Friday, November 22, 2024
No menu items!
spot_img
HomeHOA KỲKịch bản Hoa Kỳ mất kiểm soát nợ: Tiền lãi lên tới...

Kịch bản Hoa Kỳ mất kiểm soát nợ: Tiền lãi lên tới 1 ngàn tỷ USD

BẢN TIN ĐẶC BIỆT

Petr Svab

Một số nhà kinh tế cho rằng vòng xoáy nợ của Hoa Kỳ có thể biến thành một cuộc khủng hoảng tài khóa hoặc siêu lạm phát.

Chính phủ liên bang Hoa Kỳ đã vay nhiều tiền đến mức trong năm qua họ đã phải chi ⅕ tổng số tiền thu được chỉ để trả lãi nợ — lên tới gần 880 tỷ USD.

Người Mỹ đã trả ít hơn khoảng 450 tỷ USD tiền thuế thu nhập trong năm, khiến chính phủ rơi vào vòng vây của một cuộc khủng hoảng tài khóa.

Một số nhà kinh tế nói với The Epoch Times rằng đất nước này đang đứng trước bờ vực của một vòng xoáy nợ nần có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài khóa hoặc siêu lạm phát.

 “Vấn đề này rất nghiêm trọng bởi vì, dù quý vị cắt giảm theo cách nào, thì những người đóng thuế vẫn phải trả lãi nợ cho núi nợ đã tích lũy,” ông Steve Hanke, giáo sư kinh tế ứng dụng tại Đại học Johns Hopkins, cho biết. “Nói tóm lại, họ đang phải trả tiền mà chẳng mang lại được gì.”

Một số ý kiến ​​cho rằng Quốc hội phải hạn chế đáng kể chi tiêu thâm hụt để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư — những người dường như đang mất niềm tin vào khả năng hoàn trả nghĩa vụ nợ của Hoa Kỳ.

“Chi tiêu thâm hụt của chính phủ Hoa Kỳ đang ở trong một kịch bản mất kiểm soát,” ông Mark Thornton, một thành viên cao cấp tại Viện Mises theo trường phái kinh tế tự do cổ điển, cho biết. “Số tiền mà họ vay đang ở mức rất lớn và dường như không có bất kỳ quy định nào hoặc không có bất kỳ nỗ lực nào ở mức thậm chí chỉ là nhẹ nhàng nhằm hạn chế khía cạnh chi tiêu của phương trình tài khóa này.”

Tòa nhà Bộ Ngân khố Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn hôm 13/03/2023. Bộ Ngân khố đã cùng với các tổ chức tài chính khác của chính phủ bảo lãnh cho các chủ tài khoản của ngân hàng Silicon Valley Bank sau khi ngân hàng này sụp đổ. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)

Khoản nợ khổng lồ

Nợ chính phủ hiện ở mức trên 33 ngàn tỷ USD trong năm tài khóa 2023 (gồm 12 tháng kết thúc hôm 30/09). Con số này cao hơn khoảng 1.7 ngàn tỷ USD so với năm trước. Lãi suất đối với khoản nợ này đã tăng đều đặn trong nhiều thập niên, mặc dù với tốc độ tương đối chậm, lên khoảng 570 tỷ USD trong năm 2019 từ khoảng 350 tỷ USD vào năm 1995 — một mức tăng hàng năm khoảng 2%.

Với chi tiêu của chính phủ bùng nổ trong đại dịch COVID-19 và việc Hệ thống Dự trữ Liên bang tăng lãi suất sau đó, chi phí nợ đã tăng vọt hơn 50% trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến năm 2023. Trong năm qua, chi phí nợ đã vượt qua toàn bộ lượng ngân sách dành cho quân đội.

Chi phí nợ dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng khi khoản nợ cũ phát hành với lãi suất thấp đáo hạn và được chuyển sang lãi suất cao hơn.

Trong khi chính phủ trả một phần tiền lãi nợ cho chính mình, vì chính phủ nắm giữ khoảng 20% ​​khoản nợ trong các quỹ tín thác và quỹ khác nhau, thì tiền lãi từ phần nợ đó được cho là để trả cho các chi phí trong tương lai của các chương trình như Medicare và An sinh Xã hội.

Ông E.J. Antoni, một nhà kinh tế và nghiên cứu tại tổ chức tư vấn theo phái bảo tồn truyền thống Quỹ Di Sản (Heritage Foundation), cho biết: “Số tiền đó đã được định sẵn để chuyển ra khỏi cửa rồi. Chỉ là vẫn chưa được chuyển ra thôi.”

“Chính phủ không phải là cứ có sẵn tiền mặt để chi tiêu.”

Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội, ngay cả khi tính cả thu nhập đó, thì quỹ Bảo hiểm Bệnh viện Medicare và An sinh Xã hội dự kiến ​​sẽ cạn tiền trong khoảng 10 năm nữa.

Đồng hồ Nợ Quốc gia ở Hoa Thịnh Đốn hôm 13/11/2023. (Ảnh: Madalina Vasiliu/The Epoch Times)

Ai là người sẽ chi trả?

Những người ủng hộ chính phủ chi tiêu thâm hụt lớn đã lập luận rằng việc trả nợ không phải là điều đáng lo ngại vì Fed có thể in ra số tiền mặt cần thiết để trang trải lãi suất hoặc thậm chí mua lại nợ. Sau đó, Bộ Ngân khố sẽ trả lãi nợ đó cho Fed, sau đó Fed sẽ sử dụng số tiền này để trang trải chi phí hoạt động và gửi số tiền dư ra trở lại Bộ Ngân khố. Nhờ đó mà chính phủ có thể tự trả lãi nợ cho mình một cách hiệu quả.

Thật vậy, khoảng 20% ​​nợ chính phủ là do Fed nắm giữ.

Tuy nhiên, thực tế không hẳn tuân theo logic này.

“Hệ thống Dự trữ Liên bang không thực sự kiếm được tiền nữa,” ông Antoni nói. “Họ đang mất tiền vì phần lớn lượng công khố phiếu mà họ có trên sổ sách hiện nay là được mua vào năm 2020 và thậm chí là đầu năm 2021 khi lãi suất ở mức gần bằng không, vì vậy những tài sản đó hầu như không sinh lời.”

Bất cứ khoản tiền nào Fed thu được từ danh mục đầu tư của mình, họ sẽ ngay lập tức thanh toán cho các ngân hàng và quỹ thị trường tiền tệ theo lãi suất dự trữ và các thỏa thuận mua lại đảo ngược. Mục đích của những hoạt động đó là ngăn chặn lạm phát — “giữ tiền mặt thanh khoản bị khóa trong kho để tiền không thể nhân lên trong hệ thống ngân hàng,” ông Antoni nói.

Ông cho biết, những hoạt động này hiện khiến ngân hàng trung ương tiêu tốn khoảng 700 triệu USD mỗi ngày, buộc ngân hàng này rơi vào tình trạng “thâm hụt lớn.”

 “Fed đang không gửi vào Bộ Ngân khố một xu nào hết.”

Tòa nhà Bộ Ngân khố Hoa Kỳ tại Hoa Thịnh Đốn hôm 19/01/2023. Bộ Ngân khố thông báo đã bắt đầu thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng vỡ nợ chính phủ. (Ảnh: Saul Loeb/AFP qua Getty Images)

Chính vì lý do này, Fed dường như không muốn có thêm nợ chính phủ. Trong một năm rưỡi qua, họ đã dần dần giảm tỷ lệ nắm giữ nợ, hút tiền ra khỏi thị trường để kiềm chế lạm phát.

Ông nói: “Bất cứ khi nào Fed mua thứ gì đó, họ sẽ làm như vậy bằng tiền được tạo ra cho mục đích đó.”

“Fed thực sự không có tài khoản nào có số dư. Tài khoản vãng lai của họ thực sự không có số dư nên khi họ bán một tài sản, số tiền vào tài khoản đó sẽ biến mất. Khi họ mua một tài sản, số tiền từ tài khoản đó sẽ được tạo ra.”

Nếu Fed mua thêm nợ, họ sẽ làm tăng thêm cung tiền, và triệu hồi bóng ma lạm phát ngay cả khi Fed đang cố gắng xua đuổi nó.

Ông Antoni nói: “Chúng ta sẽ quay lại guồng quay lạm phát ngay lập tức nếu làm vậy.”

Tín dụng xấu?

Nếu chính phủ muốn vay mà không khiến lạm phát trở nên tệ hơn, thì chính phủ cần tìm ai đó mua khoản nợ bằng những đồng tiền USD hiện đang lưu hành.

Cho đến gần đây, điều đó không thành vấn đề. Mặc dù có mức lãi suất thấp nhưng công khố phiếu Hoa Kỳ vẫn đóng vai trò là khoản đầu tư trú ẩn an toàn — một hàng rào chống lại rủi ro và là tài sản bảo đảm không thể thiếu trong các kênh đầu tư phức tạp trên thị trường tài chính.

Ông Antoni nói, “Công khố phiếu Hoa Kỳ được xem là tài sản an toàn nhất. Và hiện nay đang ngày càng không còn là như vậy nữa.”

Khách bộ hành đi ngang qua Sở Giao dịch Chứng khoán New York trên Wall Street ở thành phố New York hôm 23/03/2021. (Ảnh: Angela Weiss/AFP/Getty Images)

Hồi tháng Tám, công ty xếp hạng Fitch đã hạ bậc xếp hạng tín nhiệm nợ của Hoa Kỳ từ AAA xuống còn AA+.

Hôm 09/11, Bộ Ngân khố đã có cuộc đấu giá công khố phiếu kỳ hạn 30 năm có kết quả tệ nhất trong hơn một thập niên khi các nhà đầu tư yêu cầu một mức lợi nhuận cao hơn để mua trái phiếu. Nhu cầu đã giảm gần 5% so với tháng trước.

Hôm 10/11, Moody’s, một công ty xếp hạng khác, đã hạ triển vọng nợ của Hoa Kỳ từ “ổn định” xuống “tiêu cực” và lập luận rằng sự phân cực trong Quốc hội có thể cản trở các cải tổ tài khóa.

Ông Antoni nói: “Ngày nay mọi người ngày càng nhận ra [rằng công khố phiếu Hoa Kỳ] không an toàn chút nào.”

Ông nêu lên rằng “những thay đổi mạnh mẽ” trong chính sách tiền tệ có thể ảnh hưởng đáng kể đến giá công khố phiếu.

Không ai có thể trả giá đầy đủ cho một công khố phiếu có mức lãi suất 2% hàng năm khi Bộ Ngân khố hiện chào bán rất nhiều công khố phiếu trả lãi suất 5%.

Các nhà giao dịch làm việc trên sàn Sở Giao dịch Chứng khoán New York tại thành phố New York hôm 15/11/2023. (Ảnh: Spencer Platt/Getty Images)

“Ví dụ, nếu quý vị mua một công khố phiếu vào năm 2020, thì công khố phiếu đó sẽ mất khoảng một nửa giá trị, vì vậy quý vị không thể bán nó nữa,” ông Antoni nói. “Về căn bản, quý vị đang mắc kẹt với tỷ suất lợi nhuận thấp đó.”

Trên thực tế, nếu tính đến lạm phát, thì các trái phiếu cũ hiện đang làm mất tiền của chủ sở hữu, nhưng ít nhất chúng cũng mang lại chút lợi nhuận nào đó.

Ông nói: “Điều đó thường vẫn tốt hơn khoản lỗ mà quý vị sẽ phải gánh chịu nếu trực tiếp bán đi công khố phiếu đó.”

Rồi còn có rủi ro vỡ nợ. Các nhà đầu tư nhận thức được rằng một ngày nào đó chính phủ sẽ không còn có thể trả được nợ nữa. Cho tới thời điểm hiện tại thì việc trả nợ chưa phải là vấn đề lớn, một phần là do “chiến lược ngu ngốc hơn”, như ông nói.

Tóm tắt về chiến lược này, ông cho hay: “’Tôi cá rằng ngoài kia vẫn có một kẻ ngốc hơn vẫn sẵn sàng mua sau khi tôi muốn bán, mặc dù Ngày tận thế đó, nếu quý vị đoán, đang sắp đến gần rồi.’”

“Ví dụ trên nghe có vẻ ngớ ngẩn, nhưng có rất nhiều nhà đầu tư và hoạt động đầu tư hoạt động theo nguyên tắc đó.”

Chủ tịch Hệ thống Dự trữ Liên bang Jerome Powell chuẩn bị trình bày tại Hoa Thịnh Đốn hôm 08/11/2023. Các nhà kinh tế cho biết, ngay cả khi Fed cắt giảm lãi suất, thì biện pháp đó cũng có thể không giải quyết được vấn đề. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)

Nhu cầu đối với công khố phiếu kỳ hạn 30 năm giảm sút có thể là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư đang dần mất niềm tin rằng một kẻ ngốc như vậy sẽ tồn tại trong thời gian dài. Theo ông Antoni, Bộ Ngân khố dường như đang phản ứng bằng cách cung cấp nhiều công khố phiếu có kỳ hạn ngắn hơn.

Tuy nhiên, ông nói, lạm phát cũng gây ra nguy cơ tương tự như vỡ nợ và lưu ý rằng đồng USD đã mất khoảng 17% giá trị trong vài năm qua.

Ông nói: “Sự mất giá này của đồng USD cũng giống như việc Bộ Ngân khố quay đầu lại và chỉ trả 83% cho những người nắm giữ công khố phiếu và nói 17% còn lại đã tan thành mây khói rồi.”

Tất cả những yếu tố này dường như đang làm giảm niềm tin của nhà đầu tư vào công khố phiếu. Và một khi đã chịu ảnh hưởng, thì niềm tin của nhà đầu tư khó có thể khôi phục lại được.

Ông nói, ngay cả khi Fed cắt giảm lãi suất một lần nữa, biện pháp đó cũng không nhất thiết giải quyết được vấn đề.

Ông Hanke nói: “Có vẻ như thị trường trái phiếu đã biến thành thị trường giá xuống. Và thị trường trái phiếu giá xuống (cũng như thị trường giá lên) thì thường là sẽ duy trì trong nhiều năm. Điều đó ngụ ý rằng lãi suất sẽ cao hơn trong thời gian dài hơn — lâu hơn rất nhiều. Nếu đúng như vậy, lãi suất cao hơn cho thấy rằng việc tài trợ cho thâm hụt liên bang sẽ là một vấn đề lớn trong nhiều năm.”

Nợ và chiến tranh

Các lợi ích địa chính trị dường như cũng đang quay lưng lại với thị trường công khố phiếu Hoa Kỳ, đặc biệt là khi Trung Quốc thoái vốn khỏi danh mục đầu tư rất lớn của họ vào các loại công khố phiếu Hoa Kỳ.

Ông Antoni nói: “Tại thời điểm này, sự việc không đơn thuần chỉ là một vấn đề tài chính, mà còn là một vấn đề an ninh quốc gia.”

Với tốc độ như hiện tại, Trung Quốc có thể sẽ không còn khoản đầu tư nào vào nợ của Hoa Kỳ trong vài năm nữa, điều mà ông cho là một hành động chuẩn bị cho chiến tranh.

Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen chờ gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong (He Lifeng) vào đầu ngày thứ hai của cuộc họp kéo dài hai ngày trước Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC), tại San Francisco, California, hôm 10/11/2023. (Ảnh: Loren Elliott/AFP qua Getty Images)

“Việc bán công khố phiếu cách ly quý vị một cách hiệu quả khỏi khả năng vỡ nợ có chọn lọc của Bộ Ngân khố,” ông Antoni nói, đề cập đến việc chính phủ Hoa Kỳ hủy bỏ khoản nợ do một quốc gia khác nắm giữ như một hình thức trừng phạt kinh tế.

Ông nói: “Nếu chúng ta vay một đống tiền từ Trung Quốc và sau đó Trung Quốc quay sang xâm chiếm Đài Loan, thì chúng ta có thể nói, ‘các vị biết không, tất cả các khoản nợ của chúng tôi mà Trung Quốc đang nắm giữ — giờ đã bị hủy bỏ. Chúng tôi sẽ không trả lại số tiền đó.’”

Ông Antoni lưu ý rằng một bước đi như vậy có thể được sử dụng để chống lại Nga khi nước này xâm lược Ukraine, “ngoại trừ việc Nga đã bán hết toàn bộ số nợ của Hoa Kỳ mà họ nắm giữ.”

Ông nói: “Vì vậy, tôi nghĩ thật hợp lý khi tin rằng việc Trung Quốc thoái khỏi tất cả các khoản nợ của Hoa Kỳ có thể là khúc nhạc dạo đầu cho chiến tranh.”

May mắn cho Hoa Kỳ là, Trung Quốc đang không cố gắng làm ngập thị trường với công khố phiếu Hoa Kỳ, mà chủ yếu để công khố phiếu hết hạn rồi không mua vào thêm. Ông Antoni cho biết nguyên nhân có thể là do họ mua công khố phiếu vào thời điểm lãi suất thấp và bây giờ nếu bán thì sẽ phải bán với giá rẻ hơn nhiều.

Một tàu chở hàng đi qua eo biển Đài Loan trong khi khách du lịch ngắm nhìn từ ngọn hải đăng trên đảo Bình Đàm, điểm gần Đài Loan nhất ở Trung Quốc, ở tỉnh Phúc Kiến phía đông nam Trung Quốc hôm 16/04/2023. (Ảnh: Greg Baker/AFP qua Getty Images)

Đây là lỗi của ai?

Có lẽ bên chịu trách nhiệm rõ ràng nhất cho nợ chính phủ cao quá mức nên là chính phủ, đặc biệt là Quốc hội. Nhưng các nhà kinh tế lại đổ lỗi phần lớn cho Fed.

Đúng là các nhà lập pháp chịu trách nhiệm cho việc phê chuẩn ngân sách và vô luận là họ thuộc đảng phái nào thì đều từ lâu đã không thể cân đối được ngân sách. Nhưng chính Fed đã khiến việc vay mượn trở nên thuận tiện hơn bằng cách ấn định lãi suất rất thấp trong suốt hai thập niên qua.

Ông Antoni nói: “[Trước đó] trong nhiều năm, khoản nợ không tăng nhiều vì việc tăng nợ sẽ rất tốn kém.”

Ông Hanke nói: “Lẽ ra Fed phải chịu trách nhiệm vì đã cho phép cung tiền mở rộng với tốc độ quá mức.”

“Lạm phát luôn luôn và ở mọi nơi vẫn luôn là một hiện tượng tiền tệ. Và, như đêm nối theo ngày, lãi suất đi theo quá trình lạm phát. Vì vậy, Fed chính là thủ phạm, do không chú ý đến tốc độ tăng trưởng nguồn cung tiền.”

Việc Fed mua nợ chính phủ trong thời kỳ chi tiêu trong đại dịch đã gây ra đợt lạm phát này và tiếp tục kéo dài đến năm 2022, ngay cả sau khi đại dịch kết thúc.

Ông Hanke nói: “Phụ lục 1 có tiêu đề trớ trêu là ‘Đạo luật Giảm Lạm Phát,’ một đạo luật chứa đầy các khoản trợ cấp và quà tặng cho không của chính phủ.”

Bên cạnh là các nhà lập pháp, Tổng thống Joe Biden (ở giữa) mỉm cười sau khi ký Đạo luật Giảm Lạm Phát năm 2022, tại Tòa Bạch Ốc ở Hoa Thịnh Đốn hôm 16/08/2022. (Ảnh: Mandel Ngan/AFP/Getty Images

Theo ông Antoni, đợt chi tiêu đầu tiên trong mùa dịch COVID-19 vào năm 2020 không gây ra nhiều lạm phát vì Fed đã dành hai năm trước đó để thắt chặt nhẹ nguồn cung tiền.

“Quý vị đã có một nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, và quý vị có nguồn cung tiền đang bị thu hẹp, cả hai đều là rất gây tác động giảm giá,” ông nói. “Do vậy, kết quả của tác động đó là, quý vị có thể đoán được, đã có rất nhiều yếu tố làm dịu bớt giá cả được đưa vào nền kinh tế để hấp thụ toàn bộ chi tiêu dư thừa đó hồi năm 2020. Lạm phát tăng cao vào năm 2021 vì yếu tố làm giảm giá đó không còn nữa. Vì vậy, bất cứ hành động gì khác chỉ là đổ thêm dầu vào lửa.”

Ông Antoni cho rằng về lý thuyết, Fed nên thiết lập chính sách tiền tệ độc lập với lợi ích chính trị. Tuy nhiên, trên thực tế, có vẻ như khi chính phủ muốn chi tiêu, thì Fed sẽ thuận theo ước muốn này.

Ông nói, ban lãnh đạo Fed đã cho thấy “họ không phụ thuộc vào dữ liệu, không độc lập, mà họ chỉ đơn giản là nô lệ cho các ông chủ chính trị của mình.”

Ông không tin tưởng rằng Fed sẽ giữ lãi suất ở mức cao đủ lâu để đưa lạm phát trở lại vào ngăn tủ.

Người dân cầm thức ăn do các tình nguyện viên từ Dự án Nạn đói Baltimore quyên góp bên ngoài trường Tiểu học Quốc tế Padonia ở Cockeysville, Maryland, hôm 04/12/2020. (Ảnh: Olivier Douliery/AFP qua Getty Images)

Ông nói: “Chúng ta vẫn chưa quay trở lại mức tăng giá trước đại dịch và mọi người không tin tưởng rằng Fed sẽ đưa được chúng ta đến đó.”

Ông Thornton lập luận rằng “Fed có rất ít triển vọng làm bất cứ điều gì không gây ra các vấn đề thứ cấp.”

Ông nói: “Fed đã tự dồn mình vào chân tường. Ngân hàng trung ương đã rất nới lỏng trong những năm qua. Nỗ lực thắt chặt định lượng của Fed, theo nghĩa bán nợ chính phủ và chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp, thực sự là rất nhỏ trong bức tranh toàn cảnh. Trên biểu đồ, bảng cân đối kế toán của Fed bùng nổ theo hướng tăng lên và hầu như không chững lại và đi xuống chút nào.”

Cần phải làm gì?

Theo ông Thornton, nếu Fed không sẵn lòng giải quyết vấn đề, thì Quốc hội sẽ phải vào cuộc. Tuy nhiên, sẽ cần một “tác động tiêu cực rất lớn” để làm thay đổi được.

Ông nói: “Thực sự cần phải cắt giảm chi tiêu trên diện rộng để thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư, lãnh đạo doanh nghiệp, doanh nhân, và người đi làm.”

Tuy nhiên, biện pháp không hẳn là cần phải phức tạp.

Sở Giao dịch Chứng khoán New York và bức tượng ‘Cô gái không sợ hãi’ được nhìn thấy trên Wall Street ở thành phố New York hôm 23/03/2021. (Ảnh: Angela Weiss/ AFP qua Getty Images)

Ông Thorton nói: “Tất cả những gì quý vị phải làm chỉ là thiết lập lại mọi ngân sách, mọi phúc lợi của chính phủ, mọi khoản tiền lương của chính phủ trở lại mức năm 2018.”

“Thiết lập lại ngân sách sẽ giải quyết được vấn đề. Thiết lập lại ngân sách sẽ giải quyết được vấn đề tài khóa, thiết lập lại ngân sách sẽ giải quyết được vấn đề tâm lý mà mọi người đang gặp phải với nền kinh tế Hoa Kỳ.”

Ông lưu ý rằng những cắt giảm như vậy chắc chắn sẽ bị giới truyền thông gọi là “hà khắc” và cần phải đủ lớn để “gây khó chịu” cho các nhân viên chính phủ cũng như những người được hưởng lợi từ các chương trình của chính phủ, nghĩa là cần có một sự hy sinh chính trị lớn.

Đồng thời, ông nói, chính phủ sẽ phải thực hiện các bước để phục hồi nền kinh tế bằng cách cắt giảm thuế và các rào cản đối với doanh nghiệp.

Ông Thorton chỉ ra quy định mới của Alabama giúp miễn thuế thu nhập tiểu bang cho công việc làm thêm giờ.

Ông nói: “Đó là điều chúng ta cần làm trên quy mô lớn hơn nhiều và chúng ta cần thực hiện trên toàn quốc.”

“Hy vọng rằng quý vị sẽ thấy các chính trị gia phản ứng với ít nhất một chút nỗ lực theo đúng hướng, nhưng họ sẽ phải thực sự đạt được một số tiến bộ đáng kể và rất nhanh chóng, và tôi đang không đặt cược ngay bây giờ rằng họ sẽ làm đủ.”

(Vân Du biên dịch, Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times)

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments