Tuesday, December 3, 2024
No menu items!
spot_img
HomeHOA KỲMoody’s hạ triển vọng của Hoa Kỳ xuống mức ‘tiêu cực’ do...

Moody’s hạ triển vọng của Hoa Kỳ xuống mức ‘tiêu cực’ do chính phủ chi tiêu quá nhiều

Hãng xếp hạng tín nhiệm này cũng cho rằng chính sách bên bờ vực chiến tranh ở Hoa Thịnh Đốn là nguyên nhân dẫn đến quyết định cắt giảm triển vọng cho nợ chính phủ Hoa Kỳ.

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã hạ triển vọng của chính phủ Hoa Kỳ từ “ổn định” xuống “tiêu cực”, phần lớn do chi tiêu ngoài tầm kiểm soát.

Trong một thông báo hôm 10/11, Moody’s cho biết rằng họ đã hạ triển vọng xếp hạng của chính phủ Hoa Kỳ xuống mức “tiêu cực” với lý do thiếu kiềm chế trong chi tiêu, đồng thời dự đoán rằng thâm hụt sẽ vẫn “rất lớn” trong tương lai gần.

Cơ quan này cho biết: “Trong bối cảnh lãi suất cao hơn mà không có các biện pháp chính sách tài khóa hiệu quả để giảm chi tiêu hoặc tăng doanh thu của chính phủ, Moody’s dự đoán rằng thâm hụt tài khóa của Hoa Kỳ sẽ vẫn rất lớn, làm suy yếu đáng kể khả năng chi trả nợ.”

Chi tiêu chính phủ quá nhiều cũng là nguyên nhân khiến Fitch đi trước một bước so với Moody’s và hạ xếp hạng tín nhiệm nợ của Hoa Kỳ từ AAA xuống AA+ trong mùa hè.

Trong khi Moody’s quyết định hạ triển vọng của Hoa Kỳ xuống mức “tiêu cực”, họ vẫn giữ xếp hạng tổng quan của Hoa Kỳ ở mức AAA.

Dễ đoán là Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đã phản đối việc hạ triển vọng, giống như khi Fitch cắt giảm xếp hạng.

“Mặc dù báo cáo của Moody’s bảo lưu mức xếp hạng AAA của Hoa Kỳ, nhưng chúng tôi không đồng tình với việc chuyển sang triển vọng tiêu cực,” Thứ trưởng Ngân khố Wally Adeyemo cho biết trong một tuyên bố. “Nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn mạnh và công khố phiếu vẫn là tài sản ưu việt có tính an toàn và thanh khoản cao trên thế giới.”

Việc cắt giảm triển vọng xảy ra ngay sau khi có thông tin rằng các khoản thanh toán lãi cho số nợ to lớn của chính phủ Hoa Kỳ đã lần đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 1 ngàn tỷ USD mỗi năm, thanh toán lãi cho tổng dư nợ công trị giá khoảng 33.6 ngàn tỷ USD. Có rất ít cải thiện ở cả hai phương diện này (lãi và tổng dư nợ công).

Giản lược về nợ chính phủ Hoa Kỳ

Theo triển vọng ngân sách dài hạn mới nhất của Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), chi tiêu của chính phủ Hoa Kỳ cho lãi suất dự kiến ​​sẽ tăng từ khoảng 2.5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2023 lên 6.7% vào năm 2053.

Theo CBO, mức nợ công của Hoa Kỳ cũng dự kiến ​​sẽ tăng lên, đạt khoảng 181% GDP vào năm 2053, tăng từ mức 98% GDP vào thời điểm hiện tại.

Trong khi đó, dữ liệu của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ cho thấy, tính đến ngày 09/11, tổng nợ công đã ở mức 33.58 ngàn tỷ USD. Khoản này bao gồm 7.04 ngàn tỷ USD nắm giữ trong chính phủ và 26.66 ngàn tỷ USD nợ khác do công chúng nắm giữ.

Bên cạnh việc chi tiêu chính phủ mất kiểm soát, Moody’s cũng cho rằng chính sách bên bờ vực chiến tranh (brinkmanship) ở Hoa Thịnh Đốn là nguyên nhân dẫn đến quyết định cắt giảm triển vọng cho nợ chính phủ Hoa Kỳ.

Moody’s cho biết: “Sự phân cực chính trị tiếp diễn trong Quốc hội Hoa Kỳ làm tăng nguy cơ các chính phủ kế nhiệm sẽ không thể đạt được sự đồng thuận về một kế hoạch tài khóa để làm chậm sự suy giảm khả năng chi trả nợ.”

Tuy nhiên, bất chấp tình trạng hỗn loạn tài khóa của Hoa Kỳ, Moody’s đã chọn giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm chung cho quốc gia này ở mức AAA, một phần do hiệu quả kinh tế tương đối mạnh mẽ, có thể bù đắp một số tác động của lãi suất cao đối với chi phí trả nợ.

“Việc có nhiều đợt tăng trưởng tích cực bất ngờ hơn trong trung hạn ít nhất có thể làm chậm lại xu hướng suy giảm khả năng chi trả nợ,” Moody’s cho biết, đồng thời nói thêm rằng họ kỳ vọng Hoa Kỳ sẽ “duy trì sức mạnh kinh tế to lớn của mình.”

Dữ liệu mới nhất của chính phủ cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 4.9% trong quý 3, một tốc độ vững chắc mà thành viên Hội đồng Dự trữ Liên bang Christopher Waller gọi là “sự bùng nổ” cần phải theo dõi khi Fed cân nhắc các hành động tiếp theo về lãi suất.

 Tòa nhà của Hệ thống Dự trữ Liên bang ở Hoa Thịnh Đốn vào ngày 19/09/2017. (Ảnh: Samira Bouaou/The Epoch Times)

Để ứng phó với lạm phát tăng vọt, Fed đã bắt tay vào chu kỳ tăng lãi suất với tốc độ chóng mặt, đưa lãi suất từ ​​gần 0 vào tháng Ba năm 2022 lên mức từ 5.25 đến 5.5% của hiện tại.

Trong khi tác động của việc tăng lãi suất vẫn chưa làm giảm lạm phát xuống mức mục tiêu 2% của Fed, các hành động của ngân hàng trung ương đã làm tăng chi phí đi vay, làm kiệt quệ nền kinh tế tín dụng và gây ra lo ngại về suy thoái kinh tế và lạm phát đình trệ — một kết hợp độc hại giữa tăng trưởng chậm và lạm phát cao.

Nhà đầu tư tỷ phú Ken Griffin, người sáng lập quỹ phòng hộ Citadel, gần đây đã cảnh báo rằng lạm phát cơ bản cao hơn có thể kéo dài trong nhiều thập niên, với những tác động tiêu cực đến chi phí trả lãi đối với khoản nợ chính phủ to lớn đang ngày càng cồng kềnh.

Bàn về lãi suất

Lạm phát đã giảm từ mức cao nhất gần đây là 9.1% vào tháng 06/2022 xuống còn 3.7% vào tháng 09/2023. Chắc chắn là một sự cải thiện, nhưng tỷ lệ này vẫn cao gần gấp đôi tỷ lệ 2% mà Fed xem là điểm cân bằng giữa ổn định giá cả và tăng trưởng kinh tế.

Mặc dù số liệu lạm phát đã được cải thiện, nhưng một số chuyên gia cho biết giá cả vẫn tiếp tục tăng — chỉ với tốc độ chậm hơn một chút.

Ông Greg McBride, Giám đốc phân tích tài chính của Bankrate, nói với The Epoch Times trong một tuyên bố qua thư điện tử: “Lạm phát chậm hơn là một nghịch lý đối với người tiêu dùng vốn không thấy an tâm khi giá cả không tăng nhanh như vậy vì giá vẫn đang tăng.”

Ông nói thêm: “Tác động tích lũy của lạm phát đã gây căng thẳng cho ngân sách của gia đình và làm suy yếu sức mua, với Chỉ số Giá Tiêu dùng tăng hơn 18% trong ba năm qua.”

Tuần tới (13-19/11), chính phủ Hoa Kỳ sẽ công bố số liệu lạm phát mới nhất, với các nhà phân tích nói rằng một đợt tăng giá bất ngờ có thể làm suy yếu quan điểm rằng Fed đã hoàn tất việc tăng lãi suất và có khả năng gây ra làn sóng chấn động khắp các thị trường chứng khoán và trái phiếu.

Bên cạnh việc theo dõi các số liệu lạm phát sắp tới, các nhà đầu tư cũng sẽ theo dõi chặt chẽ các hành động xếp hạng tiềm năng trong tương lai của Moody’s và các tổ chức khác, vì sự thay đổi trong một cơ quan xếp hạng tín nhiệm có thể — nhưng không phải lúc nào cũng đi trước — việc hạ bậc xếp hạng tín nhiệm. (Theo The Epoch Times)

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments