Theo nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương được Quốc hội thông qua chiều ngày 10 tháng 11 vừa qua, Bộ Công an được hưởng 85% số thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông năm 2022, 15% còn lại dành cho các địa phương để chi cho các lực lượng khác tại địa phương tham gia đảm bảo an toàn giao thông.
Cổ vũ việc xử phạt?
Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), năm 2022, lực lượng cảnh sát giao thông đã xử lý hơn 2.800.000 trường hợp vi phạm giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa. Số tiền phạt thu được là hơn 4.100 tỷ đồng.
Nhà báo, nhà quan sát Nguyễn Ngọc Già nêu quan điểm của ông với RFA sáng 14 tháng 11 năm 2023:
“Theo tôi biết, tất cả các nước phạt vi phạm giao thông rất nặng với mục đích tạo cho dân chúng ý thức hơn trong việc an toàn khi tham gia giao thông, chứ không nhằm mục đích tăng số thu. Và cảnh sát giao thông các nước cũng không có quyền thu tiền phạt trực tiếp như cảnh sát giao thông ở Việt Nam.
Và điều quan trọng là khi xem mức phạt như một loại doanh thu, tức là nhà cầm quyền họ coi những người thi hành công vụ – ở đây là cảnh sát giao thông – là những người bán sản phẩm. Doanh thu càng cao thì lương bổng cao theo. Khi Quốc hội đồng ý mức để lại cho Bộ Công an lên đến 85% tức là họ mặc nhiên cổ võ và khích lệ việc xử phạt như một loại doanh thu. Tôi gọi đây là một sự bệ rạc về chính trị.
Xây dựng ý thức của người dân trong việc chấp hành luật lệ giao thông để giảm tai nạn và các vi phạm khác phải là một quá trình rất dài. Nó đến từ văn hóa, từ giáo dục chứ không phải đến từ chuyện phạt. Đây là phép gọi là ngụy biện, lấy số lượng thay cho phẩm chất trong ý thức giao thông. Trách nhiệm đầu tiên thuộc về nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.”
Khi Quốc hội đồng ý mức để lại cho Bộ Công an lên đến 85% tức là họ mặc nhiên cổ võ và khích lệ việc xử phạt như một loại doanh thu. Tôi gọi đây là một sự bệ rạc về chính trị. – Nhà báo Nguyễn Ngọc Già
Tháng 10 năm 2021, Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ xem xét dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 100 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt. Bộ này đề xuất tăng mức phạt tiền lên nhiều lần, thậm chí gấp 10 lần đối với một số hành vi vi phạm giao thông. Theo lý giải của Bộ Giao thông Vận tải, việc tăng mức phạt này góp phần nâng cao hiệu quả của quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải. Đồng thời góp phần làm giảm các hành vi vi phạm trong lãnh vực giao thông.
Giải pháp hay cơ hội cho CSGT?
Góp ý kiến về việc Bộ Công an được hưởng 85% số thu phạt vi phạm giao thông, Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ hôm 14 tháng 11 cho rằng, Chính phủ VN đang vô hình chung biến người giao thông thành một con bò sữa mà công an sẽ tìm mọi cách vắt. Ông nói tiếp:
“Công an lúc này thay vì điều phối an toàn giao thông, góp ý và đề xuất với các ban ngành liên quan để tổ chức lưu thông an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất các vi phạm và an toàn giao thông, thì ngược lại họ sẽ cố tình gài một số điểm giao thông mù mờ để từ đó gài bẫy và bắt phạt người giao thông. Với luật này, giới lãnh đạo Bộ Công an sẽ ra chỉ tiêu rằng mỗi quý sẽ thu bao nhiêu từ xử phạt hành chính trong giao thông và giao xuống cấp dưới thực hiện chỉ tiêu đó.
Cấp dưới sẽ ráo riết thực hiện nhằm đạt được chỉ tiêu được giao. Chính vì lý do này mà chúng ta thấy vô số hình ảnh cảnh sát giao thông núp lùm và tìm mọi cách để phạt người giao thông, thay vì củng cố và cải tạo các biển báo, phân luồng để việc giao thông được thuận lợi và an toàn. Đúng ra, trách nhiệm của cảnh sát giao thông là đảm bảo an toàn giao thông và hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn giao thông.”
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, để đảm bảo đội ngũ cảnh sát giao thông tích cực làm việc thay vì chỉ nhận lương và phớt lờ, chính phủ phải ra chỉ tiêu cho Bộ Công an đảm bảo rằng số vụ tai nạn và vi phạm giao thông năm sau phải giảm bao nhiêu phần trăm so với năm trước, phải xử lý các điểm thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, các điểm hay tắc đường, v.v.
Ông kết luận: “Có như vậy, hệ thống giao thông của quốc gia mới ngày càng cải thiện, ít tai nạn giao thông, cảnh sát thay vì tìm cách phạt dân sẽ chuyển sang tìm cách giáo dục người dân cách lưu thông an toàn để ít tạo ra tai nạn.”
Chúng ta thấy vô số hình ảnh cảnh sát giao thông núp lùm và tìm mọi cách để phạt người giao thông, thay vì củng cố và cải tạo các biển báo, phân luồng để việc giao thông được thuận lợi và an toàn. Đúng ra, trách nhiệm của cảnh sát giao thông là đảm bảo an toàn giao thông và hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn giao thông. -Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ
Nhiều người cho rằng, giải pháp tăng mức phạt tiền không hoàn toàn là giải pháp làm giảm các hành vi vi phạm, mà có thể là cơ hội cho lực lượng cảnh sát giao thông ăn tiền của người tham gia giao thông nhiều hơn. Muốn giảm số vụ tai nạn và vi phạm giao thông thì nhà nước phải ban hành thêm luật để xử lý lực lượng chức năng vi phạm khi thực thi công vụ.
Trong khi đó, ngoài việc xử phạt người vi phạm giao thông hàng ngày, lực lượng cảnh sát giao thông còn tiến hành những cuộc tổng kiểm soát, thu về hàng tỷ đồng. Theo nguồn từ Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ TP.HCM, trong tuần lễ ra quân đầu tiên tiến hành tổng kiểm soát phương tiện cơ giới đường bộ trong phạm vi thành phố vào tháng 5 năm 2020, lực lượng này xử lý gần 7.600 vụ vi phạm và thu gần 3,5 tỷ đồng tiền phạt.
Nói đến cảnh sát giao thông, vào tháng 10 năm 2022, Bộ Công an Việt Nam đưa ra một đề xuất gây xôn xao dư luận, đó là cho lực lượng này mặc thường phục để sử dụng thiết bị nghiệp vụ giám sát tình hình giao thông, phát hiện người vi phạm. Sau đó, lực lượng này báo cho lực lượng kiểm soát công khai mặc trang phục công an, đeo số hiệu đến xử lý.
Đề xuất trên bị nhiều người phản đối với lý do, khi thực thi nhiệm vụ thì lực lượng chức năng phải có phù hiệu; sắc phục đúng với chức năng của mình để người dân có thể giám sát được hành vi của họ.
(Theo RFA)