Đầu tuần này châu Âu quyết định thúc đẩy cạnh tranh trong khu vực tư nhân về phát triển dịch vụ tên lửa nhỏ có thể thay đổi lĩnh vực không gian trong tương lai, giúp châu lục này không bỏ lỡ cơ hội từ kinh tế vũ trụ.
Trong hai ngày 6 và 7-11, các nước thành viên Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã có hội nghị “thượng đỉnh không gian” ở TP Seville, Tây Ban Nha, để thảo luận về lĩnh vực không gian vốn dường như chỉ có Công ty SpaceX của Mỹ tung hoành.
Tổng giám đốc ESA, Josef Aschbacher, cho biết quyết định thúc đẩy cạnh tranh sẽ đánh dấu bước chuyển mình đối với ngành không gian vũ trụ của châu Âu.
Tên lửa nhỏ, chi phí thấp
Phát biểu tại hội nghị, ông Aschbacher nhấn mạnh “một nền kinh tế mới đang phát triển trên quỹ đạo thấp của Trái đất sẽ làm thay đổi hoạt động khám phá không gian”. Ông cũng cho rằng các công ty tư nhân đang “cách mạng hóa” mọi ngóc ngách của lĩnh vực này, từ bệ phóng cho đến hoạt động thăm dò.
“Chúng ta đang ở giữa một sự thay đổi mô hình về vận chuyển không gian”, ông Aschbacher nói. Như vậy, các quốc gia châu Âu sẽ chuyển từ việc tự thiết kế và mua sắm các bệ phóng sang thúc đẩy cạnh tranh để giúp giảm chi phí công và tạo ra thị trường mới cho các công ty tư nhân trong khu vực.
Xu hướng mà châu Âu nhắm tới là phát triển các hệ thống tên lửa nhỏ mà về lâu dài sẽ thay thế các tên lửa hạng nặng Ariane 6 và Vega-C vốn sẽ vẫn là những phương tiện vận chuyển không gian chính của châu Âu trong trung hạn.
“Đây là một cuộc cách mạng của tên lửa mini vì điều mọi người bây giờ muốn là mua dịch vụ”, chuyên gia Antoine Meunier nhận định với Hãng tin Reuters.
Thời gian qua, châu Âu vật lộn với việc bị thụt lùi trên đường đua vũ trụ vì dự án tên lửa Ariane 6 bị trì hoãn, trong khi mẫu tên lửa Vega-C nhỏ hơn đang tạm dừng khai thác để khắc phục lỗi và khó khăn trong việc sử dụng dịch vụ tên lửa Soyuz của Nga do căng thẳng liên quan xung đột tại Ukraine.
Dự án Ariane 6 đã bị chậm bốn năm so với kế hoạch và các nước tham gia đã căng thẳng trong nhiều tháng. Theo Reuters, Pháp đã phải vận động hành lang để tăng cường hỗ trợ cho chương trình Ariane 6, trong khi Đức muốn thúc đẩy cạnh tranh trong lĩnh vực phóng tên lửa và Ý muốn có vai trò lớn hơn đối với tên lửa Vega-C sản xuất ở nước này.
Tại hội nghị ở Seville, Pháp, Đức và Ý đã phá vỡ thế bế tắc và đạt được thỏa thuận mà các quốc gia ESA khác cũng ủng hộ. Theo đó, các nước sẽ cung cấp khoản hỗ trợ hằng năm lên tới 340 triệu euro (364,5 triệu USD) cho chương trình Ariane 6 và 21 triệu euro (22,5 triệu USD) cho Vega-C từ năm 2026. Điều đó sẽ giúp các nhà thầu của dự án an tâm hơn, dù đổi lại ngành này sẽ phải cắt giảm 11% chi phí.
Đưa hàng lên ISS
“Đây là một thành công lớn và là thời điểm quyết định trong lịch sử không gian châu Âu. Nó duy trì sự thống nhất của châu Âu về vấn đề tiếp cận không gian”, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói.
Trong khi đó, ông Aschbacher cho rằng thỏa thuận hỗ trợ về trung hạn đối với Ariane 6 và Vega-C “là một niềm an ủi lớn” và châu Âu hy vọng sẽ công bố thời điểm phóng tên lửa Ariane 6 đầu tiên trong tháng này.
Quyết định của châu Âu đưa ra trong lúc khu vực này phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng không chỉ từ Mỹ mà còn từ những đối thủ mới hơn là Trung Quốc, Ấn Độ cũng như các công ty tư nhân như SpaceX của tỉ phú Elon Musk. Cuộc khủng hoảng hiện tại bắt nguồn từ hơn một thập niên trước, khi khu vực này loay hoay không biết làm gì tiếp sau chương trình Ariane 5.
Cho đến nay châu Âu luôn muốn dẫn đầu trong lĩnh vực quan sát khoa học và khí hậu nhưng hiếm khi đóng vai trò chính trong hoạt động khám phá của con người. Thay vào đó, họ thường chọn vai trò phụ trong các dự án của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) hoặc cho đến gần đây là Nga.
Trước đó châu Âu từng tham vọng với dự án tàu vũ trụ Hermes nhằm cạnh tranh với các chuyến tàu con thoi chở người của Mỹ nhưng dự án này chưa bao giờ được đưa ra khỏi bản vẽ và bị hủy bỏ vào năm 1992.
Ông Aschbacher cũng đề xuất để các công ty châu Âu cạnh tranh phát triển một tàu vũ trụ vận chuyển hàng hóa đi, về giữa Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) và Trái đất vào năm 2028.
“Phương tiện dịch vụ sau này có thể phát triển thành phương tiện phi hành đoàn và phục vụ các điểm đến khác bên ngoài quỹ đạo thấp của Trái đất”, lãnh đạo ESA nói. Ông kêu gọi các nước châu Âu đặt ra các tham vọng về không gian.
Hồi tháng 4-2023, ESA cho rằng châu Âu nên thiết lập “sự hiện diện bền vững” trên Mặt trăng và việc thiết lập hệ thống vận tải không gian được cho là bước đầu tiên của kế hoạch này.
(Theo TT News)