá to!”
Qua “sự vỡ lở” nói trên với Intel, đã đến lúc Việt Nam cần phải thấu hiểu, đối với các doanh nghiệp Mỹ, kinh tế và chính trị là hai chuyện khác nhau. Quan hệ “CSP” với Hoa Kỳ không phải là một “phép lạ”. Tư bản Mỹ là các nhà thực dụng nổi tiếng và hầu như không chịu tác động từ chính quyền hay các đảng phái. Dù các Tổng thống Mỹ có thể hứa giúp Việt Nam điều này điều nọ về kinh tế, nhưng khi bắt tay vào làm ăn, các nhà đầu tư tính toán hết sức chi ly trong bảng phân tích “cost and benefit” (chi phí và lợi ích). “Nhân chi sơ” trong làm ăn với xứ “cờ hoa” là thượng tôn pháp luật! Mỹ không như “nước lạ”nọ có thể lại quả từ 30 đến 40% “tiền tươi thóc thật” khi trúng thầu các dự án khủng (6). Đó cũng là nguyên nhân để dư luận Việt Nam đang “run bần bật” khi biết Trung Quốc có thể “đảm nhận” từ A đến Z tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải phòng để kết nối với đại kế hoạch “Vành đai Con đường” (BRI) của Bắc Kinh. Trước đây mấy tháng, toàn xã hội còn “rung lắc” mạnh hơn khi nghe tin Trung Quốc còn “nhã ý” thầu cả đường sắt cao tốc Bắc Nam!!! Cả xã hội thở phào khi biết rằng, mới đây ông Phạm Minh Chính đã “có nhời” với Thủ tướng Nhật Bản và Ngân hàng Thế giới (7).
Trở lại mặt đất, Việt Nam sẽ bớt “lãng mạn” trong giấc mơ sản xuất chip. Robert Li, Phó Chủ tịch của US Synopsys, công ty thiết kế chip hàng đầu tại Việt Nam, cảnh tỉnh các nhà chức trách Hà Nội “nên suy nghĩ kỹ” trước khi quyết định để xây dựng nhà máy foundry. Phát biểu tại “Hội nghị thượng đỉnh về chất bán dẫn Việt Nam” tại Hà Nội hôm 29/10, ông cho biết, việc xây dựng một xưởng đúc có thể tiêu tốn tới 50 tỷ USD và sẽ kéo theo hệ lụy phải cạnh tranh với Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu, những nước đã công bố kế hoạch chi tiêu cho chip của mình trị giá từ 50 đến 150 tỷ USD (8). Rõ ràng, nếu Việt Nam muốn trở thành “tay chơi quan trọng” trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu thì phải có đột phá một số khâu về thể chế. Với cung cách như hiện nay, chỉ bắt mấy “con tép” ở EVN đã gây ra ách tắc trong cung cấp điện cho Intel vào mùa hè qua chưa thể là giải pháp rốt ráo. Intel không nói công khai nhưng ai cũng thấy “con voi trong phòng”, đó là những ràng buộc do thể chế! Suy cho cùng, chỉ có thể trách đoàn người đã “đáo bỉ ngạn” (đã tới bờ bên kia), mà vẫn hè nhau “vác còn thuyền” thể chế cũ lên vai, hì hục đi tiếp trên con đường không mấy thênh thang (9). (Theo RFA)