Trần Tẩm Di
Trải qua ngàn năm lịch sử, Rằm tháng Tám đi vào kí ức của người Việt với những nét đẹp truyền thống thể hiện tín ngưỡng tôn kính Thần linh.
Nguồn gốc tết Trung Thu
Tết Trung Thu có lịch sử lâu đời, cũng giống với các lễ hội truyền thống khác, cũng từ từ được hình thành và phát triển. Trong văn hoá tín ngưỡng của người Việt cổ, Rằm tháng Tám là dịp con người thế gian làm lễ tế Thần mặt trăng.
Theo các nhà khảo cổ thì hình ảnh về Trung Thu đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Người Trung Hoa cổ đại cho rằng Tết Trung Thu bắt nguồn từ thời Xuân-Thu. Có lẽ Trung Thu được bắt đầu từ nền văn minh lúa nước của đồng bằng Nam Trung Hoa và đồng bằng châu thổ sông Hồng của Việt Nam, là một ngày lễ hội mừng thu hoạch được mùa, vào lúc nông dân nghỉ ngơi và vui chơi sau một vụ mùa vất vả.
Vẻ đẹp truyền thống của tết Trung Thu trong văn hoá người Việt
Ảnh minh họa
Trong sách ‘Việt Nam phong tục’ của Phan Kế Bính viết, tục treo đèn bày cỗ bắt nguồn từ điển tích về vua Đường Minh Hoàng. Vào ngày sinh nhật vua Đường Minh Hoàng, truyền cho thiên hạ đâu đâu cũng treo đèn và bày tiệc ăn mừng, từ đó thành tục.
Tục rước đèn có từ đời nhà Tống, tục truyền: Trong đời vua Tống Nhân Tông, có con cá chép thành yêu, cứ đêm trăng hiện lên biến thành con gái để đi hại người. Bấy giờ có viên quan Bao Công mới hạ lệnh cho dân gian làm đèn con cá giống như hình của nó rồi đem mang ra chơi ngoài đường để cho nó sợ mà không dám hại người.
Cũng theo Phan Kế Bính, tục hát trống quân có từ đời vua Quang Trung Nguyễn Huệ, “nguyên khi ông đem quân ra Bắc. Quân sĩ lắm kẻ nhớ nhà. Nguyễn Huệ mới bày ra một cách cho đôi bên giả làm trai gái, hát đối đáp với nhau để cho quân sĩ vui lòng mà đỡ nhớ nhà. Có đánh trống làm nhịp, cho nên gọi là trống quân”.
Ngắm trăng thưởng nguyệt
Trong sách Việt Nam phong tục, “dân ta thế kỷ 19, ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng trăng. Đầu cỗ là bánh mặt trăng và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm các màu sặc sỡ, xanh đỏ, trắng và vàng. Con gái ở phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành các thứ hoa, nặn bột làm con tôm, con cá voi…”.
Tết Trung Thu là dịp mà trẻ em mong ngóng. Bởi chúng sẽ được thỏa thích với những món đồ chơi là các thứ bồi bằng giấy như bươm bướm, mặt nạ, bọ ngựa, voi, ngựa, kỳ lân, sư tử, rồng, hươu, tôm, cá,….Trẻ em buổi tối đêm trung thu, dắt díu nhau kéo co, bắt cái hồ khoan, rước đèn, rước sư tử, trống, thanh la.
Cũng trong dịp này người ta cũng sắm mâm cỗ để cúng tổ tiên. Đồng thời trong ngày này, mọi người thường biếu cho ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng… bằng bánh Trung Thu, hoa quả, trà và rượu.
Thời xưa, người Việt còn tổ chức hát Trống Quân và treo đèn kéo quân trong dịp tết Trung Thu. Điệu hát trống quân theo nhịp ba “thình, thùng, thình”.
Đêm Trung Thu rước đèn và múa Lân
Tại một số vùng nông thôn Việt Nam, nơi xóm làng quần tụ, người ta thường tổ chức cho trẻ em cùng nhau rước đèn đi khắp thôn, xóm, khu phố trong đêm trung thu.
Tục rước đèn đã có từ ngàn đời thể hiện văn hoá truyền thống của người Việt. Ngày nay mỗi dịp tết Trung Thu, trẻ em nô nức, háo hức được cầm trong tay chiếc đèn lồng với nhiều hình dạng màu sắc bắt mắt.
Tại Phan Thiết (Bình Thuận), người ta tổ chức rước đèn quy mô lớn với hàng ngàn học sinh tiểu học và trung học cơ sở diễu hành khắp các đường phố, lễ hội này được xác lập kỷ lục lớn nhất Việt Nam.
Múa lân hay còn gọi là múa sư tử thường được tổ chức vào trước tết Trung Thu nhưng nhộn nhịp nhất là hai đêm 15 và 16.
Mâm cỗ tết Trung Thu của người Việt
Mâm cỗ Trung Thu thông thường có bưởi, bánh nướng, bánh dẻo. Tuỳ theo phong tục vùng miền mà có sự phong phú hơn trong cách bày mâm cỗ. Có nơi dùng tép bưởi để tạo hình con chó, xung quanh được trang trí thêm bánh có hình lợn mẹ và đàn lợn con mũm mĩm, trái cây như bưởi, na dai, hồng ngâm… được bày đầy đặn lên mâm cỗ. Đây là biểu tượng cho sự no ấm, đủ đầy. Hình cá chép là hình phổ biến dường như không thể thiếu trong mâm cỗ của người Việt xưa.
Trong dân gian, người ta thường dùng hạt bưởi phơi khô để đốt sáng. Đến khi trăng lên tới đỉnh đầu chính là giây phút phá cỗ, mọi người sẽ cùng thưởng thức hương vị của tết Trung Thu. Phong tục trông trăng cũng liên quan đến sự tích Chú Cuội trên cung trăng, do một hôm Cuội đi vắng, cây đa quý bị bật gốc bay lên trời, chú Cuội bèn bám vào rễ cây níu kéo lại nhưng không được và đã bị bay lên cung trăng. Nhìn lên Mặt Trăng, có thể thấy một vết đen rõ hình một cây cổ thụ có người ngồi dưới gốc. Trẻ em tin rằng, đó là hình chú Cuội ngồi gốc cây đa.
Các loại bánh trung thu
Người xưa gọi bánh nướng, bánh dẻo là Nguyệt Bính, hay bánh Vầng Trăng. Đêm Trung thu, phụ nữ bày cỗ trông trăng, trổ tài gọt tỉa hoa quả, nặn bột thành con giống, đặc biệt là làm bánh nướng, bánh dẻo…
Vẻ đẹp truyền thống của tết Trung Thu trong văn hoá người Việt
Bánh trung thu. (Ảnh: NguyenKien/Epoch Times Tiếng Việt)
Bánh nướng được làm với lớp vỏ bánh là bột mì và có chút dầu ăn. Trước kia tại Việt Nam nhân bánh nướng thường là nhân thập cẩm, có chút lá chanh thái chỉ, thịt mỡ, mứt, hạt dưa, lạp xưởng.
Sau khi nặn bánh, ép khuôn, bánh được cho vào lò nướng. Sau đó bánh được dỡ ra, làm nguội, phết lòng đỏ trứng gà lên rồi cho vào nướng tiếp.
Theo truyền thống bánh dẻo được làm với vỏ bánh là bột gạo nếp rang xay mịn, nước đường kính trắng đun sôi để nguội, nước hoa bưởi. Nhân bánh làm từ các thực phẩm, nguyên liệu đã chín. Bánh được nặn xong ép khuôn và có thể sử dụng ngay không cần cho vào lò nướng.
Dưới ánh trăng thu sáng vằng vặc, gia đình quần tụ đoàn viên bên mâm cỗ ngày tết Trung Thu, phá cỗ ngắm trăng.
Tết Trung Thu có ý nghĩa rất lớn, có giá trị truyền thống đặc biệt. Đây là dịp con người thế gian bày tỏ lòng cảm ân đối với Thần linh đã che chở bảo hộ để có cuộc sống đầy đủ ấm no. Dịp tết này cũng là lời tri ân và tôn vinh giá trị gia đình truyền thống thể hiện tình yêu thương và sự quan tâm chia sẻ với nhau trong cuộc sống.
(Văn hóa-Giáo dục)