Kể từ khi Việt Nam và Israel ký kết Biên bản Ghi nhớ Quốc phòng vào năm 2015, quốc gia Trung Đông trở thành nhà cung cấp thiết bị quân sự lớn thứ 2 cho quốc gia Đông Nam Á, sau Nga. Theo báo cáo của IISS, Israel là nhà cung cấp quốc phòng quan trọng thứ 2 của Việt Nam.
Israel cũng là một trong số ít các quốc gia tích cực chuyển giao công nghệ quân sự sản xuất vũ khí hiện đại cho Việt Nam trong khi Hà Nội tiến hành hiện đại hóa quân đội trong bối cảnh có những lo ngại về sự gia tăng quân sự của Trung Quốc trong khu vực.
Khi cuộc xung đột giữa Israel và Hamas bất ngờ nổ ra cuối tuần trước, Việt Nam nói rằng họ “quan ngại sâu sắc” trước tình trạng bạo lực leo thang ở khu vực Gaza. Nhóm chủ chiến Hồi giáo người Palestine đã phát động cuộc tấn công, được xem là lớn nhất trong vòng 50 năm qua, nhắm vào Israel hôm 7/10 khiến quốc gia của người Do Thái phải tuyên bố chiến tranh và tiến hành các cuộc không kích trả đũa kể từ đó.
“Đối với Việt Nam, đây là một diễn biến không mong muốn,” Giáo sư Zachary Abuza của Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ nói với VOA. “Israel rõ ràng là một đối tác kinh tế rất quan trọng và ngày càng là một đối tác quan trọng về thiết bị quân sự (đối với Việt Nam).”
Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên ký Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với Istrael hồi tháng 7 năm nay, trong đó hai bên kỳ vọng thương mại hai chiều sẽ tăng trưởng vượt bậc để đạt mức 3 tỷ USD và hơn nữa trong thời gian tới. Hiệp định sẽ bắt đầu có hiệu lực vào đầu năm tới. Bên cạnh đó từ năm 2018, Việt Nam và Israel đã bắt đầu tiến hành các cuộc Đối thoại Chính sách Quốc phòng, trong đó hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này.
Israel được xem là một nhà cung cấp thiết bị quân sự quan trọng khi Việt Nam tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Nga, quốc gia hiện đang cung cấp phần lớn vũ khí cho Hà Nội. Theo các nhà phân tích, Israel có thể cung cấp các vũ khí tương thích với các hệ thống của Nga.
Việt Nam nằm trong nhóm các nước mua vũ khí nhiều nhất của Israel trong giai đoạn từ 2018 đến 2022. Theo dữ liệu của Viện nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI), Việt Nam đứng thứ 5 – sau Ấn Độ, Azerbaijan, Philippines và Mỹ – về lượng vũ khí nhập từ Israel với tổng trị giá 180 triệu USD trong giai đoạn kể trên.
Hệ thống tên lửa phòng không Spyder là một trong những vũ khí Việt Nam nhập từ Israel sau khi ký MOU về quốc phòng năm 2015. Theo Haaretz, nhật báo uy tín nhất ở Israel, Việt Nam mua hệ thống Spyder với giá 600 triệu USD trong hợp đồng quân sự lớn nhất từng có giữa hai nước. Tờ báo này dẫn một số nguồn tin trong ngành nói rằng Israel đã ký kết được các hợp đồng trị giá 1,5 tỷ USD với Việt Nam, bao gồm vũ khí và cả thiết bị do thám điện thoại cho Bộ Công an Việt Nam.
Thông tin về ngành quốc phòng và an ninh Việt Nam của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy lực lượng hải quân Việt Nam sử dụng vũ khí Israel nhiều nhất trong quân đội Việt Nam. Từ năm 2014-2018, Việt Nam được cho là đã mua một số lượng lớn tên lửa dẫn đường, radar máy bay và tên lửa không đối không từ Israel. Đơn hàng đáng chú ý nhất gần đây của chính phủ Việt Nam từ Israel là máy bay không người lái Heron 1 trong hợp đồng trị giá 160 triệu USD được ký vào năm 2018.
Việt Nam tăng cường mua sắm vũ khí trong nhiều năm trở lại đây, đặc biệt khi Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng trong khu vực và gây hấn trên Biển Đông. Và để tránh phụ thuộc vào vũ khí Nga, Việt Nam đã bắt đầu đa dạng nguồn cung thiết bị quân sự của mình, bởi theo các nhà phân tích, các nguồn cung đa dạng sẽ giúp Việt Nam tối đa hóa khả năng phòng thủ của mình.
Cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine được cho là đã đẩy nhanh quyết tâm thoát khỏi sự lệ thuộc vào vũ khí Nga của Việt Nam, theo các nhà quan sát.
“Vào lúc đỉnh cao, khoảng 80% vũ khí mà Việt Nam có là từ Liên bang Xô Viết hoặc Nga và sự phụ thuộc đó khiến (Việt Nam) rất dễ bị tổn thương,” GS Abuza, hiện đang viết một cuốn sách về quân đội Việt Nam dự kiến ra mắt vào năm tới, nói. “Israel đóng vai trò rất quan trọng trong việc đa dạng hóa quốc phòng của Việt Nam và không có nước nào được lợi hơn từ việc đa dạng hóa quốc phòng của Việt Nam như Israel.”
Theo dữ liệu mà GS Abuza đưa ra, Israel xuất khẩu vũ khí trị giá 1,5 tỷ USD cho Việt Nam trong thời gian từ 2012 đến 2021. Tại thời điểm này, theo vị giáo sư về chiến lược an ninh quốc gia, các hợp đồng mua bán vũ khí giữa Việt Nam và Israel trị giá khoảng 2 tỷ USD đang hoặc bắt đầu được đàm phán.
“Rõ ràng, Việt Nam sẽ lo ngại liệu Israel có bị sa lầy vào một cuộc chiến hay không và liệu họ có thể phát triển và chuyển giao số vũ khí mà họ đã ký hợp đồng hay không,” GS Abuza, tác giả cuốn sách “Đổi mới Chính trị ở Việt Nam Đương đại” ra mắt năm 2001, nói. “Mọi việc phụ thuộc vào liệu cuộc chiến kéo dài bao lâu giữa Israel và Hamas. Nếu đây là cuộc chiến kéo dài với nhiều chủ thể hơn thì sẽ khiến giới lãnh đạo Hà Nội phải đau đầu.”
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Nguyễn Thế Phương, từng là nhà nghiên cứu quốc phòng của Đại học Quốc gia Việt Nam và hiện là nghiên cứu sinh tại Đại học New South Wales thuộc Học viện Quốc phòng Úc, cuộc xung đột ở Trung Đông sẽ không có tác động nhiều tới nguồn cung vũ khí của Israel cho Việt Nam.
“Quan hệ giữa Việt Nam và Israel không hẳn là về mua bán vũ khí mà nó là chuyển giao công nghệ,” ông Phương, từng giảng dạy tại Khoa Quan hệ Quốc tế của Đại học Kinh tế và Tài chính TPHCM, nói. “Cuộc chiến (Israel-Hamas) nếu nó dừng lại ở mức độ này sẽ không ảnh hưởng nhiều tới hợp tác quốc phòng (giữa hai nước), ngay cả trong tương lai vì mảng hợp tác liên quan tới việc trao đổi chất xám và công nghệ nhiều hơn là mua bán vũ khí.”
Một trong những hợp tác trọng tâm của bộ quốc phòng hai nước là dây chuyền sản xuất súng trường của Israel tại nhà máy Z-111 ở Việt Nam. Loại súng sẽ được sản xuất, Galil ACE 31/32 được cho là sẽ hoàn toàn đáp ứng khả năng đồng bộ hóa vũ khí cho Việt Nam, một quốc gia sử dụng các súng trường tiêu chuẩn Liên Xô trước đây và có ý định thay thế dần loại súng AK-47 đang dần lạc hậu bằng vũ khí mới, tiên tiến, hiện đại hơn. Theo đó, Israel sẽ dần chuyển giao công nghệ này cho Việt Nam trong tương lai. Truyền thông trong nước gọi đây là cơ hội “đi tắt đón đầu” cho Việt Nam để làm chủ công nghệ thiết bị quốc phòng.
GS Abuza cũng cho rằng việc sản xuất vũ khí hạng nhẹ được Israel cấp giấy phép cho quân đội Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến ở Gaza.
“Dây chuyền đó đang ở Việt Nam và phần lớn những gì Việt Nam đã ký hợp đồng hoặc đang đàm phán với Israel hiện nay đều là những hệ thống rất cao cấp nên không bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến,” GS Abuza nói, nhưng cho rằng việc Israel giúp Việt Nam nâng cấp 850 xe tăng thời Xô Viết có thể bị chậm lại khi Israel phải tập trung tối ưu cho đối nội.
Nhà nghiên cứu Bích Trần của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) cũng nhận định rằng cuộc xung đột ở Trung Đông sẽ “không ảnh hưởng đến nguồn cung quân sự của Israel cho Việt Nam.” Theo bà Bích, người có các nghiên cứu về an ninh quốc phòng Việt Nam, “khả năng quân sự của Israel vượt xa Hamas và khó có khả năng Hamas sẽ nhận được sự hỗ trợ quân sự rõ ràng từ các nước khác.”
Israel là đồng minh đặc biệt của Mỹ ở Trung Đông và được hỗ trợ quân sự hàng năm từ Washington trong khi Hamas là một lực lượng dựa chủ yếu vào nguồn tài trợ từ nước ngoài. Theo đánh giá của Newsweek, Israel kiểm soát bầu trời và chiếm ưu thế lớn trên biển.
VOA đã gửi yêu cầu bình luận tới Bộ Quốc phòng Việt Nam về tác động khả dĩ của cuộc chiến ở Trung Đông tới nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung vũ khí và hiện đại hóa quân đội Việt Nam.
Dù Israel là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ 2 sau Nga, hiện đang xa lầy trong cuộc chiến với Ukraine, Việt Nam vẫn có nhiều lựa chọn khác, như Ấn Độ, Nhật Bản, hay Hàn Quốc, cho chiến lược đa dạng hóa nguồn cung vũ khí để không phụ thuộc vào một nước nào, theo các chuyên gia.
“Việt Nam cũng đang mua nhiều từ Ấn Độ và Ấn Độ đã cung cấp tín dụng quốc phòng (cho Việt Nam) để giúp hỗ trợ giá,” GS Abuza nói. “Do đó, Ấn Độ cũng đang đóng một vai trò lớn hơn.”
Hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Ấn Độ được thúc đẩy mạnh mẽ trong những năm qua trong bối cảnh cả hai nước đều quan ngại trước sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khi vực. Ấn Độ đang cung cấp gói tín dụng 500 triệu USD cho Việt Nam để triển khai các dự án quốc phòng.
Bên cạnh đó chiến lược hiện đại hóa hệ thống quốc phòng của mình ra khỏi các thiết bị từ thời Xô Viết bằng cách tiếp nhận chuyển giao công nghệ để tự sản xuất vũ khí khí tài được xem là một bước đi đúng đắn của Việt Nam.
“Irael, giống như Ấn Độ, có kinh nghiệm trong việc chế tạo mà trong đó tích hợp cả công nghệ của Nga và công nghệ của châu Âu vào chung một hệ thống vũ khí,” ông Phương nói. “Kinh nghiệm đó giúp ích cho Việt Nam rất nhiều trong quá trình hiện đại hóa lực lượng (quốc phòng) hiện tại khi mà Việt Nam muốn duy trì cái lõi là vũ khi của Nga Xô nhưng bên cạnh đó từ từ tích hợp các vũ khí với công nghệ của phương Tây.”
Những công nghệ này, theo ông Phương, có thể giúp Việt Nam vừa duy trì được khả năng sản xuất các vũ khí cũ vừa giúp Việt Nam tạo ra những loại súng mới.
“Đó là cái quan trọng nhất trong hợp tác quốc phòng của Việt Nam và Israel,” ông Phương nói. “Cho nên cuộc chiến Israel-Hamas sẽ không thay đổi nhiều (hợp tác này) bởi vì các công nghệ đó là chất xám, là con người nhiều hơn.”
(Theo VOA)