Thanh Hà
Từ đầu năm 2023, tiền Trung Quốc mất giá 8 % so với đô la. Giữa tháng 9/2023, giới tài chính báo động nhân dân tệ rơi xuống mức thấp nhất từ 2007. Trong suốt mùa hè Bắc Kinh huy động các ngân hàng Trung Quốc và cả các cơ quan giám sát trên mạng « vào trận », dùng mọi cách giữ giá cho đồng tiền quốc gia, ngăn chận thất thoát vốn khỏi Hoa Lục.
Tại sao đồng tiền Trung Quốc bị suy yếu ? Hiện tượng nhân dân tệ mất giá đã đến mức báo động hay chưa và những công cụ nào giúp Bắc Kinh giữ giá đơn vị tiền tệ ? Thường bị chỉ trích phá giá đồng tiền, tạo cạnh tranh bất bình đẳng để kích thích xuất khẩu, tại sao lần này các giới chức tài chính Trung Quốc đã hối hả ban hành nhiều nhiều biện pháp « ngăn chận chảy máu tư bản » ?
RFI tiếng Việt mời chuyên gia về tiền tệ và ngân hàng, Victor Lequillerier, đồng sáng lập viên cơ quan tư vấn BSI Economics, Paris, trả lời các câu hỏi trên.
« Nhân dân tệ trượt giá, rơi xuống mức thấp nhất từ 16 năm nay », Trung Quốc « Có thể làm được những gì để chống đỡ » và sẽ « Cầm cự được bao nhiêu lâu ? » : Đó là tựa những bài báo gần đây trên hãng tin Mỹ Bloomberg, trên báo kinh tế Nhật Bản Nikkei Asia, hay trên báo Hồng Kong South China Morning Post.
Một số các chuyên gia chờ đợi nhân dân tệ còn « rớt giá mạnh hơn » nữa, có thể là mất 10 % so với đô la từ nay đến cuối năm. Với đô la đã đành, nhân dân tệ cũng mất giá hơn 6 % so với đồng euro của châu Âu từ đầu năm tới nay và giảm 9 % so với đồng bảng Anh.
Đồng sáng lập viên cơ quan tư vấn BSI Economics (Brainstorming Initiative in Economics), trụ sở tại Paris, Victor Lequillerier nêu lên ba nguyên nhân làm suy yếu đồng tiền của Trung Quốc :
Victor Lequillerier : Yếu tố thứ nhất liên quan đến tình hình kinh tế chung hiện tại, có nghĩa là kinh tế Trung Quốc khó phục hồi và các chỉ số từ đầu năm đến nay gây thất vọng. Mọi người thất vọng vì chỉ số bán lẻ, chỉ số tiêu thụ … Hơn thế nữa, ngành địa ốc tiếp tục tuột dốc. Cho nên mọi người lại càng bị quan hơn.
Thống kê chính thức của Bắc Kinh trong suốt mùa hè vừa qua cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu trong tháng 8/2023 giảm gần 9 %, nhập khẩu giảm hơn 7 % so với một năm trước đó. Các chỉ số tiêu thụ nội địa cũng vậy, trong lúc công ty môi giới địa ốc ngồi trên núi nợ hàng trăm tỷ đô la… và từ tháng 7/2023, nhiều nghiên cứu tại Bắc Kinh và nước ngoài báo động trước nguy cơ Trung Quốc bị giảm phát và rơi vào cái vòng luẩn quẩn kinh tế đình đốn kéo dài.
Mối lo « chảy máu tư bản »
Bên cạnh đó, yếu tố thứ nhì làm suy yếu đồng tiền Trung Quốc là khác biệt về lãi suất ngân hàng. Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ đã nâng lãi suất chỉ đạo lên tới mức cao nhất từ 22 năm trở lại đây, trong lúc Bắc Kinh sử dụng những biện pháp kích thích đầu tư và tiêu thụ với hy vọng tạo một lực đẩy mới cho tăng trưởng.
Victor Lequillerier : Lý do thứ nhì thuần túy liên quan đến tài chính : Trung Quốc hiện không có cùng một nhịp với Hoa Kỳ. Tại Mỹ, vì mục tiêu chống lạm phát, Cục Dự Trữ Liên Bang và trong khu vực đồng euro, Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu cũng đã TĂNG lãi suất chỉ đạo. Trái lại, Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc đã nhiều lần HẠ lãi suất để kích cầu và khuyến khích đầu tư. Khác biệt về lãi suất ngân hàng đó khiến đầu tư vào Trung Quốc không còn có lợi như trước nữa cho nên, người ta bán đi đồng nhân dân tệ để mua đô la hay euro và đem vốn ra khỏi Hoa Lục. Vì vậy mà nhân dân tệ trượt giá.
Mua trái phiếu 10 năm của Mỹ thì được lãi 4,2 % thay vì chỉ được 2,55 % nếu nắm giữ nợ của Trung Quốc. Do vậy, ông Lequillerier lưu ý rằng, chính sách nới lỏng các biện pháp tiền tệ để kích cầu của Bắc Kinh bất lợi cho việc giữ giá đồng nhân dân tệ
Môi trường bất lợi
Sau cùng là cuộc tranh hùng giữa hai siêu cường thế giới và lo ngại xung đột bùng phát ở eo biển Đài Loan lại càng tạo nên làn sóng ngờ vực mức độ an toàn của các khoản đầu tư vào Hoa Lục :
Victor Lequillerier : Yếu tố thứ ba mang tính chính trị và địa chính trị, chủ yếu liên quan đến kết quả bầu cử Đài Loan vào đầu năm tới. Nhưng theo tôi, tác động sẽ càng rõ rệt hơn trong 6 tháng đầu năm 2024. Sau bầu cử Đài Loan, có thể là căng thẳng sẽ gia tăng trong khu vực và có khả năng đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ quyết liệt hơn. Giới đầu tư lại càng hoài nghi về mức độ an toàn khi đổ vốn vào Trung Quốc. Hệ quả kèm theo là đồng nhân dân tệ lại càng mất giá.
Vào lúc xuất khẩu đang bị chựng lại, đồng nhân dân tệ mất giá trong một chừng mực nào đó như hiện nay là một điều đáng mừng đối với các doanh nghiệp Trung Quốc ?
Victor Lequillerier : Đúng là nhiều năm liền trong thập niên vừa qua, Trung Quốc đã cố tình giữ giá đồng nhân dân tệ ở mức thấp để kích thích xuất khẩu, giữ cho hàng của Trung Quốc có sức cạnh tranh cao. Nhưng giờ đây Bắc Kinh đã thay đổi tầm nhìn. Trước hết là bởi vì Trung Quốc đang thay đổi mô hình kinh tế để bớt phụ thuộc vào xuất khẩu, chủ trương lấy tiêu thụ nội địa làm cột trụ. Thành thử không nhất thiết Trung Quốc phải ghìm giá đồng tiền quốc gia. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang muốn nâng cao chất lượng các sản phẩm làm ra. Trong bài toán này, phá giá đồng tiền không chắc là đã có lợi.
Vậy tại sao phải can thiệp tránh để tiền bị phá giá ?
Victor Lequillerier : Bởi đơn giản làTrung Quốc quyết tâm biến nhân dân tệ thành một đơn vị tiền tệ quốc tế, một đồng tiền đáng tin cậy. Điều đó có nghĩa là đồng tiền này phải ổn định, không dao động bất thường… Chính vì thế mà các giới chức tài chính đã can thiệp nhiều lần trên thị trường hối đoái trong những tháng vừa qua để giữ giá cho đồng tiền quốc gia. Đây cũng là cách để giữ ngoại tệ, đầu tư ở lại Hoa Lục. Nếu nhân dân tệ trượt giá quá mạnh, đó sẽ là một cái vòng luẩn quẩn, vì điều đó có nghĩa là giới tư bản ngoại quốc không còn xem Trung Quốc là điểm đầu tư hấp dẫn và đồng nhân dân tệ lại càng bị mất uy tín.
Công tác theo dõi, chức năng mới của ngân hàng
Bắc Kinh đã làm những gì và còn có thể làm gì thêm nữa để giữ giá cho nhân dân tệ ?
Từ cuối 2022, Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc đã can thiệp qua nhiều ngả khác nhau : một là hạ mức tối thiểu dự trữ ngoại tệ của các tập đoàn ngân hàng ở Hoa Lục và kể cả Hồng Kông. Trước đây, bất kỳ một ngân hàng nào cũng phải nắm giữ ít nhất 6 % ngoại tệ. Tỷ lệ này được đẩy xuống còn 4 %. Điều đó có nghĩa là các ngân hàng Trung Quốc có thể bán đi ngoại tệ để đổi lấy nhân dân tệ. Với luật cung cầu, đồng tiền Trung Quốc tăng giá lên trở lại. Bản thân Ngân Hàng Trung Ương đã bán bớt một phần dự trữ bằng đô la để mua vào nhân dân tệ.
Biện pháp thứ nhì là ra lệnh cho các tập đoàn tài chính ngoài Hoa Lục nâng cao các chi phí ngân hàng, để những dịch vụ mua đô la trở nên đắt đỏ hơn. Nhưng « cầm cự » và giữ giá cho đơn vị tiền tệ một cách « giả tạo » là một biện pháp rất tốn kém, như Adarh Shinha, Bank of America ghi nhận và nhất là một định chế như Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc không muốn trông thấy « gối dự trữ ngoại tệ của họ bị xẹp xuống ».
Sau cùng, theo nhật báo Pháp Les Echos giữa tháng 8/2023 « không những nhiều ngân hàng nhà nước Trung Quốc phải can thiệp, mua vào nhân dân tệ mà còn có nhiệm vụ theo dõi các thân chủ, đề phòng họ mua quá nhiều ngoại tệ. Ngân hàng như vậy cũng có trách nhiệm ngăn cản mọi hoạt động quá đáng ». Một chỉ thị cuối tháng 8/2023 lưu ý các ngân hàng Trung Quốc nên khuyến khích thân chủ giao dịch trực tiếp với các đối tác quốc tế là hãy « thong thả trong việc đổi đô la hay euro sang nhân dân tệ »
Hãng tin Bloomberg đầu tháng 9/2023 chờ đợi nhân dân tệ còn tiếp tục mất giá từ nay đến cuối năm bởi ít có dấu hiệu tăng trưởng của Trung Quốc nhanh chóng bật dậy trở lại, xuất khẩu tăng chậm trong lúc bối cảnh địa chính trị thì càng lúc càng bấp bênh. Điểm son duy nhất đối với Bắc Kinh là « Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ dường như bắt đầu dừng lại chính sách tăng lãi suất chỉ đạo ». Điều đó báo trước hiện tượng « chảy máu tư bản » từ Trung Quốc sang Mỹ may ra thì sẽ dừng lại.
Victore Lequillerier, thuộc cơ quan tư vấn tài chính BSI Economics, tuy nhiên nhấn mạnh : Hiện tại chưa thể nói là Trung Quốc đang « bấn loạn » vị hiện tượng đồng tiền mất giá. Bắc Kinh đã có nhiều bước chuẩn bị tránh để nhân dân tệ bị phá giá làm phương hại đến uy tín của một đơn vị tiền tệ đang có tham vọng từng bước thay thế đô la Mỹ.
(Theo RFI)