Sunday, July 7, 2024
No menu items!
spot_img
HomeĐường vào Tòa Bạch Ốc 2024Khảo sát: Đa số cử tri lo sợ nước Mỹ đang trở...

Khảo sát: Đa số cử tri lo sợ nước Mỹ đang trở thành quốc gia cảnh sát

Joseph M. Hanneman – Tịnh Nhi biên dịch

Một cuộc thăm dò trên toàn quốc cho thấy hơn 70% cử tri Mỹ lo ngại rằng Hoa Kỳ đang trở thành quốc gia cảnh sát, biểu hiện qua sự chuyên chế của chính phủ đi kèm với “sự giám sát hàng loạt, kiểm duyệt, truyền bá tư tưởng, và nhắm mục tiêu vào các đối thủ chính trị”.

Một cuộc khảo sát quốc gia qua điện thoại và trực tuyến của Rasmussen Reports cho thấy 72% cử tri “lo ngại” rằng nước Mỹ đang trở thành quốc gia cảnh sát, trong đó có 46% đang “rất lo ngại”.

Hôm 14/09, 17/09, và 18/09, Rasmussen và Pulse Opinion Research đã khảo sát gần 1,000 cử tri tiềm năng. Cuộc thăm dò có sai số lấy mẫu khảo sát là +/- 3% với mức độ tin cậy 95%.

Rasmussen Reports viết trong một thông cáo báo chí rằng: “Số cử tri Đảng Cộng Hòa (62%) rất lo ngại rằng nước Mỹ đang trở thành quốc gia cảnh sát nhiều hơn so với số cử tri Đảng Dân Chủ (34%) hoặc cử tri độc lập (43%).”

“Tương tự như vậy, số cử tri Đảng Cộng Hòa (45%) hoàn toàn đồng ý rằng FBI là mối nguy hiểm đối với quyền tự do và an ninh của những người Mỹ tuân thủ luật pháp, nhiều hơn so với số cử tri Đảng Dân Chủ (17%) hoặc cử tri độc lập (22%).”

Khi những nhân viên thăm dò ý kiến ​​của Rasmussen đề cập đến cuộc đột kích của FBI vào dinh thự Mar-a-Lago của cựu Tổng thống Donald Trump hồi tháng 08/2022 như một yếu tố có khả năng dẫn đến kết quả trên, thì một cựu đặc vụ FBI cho biết đây là một vấn đề rộng lớn hơn.

“Trong vài năm qua, người Mỹ đã chứng kiến FBI nhắm vào các nhà hoạt động ủng hộ sự sống và những bậc cha mẹ đã lên tiếng tại các cuộc họp hội đồng trường học, đồng thời phớt lờ các cuộc nổi loạn đầy bạo lực trong suốt năm 2020, khuyến khích kiểm duyệt trực tuyến, và cản trở nỗ lực giám sát của Quốc hội,” ông Stephen Friend, người tố cáo từng là cựu đặc vụ của FBI, nói với The Epoch Times.

Một nửa số cử tri trong cuộc thăm dò của Rasmussen cho biết họ đồng tình với tuyên bố rằng: “FBI là mối nguy hiểm đối với quyền tự do và an ninh của những người Mỹ tuân thủ luật pháp,” trong đó có 28% “hoàn toàn đồng ý”.

45% cho biết họ không đồng tình với tuyên bố này, trong đó có 26% “hoàn toàn không đồng ý”.

Ông Friend, hiện là thành viên cấp cao tại Trung tâm Đổi mới nước Mỹ, cho biết: “Danh tiếng của FBI luôn là tài sản quan trọng nhất của cơ quan này.”

“Việc một cơ quan được hầu hết mọi người tán thành gần đây đã mất đi sự ủng hộ của một nửa quốc gia là một minh chứng cho thấy công chúng đã nâng cao nhận thức và cơ quan này đã sa sút đến mức nào.”

Ông Friend nói: “FBI sẽ tiếp tục quỹ đạo hiện tại của mình cho đến khi nhiều người Mỹ nhận ra rằng đây không còn là một lực lượng khách quan lâu dài nữa.”

Ngày 19/09/2022, ông Friend đã bị FBI đình chỉ không lương, sau khi ông bày tỏ những lo ngại nghiêm trọng về sự vi phạm Hiến Pháp liên quan đến cuộc đột kích của đội SWAT FBI đã được sắp xếp nhằm bắt giữ một bị cáo phạm tội tiểu hình trong sự kiện 06/01 ở Florida.

Ông Friend đã chuyển từ Iowa đến Florida để giải quyết các vụ án liên quan đến buôn bán trẻ em. Ông đã được lệnh dừng những vụ án đó để tham gia vào các vụ truy tố sâu rộng những người biểu tình có mặt tại tòa nhà Capitol Hoa Kỳ vào ngày 06/01/2021.

Khủng bố trong nước

Nhãn “khủng bố trong nước” đang được sử dụng cùng với các chiến thuật khác tại FBI để khiến có vẻ như các nghi phạm ngày 06/01 là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với quốc gia.

“Họ đã chọn cách mở hàng trăm vụ án và sau đó lan rộng ra khắp cả nước,” ông Friend nói trong một cuộc phỏng vấn cho bộ phim tài liệu về sự kiện ngày 06/01 sắp ra mắt của Epoch Times.

“Điều đó mang lại ấn tượng rằng chủ nghĩa khủng bố trong nước là mối đe dọa toàn quốc trong khi, thực chất, những con số mà FBI đưa ra đều bắt nguồn từ một vụ việc xảy ra trong một ngày.”

“Đó là một vấn đề đối với quốc gia,” ông nói. “FBI được cho là đại diện cho pháp luật và trật tự, nhưng thay vào đó, chúng tôi lại làm quá vấn đề lên.”

Việc vũ khí hóa FBI khiến ông Friend đề xướng những thay đổi mạnh mẽ để kiềm chế cơ quan này.

Ông Friend nói: “Ngoài việc bãi bỏ FBI, một giải pháp tiềm năng là Quốc hội cắt giảm ngân sách cho vị trí điều tra viên tội phạm 1811 – đặc vụ.”

“Điều này buộc FBI phải hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật địa phương, nhận được sự chấp thuận của họ để tiến hành các cuộc điều tra thích hợp, và ủy quyền chéo cho nhiều cảnh sát trị an của tiểu bang và địa phương hơn để trao cho họ quyền bắt giữ liên bang.”

“Điều này tạo ra một bức tường thành trong đó cảnh sát trưởng của quận có thể chỉ đạo các nguồn lực của FBI để chống lại hoạt động tội phạm hợp pháp trong khu vực của mình thay vì đóng vai trò là người ngoài cuộc trong khi trụ sở FBI liên tục sử dụng hệ thống hạn ngạch của mình đối với số lượng và loại vụ việc mà các đặc vụ phải giải quyết,” ông Friend nói.

“Đây không phải là ‘cắt giảm ngân sách cảnh sát’. Thay vào đó, là trao quyền cho cơ quan thực thi pháp luật địa phương.”

Đặc vụ FBI bị đình chỉ Garret O’Boyle (trái), cựu đặc vụ FBI Steve Friend (giữa) và đặc vụ FBI Marcus Allen (phải) bị đình chỉ, trong một phiên điều trần ở Hoa Thịnh Đốn vào ngày 18/05/2023. (Ảnh: Alex Wong/Getty Images)

Các bị cáo ngày 06/01 đã nêu ra các vấn đề bao gồm việc các đặc vụ FBI được trang bị vũ khí hạng nặng và sử dụng vũ lực quá mức, việc FBI từ chối đưa ra lệnh bắt giữ, hành hung những người bị bắt, và chĩa súng trường M4 dẫn hướng bằng laser vào nghi phạm và con cái của họ.

Một số bị cáo ngày 06/01 ở Texas cũng nêu lên các vấn đề về chủ quyền tiểu bang sau khi các đội chiến thuật của FBI đột kích vào các ngôi nhà và căn chung cư rồi đưa nghi phạm đến các cơ sở giam giữ liên bang mà không có sự tham gia của chính quyền địa phương.

Ngày 15/01/2021, bị cáo Troy A. Smocks, 61 tuổi, ở Dallas, đã bị khoảng 30 đặc vụ FBI và An ninh Nội địa với trang bị vũ khí dày đặc đột kích vào nhà, kèm theo sự xuất hiện của một chiếc xe chiến thuật được bọc thép chống mìn phục kích (MRAP).

Ông Smocks cho biết ông bị bắt phải đứng ở giữa đường trong khu nhà với độc một chiếc quần đùi boxer dưới nền nhiệt 34 độ F ngoài trời.

Khi đội SWAT của FBI đến bắt giữ nghi phạm vụ ngày 06/01 Tony Martinez, họ đã đập vỡ cửa kính trượt của nhà ông. (Ảnh: CapitolPunishmentTheMovie.com/Bark at the Hole Productions)

Hồi tháng 11/2022, trong đơn kiến nghị liên bang về việc yêu cầu người bị bắt phải được đưa ra tòa xét xử xem có tội hay không rồi mới được phạt tù hoặc giam giữ (writ of habeas corpus), ông Smocks lập luận rằng cuộc đột kích của FBI, việc bắt giữ ông và việc ông bị trục xuất khỏi tiểu bang đã vi phạm chủ quyền của tiểu bang Texas.

Lệnh bắt giữ liên bang lẽ ra phải được thông qua bởi chính quyền địa phương như Sở Cảnh sát Dallas, và ông Smocks lẽ ra phải ra hầu tòa ở Texas trước khi được chuyển giao cho Cảnh sát Tư pháp Hoa Kỳ (U.S. Marshals).

Ông Friend nói: “Tôi nghĩ những trường hợp đó cần được xem xét và tranh luận kỹ lưỡng.”

“Cơ quan chấp pháp liên bang thường xuyên can thiệp vào các cuộc điều tra tội phạm địa phương để lập công và được công chúng nhìn nhận một cách tích cực.”

“Các trương mục mạng xã hội của FBI tràn ngập những thông cáo báo chí sôi nổi liên quan đến sự tham gia của cơ quan này vào các vấn đề tội phạm địa phương – gây lãng phí tiền thuế của người Mỹ và bị cho là vi phạm chủ quyền tiểu bang.”

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments