Thursday, November 21, 2024
No menu items!
spot_img
HomeUncategorizedTôi đi lính

Tôi đi lính

Vũ Ngọc Linh

(Riêng tặng các bạn khóa sinh dự bị sĩ quan khóa 8B+C /72)

Cái thuở mà quốc lộ 1 được gọi văn hoa là “con đường cái quan” hay còn gọi là quan lộ. Tính từ sông Bến Hải (vùng phi quân sự) ta có thể đi dọc suốt một lèo qua các đèo Hải Vân, đèo Cả, tỉnh Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng… vào tới miền Nam VNCH. Rồi từ thủ đô Sài Gòn ta cứ phom phom đổ xuống miền đồng bằng ruộng lúa phì nhiêu cò bay thẳng cánh tôm cá đầu đồng. Ấy là ta đi xe đò, còn nếu ta đi xe lửa thì vẫn theo thiết lộ Bắc-Nam, tới Sài Gòn, ta đi về Mỹ Tho hay tới Phan Rang ta đi xe lửa có răng cưa lên Đà Lạt. Thậm chí ta còn dùng quốc lộ 1 bon bon tới Nam Vang, thủ đô của nước Cao Miên láng giềng của chúng ta. Thoải mái ung dung tự tại, của một “non nước hữu tình.” Cuộc sống êm đềm, trong cảnh đất nước thanh bình, chính phủ vì dân mà lo cho dân sao cho có một cuốc sống sung túc, phát triển về mọi mặt. Cho đến một hôm:

“Vài hàng gởi anh trìu mến,

vừa rồi làng có truyền tin,

nói rằng nước non đang mong,

đi quân dịch là thương nòi giống…”

Cho tới bây giờ thú thật, tôi cũng quên mất tên tác giả lẫn nhan đề bài hát nhưng mục đích của bài hát là có ý khuyến khích tuyên truyền cho tầng lớp thanh niên đang sống trong một quốc gia pháp trị tới tuổi hiến định (21 tuổi) thì tự nguyện thi hành quân dịch, nghĩa là… đi lính.

Đi lính mà tươi cười, vui vẻ lại lâu lâu có các em gái hậu phương chờ đợi. Nuôi tằm dệt vải hay nương rẫy vườn tược ngày ngày chờ đợi anh trai tiền tuyến sau một vài năm đi quân dịch trở về mái nhà xưa sum họp trong cuộc sống thanh bình êm ả. Lãng mạn, thơ mộng quá đi chứ các bạn??

Tuy nhiên, đất bằng dậy sóng. “Tạo hóa gây chi cuộc hí trường.” Hàng ngày từ các phương tiện truyền thông của chính phủ VNCH đã bắt đầu đưa tin chiến sự đó đây tuy không lớn và sôi động lắm. Chẳng hạn như lâu lâu có tin Việt cộng đắp mô chỗ này chỗ nọ, chặn đường đặt mìn, phá thiết lộ, giật sập cầu… Các đài phát thanh trổi những điệu nhạc quân hành, ca khúc chiến đấu…

Dầu vậy, tôi vẫn ngày hai buổi tới trường, yên ổn sống trong một ngôi làng nửa quê nửa tỉnh ven đô thành Sài Gòn. Thỉnh thoảng anh em bạn bè họp nhau bàn qua tính lại bèn khăn gói đồ đạc balô đeo vai leo lên con ngựa sắt đạp xe vô rừng cao su cách nhà chừng hơn chục cây số để cắm trại với nhau, ca hát nô đùa trong vài ngày cuối tuần. Hồn nhiên vô tư lự, thoải mái vô cùng. Tưởng chừng như chung quanh mình chỉ còn ta với chim muông cây cối. Thiên nhiên hào sảng cho ta sự trong lành, tươi mát. Ôi cuộc sống sao mà thần tiên thế ru.

Cách nhà tôi khoảng vài cây số, có một trại lính thành lập lúc nào tôi không rõ, lính gì tôi cũng không hay nhưng cứ đến đêm khi lũ trẻ con chúng tôi lên leo giường ngủ thì từng đoàn quân tập trận di chuyển qua nhà chúng tôi. Họ vừa đi, súng ống chạm nhau lạch cạch, vừa hát. Nay tôi còn nhớ được bài hát có lời như sau: “Tiến quân lên đoàn cọp biển oai hùng, lính mũ xanh đây người trai anh dũng…” Sau này tôi được biết là trại lính đó là trại huấn luyện của Thủy Quân Lục Chiến được bàn giao lại cho một đơn vị Biệt Động Quân và họ dời lên căn cứ Sóng Thần. Chả thế mà tôi chứng kiến các lớp đàn anh trong xóm tôi lớn lên hầu hết đều tình nguyện đi lính Thủy Quân Lục Chiến.

Lính Thủy Quân Lục Chiến

Tình cờ một hôm có ông chú ở tuốt trên Bảo Lộc ghé qua nhà tôi chơi, trong bữa ăn, tôi nghe loáng thoáng đâu như là chú tôi tạt qua để chào từ giã anh chị và các cháu để đi… quân dịch. Chú có vẻ lo lo, anh em tôi bàn tán xôn xao còn bố tôi bình thản “phán” một câu xanh rờn:

– Chú cứ yên tâm, đừng lo gì cả, vào lính người ta lo cho chú hết mọi sự, sống tập thể cho nó quen đi . Số là bố tôi gốc từ quân đội sang, Ông kể là đã từng làm đại đội phó khi ông Nguyễn Bảo Trị là trung úy đại đội trưởng. (sau này ông Nguyễn Bảo Trị lên tới trung tướng). Bố tôi giải ngũ rất sớm, trở về dân sự làm công chức của Bộ Y Tế. Nhưng vì gốc quân đội nên ông lại biệt phái cho Cục Quân Y, làm việc ở một quân y viện gần nhà. Bố tôi nói tiếp:

– Bất quá chú đi lính vài năm rồi giải ngũ, về nhà lấy vợ (chú tôi còn độc thân). Còn lũ Việt Minh (ông quen gọi bọn VC là Việt Minh), chẳng qua chúng nó chỉ như bọn chó cắn trộm, có vài ba cây súng mút cơ tông, cắc bọp vài ba tiếng vu vơ rồi trốn chui trốn nhủi như lũ chuột nhắt ấy mà.!…

Thế là chú tôi lên đường nhập ngũ, ông đi lính như thế nào sống ra sao, đóng quân ở đâu anh em chúng tôi chẳng ai hay. Chỉ một lần bưu điện mang tới nhà tôi một phong bì của chú trong đó có hình chú tôi chụp đang đội nón sắt, vai mang balô lại còn cây súng đeo trên vai. Trông oai ra phết. Với vài hàng ghi chú là chú sắp tới ngày giải ngũ rồi. Tôi tính ra là từ ngày chú từ giã gia đình tôi ra đi tới nay mới có gần 2 năm chứ mấy. Hỏi bố tôi thì ông bảo là đi quân dịch có 2 năm thôi là giải ngũ, về làm dân tha hồ làm ăn chẳng ai phiền hà mình chi cả. Nhưng sao hơn hai năm rồi mà chú tôi vẫn chẳng thấy tăm hơi đâu cả. Rồi chẳng ai quan tâm tới việc chú tôi có còn ở quân ngũ hay không thì bỗng nhiên chú tôi như ở đâu hiện ra có vẻ như bí hiểm và có vẻ gì hơi là lạ không bình thường. Trong bữa cơm, chú tôi cho bố mẹ tôi biết là:

– Sau khi tình nguyện đi lính gọi là đăng lính đi quân dịch 2 năm theo như luật định, em ở trong quân đội tới gần 3 năm, thấy chẳng nói năng gì, người ta bắt em phải tái đăng. Em không chịu, cho là chính phủ không giữ lời hứa, bất tín. Mà chính phủ bất tín thì em tự quyết định lấy cuộc đời mình. Có nghĩa là em tự ý bỏ về ra khỏi lính luôn.

Bố tôi bảo:

– Như thế là chú đào ngũ rồi đó chú có biết không?

Chú trả lời:

– Em chẳng cần.

Bố tôi là người luôn luôn tôn trong luật pháp nên ông khuyên chú tôi nên ra đầu thú chớ không thì phiền hà lắm. Chú tôi ừ hử cho qua rồi ngày ngày ở nhà tôi bày cho anh em chúng tôi nhiều trò chơi mới lạ, kể cho anh em chúng tôi những sinh hoạt của chú trong quân ngũ. Một hôm, bố tôi đi làm về với một xe jeep chung với mấy ông lính khác, mọi người vào nhà tôi thì thào to nhỏ gì với nhau một lúc thấy chú tôi ra xe rồi một làn bụi đỏ cuốn theo xe mang theo chú tôi.

Vẫn theo bố tôi thì chính bố tôi gọi quân cảnh tới điệu chú tôi đi… ra tòa vào quân lao. Vài tuần sau anh em tôi lại thấy ông xuất hiện thoải mái vui vẻ cười nói huyên thuyên cho biết là khi xe quân cảnh chở chú tôi tạm giam vài bữa trong quân lao rồi ông ra tòa được tha bổng. Trở về dân sự, ông quay về Bảo Lộc lập gia đình có con và làm ăn coi bộ khấm khá. Nhưng, vẫn là nhưng, có lẽ do lòng nhiệt thành với non sông đất nước, ông tình nguyện nhận chức phó xã trưởng đặc trách an ninh. Vào ngày bầu cử Quốc Hội Lập Hiến 1966, trong khi đi tuần giữ an ninh cho các phòng phiếu, ông bị bọn Việt Cộng phục kích bắn chết. Nghe tin chú tử trận, bố tôi buồn một thời gian khá lâu vì ông rất thương chú tôi, có lẽ vì tánh chú tôi rất vui vẻ hòa nhã, thắng thắn bộc trực.

Các biến động và xáo trộn chính trị ở miền Nam VNCH kéo theo giấc mộng xâm lăng nhằm xích hóa (nhuộm đỏ) cả nước nhất là miền Nam của bọn CSBV khiến cho đất nước ngày càng phân hóa, bất ổn, lòng dân ly tán.

Trên trang nhất của các nhật báo ở miền Nam thì tin chiến sự đó đây từ vùng phi quân sự, cao nguyên trung phần cho đến vùng đồng bằng sông Cửu Long bao giờ cũng chiếm hàng đầu, tin trận đánh lớn, trận đánh nhỏ. Sự xâm lăng mở rộng chiến tranh ở miền Nam của bọn CSBV được hệ thống CSQT đỡ đầu khiến Hoa Kỳ và các nước đồng minh như Đại Hàn, Úc, Tân Tây Lan, Thái Lan… gởi quân đội sang tham chiến bên cạnh các đơn vị QLVNCH.

Gia đình chúng tôi tuy sống ở ven đô nhưng hàng ngày vẫn chứng kiến đủ loại máy bay quân sự bay nườm nượp trên trời. Cho nên anh em chúng tôi bèn có cái trò sưu tập các loại máy bay quân sự. Cho nên khi chiếc nào bay ngang qua, hầu như chúng tôi có thể nói vanh vách ra tên nó là loại nào (từ trực thăng, phản lực, vận tải…). Đêm đêm tiếng súng lớn nhỏ từ xa vọng về làm người thành phố giật thót mình chợt bàng hoàng khi nghĩ tới những người thân của mình ở tuyến đầu xa xôi nơi chiến trường kia đang phải đối đầu với cái chết trong từng gang tấc. Không biết làm gì hơn mà cũng không dám nghĩ xa hơn. Có những lúc nhà cửa trong thành phố nhất là những nhà nào có cửa bằng kính chợt rung lên từng chập từng hồi bởi những đợt oanh kích của các pháo đài bay B.52 tại các mật khu.

Riêng anh em chúng tôi vẫn an tâm ngày hai buổi đến trường mài đũng quần. Tuy nhiên từ các phương tiên truyền thông như đài phát thanh, truyền hình, loa phóng thanh… phát đi những bản nhạc chiến đấu, nhạc hùng nhiều hơn. Đài truyền hình chiếu các phim thời sự (chiến trường), phim chiến tranh nhiều hơn khiến bọn học sinh sinh viên chúng tôi cảm thấy không khí chiến tranh đến gần, đe dọa chết chóc quanh quẩn đâu đây. Góp phần vào những xáo trộn sẵn có, lâu lâu lại nghe tin bọn VC hay khủng bố pháo kích vào thành phố vào trường học làm người thành phố bắt đầu phải đào hầm chống pháo kích, làm hầm trú ẩn trong nhà khi có bom rơi đạn lạc. (Còn tiếp)

(Tiếp theo)

Bọn khủng bố cũng đã đặt chất nổ phá hoại một số building, công sở. Lũ phản chiến sách động biểu tình, đòi đình công bãi thị. Rồi phong trào này, tổ chức nọ ra tuyên cáo tuyên bố lung tung beng, yêu sách này yêu sách nọ. Phải chăng sống trong một đất nước có dân chủ, nhân bản được tôn trọng người ta mới dám có những hành động công khai như thế chăng? Trong không khí xáo trộn rối ren như thế, thử hỏi làm sao đất nước phát triển cho nổi, anh chị em SVHS chúng tôi có yên tâm học hành được chăng?

Dầu vậy, tuổi hoa niên bao giờ cũng vẫn đầy nhiệt tâm. Thấy đó lại quên đó, nên lâu lâu chúng tôi vẫn lại balô gậy gộc cuốc xẻng nồi niêu xoong chảo… cùng với con ngựa sắt và vài chục anh em đồng trang lứa rời thành phố ồn ào bụi bặm, đạp xe tới khu rừng nào đó còn yên tĩnh chưa bị không khí chiến tranh đe dọa. Họp nhau cắm trại, ca hát, múa may vài ngày. Khi con em binh sĩ trong các trại gia binh được đoàn ngũ hóa, tổ chức sinh hoạt theo phương pháp giáo dục của phong trào Hướng Đạo thì chúng tôi lại được mời vào giúp các em sinh hoạt tập thể: ca hát, nhảy múa, học hỏi kỹ năng chuyên môn, sống ngoài thiên nhiên trong độ tuổi của các em.

Trong lúc bạn bè cùng trang lứa ngày đêm miệt mài gạo bài, ưu tư vì sợ thi rớt phải đi lính theo lệnh tổng động viên của chính phủ và Bộ Quốc Phòng. Thậm chí còn có một Tổng Nha Động Viên được thành lập để thông tin, cổ võ, vận động cho việc đi lính hay các điều kiện được hoãn dịch vì lý do học vấn, gia cảnh, tu sĩ… kể cả các điều kiện gọi nhập ngũ theo học các khóa hạ sĩ quan hay sĩ quan. Thấy tôi hay khoác bộ đồng phục Hướng Đạo để đi sinh hoạt hay đi cắm trại, tụi nó hay hỏi:

– Ê! Vậy chứ mày đi HĐ có được hoãn dịch không?

Tôi hơi sững người một chút rồi cười cười đáp lại:

– Chẳng những không được hoãn dịch mà nếu được gọi động viên thì còn mau mau đi cho… lẹ.

Tụi nó chẳng hiểu cái mô tê gì ráo trọi còn nói là vậy thì đi HD làm gì cho mất thời gian, tốn tiền, không có giờ học bài… mà tôi nghĩ cũng chẳng rỗi hơi đâu mà giải thích dài dòng khi người ta coi đi lính như một sự đày ải, đe dọa, chết chóc… mà quên hoặc cố tình không biết rằng bổn phận người trai thời loạn nó cao cả thiêng liêng vô cùng. Dĩ nhiên gian khổ, thiếu thốn là chuyện phải có.

Nói thì “ngon” vậy đó nhưng thú thật tôi vẫn chưa biết đời lính nó như thế nào mặc dầu sách báo, âm nhạc tiểu thuyết các phương tiện truyền thông nói tới hà rầm. Cả các lớp đàn anh, bạn bè trong xóm đã đi lính trước một thời gian, gặp nhau kể đủ thứ chuyện đời lính, chuyện chiến trường. Nhưng tôi nghe tai này lọt sang tai kia rồi quên tuốt luốt. Có lẽ “đoạn trường ai có qua cầu mới hay.” Vào lúc các kỳ thi, lo cắm đầu cắm cổ học miệt mài, chui vào thư viện quên giờ quên giấc quên ăn quên ngủ. Đến nỗi quên cả giờ hẹn hò với mấy cô bạn gái.

Song song với sinh hoạt diễn ra hàng ngày tôi thấy các lớp đàn anh, bạn bè trong xóm thưa dần. Lâu lâu thấy có người xuất hiện mặc bộ quân phục rằn ri hay màu xanh kaki có cả quân phục Hải Quân, Không Quân nữa. Họ đội nhiều loại mũ nón khác nhau: nâu, đen, xanh lá cây, đỏ, mũ lưỡi trai, casquette… Có cả một loại nón rộng vành mà người ta gọi là nón vải đi rừng hay còn có người còn gọi là nón bo. Tôi cũng chẳng để ý làm gì. Chỉ lo miệt mài đục nhau với mấy cuốn sách.

Đùng một cái, bọn CSBV lại vượt sông Bến Hải xâm lăng miền Nam VN chúng mở các mặt trận lan rộng như Quảng Trị, Kontum, Bình Long vào mùa hè đỏ lửa 1972… Thế là chính phủ (cả Quốc Hội lẫn hành pháp) ra lệnh đôn quân. Bọn tôi trong hạn tuổi luật định: đậu rớt gì thì cũng đi lính; trong giới SVHS chúng tôi hay nói với nhau như vậy. Tuy nhiên vẫn có những luật trừ theo những thông tư thông báo, nghị định của chính phủ để được hoãn dịch như hoãn gia cảnh, tôn giáo, học vấn… Sau này tôi mới khám phá ra nhiều cơ sở tôn giáo lợi dụng kẽ hở của luật pháp mà chứa chấp khá nhiều thanh niên trốn quân dịch, từ sống bất hợp pháp mà trở thành sống hợp pháp trong đó không loại trừ nhiều thành phần bất hảo trà trộn vào. Đó là chuyện về sau.

Theo lệnh gọi của Nha Tổng Động Viên và Bộ Quốc Phòng thì tôi phải trình diện nhập ngũ vào Tháng Tám, 1972. Khi chiến cuộc lan rộng, bố tôi còn bảo là tới khi thằng Linh mà phải đi lính thì chắc hết thanh niên rồi. Tôi hiểu chẳng qua cũng chỉ vì ông ưu tư và lo lắng cho tương lai vận mệnh của con cái mà thôi. Còn mẹ tôi thì hang ngày bà cứ cầu nguyện với Đấng Tối Cao, với ơn trên ban cho đất nước được thanh bình, con cái bà sống trong yên ổn. Có điều thỉnh thoảng thấy có vài chiếc xe nhà binh (GMC) chở chiếc quan tài phủ lá cờ quốc gia trên đó chạy vòng vòng. Trong xóm có vài anh đi lính tử trận được mang xác về mai táng, thấy lính tráng tới kèn trống, làm lễ truy điệu rất là trang trọng uy nghi. Các điệu nhạc nghe thấy nổi cả gai ốc nhưng rất cảm động.

Lính Thuỷ Quân Lục Chiến – Quảng Trị 1972

Đồng thời với những hoàn cảnh trên, tôi thấy có nhiều gia đình bạn bè cùng trang lứa mà thân nhân của họ có địa vị, chức quyền, tiền bạc thế lực. Họ lo cho con cái họ thoát khỏi đi lính bằng cách sắp xếp cho chúng nó xuất ngoại, đi du học. Mặc dầu nhiều đứa dốt như con lừa. Mà sau này chính một số không nhỏ những thành phần đó có khuynh hướng thiên Cộng, chúng nó đã có những hành động đâm sau lưng chiến sĩ. Lịch sử đã cho thấy rõ bộ mặc đểu cáng của chúng nó.

Sắp tới ngày trình diện, tôi tới từ giã cô bạn gái để đi… lính. Nàng hỏi một câu rất là con gái:

– Thế anh đi lính mấy tuần rồi về hả?

Tôi chẳng biết trả lời ra sao cho ổn thỏa, chỉ nói trớ:

– Theo như luật định thì anh được gọi và xếp vào tài khóa sĩ quan, có lẽ sẽ học ở Thủ Đức. (Lúc này tôi còn chưa biết là có khá nhiều khóa đào tạo sĩ quan QLVNCH học ở trường Đồng Đế, Nha Trang.)

Nàng nhận xét rất là ngây thơ:

– Ơ, nếu anh là sĩ quan thì có xe díp, có tài xế riêng lái xe cho mình. Thế nào em cũng được đi theo anh nhiều nơi. Mà học có cực lắm không anh? Em nghe nói sĩ quan các anh nhiều đào lắm phải không? Hết cô nọ tới cô kia phải không? Nhớ đừng có lôi thôi à nghen!

Tôi ú ớ với một lô một lốc câu hỏi của nàng, chỉ ậm à ậm ừ cho qua truông vì trường đời mình có biết cái quái gì đâu, quanh năm suốt tháng chỉ biết lo học và đi cắm trại. Tôi chỉ nói ít lời từ giã, chẳng nhắn nhủ gì chỉ nhắc là cứ nhớ tới nhau, nếu có địa chỉ thì viết cho nhau vài lá thư. Có vậy mà nàng thút thít sụt sùi một thôi một hồi làm tôi cứ đực mặt ra như… trời trồng.

Với các em Sói con và HĐS tôi đang sinh hoạt thì một buổi lễ tiễn biệt chia tay khá là thân mật và cảm động. Có em chạy lại ôm cứng lấy tôi làm như tôi sắp biến mất trên cõi đời này không bằng .

Rồi ngày đi cũng phải tới. Hôm trước khi đi tôi còn nghe nói đâu như là vì gọi nhập ngũ nhiều quá, các quân trường sĩ quan không đủ chỗ huấn luyện, chỉ đi trình diện rồi lấy phép về nhà chơi 45 ngày, sau đó chưa có tài khóa lại tiếp tục 45 ngày phép nữa. Mà lại có lương nữa chứ. Ơ hay, sao “đã” quá thế? Thôi thì tới đâu hay tới đó. Tôi ngồi nói chuyện lai rai tâm sự với các em, lấy cái giỏ, bỏ vào đó vào cuốn sách, một cuốn sổ tay, bàn chải và kem đánh răng. Mẹ tôi lo lắng đi ra đi vào, lấy hết cái này cái nọ. Nào là quần áo, chai dầu gió, cái lược… Bà cứ tất tưởi mà buồn rười rượi. Bố tôi luôn luôn ngắn gọn: “Đưa cho nó ít tiền tiêu vặt, vào quân đội nó trang bị cho mọi thứ, không phải lo.” Mà y như rằng, không sai một ly ông cụ nào. Có một vật bất ly thân của mấy anh con trai đó là cái lược, khi vào lính, nhất là ở quân trường tóc hớt có hai phân thì cái lược nó thất nghiệp.

Vì cư ngụ ở tỉnh Gia Định, tôi đi xe lam tới Phòng Tuyển Mộ và Nhập Ngũ Gia Định để trình diện, tưởng sẽ bị hạch hỏi điều tra này nọ. Nhưng không, chỉ đưa cái thẻ căn cước, bản sao văn bằng cao nhất (tú tài hay các chứng chỉ đại học) thẻ lược giải cá nhân. Thế là xong nghĩa là đã trình diện nhập ngũ, người ta lấy giấy tờ của tôi, hí hoáy, đánh máy một lúc rồi trả lại tôi cái thẻ căn cước. Sau đó tôi thơ thẩn trong khu vực của Phòng Tuyển Mộ. (Còn tiếp)

(Tiếp theo)

Đồng thời cũng thấy có vài anh trạc tuổi ngơ ngác vào làm những việc y như mình. Thì ra họ cũng đi trình diện nhập ngũ với tài khóa sĩ quan như tôi. Để làm quen và cũng đỡ bỡ ngỡ, hỏi thăm nhau, chẳng thằng nào biết hơn thằng nào. Cho tới bây giờ, tôi chỉ còn nhớ 2 thằng, một là Đỗ Đình Nguyên sau này nó là thủ kỳ của ĐĐ 81A ở Tiểu Đoàn Gia Long và cũng là thủ kỳ ĐĐ 31 ở Thủ Đức vì anh chàng này vừa to con vừa cao lớn. Một trự nữa là Phạm văn Chinh sau này nó đi diễn hành ngày quân lực ngay bên cạnh tôi. Lúc này mới có 10 giờ sáng. Thỉnh thoảng tôi thấy có chiếc xe díp của cảnh sát đậu xịch lại, bước xuống có một thầy đội áp giải một thanh niên 2 tay bị còng trước mặt, mở còng. Họ vào văn phòng làm thủ tục gì đó rồi có người dẫn độ anh chàng kia vào một cái phòng nhốt trong đó, khóa kín cửa lại. Thấy trong đó lố nhố dăm ba người. Hỏi ra đó là những thanh niên trốn quân dịch hay bất phục tùng bị cảnh sát bắt giao cho quân đội để đi lính.

Tới trưa, anh em chúng tôi được mời vào phòng, được dọn cho mỗi người một bữa ăn trưa gồm đĩa cơm trắng, trứng vịt chiên, vài lát cà chua, vài cọng rau xà lách và một trái chuối tráng miệng. Phải chăng đây là bữa cơm đầu tiên trong đời lính? (Sau này ở ngoài trận địa, nơi giữa cái sống cái chết cận kề nhau, được như vậy là thần tiên). Quanh quẩn một hồi, tới xế chiều có một cái xe GMC trờ tới trước cái phòng có nhốt người. Những người ở bên trong được gọi ra trước, ngồi bệt xuống sàn xe. Tôi đếm được 14 mạng. Còn bọn tôi, được gọi là tài nguyên sĩ quan có 7 mạng cũng được gọi từng tên nhưng leo lên xe ngồi chễm chệ trên ghế (đúng là quân đội có giai cấp), hai anh lính áp tải ôm súng ngồi sau cùng. Xe chạy lòng vòng qua những phố xá nhộn nhịp, đầy ắp xe cộ như mắc cửi. Tự nhủ trong lòng, thôi nhé từ nay hết bay nhảy, thư viện, giảng đường, hẹn hò, dung dăng dung dẻ… Một hồi thấy cái bảng Trung Tâm 3 Tuyển Mộ và Nhập Ngũ, chuyến xe định mệnh lăn bánh vào bên trong. Không biết thiên hạ làm cái trò trống gì trong văn phòng, bọn tôi được gọi xuống trước, nhìn xung quanh, thấy lố nhố những người là người. Ở đâu ra mà nhiều thế? Mà cái trại tôi được đưa vào chỉ toàn là thành phần tài nguyên Sĩ Quan không thôi. Chúng tôi được phát cho mỗi đứa một cái túi vải gọi là sac-marin, một cái muỗng, một cái khay có chia dăm ba cái ô nhỏ để đựng cơm và đồ ăn. Đi đâu cũng kè kè tha theo vì sợ… mất cắp. Mọi cái đều lạ lẫm, ơ hơ thế ra cuộc đời lính của mình bắt đầu như thế này ru? Buổi tối, vì không biết cơm lính như thế nào? Ăn ở đâu? Có ai dọn ra cho mình ăn không? Lớ ngớ như mán về thành, đành nhịn đói. May có ít tiền trước khi đi mẹ tôi dúi cho, hỏi thăm xuống câu lạc bộ mua đại ổ bánh mì nuốt cho đỡ đói, kiếm nước ở robinet, nước chảy như mèo đái lại có mùi rỉ sét thấy mà lợm giọng. Tìm đại chỗ ngủ qua đêm. Do đi cắm trại nhiều năm quen rồi nên đi đâu tôi cũng thủ sẵn cho mình một cái võng, tiện đâu mắc lên đó, kiếm chỗ cột lại là… có chỗ ngủ rồi một giấc ngủ chập chờn không dám mơ thấy nàng.

Vì lạ chỗ, trằn trọc hoài trên võng ngủ không được thì kẻng báo thức vang lên từng hồi. Lồm cồm ngồi dậy, dọn dẹp sơ sơ rồi đi kiếm chỗ giải quyết vệ sinh. Ôi thôi! Trong đời tôi gặp nhiều thứ nhà cầu, đi giúp các trại tỵ nạn cũng nhiều nhưng chưa có chỗ nào mà vừa thấy là tôi liền… đánh bài tẩu mã, nín tất cả mọi sự. Rồi lại tập họp, ông thượng sĩ già gom lại một khối, gọi đi làm vệ sinh nhà cầu. Đứa thì đi, đứa thì lảng ra. Ông ta la:

– Các anh làm vệ sinh cho các anh chứ có đem các anh ta xử bắn đâu mà trốn với tránh!?

Ở gần khu vệ sinh có mấy cái hồ nước dù nước chảy như… đái, nhưng lâu dần thì cũng đủ để dội những thứ cặn bã tống khứ chúng nó đi, bọn tôi gọi nôm na là… thụt dầu hay lái phi thuyền. Chẳng hiểu những từ ngữ lóng liếc này ở đâu ra, có từ hồi nào!

Lại tập họp, lần này là tập họp khám sức khỏe. Thú thật là tôi chưa bao giờ thấy phe ta khám sức khỏe cho tân binh (thanh niên) vừa nhanh vừa hiệu quả vừa đắc dụng như ở TT3 TM & NN. Cái hàng rồng rắn đi từ phòng chụp hình (làm thẻ căn cước quân nhân) đến chụp hình phổi rồi khám tổng quát… Chỉ đi không thôi cũng đủ hoàn tất. Tôi cũng không kịp coi người ta chụp hình ra thế nào, cái số quân mình có nó được thiết lập ra sao. Vậy mà xài cho suốt đời lính, sau này nữa, không lầm lẫn với ai. Đang chờ tới phiên chụp phổi thì thấy có người gọi tên: “Linh, Linh,” quay lại thì ra thằng bạn trong xóm nó thi rớt Tú Tài 1 mấy năm trước. Nay khoác áo quân y, nó nói là nếu tôi muốn hoãn dịch vì lý do sức khỏe, đưa cho nó ($) nó sửa hình phổi cho. Tưởng gì thì ra một trò tham nhũng hối lộ, nhìn cái bản mặt câng câng của nó, chỉ muốn đấm vào mặt nó mấy cái cho bõ ghét. Xung quanh cái nhà chụp hình phổi, người ta phơi phim phổi như phơi quần áo đợi cho khô.

Trong khi đứng xếp hàng, vì là tài ngưyên sĩ quan được xếp đứng chung với nhau, bọn tôi nghe đồn với nhau là Thủ Đức thì không còn chỗ, Đồng Đế thì cũng chật luôn. Chắc người ta cho mình về 45 ngày phép chờ tài khóa hay là xuất ngũ… Chưa biết số phận bọn tôi đang ở đây được định đoạt ra sao. Tới lúc khám tổng quát, thấy mấy hàng trước cứ tồng ngồng như ông A-Dong, ngượng và mắc cỡ chín người. Ông bác sĩ còn nạt:

– Các anh đã vào đây còn bày đặt mắc cỡ…

Mấy cô nữ trợ tá ngồi ở mấy cái bàn gần đó mặt tỉnh bơ, có lẽ họ quen quá rồi. Cứ ngồi ôm mớ quần áo sau khi đã thoát y, đi ngang qua ông bác sĩ (không còn nhớ vị nào) ổng lấy cái ống nghe (stéthoscope) chấm chấm vào ngực từng thằng có lẽ không tới 5 giây đồng hồ một trự. Có anh thắc mắc nói là bác sĩ chưa đeo ống vào tai, ổng trừng mắt rồi nạt:

– Anh biết gì mà thắc mắc?

Thế là nín khe. Sau đó là một màn chim bay cò bay. Giơ chân giơ tay, lão đốc còn lấy cái que bật vào “bộ tư lệnh” đã làm vài đứa ôm hạ bộ nhăn nhó. Tuy nhiên anh nào khiếu nại về sức khỏe (thiếu ngón chân ngón tay hay gì gì đó…) thì đứng riêng ra một bên chờ tái khám. Sau màn khám tổng quát hầu hết hồ sơ chúng tôi được đóng con mộc đỏ chói: ĐSK (Đủ sức khỏe). Bọn tôi chân biếm là ĐỜI SẼ KHỔ, mà y như rằng.

Coi như xong màn nhập môn, giải tán chờ ăn cơm trưa. Xuống nhà bàn (nhà ăn), nhìn xung quanh là thấy “no” luôn. Nuốt gì nổi khi cá mối có mùi thum thủm, mùi đồ ăn lưu cữu từ bao nhiêu lâu, v.v… Bèn ra câu lạc bộ cho xong. Lại đồn thổi là sẽ có phép 45 ngày, chờ lãnh phép về vì bây giờ mình là lính rồi mà… Tới xế xế, khoảng 3 giờ chiều còi tập họp nhận giấy phép. Giấy phép đâu không thấy, đồ đạc khiêng ra, quân phục, giày vớ nón vải balô khăn mặt… những thứ cần thiết cá nhân của một người lính được đem ra cấp cho chúng tôi. Cả mấy trăm mạng xúng xính trong mớ quần áo rộng thùng thình. Lập tức có ngay những ông quân nhân cơ hữu tốt bụng đã sẵn sàng đổi một số quần áo cho bạn vừa vặn với cơ thể bạn, mà bạn chỉ phải trả một số tiền túi cũng không gì là quá đáng. Bao giờ xung quanh xác chết cũng có bầy kên kên và hyana. Được biết vào giờ phút chót giấy phép bị hủy bỏ, mà chúng tôi sẽ được cấp phát quân phục sang TTHL Quang Trung học giai đoạn 1 tài khóa Sĩ Quan khóa 8/72.

Nghe thì biết vậy thôi chứ bây giờ ai bảo sao, lệnh phán như thế nào thì cứ răm rắp đố có đứa nào dám có ý kiến. Một đoàn xe GMC (sau này mới biết là thiên hạ goi là Gái Muốn Chồng) tiến vào, leo lên. Đoàn xe trực chỉ trại Nguyễn Tri Phương. Là trại chuyển tiếp trước khi chính thức trở thành anh tân binh hay được gọi là Dự Bị Sĩ Quan.

Những anh đã từng học qua khóa huấn luyện Sinh Viên Học Đường thì họ có kinh nghiệm hơn bọn lính mới tò te chúng tôi. Tuy nhiên rồi đâu cũng vào đấy cả. (Hết)

(Chuyện xưa – Chuyện nay)

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments