“Nàng tiên cá Fiji” dường như là một hỗn hợp của ít nhất ba loài và có thể đã được trưng bày trong các buổi biểu diễn phụ ở thế kỷ 19.
Năm 1906, một thủy thủ Hải quân tên là LC Bishop từ Nhật Bản trở về Ohio với một món quà lưu niệm kỳ lạ: phần còn lại của thứ dường như là một “nàng tiên cá”, có móng vuốt và sở hữu vẻ ngoài nhăn nhó. Hiện các nhà nghiên cứu tại Đại học Bắc Kentucky (NKU) đang kiểm tra vật thể này để xem liệu họ có thể giải mã được nguồn gốc của nó hay không.
Natalie Fritz, nhà lưu trữ của Hiệp hội Lịch sử Hạt Clark tại Trung tâm Di sản nơi trưng bày tiên cá nói với Springfield News-Sun: “Là một phần trong bộ sưu tập của chúng tôi suốt bấy lâu nay – 117 năm – chúng tôi đã luôn muốn khám phá những bí ẩn xung quanh hiện vật này”.
Các sinh viên khoa X quang tại NKU đã sử dụng máy chụp X-quang và CT để kiểm tra vật thể gây tò mò này và giờ đây họ tin rằng đó là tập hợp các bộ phận của ít nhất ba loài – nó chứa các bộ phận của khỉ, cá và bò sát.
Joseph Cress, bác sĩ X quang của NKU, người đã kiểm tra sinh vật này, giải thích với Daily Mail: “Có vẻ như nó là một hỗn hợp của ít nhất ba loài khác nhau. Hiện vật này có đầu và thân của một con khỉ, bàn tay dường như là của động vật lưỡng cư gần giống như cá sấu hoặc một loài thằn lằn nào đó. Và còn có cái đuôi của một con cá – chưa rõ loài nào”.
Cress nói thêm: “Rõ ràng là nó đã được tạo hình, gần như được làm theo kiểu Frankenstein – vì vậy tôi muốn biết những bộ phận nào được ghép lại với nhau”.
Quá trình quét cũng tiết lộ điều gì đó về cấu trúc của vật thể. Springfield News-Sun đưa tin rằng nó chứa các thanh gỗ, kim loại dường như có chức năng giữ cố định các móng vuốt tại chỗ, bông nhồi trong cơ thể và một loại “cấu trúc giấy bồi” nào đó đã tạo nên hình dạng của sinh vật này.
TheoAncient Origins, nàng tiên cá Fiji (còn được đánh vần là ‘Feejee’) là một “hiện tượng” vô cùng nổi tiếng trong thế kỷ 19, đến nỗi mà ở đâu người ta cũng đem ra bàn tán xôn xao và còn muốn tận mắt nhìn thấy. Nó được Phineas Taylor Barnum, một nhà trưng bày và doanh nhân người Mỹ, trưng bày một hiện vật tương tự vào năm 1842 tại Bảo tàng Barnum’s American, ở thành phố New York. Sự nổi tiếng của sinh vật lạ này đã thu hút rất nhiều du khách đến thăm và đương nhiên là mang về lợi nhuận cho cá nhân Phineas và danh tiếng cho bảo tàng.
Fritz giải thích rằng “Nàng tiên cá Fiji là một phần trong các bộ sưu tập và buổi trình diễn phụ vào cuối những năm 1800”, cô nói và lưu ý rằng Bishop, người đã tặng nàng tiên cá, đã phục vụ tại Nhật Bản vào những năm 1870 và có thể đã nhặt được nó vào khoảng thời gian đó.
Ở Hoa Kỳ, những đồ vật như vậy được phổ biến rộng rãi bởi những người trình diễn như PT Barnum. Tờ Daily Mail đưa tin rằng ông thậm chí còn trưng bày một “nàng tiên cá” tương tự tại Bảo tàng Barnum’s American của ông ở New York cho đến khi nó bị thiêu rụi vào năm 1865.
Nàng tiên cá do Bishop tặng dường như cũng được trưng bày với mục đích tương tự xung quanh các thị trấn ở Ohio, vì Fritz lưu ý rằng mọi người trong cộng đồng đã bắt đầu chia sẻ những kỷ niệm của họ khi nhìn thấy nó.
Tại Nhật Bản, một số truyền thuyết kể rằng, nàng tiên cá sẽ ban sự bất tử cho bất cứ ai nếm thử thịt của họ. Tại một ngôi đền ở Asakuchi, người ta thực sự tôn thờ một nàng tiên cá Fiji – mặc dù sau đó người ta phát hiện ra rằng nó được làm bằng vải, giấy và bông, được trang trí bằng vảy cá và lông động vật.
Trả lời Daily Mail, Cress giải thích rằng ông và các nhà nghiên cứu đang hy vọng có thể kiểm tra kỹ càng từng bộ phận của nàng tiên cá bí ẩn này.
Tiếp theo, dữ liệu về nàng tiên cá cũng sẽ được gửi đến Sở thú Cincinnati và Thủy cung Newport để các chuyên gia ở đó có thể thử và xác định chính xác loài nào được sử dụng để tạo ra nó.
Ghi chép sớm nhất về người cá (Ningyo) xuất hiện trong bộ sách cổ Nihon Shoki (Nhật Bản thư kỷ) với các sự kiện diễn ra vào năm thứ 27 dưới thời của Hoàng hậu Suiko, tức là vào khoảng năm 619, nhưng lúc này, từ Ningyo vẫn chưa được sử dụng. Cụ thể, một sinh vật giống như con người đã được nhìn thấy tại một con sông ở tỉnh Omi (nay là tỉnh Shiga) hay một ngư dân bắt được một con vật không phải người cũng chẳng phải cá tại tỉnh Settsu (nay là một phần của tỉnh Hyogo và Osaka).
Mặc dù những câu chuyện về tiên cá đực đã được lưu truyền hàng trăm năm, nhưng chưa ai thực sự nhìn thấy chúng.
Từ thời Trung cổ cho đến gần đây, đã có rất nhiều người nổi tiếng tuyên bố đã nhìn thấy nàng tiên cá. Những người này bao gồm Christopher Columbus và Henry Hudson, nhưng người ta chưa bao giờ tìm thấy bằng chứng vật lý để chứng minh điều này. Một số kẻ xấu muốn kiếm tiền đã cố tình trưng bày cái gọi là “mỹ nhân ngư”, nhưng sau đó người ta phát hiện ra rằng đó là hàng giả.
Về những nàng tiên cá được các học giả nghiêm túc và những người liêm chính báo cáo, phần lớn đó đều là hải cẩu, hải mã, lợn biển và cá nược (một loại lợn biển sống ở châu Á).
(Theo GenK)