Đặng Đình Mạnh
Để tìm cách buộc tội Lê Văn Mạnh vào vụ án mạng, Cơ quan Cảnh sát Điều tra đã bày mưu cho bạn tù hành hung, trấn áp tinh thần để buộc em ấy viết lá thư nhận tội gởi cho cha mình. Dù nội dung lá thư thực hư như thế nào đi nữa. Nhưng bằng cách đó, một mặt cơ quan cảnh sát điều tra đã công nhiên thừa nhận sự vi phạm pháp luật khi xâm phạm vào quyền bí mật thư tín của Lê Văn Mạnh, tự tiện đọc thư của em ấy gởi cho cha mình.
Ngày 18/9/2023, Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã gởi văn bản cho gia đình em Lê Văn Mạnh để thông báo về việc thi hành bản án tử hình. Thật ra, đây không phải là một sự việc mới mẻ gì, 8 năm trước, tháng 10/2015, tỉnh Thanh Hóa đã từng có lần thông báo như vậy rồi đình hoãn cho đến nay.
Xem ra, lần này số phận của bị án tử hình Lê Văn Mạnh đã bị các cơ quan tư pháp tỉnh Thanh Hóa quyết định.
Cùng với vụ án Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải thì vụ án Lê Văn Mạnh cũng là một trong những vụ án oan điển hình mà gia đình đã kêu oan cho em trong suốt 18 năm qua.
Hồ sơ vụ án cho thấy, các chứng cứ buộc tội đối với Lê Văn Mạnh rất sơ sài và hầu như không có gì đáng kể ngoài lời khai nhận tội của chính em ấy.
Điều này, chính trong quá trình xét xử, em ấy đã cho biết mình liên tục bị điều tra viên dùng nhục hình để ép cung, buộc nhận tội. Chưa kể, khi ở phòng giam, thì lại tiếp tục bị bạn tù đánh đập cũng chỉ với mục đích ép nhận tội.
Tuy nhiên, theo quy định pháp luật, thì chỉ lời khai nhận tội vẫn chưa đủ cơ sở để tòa án tuyên xử có tội nếu lời khai nhận tội ấy không phù hợp với các chứng cứ buộc tội khác.
Nếu công chúng từng biết, ban đầu, Lê Văn Mạnh bị bắt giữ về một vụ án “Cướp tài sản” vốn không liên quan gì đến vụ án mạng giết người cả. Vụ án trở nên khó hiểu, khi đột nhiên Lê Văn Mạnh chợt viết thư cho cha mình để nhận tội giết người trong một vụ án mạng(?!)
Chỉ có thể giải thích sự khó hiểu như sau: Cơ quan Cảnh sát Điều tra không có khả năng phá án đối với vụ án mạng. Cho nên, nhân dịp bắt giữ Lê Văn Mạnh vì một vụ án khác thì đã quyết định dùng Lê Văn Mạnh vào vai thế thân cho thủ phạm… Điều này không chỉ giúp họ đóng lại hồ sơ vụ án mạng mà còn giúp họ đạt được thành tích phá án, làm tiền đề tiến thân.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát tỉnh Thanh Hóa đã quy kết Lê Văn Mạnh là hung thủ giết người với mô tả như sau: Vào lúc 17h00, ngày 21/03/2005, trong lúc cháu Hoàng Thị Loan, sinh năm 1991 (lúc ấy 14 tuổi) đi vệ sinh thì Lê Văn Mạnh, sinh năm 1982 (lúc ấy 23 tuổi), trú cùng thôn đang đi tìm trâu dọc bờ sông thấy nên nảy sinh ý định hiếp dâm cháu Loan.
Mạnh bị cho là đã bịt miệng, vật cháu Loan xuống đất thực hiện hành vi hiếp dâm. Do Loan chống cự nên Mạnh đã hành hung cháu Loan đến bất tỉnh rồi đem giấu xác Loan vào bụi cây ở bờ sông. Tại đây, Mạnh đã xé quần áo của cháu Loan làm dây quấn thắt vào cổ nạn nhân nhằm để mọi người nghĩ rằng cháu tự buộc cổ mình tự sát…
Từ năm 2005 đến năm 2008, Lê Văn Mạnh đã phải trải qua bảy phiên tòa, gồm ba lần xét xử sơ thẩm, ba lần xét xử phúc thẩm và một lần xét xử giám đốc thẩm. Trong những lần xét xử đó, tòa án các cấp đều kết luận Lê Văn Mạnh có tội và xử y án tử hình. Tuy nhiên, trong tất cả các phiên tòa có mặt, Mạnh đều phản cung, tố cáo rằng mình bị đánh đập dã man bởi các phạm nhân cùng phòng giam và điều tra viên.
Suốt 18 năm qua, gia đình của Lê Văn Mạnh vẫn kiên trì kêu oan cho con trai mình.
Để tìm cách buộc tội Lê Văn Mạnh vào vụ án mạng, Cơ quan Cảnh sát Điều tra đã bày mưu cho bạn tù hành hung, trấn áp tinh thần để buộc em ấy viết lá thư nhận tội gởi cho cha mình. Dù nội dung lá thư thực hư như thế nào đi nữa. Nhưng bằng cách đó, một mặt cơ quan cảnh sát điều tra đã công nhiên thừa nhận sự vi phạm pháp luật khi xâm phạm vào quyền bí mật thư tín của Lê Văn Mạnh, tự tiện đọc thư của em ấy gởi cho cha mình. Mặt khác, dùng thủ đoạn gian dối để tạo dựng chứng cứ giả là lời thú nhận tội của em Lê Văn Mạnh thể hiện qua bức thư.
Đáng ngạc nhiên, là khi cơ quan pháp y đã kết luận có thu thập được tinh trùng trong người cháu Loan nạn nhân, nhưng dứt khoát, không thực hiện xét nghiệm DNA để đối chiếu, so sánh với DNA của em Lê Văn Mạnh, mặc dù luật sư và chính bị cáo nhiều lần yêu cầu.
Điều này không chỉ là hành xử rất khó hiểu của cơ quan cảnh sát điều tra, mà thật ra, nó đã là một thủ tục mang tính chất bó buộc đối với công tác điều tra hình sự.
Tương tự như vậy, nạn nhân là cháu Loan bị chết trong tình trạng bị hành hung, hiếp dâm và thắt cổ bằng chính chiếc áo của mình. Tuy nhiên, cơ quan điều tra lại không hề tiến hành thu thập mẫu vân tay hoặc mẫu DNA có trên người cháu để so sánh với mẫu DNA của em Lê Văn Mạnh.
Ngoài các tình tiết trên, trong hồ sơ vụ án, các luật sư cũng đã phát hiện ra hàng loạt mâu thuẫn, thiếu sót khác của cơ quan tố tụng tỉnh Thanh Hóa.
Đối với vụ án của Lê Văn Mạnh, sau khi xem xét qua quan điểm của chính Viện Kiểm sát Tối cao cũng như của luật sư, chúng ta có thể đánh giá một cách khách quan và thận trọng rằng: Cho dù chưa thể khẳng định là em ấy có bị oan hay không trong vụ án mạng? Thế nhưng, với hồ sơ vụ án thể hiện quá trình điều tra một cách đầy cẩu thả, tự tiện bỏ qua hàng loạt thủ tục điều tra để xác định Lê Văn Mạnh có phải là thủ phạm trong vụ án hay không một cách hết sức khó hiểu? Thế nên, quá trình điều tra ấy không chỉ xác định được ai là tội phạm mà còn có khả năng tạo ra một vụ án oan.
Do vậy, chúng ta có thể khẳng định vụ án của em Lê Văn Mạnh là một vụ án oan điển hình. Thế nên, thật dễ hiểu khi nhiều tổ chức quốc tế như Ân Xá Quốc Tế, Hội Luật Gia Quốc tế ICJ và Reprieve đã gởi văn bản chính thức đến chính quyền Việt Nam để yêu cầu xem xét lại vụ án này.
Công chúng đã từng lên tiếng một cách đầy mạnh mẽ để yêu cầu các lãnh đạo cao cấp can thiệp vào vụ án oan của em Hồ Duy Hải và mới đây là Nguyễn Văn Chưởng và tin rằng điều đó là chính đáng, thì cũng cần phải tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ như thế cho vụ án đối với em Lê Văn Mạnh. Điều đó là trách nhiệm lương tâm của tất cả chúng ta.
(Pháp luật-Đời sống)