Nathan Worcester
Ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa Vivek Ramaswamy đã tiết lộ “tuyên bố độc lập khỏi Trung Quốc” tại một khu công nghiệp ở quê nhà, tiểu bang Ohio (Mỹ).
Yếu tố đầu tiên là bác bỏ cái mà ông Ramaswamy gọi là “chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu”.
Yếu tố thứ hai là đảm bảo Hoa Kỳ không phụ thuộc vào Đài Loan về chất bán dẫn.
Yếu tố thứ ba và thứ tư lần lượt là tách rời ngành công nghiệp quốc phòng và dược phẩm của Hoa Kỳ khỏi Trung Quốc.
Đáng chú ý, vị doanh nhân 38 tuổi, một trong những người chỉ trích gay gắt nhất của Đảng Cộng hòa về việc Mỹ viện trợ tài chính cho Ukraine, lập luận rằng Mỹ phải cam kết dành “mức sàn 4% GDP của Mỹ cho chi tiêu quân sự để bảo vệ quê hương mình”. Theo đó, khoản này bao gồm chi tiêu cho an ninh biên giới, an ninh mạng, phòng thủ tên lửa siêu thanh, phòng thủ không gian và các lĩnh vực khác.
Trong bối cảnh đang diễn ra một cuộc tranh chấp khác của Quốc hội Mỹ về chi tiêu (có nguy cơ dẫn đến việc chính phủ đóng cửa) và sau khi Washington chi hàng nghìn tỷ USD cho các cuộc xung đột ở Iraq và Afghanistan đã góp phần tạo ra khoản nợ quốc gia kỷ lục, có vẻ chính đáng khi hỏi ông sẽ lấy tiền từ đâu.
Ông Ramaswamy đề xuất rằng Hoa Kỳ sẽ thu được “cổ tức hòa bình” bằng cách ngừng tiến hành các cuộc xung đột ở những nơi trên thế giới không thúc đẩy lợi ích của nước này.
Ứng cử viên Đảng Cộng hòa cũng nêu ra những cảnh báo nghiêm trọng về sự phụ thuộc đáng kể của Hoa Kỳ vào dược phẩm Trung Quốc – mối lo ngại được các nhà lập pháp như Thượng nghị sĩ Josh Hawley và Hạ nghị sĩ Diana Harshbarger bày tỏ – cũng như luật đồng tài trợ sau này về lỗ hổng đó đã được đệ trình tại phiên họp trước ở Hạ viện.
Sau khi nói rằng Trung Quốc “đã ném virus nhân tạo vào thế giới từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán”, ông Ramaswamy lập luận rằng nếu cuộc đối đầu sôi sục Mỹ – Trung ngày nay leo thang thành một cuộc chiến tranh nóng, Trung Quốc “có thể bỏ chất độc vào chuỗi cung ứng dược phẩm hợp pháp của Hoa Kỳ, bao gồm cả fentanyl”.
Bài phát biểu mới nhất về chính sách
Ông Ramaswamy rõ ràng đã lặp lại các bài phát biểu tập trung vào chính sách trước đó của mình, trong đó bao gồm bài phát biểu về chính sách đối nội vào ngày 13/9 và các bài phát biểu về chính sách đối ngoại vào ngày 17/8 tại Thư viện Tổng thống Richard Nixon.
Ông Ramaswamy nói với khán giả ở Ohio: “Các chính sách đối nội và đối ngoại của chúng ta là hai mặt của cùng một đồng xu.
Những tuyên bố trước đây của ông về vị thế của nước Mỹ trên thế giới đã khiến các đảng viên Đảng Cộng hòa khác phẫn nộ tại cuộc tranh luận đầu tiên của Đảng Cộng hòa vào ngày 23/8 ở Milwaukee, tiểu bang Wisconsin. Cựu Thống đốc Nam Carolina Nikki Haley, một ứng cử viên đang lên khác của Đảng Cộng hòa, đã phản đối kịch liệt lập trường của ông về chi tiêu của Mỹ ở Ukraine và viện trợ nước ngoài cho Israel.
Các ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Vivek Ramaswamy và cựu Đại sứ Liên Hợp Quốc Nikki Haley tham gia cuộc tranh luận đầu tiên của mùa bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa do đài FOX News tổ chức tại Diễn đàn Fiserv ở Milwaukee, tiểu bang Wisconsin, ngày 23/8/2023. (Ảnh: Win McNamee/Getty Images)
Doanh nhân và nhà đầu tư “chống thức tỉnh” này đã phải đối mặt với sự giám sát mới từ các đối thủ và nhà phê bình như ông Jeffrey Sonnenfeld của Đại học Yale về nhiều vấn đề, từ lịch sử kinh doanh trong quá khứ đến lập trường chính sách đối ngoại mang tính tự do của ông – mặc dù ngay cả một số người theo chủ nghĩa tự do ở New Hampshire cũng chỉ trích quan điểm gay gắt của ông Ramaswamy đối với Trung Quốc và Mexico, cũng như sự ngưỡng mộ của ông đối với Winston Churchill.
Bài phát biểu về chính sách mới nhất của ông Ramaswamy diễn ra chưa đầy một tuần trước cuộc tranh luận tổng thống lần thứ hai của Đảng Cộng hòa. Sự kiện này dự kiến sẽ diễn ra tại Thư viện Tổng thống Ronald Reagan ở Thung lũng Simi, tiểu bang California.
Tại Milwaukee, ứng cử viên của Đảng Cộng hòa đã bày tỏ quan điểm đa sắc thái của mình về Tổng thống Reagan, đồng thời nói với cựu Phó Tổng thống Mike Pence rằng “đó không phải là ‘Buổi sáng ở Mỹ'”, ám chỉ đến một quảng cáo nổi tiếng trong chiến dịch tái tranh cử năm 1984 của tổng thống Reagan. Cũng trong dịp này, ông tuyên bố là ứng cử viên duy nhất có thể “thực hiện một cuộc cách mạng Reagan 1980”.
Tại New Albany, ông Ramaswamy phát biểu suy nghĩ của mình về Tổng thống Ronald Reagan.
“Tôi ngưỡng mộ ông Ronald Reagan. Tôi tôn trọng ông ấy vì giống như Nixon, ông ấy đã làm những gì cần làm trong thời đại của mình”.
“Nhưng như vị tổng thống Đảng Cộng hòa yêu thích nhất mọi thời đại của tôi, ông Abraham Lincoln, đã nói một câu nổi tiếng, ‘Những giáo điều về một quá khứ yên bình không phù hợp với hiện tại đầy giông bão’. Và hôm nay, chúng tôi nói rằng những giáo điều của năm 1980 không phù hợp với những thách thức đặc biệt mà người Mỹ chúng ta phải đối mặt ngày nay”, ông Ramaswamy nói thêm.
Ở một điểm khác trong bài phát biểu, ông đã nêu tên vị tổng thống yêu thích nhất mọi thời đại của mình: ông Thomas Jefferson của Đảng Dân chủ – Đảng Cộng hòa.
Như trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại ngày 18/8, ứng cử viên này ngày 21/9 đã ca ngợi tầm nhìn của Tổng thống Richard Nixon trong việc mở của quan hệ Mỹ – Trung. Ông Ramaswamy mô tả đây là một ván cờ xuất sắc trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh. Bằng cách tách Trung Quốc khỏi Liên Xô, nỗ lực này đã làm suy yếu Liên Xô, giúp tạo tiền đề cho sự sụp đổ của họ.
“Chúng ta đã có được sự đồng thuận lưỡng đảng ở đất nước này và đã đưa tầm nhìn đó đi sai hướng”, ông Ramaswamy tiếp tục, đề cập đến việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO) và “mong muốn rằng Hoa Kỳ sẽ sử dụng chủ nghĩa tư bản như một phương tiện để truyền bá dân chủ tới những nơi như Trung Quốc”.
Trong bài phát biểu ngày 13/9 về chính sách đối nội, ông Ramaswamy lập luận rằng phán quyết của Tối cao Pháp viện trong vụ Tây Virginia kiện EPA có nghĩa là hầu hết các quy định của liên bang đều vi hiến.
Tương tự, tại Ohio, ông tuyên bố rằng ông sẽ chống lại biến đổi khí hậu bằng cách bãi bỏ “bất kỳ quy định vi hiến nào… thậm chí yêu cầu phải đo lường hoặc báo cáo lượng khí thải carbon dioxide”.
‘Chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu’ và thương mại
Ông Ramaswamy đã lặp lại và giải thích chi tiết về một trong những quan điểm đột phá của mình trong cuộc tranh luận đầu tiên.
Ông nói: “Chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu là một trò lừa bịp vì nó không liên quan gì đến khí hậu và mọi thứ liên quan đến công bằng toàn cầu – cụ thể là cho phép Trung Quốc bắt kịp Hoa Kỳ về mặt kinh tế”.
Khi phác thảo chi tiết các kế hoạch của mình về chất bán dẫn, ông nhấn mạnh cam kết của mình đối với thương mại tự do và sự phản đối của ông đối với Đạo luật CHIPS, đạo luật vừa được Quốc hội thông qua với sự bảo trợ của Dân biểu Tim Ryan lúc bấy giờ.
Trong khi nhiều đảng viên Đảng Cộng hòa bỏ phiếu chống lại dự luật, thì đảng viên Đảng Cộng hòa Ohio chủ yếu ủng hộ dự luật, bởi nó cung cấp hoặc dự kiến sẽ cung cấp nguồn tài chính đáng kể cho hoạt động sản xuất chất bán dẫn ở tiểu bang Buckeye.
Dân biểu Jim Jordan là một ngoại lệ đáng chú ý đối với xu hướng này, ông đã gọi đây là “Nước Mỹ cuối cùng”.
Ông Ramaswamy cho biết: “Tôi phản đối Đạo luật CHIPS vì đây thực sự là Thỏa thuận Mới Xanh đội lốt Đạo luật CHIPS”.
Ông tuyên bố rằng sự độc lập khỏi Trung Quốc trong ngành công nghiệp bán dẫn sẽ đòi hỏi sự phụ thuộc lẫn nhau với các đồng minh – theo cách nói của ông, “một cách tiếp cận thân thiện với thương mại với các đồng minh của chúng ta”.
Ông Ramaswamy cũng tuyên bố rằng Hoa Kỳ nên tham gia hiệp định kế thừa Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đồng thời gọi quyết định rút khỏi TPP của cựu Tổng thống Donald Trump là một “quyết định tồi tệ”.
Tương tự như vậy, ông lập luận rằng việc tách ngành công nghiệp dược phẩm của Mỹ khỏi Trung Quốc sẽ khiến mở rộng mối quan hệ Mỹ – Ấn Độ, cũng như với Israel, Brazil và các nước Đông Á khác, bao gồm cả Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ông Ramaswamy cho biết tầm nhìn của ông cũng bao gồm “cải tổ hoàn toàn Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).
(Theo The Epoch Times, Lam Giang biên dịch)