Minh Anh
Vào lúc Israel chuẩn bị mở cuộc tấn công vào dải Gaza, mọi ánh mắt lo lắng hướng về Liban. Các cuộc đụng độ ở biên giới phía bắc Israel với Liban làm dấy lên nỗi lo ngại mặt trận thứ hai sẽ nổ ra. Một kết quả có nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến tranh toàn diện trong khu vực.
Một ngày sau khi Hamas tấn công Israel hôm 07/10/2023, giao tranh đã xảy ra giữa Israel và Hezbollah ở phía bắc biên giới Israel khi tổ chức bán quân sự Liban này nhanh chóng nã pháo rốc-kết và tên lửa dẫn đường nhắm vào ba vị trí của Israel tại một khu vực có tranh chấp. Thứ Hai, 09/10, « binh đoàn Al – Qods », nhánh quân sự của Thánh chiến Hồi giáo (Jihad) Palestine, bên đã yểm trợ phe Hamas, lên tiếng thừa nhận tiến hành chiến dịch thâm nhập lãnh thổ Israel từ phía Liban.
Tình hình đáng lo đến mức cộng đồng quốc tế từ Washington đến Paris, qua cả Bắc Kinh và Liên Hiệp Quốc phải lên tiếng báo động nguy cơ xung đột « tràn bờ ». Cũng trong ngày thứ Hai, một quan chức cao cấp quốc phòng Mỹ cảnh báo Hezbollah không nên có « quyết định tồi » mở một mặt trận thứ hai chống Israel ở biên giới với Liban. Bộ Quốc Phòng còn đi xa hơn khi cho điều tổ hợp hàng không mẫu hạm Gerald R. Ford đến vùng Đông Địa Trung Hải, khẳng định sự hậu thuẫn với Israel, và gởi đi một thông điệp mạnh mẽ đến Iran và phe Hezbollah.
Liệu rằng Hezbollah có mở cuộc tấn công trên bộ nhắm vào Israel ? Đây là câu hỏi được giới truyền thông phương Tây nhiều ngày qua đề cập đến. Cho đến nay, mô hình bạo lực dọc theo Đường Xanh, ranh giới giữa Israel và Liban do Liên Hiệp Quốc phân định, tương đối có thể dự đoán được với những cuộc pháo kích và các cuộc xâm nhập nhỏ. « Những vụ bắn lẻ tẻ này gần như chuyện thường tình trong khu vực, vì vậy, chưa có một lằn ranh đỏ nào bị vượt qua », ông Didier Leroy, nhà nghiên cứu trường quân sự hoàng gia Bỉ, lưu ý khi trả lời nhật báo Le Figaro.
Các mặt trận thống nhất
Tuy nhiên, những sự kiện này gợi nhắc đến những cuộc tranh luận về điều gọi là « các mặt trận thống nhất » từ nhiều tháng qua, theo đó, dường như có một sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhóm chống Israel như Hezbollah ở Liban, Hamas và Thánh Chiến Hồi Giáo Palestine (PIJ) cùng với nhiều nhóm khác được Iran hậu thuẫn ở Syria, Iraq và Yemen.
Trang mạng L’Orient-Le-Jour, ngày 09/10/2023 còn chạy tít : « Hamas, Hezbollah và Iran đã lập kế hoạch tỉ mỉ tấn công Israel từ Beyruth như thế nào ? ». Theo nhật báo Liban bằng tiếng Pháp, « nhiều cuộc họp » đã diễn ra từ nhiều tháng qua giữa Hamas, Hezbollah, Iran và Thánh chiến Hồi giáo để tiến hành một chiến dịch chung với mục tiêu rất rõ ràng : Xâm nhập lãnh thổ Israel để gieo rắc kinh hoàng. Vậy sau cuộc tấn công của Hamas, bước kế tiếp của Hezbollah là gì ?
Nhà nghiên cứu về Trung Đông, Nicholas Blanford, trên trang mạng Atlantic Council cho rằng Hezbollah có nhiều lựa chọn để gây áp lực lên Israel dọc theo Đường Xanh. Từ việc phục kích người Israel bằng các thiết bị nổ tự chế, tấn công bằng súng cối hoặc tên lửa vào vùng Trang trại Shebaa, vùng sườn núi chạy dọc theo biên giới phía đông nam Liban nhưng bị Israel chiếm đóng từ năm 1967 hay tổ chức đưa người thâm nhập lãnh thổ Israel.
Những hoạt động đó có thể được thừa nhận công khai nhưng cũng có thể là ẩn danh… Israel cũng có nguy cơ phải đối mặt với các cuộc tấn công từ bên trong Syria tại các khu vực thuộc cao nguyên Golan, khu vực mà Hezbollah và nhiều nhóm thánh chiến khác được Iran hậu thuẫn cũng có sự hiện diện.
Ở giai đoạn này, dường như Hezbollah muốn giữ các hành động của mình dưới một ngưỡng nhất định để không buộc Israel có hành động trả đũa mạnh mẽ hơn và tránh một chu kỳ leo thang ngoài ý muốn. Về điểm này, nhà nghiên cứu về Trung Đông Pierre Berthelot, giám đốc tạp chí « Phương Đông Chiến Lược », trên kênh truyền hình France 24 còn nhận định rằng, có một sự phối hợp tối thiểu giữa Hezbollah và phe Hamas.
« Chí ít ở đây có một sự phối hợp hành động giữa Hezbollah và Hamas. Điều đó không có nghĩa là Hezbollah sẽ tham chiến mà vấn đề ở đây là đặt binh sĩ Israel trong thế bị động. Chúng ta cũng không thể đánh một cược lớn rằng Hezbollah sẽ không tham chiến (…) Mục tiêu của Hezbollah là duy trì một áp lực mạnh nhằm “giữ chân” các nhóm lính ở phía bắc, và như vậy quân đội Israel rõ ràng là sẽ không thể sử dụng các đội quân này để chống Hamas. Đây là thực tế của những căng thẳng ở biên giới phía bắc Israel. »
Iran, bên cầm trịch ?
Trong cuộc xung đột này, Iran dường như đóng vai trò chủ chốt. Việc Hezbollah có tham chiến hay không Iran mới là bên có tiếng nói sau cùng. Với Iran, Hezbollah là cánh tay vũ trang nối dài của Vệ Binh Cộng Hòa ra ngoài biên giới, thành phần cốt lõi trong cơ cấu răn đe của nước này trước một cuộc tấn công tiềm tàng của Israel hay Mỹ. Do vậy, theo ông Nicholas Blanford, khó có khả năng Iran lãng phí Hezbollah trong một cuộc chiến toàn diện vô ích với Israel vì mục đích hỗ trợ Hamas ở dải Gaza.
Đây cũng là quan điểm của ông Pierre Berthelot với France 24 khi cho rằng Iran cũng không muốn bị « gậy ông đập lưng ông ». Một mặt nước Cộng hòa Hồi giáo bày tỏ ủng hộ cuộc tấn công của Hamas nhưng mặt khác Iran bác bỏ mọi cáo buộc vai trò của Teheran trong cuộc tấn công.
« Ở đây có một dạng “mập mờ” và điều đó sẽ được duy trì. Iran sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ cho hành động của Hamas khi nói rằng tất nhiên họ không phải là kẻ chủ mưu dù rằng chúng ta có thể nghi ngờ điều đó. Nhưng Iran vẫn luôn có lập trường này trong khuôn khổ sự hậu thuẫn của nước này trước lý lẽ của người Palestine.
Vì vậy, chẳng có lý do gì để họ thay đổi cả nhưng trong mọi trường hợp tôi nghĩ rằng có một sự khác biệt giữa cuộc khủng hoảng lần này và những lần trước. Nếu một ngày nào đó người ta muốn có hòa bình cho khu vực, một hội nghị quốc tế theo kiểu của Madrid cách nay 30 năm sau khi chiến tranh vùng Vịnh kết thúc là cần thiết. Lần này Iran sẽ phải hiện diện trong bàn đàm phán, điều không hề có trước đây. Các bậc thang tiêu chí đã thay đổi và giờ Iran là bên đàm phán không thể thiếu. »
Làm thế nào tiêu diệt « tận gốc rễ » Hamas mà không đi đến chiến tranh toàn diện với Hezbollah, đây sẽ là một bài toán khó cho Tel Aviv. Chiến sự ở Gaza càng tăng, Hezbollah buộc phải đẩy nhịp độ hoạt động của mình càng gần đến ngưỡng không nên vượt qua, và như vậy khả năng tính toán sai lầm càng cao, có nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến mà hiện chưa bên nào mong muốn.
Trả lời đài RFI, ông Joseph Bahout, giám đốc Viện Issam Farès, trường đại học Mỹ ở Beyruth lưu ý : « Một cuộc xung đột với Liban lúc này có lẽ sẽ là một sự tàn phá ở cấp độ chính trị nội bộ Liban. Quốc gia này đang bị kiệt quệ về kinh tế : Họ sẽ không thể nào chịu nổi một cuộc chiến chống Israel. Nếu như có một chiến dịch trên bộ của Israel, cuộc di tản của cộng đồng người Hồi giáo hệ phái Shia ở miền nam Liban sẽ là một thảm họa cho Hezbollah, bên sẽ phải xử lý thảm họa nhân đạo đó. »
Hezbollah, bậc thầy chống phản gián
Cũng theo ông Joseph Bahout, Israel cũng không thể mở thêm mặt trận thứ hai với Hezbollah. Đây cũng có thể là một thảm họa cho thủ tướng Benjamin Netanyahu và quân đội Israel. Một cuộc chiến với Hezbollah cũng có thể sẽ là cuộc chiến khu vực với việc mở rộng mặt trận từ Syria và khả năng tấn công từ Iraq, Yemen và thậm chí cả Iran.
Trong toàn cảnh này, nhà nghiên cứu người Bỉ Didier Leroy cho rằng điều Hezbollah có thể trông đợi là sự vùng lên của những phong trào bất tuân dân sự tại Cisjordani và những thành phố có đông cộng đồng người Ả Rập và Do Thái chung sống. Phe Hamas kêu gọi một cuộc tổng đình công, một intifada – phong trào ném đá mới – với hy vọng làm suy yếu bộ máy an ninh Israel khi mở ra nhiều mặt trận.
Sau cùng, đà đi lên mạnh mẽ của Hamas trong cuộc tấn công vừa qua đã cho thấy một hiện tượng « Hezbollah » hóa của Hamas. Theo ông Pierre Berthelot, sự kiện làm nổi rõ có một sự xích lại gần hơn giữa Hamas và Hezbollah trong cách thức vận hành. Tổ chức bán quân sự Liban này đã hỗ trợ cho Hamas làm chủ được hệ thống viễn thông chống xâm nhập mạng điện tử từ Israel, một nhược điểm lớn của Hamas trước đây.
« Hamas đã có nhiều tiến bộ vượt bậc, họ đã học được từ Hezbollah những điều đó. Tôi xin nhắc lại, Hezbollah đã tiến hành một cuộc đảo chính tháng 5/2008 và nắm quyền kiểm soát khu vực có đông người Hồi giáo hệ phái Sunni. Đây cũng là lần đầu tiên họ quay vũ khí chống lại những người Liban khác bởi vì họ nói rằng bất kỳ ai chạm vào hệ thống cáp quang riêng của họ thì sẽ bị trừng phạt. Nói là làm và điều đó đã xảy ra cho bộ trưởng Viễn Thông của Liban thời đó. Ông này đã nói rằng không muốn có một mạng riêng cạnh tranh với hệ thống công.
Do vậy, chúng ta thấy rõ là thế mạnh của Hamas là đã phát triển trong một lĩnh vực từng là điểm yếu của họ. Ở đây tôi muốn lưu ý một điểm để so sánh với Hezbollah, dù rằng Hamas vẫn còn xa mới đạt được, nhưng Hezbollah là tổ chức bán quân sự duy nhất hay phong trào chính trị duy nhất chưa bao giờ bị thâm nhập ở cấp cao tại Liban.
Tất cả các phong trào khác, các phân nhánh Hồi giáo khác, đã bị thâm nhập nhưng riêng Hezbollah thì không. Bằng chứng là người ta đã không thể nào tiêu diệt được phần lớn các thủ lãnh của phe này. Hezbollah rất mạnh trong lĩnh vực phản gián và rất có thể là Hamas đã học hỏi được điều này. »
(Theo RFI)