Thursday, November 21, 2024
No menu items!
spot_img
HomeBình LuậnCon đường chông gai dẫn đến hòa bình giữa Palestine và Israel

Con đường chông gai dẫn đến hòa bình giữa Palestine và Israel

Khói đen trên bầu trời khu Rafah, Gaza, sau một cuộc không kích của Israel hôm 17/10/20123.

Phạm Cao Phong, Gửi bài tới Diễn đàn BBC từ Paris

Cuộc tấn công của Hamas vào lãnh thổ Israel ngày 7/10/2023 đánh dấu bước ngoặt thô bạo trong cuộc xung đột Israel-Palestine.

Tấn công, giết hại dân thường, Hamas đã cực đoan hóa cuộc đấu tranh của một bộ phận người Palestine, tự xếp mình vào danh sách các tổ chức khủng bố khác như Al-Qaeda, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daesh.

Cuộc đấu tranh chính nghĩa giành quyền sống, tự trị của Mặt trận Palestine Liberation Organization (PLO) trước đây, qua tay Hamas đã biến thái thành Thánh chiến “tử vì đạo”, bác bỏ đường lối chung sống hòa bình.

Hamas không thể biện minh bằng bất cứ lý do nào cho hành vi man rợ khi xả súng tàn sát đến 2000 người dân vô tội vì họ là người Israel. Giết người trên thực địa, khủng bố về tinh thần, kích động hằn thù bằng cách tung hàng loạt video tội ác trên mạng xã hội, Hamas đã gây ấn tượng kinh hoàng.

Lôi kéo người dân Palestine vào một cuộc thánh chiến phi nhân và mù quáng, Hamas đẩy 2 triệu người dân Gaza thành bia đỡ đạn phục vụ mưu đồ chính trị của họ. Tổ chức này không chỉ là tội đồ với người dân Israel, mà cả với người dân Palestine. Lãnh đạo chính quyền Palestine tại Bờ Tây đã nói Hamas không đại diện cho người Palestine.

Hamas tính toán gì?

NGUỒN HÌNH ẢNH,AFP/GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Tổng thống Mỹ Bill Clinton (giữa) đứng giữa nhà lãnh đạo PLO Yasser Arafat và Thủ tướng Yitzahk Rabin khi họ bắt tay lần đầu tiên hôm 13/9/1993 tại Nhà Trắng, sau khi họ ký Thỏa thuận Oslo lịch sử về quyền tự trị của Palestine ở các vùng lãnh thổ chiếm đóng.

Vì sao Hamas cố tình đặt Israel vào một chuyện đã rồi, bắt buộc phải trả đũa cho hành động leo thang kể trên?

Tôi thấy cần điểm qua một chút về hiện tình của người Palestine.

Sau những cuộc chiến tranh năm 1948, 1967, 1973 xung đột Palestine-Israel chuyển sang một hình thức mới.

Năm 1993, chính phủ Israel và Phong trào Giải phóng Palestine (PLO) của Yasser Arafat ký kết thỏa thuận lịch sử tại Oslo thủ đô Na Uy, đánh dấu sự khởi đầu tiến trình hòa bình tại Trung Đông. Israel nhìn nhận Chính quyền Palestine và đồng phác thảo kế hoạch nhằm chấm dứt xung đột.

Ba người tham gia ký Hiệp định Oslo là nhà lãnh đạo PLO Yasser Arafat, Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin và Bộ trưởng Ngoại giao Israel Shimon Peres đã được trao giải thưởng Nobel Hòa bình năm 1994.

Năm 2005, Thủ tướng Ariel Sharon đơn phương ra quyết định rút quân đội Israel, di dời 8.000 người Israel đang sinh sống trong các khu định cư ở Gaza,trả lại phần đất này cho người Palestine.

Một năm sau khi Israel rút khỏi Gaza, Hamas giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp của người Palestine, đánh bại lực lượng Fatah trung thành với Mahmoud Abbas, người kế nhiệm Arafat. Chính quyền Palestine và Fatah từ chối công nhận kết quả cuộc bầu cử, khiến xung đột vũ trang giữa hai nhóm vũ trang của người Palestine nổ ra ở Gaza.

Hamas và Fatah đều hướng tới mục đích chung là xây dựng nhà nước Palestine trên lãnh thổ bị Israel chiếm đóng vào năm 1967, trong đó có Đông Jerusalem, Dải Gaza và Bờ Tây, song giữa hai nhóm có những khác biệt rất lớn : của Hamas là Hồi giáo, PLO lại theo đuổi đường lối thế tục.

Hamas không thừa nhận nhà nước Israel, muốn áp dụng chiến lược kháng cự vũ trang chống lại Israel, còn PLO thừa nhận nhà nước Do Thái và muốn theo đuổi đàm phán.

Cái chết của Yasser Arafat (1929-2004), thủ lĩnh Palestine Liberation Organization (PLO) cũng như sự suy yếu của những người kế nhiệm ông đã tạo điều kiện cho Hamas tiếm quyền ở Gaza.

Năm 2007, Hamas lật đổ Chính quyền Palestine và giành quyền kiểm soát toàn bộ Gaza.

Ngày 19/5/2020, trong bối cảnh Israel có động thái chuẩn bị sáp nhập khu vực chiếm đóng ở Bờ Tây, Tổng thống Mahmoud Abbas thông báo Chính quyền Palestine sẽ không tiếp tục tuân thủ thỏa thuận Oslo, bao gồm cả hoạt động phối hợp an ninh, cảnh báo Israel phải gánh chịu mọi trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế.

Tháng 12/2017, Chính quyền Palestine đã cắt đứt quan hệ với Mỹ sau khi Washington tuyên bố chuyển Đại sứ quán ở Tel Aviv đến Jerusalem. Người Palestine cáo buộc chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump thiên vị Israel, cũng bác bỏ việc Mỹ làm trung gian hòa giải trong các cuộc đàm phán hòa bình.

Quyết định này của Mỹ làm thu hẹp thêm ảnh hưởng của Chính quyền Palestine lên người dân Gaza.

Thỏa thuận Abraham có ý nghĩa gì?

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Tổng thống Trump và Thủ tướng Benjamin Netanyahu ký Thỏa thuận Abraham tháng 9/2020.

Một nguyên nhân nữa dẫn tới ngày 7/10/2023 tắm máu được cho là xuất phát từ nội dung “Thỏa thuận Abraham”. Thỏa thuận này được ký kết tại Nhà Trắng ngày 15/9/2020 giữa cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump với các Ngoại trưởng Bahrain, UAE và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Theo đó Israel thiết lập quan hệ chính thức với UAE và Bahrain.

Cần nhắc lại, Bahrain và UAE là thành viên của Liên đoàn Ả Rập, tổ chức lên tiếng chống lại nhà nước Do Thái được hình thành kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột Israel- Palestine. Nhưng lúc này, họ đang tiến tới các nhìn thực tiễn hơn về Israel.

Như tên gọi của thỏa thuận, Abraham là tên nhà tiên tri của ba tôn giáo Do Thái, Cơ đốc giáo và Hồi giáo xuất xứ từ Jerusalem.

“Thỏa thuận Abraham” đi ngược với quy tắc “ba không” ủng hộ Palestine: “Không hòa bình với Israel, không công nhận Israel và không đàm phán với Israel” chiểu theo Nghị quyết Khartoum năm 1967 của Liên đoàn Ả Rập.

Tiếp theo, các thỏa thuận bình thường hóa giữa Israel với Morocco tháng 12/2020 và Sudan tháng 1/2021, một “Trung Đông mới” xuất hiện, trong đó vị thế của Palestine bị lãng quên. Cuộc tấn công của Hamas nhằm cản trở quá trình xích lại gần nhau giữa Israel và các nước Trung Đông đặc biệt là với Saudi Arabia.

Israel đã không thúc đẩy, hỗ trợ tiến trình dân chủ giúp đỡ Chính quyền Palestine. Suốt 15 năm không có bầu cử, chính quyền của Tổng thống Mahmoud Abbas 87 tuổi vẫn sống với khẩu hiệu từ những năm 1970, nhận là “người đại diện hợp pháp và duy nhất của người Palestine”. Song thật sự họ đã mất uy tín vì tham nhũng, mất quyền lực tại Gaza, chỉ còn chút ảnh hưởng ở vùng Cisjordanie.

Israel lại không muốn gánh vác việc quản lý Dải Gaza, vì cho rằng không thể đảm bảo an sinh xã hội và đời sống của 2,3 triệu người Palestine.

Cộng thêm sự yếu đuối bất lực của Chính quyền Mahmoud Abbas, người dân Gaza rơi vào luận điệu tuyên truyền của Hamas.

Trả lời phỏng vấn của nhà báo Pháp Charlotte Gauthier, giải thích thế nào về những hành động giết dân thường của Hamas, Ahmed 32 tuổi sống ở Gaza trả lời thẳng thừng: “Israel đã xâm chiếm đất đai của chúng tôi, đầy một bộ phận dân tộc chúng tôi phải lưu vong. Một bộ phận khác bị gạt ra ngoài lề cuộc sống. Một phần bị nhốt chen chúc ở Gaza, bị đối xử như súc vật.

“Một trong số họ trở thành quái vật và quay lại tấn công những kẻ đã nhào nặn ra chúng. Kẻ sáng tạo ra quái vật đó chính là Israel và bây giờ lại quay lại hỏi chúng tôi vì sao? Chính nhà nước Do Thái chịu trách nhiệm về tất cả những cái chết của người vô tội, dù họ là người Palestine hay Israel. Sự chiếm đóng và thói hành xử bất công đã tạo ra bạo lực chở theo tất cả nỗi bất hạnh.”

Đổ bộ vào Gaza

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Các đội dân phòng và người dân ở Deir-al Balah, Gaza tìm kiếm nạn nhân sau một đợt không kích của Israel hôm 17/10

Chọn chiến dịch trên bộ vào Gaza là một bước leo thang đầy rủi ro với Israel. Với tỷ lệ hơn 6000 người/km2, Gaza có lịch sử 35 thế kỷ là dải đất hẹp có mật độ dân số đông nhất thế giới, kẹp chặt giữa Israel, Ai Cập trở thành “vùng đất không thể sống nổi” theo đánh giá của Liên Hợp Quốc năm 2002.

Với tổng số 2,3 triệu người Palestine trong một diện tích 365 km2, khép kín bởi lưới thép và hàng rào bê tông cao 9m, tấn công vào Gaza là một lựa chọn đầy rủi ro. Ngay các phóng viên làm việc cho phương Tây cũng bị giết bởi pháo binh Israel. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres báo động thảm cảnh nhân đạo đã và đang diễn ra tại Gaza.

Phe đối lập và người dân Israel chưa tính sổ với Thủ tướng Benjamin Netanyahu vì muốn duy trì sự thống nhất quốc gia trong mặt trận chống Hamas. Ông Netanyahu lĩnh hội được điều đó, chỉ một cú đánh ngoạn mục loại bỏ được Hamas mới hy vọng cứu vãn vị thế chính trị của ông. Thủ tướng Israel tuyên bố: “Những gì Hamas sắp trải qua sẽ đau đớn và khủng khiếp. Chúng ta sẽ thay đổi Trung Đông”. Sau những tuyên bố cứng rắn về đòn đáp trả “hủy diệt”, Thủ tướng Netanyahu sẽ rất khó nhượng bộ với Hamas và ít người Israel sẵn sàng chấp nhận phương án trao đổi con tin lấy tù nhân.

Trong quá khứ, Israel đã từng do dự khi đưa quân vào Gaza. Rò rỉ của tình báo Israel năm 2014 cho biết một chiến dịch bình định Gaza sẽ mất 5 năm, tiêu tốn một ngân sách khổng lồ, song tiềm ẩn rủi ro và câu hỏi liệu có nhổ tận gốc sự phản kháng của người Palestine vẫn bỏ ngỏ.

Vòng xoáy bạo lực không hồi kết Palestine-Israel

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Ảnh chụp hôm 17/10 cho thấy một đống xe hơi cháy trụi ở thành phố Sderot, nam Israel sau khi phiến quân Hamas tấn công hôm 7/10

Lịch sử vùng đất chỉ ra rằng, bạo lực đáp trả bạo lực, đẩy các cộng đồng Arab vào vòng xoáy không lối thoát.

Ngoài Hamas, Israel còn một kẻ thù khác nguy hiểm gấp bội. Đó là tổ chức Hezbollah ra đời tháng 6/1982. Nhóm Hồi giáo theo hệ phái Shia này có trụ sở tại Beirut, Lebanon, chính thức ra mắt tháng 2/1985 đã gây nhiều tội ác tại Pháp và Mỹ. Chủ trương của Hezbollah là thánh chiến tiêu diệt Israel.

Tổ chức Thánh chiến này là cánh tay nối dài của Iran, tuân thủ luận điểm tôn giáo và chính trị của Giáo chủ Ayatollah Khomeini, được Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran tài trợ và trang bị vũ khí. Hezbollah hợp tác với các lực lượng dân quân như Houthis, Hamas, Jihad Hồi giáo, Hashd al-Shaabi, Thánh Chiến Hồi Giáo Palestine (PIJ) cùng với nhiều nhóm khác được Iran hậu thuẫn ở Syria, Iraq và Yemen.

Giải quyết không dứt điểm được Hamas, hoặc gây tổn thất lớn cho dân thường Palestine, Israel có nguy cơ đối diện với xung đột nổ ra trên nhiều mặt trận. Kịch bản xấu nhất là Hamas có thể thu hút nhóm chiến binh Hezbollah tại Lebanon tham gia nỗ lực tấn công Israel.

Vòng xoáy bạo lực từ Trung Đông vừa lan tỏa đến Pháp.

Ngày13/10/2023, một hung thủ 20 tuổi người Nga gốc Tchetchenia đã hô “Allah Akbar” (Thượng đế vĩ đại) cầm dao xông vào trường trung học Gambetta-Carnot ở Arras (Pas-de-Calais) đâm chết một giáo viên và đâm trọng thương 3 người khác. Ba anh em kẻ khủng bố và 10 nghi phạm khác vừa bị bắt.

Sự việc xảy ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Emmanuel Macron lên truyền hình khẳng định sự ủng hộ của Paris đối với Israel trong cuộc chiến chống lực lượng Hồi Giáo cực đoan Hamas, đồng thời kêu gọi dân Pháp đoàn kết.

Viện Bảo tàng Louvre, lâu đài Versailles đặt trong tình trạng báo động với những lời cảnh báo đặt bom của khủng bố Hồi giáo.

Các thế lực hắc ám tấn công vào các giá trị ánh sáng của Pháp, giết giáo viên, tương lai của học thức. Vì sao ?

Giá trị nhân đạo của loài người đang bị thách thức.

Ernest Hemingway từng viết trong tác phẩm “Chuông nguyện hồn ai” :

“Không một người nào là một hòn đảo, không tự thân ai là một thể hoàn chỉnh. Mỗi người đều là một mảnh của đại lục, một phần của đất liền. Nếu như sóng biển cuốn đi một mỏm đá ven bờ, thì châu Âu sẽ bé đi, cũng như cuốn trôi một mũi đất, phá đổ nhà bạn hoặc hàng xóm của bạn. Cái chết của bất cứ con người nào sẽ làm tôi nhỏ bé lại, bởi vì tôi là một thể thống nhất với toàn nhân loại. Do đó, bạn đừng bao giờ hỏi chuông nguyện hồn ai, chuông nguyện chính linh hồn bạn đấy.”

* Bài thể hiện quan điểm riêng của nhà báo tự do Phạm Cao Phong ở Paris, Pháp.

(Theo BBC)

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments