Kelly Ng, BBC News, Singapore
Lần đầu tiên, tỷ lệ người già trên 80 tuổi ở Nhật Bản đã lên tới hơn 1/10.
Số liệu quốc gia cho thấy chừng 29,1% ở đất nước 125 triệu dân này ở độ tuổi 65 trở lên.
Nhật Bản có tỷ lệ sinh vào hàng thấp nhất trên thế giới và từ lâu đã chật vật tìm cách chu cấp cho một nền dân số đang già đi.
Nhật Bản có dân số già nhất thế giới, căn cứ vào tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên, theo LHQ.
Tỷ lệ này hiện là 24,5% ở Ý, đứng thứ hai; và 23,6% ở Phần Lan, đứng thứ ba trên thế giới.
Theo dự báo của Viện Dân số và Nghiên cứu An sinh Xã hội Quốc gia, tới năm 2040, số người trên 65 tuổi sẽ chiếm tới 34,8% dân số Nhật.
Tỷ lệ người già làm việc ở Nhật là cao nhất trong các nền kinh tế lớn – lao động từ 65 tuổi trở lên chiếm trên 13% lực lượng lao động cả nước.
Nhưng điều này cũng không làm giảm gánh nặng lên chi tiêu cho an sinh xã hội của Nhật.
Chính phủ Nhật vừa duyệt một ngân sách kỷ lục cho năm tài chính tới, một phần để chi trả cho chi phí an sinh xã hội tăng cao.
Các nỗ lực nhằm tăng tỷ lệ sinh nở cũng không mấy thành công vì giá sinh hoạt cao, và văn hóa làm việc nhiều giờ.
Tỷ lệ sinh cũng đang chậm dần ở nhiều quốc gia, nhưng tình hình ở Nhật là trầm trọng hơn cả.
Ước tính, Nhật Bản chỉ có chưa đầy 800.000 trẻ em được sinh ra năm ngoái – tỷ lệ sinh thấp nhất kể từ khi có thu thập số liệu giữa thế kỷ thứ 19.
Năm 1970, con số này là hơn hai triệu.
NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Chụp lại hình ảnh,
Tỷ lệ người trên 65 tuổi dự tính sẽ chiếm tới 34,8% dân số Nhật vào 2040
Thủ tướng Fumio Kishida phát biểu hồi tháng Một rằng đất nước của ông đang trên bờ vực của tình trạng không hoạt động được như một xã hội vì vì tỷ lệ sinh giảm dần.
Tuy nhiên, chính quyền vẫn ngần ngại đón nhận người lao động nhập cư như một giải pháp đối phó với tỷ lệ sinh thấp.
Một số quốc gia châu Á khác cũng gặp thách thức tương tự về dân số.
Năm ngoái, dân số Trung Quốc giảm lần đầu tiên kể từ 1961, trong khi Nam Hàn có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới.
(Theo BBC)