Lương Thái Sỹ
Là quốc gia thường xuyên chỉ trích các quốc gia khác như Iran, Pakistan và Ả-rập Saudi vì hành vi “xuất khẩu tư tưởng cực đoan và bạo lực”, trớ trêu thay, ngày nay, Hoa Kỳ lại bị buộc tội làm điều tương tự!
Sự lan rộng của các thuyết âm mưu trong nước; niềm tin vào ưu thế chủng tộc; chủ nghĩa cực đoan chống chính phủ và các biểu hiện khác của “lòng căm thù”, “không khoan dung” khiến nước Mỹ đang phải gặm nhắm “các vấn đề của chính mình” mà cả ba đồng minh thân cận nhất là Úc, Canada và Vương quốc Anh cũng phải lên tiếng cảnh báo – Foreign Affairs ngày 19 Tháng Chín 2023 viết.
Dù báo chí Mỹ ít đưa tin nhưng vụ bắn chết hai nạn nhân tại một quán bar dành cho người đồng tính ở Bratislava, Slovakia vào Tháng Mười 2022 mà thủ phạm là một người đàn ông có quan điểm phân biệt chủng tộc và kỳ thị đồng tính là một ví dụ điển hình về “tác động nguy hiểm của hệ tư tưởng cực hữu sản xuất tại Mỹ”.
Cùng một kiểu quen thuộc, kẻ giết người cho đăng một bản “tuyên ngôn” giải thích hành vi của y ngay trước cuộc tấn công. Viết bằng tiếng Anh, tuyên ngôn phô bày tất cả những ngôn từ phân biệt chủng tộc, bài Do Thái và kỳ thị người đồng tính thường thấy ở loại bạo lực đầy thù hận này. Quan trọng hơn, tuyên ngôn thể hiện tình đoàn kết và mối quan hệ chặt chẽ với “hệ tư tưởng thượng đẳng da trắng” phát triển mạnh nhất ở Mỹ.
Hệ tư tưởng này thu hút được nhiều sự quan tâm hơn ở cả Hoa Kỳ và nhiều quốc gia phương Tây khác trong những năm gần đây. Kẻ giết người phàn nàn: “Số kẻ xâm nhập không phải da trắng vào Mỹ tiếp tục tăng mà không bị kiểm soát”. Tay súng không ngại thừa nhận, nguồn cảm hứng của y là vụ tấn công khủng bố thượng đẳng da trắng vào đầu năm đó nhằm vào một siêu thị trong cộng đồng người da đen ở Buffalo, New York.
Sau nhiều thập niên lúng túng và nỗ lực không hiệu quả để ngăn chặn những kẻ phân biệt chủng tộc chống chính phủ, Hoa Kỳ đã trở thành hình mẫu của chủ nghĩa cực đoan và khủng bố cực hữu (far-right extremism and terrorism) trên thế giới. Bạo lực cực hữu ngày nay nguy hiểm hơn nhờ biết kết hợp giữa hệ tư tưởng và chiến lược khủng bố. Lý thuyết “great replacement theory” (sự thay thế tuyệt vời, trong đó xem những di dân không phải da trắng vào các nước phương Tây là nhằm mục đích làm suy yếu quyền lực chính trị của cử tri da trắng) bắt đầu ở Pháp, nhưng kiểu suy nghĩ này được hoài thai từ Mỹ và chủ nghĩa da trắng thượng đẳng hiện nay đang kế thừa tích cực.
Lý thuyết này cũng đổ lỗi đà suy giảm dân số và văn hóa của người da trắng là chiến lược có chủ ý của người Do Thái và những người cấp tiến. Chiến lược này thành công là nhờ luật nhập cư dễ dãi, không kiểm soát di cư xuyên biên giới, trao quyền công dân cho nhiều nhóm thiểu số và xóa bỏ hoặc điều chỉnh lại các chuẩn mực văn hóa truyền thống.
Thành viên Neo-Nazi thuộc tổ chức Phong trào Quốc Xã (National Socialist Movement) tại Illinois (ảnh: Scott Olson/Getty Images)
Ngày nay, “great replacement theory” dần trở thành thuyết chính thống của những diễn giả cực hữu ở Hoa Kỳ và thu hút được nhiều khán giả quốc tế. Những kẻ cực đoan Mỹ cũng áp dụng một chiến lược của chủ nghĩa Marx là “accelerationism” (chủ nghĩa tăng tốc, giúp đẩy nhanh sự sụp đổ xã hội bằng kích động hỗn loạn và đổ máu).
Việc Mỹ xuất khẩu “great replacement theory” và “accelerationism” ra bên ngoài đã tạo ra nhiều kẻ cực đoan trên thế giới, buộc nhiều chính phủ nước ngoài phải thực hiện các bước đi cần thiết để bảo vệ công dân họ. Nhưng về cơ bản, đây là “vấn đề của Mỹ” và do đó Mỹ phải giải quyết trước. Tại Hoa Kỳ, thuyết “great replacement theory” đã được truyền thông xã hội quảng bá dồn dập trong thập niên qua.
Từng là một lý thuyết bên lề chỉ phổ biến trong các nhóm nhỏ theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, lý thuyết này đã đi vào dòng chủ lưu ở Hoa Kỳ và lan rộng ra nước ngoài. Phe cực hữu đang mạnh lên ở Hoa Kỳ cũng rêu rao ý tưởng “bạo lực là cách duy nhất để dẫn đến sự sụp đổ của các thể chế và xã hội thất bại hiện nay”.
Một cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc tại New York (ảnh: Spencer Platt/Getty Images)
“Great replacement theory”
Nhà dân tộc chủ nghĩa người Pháp Renaud Camus có công phổ biến “great replacement theory” vào đầu thập niên 2010, nhưng trên thực tế, thuyết này có nguồn gốc sâu xa từ Mỹ, ít nhất là từ thời kỳ Tái thiết. Sau Nội chiến, khi hàng triệu người Mỹ gốc Phi được giải phóng, các nhóm bất mãn da trắng đã vận dụng các biện pháp tinh vi, từ ra rả về các cuộc bạo loạn liên quan đến chủng tộc đến cáo buộc đàn ông da đen cưỡng hiếp phụ nữ da trắng và cảnh báo rằng các cử tri da đen mới được hưởng quyền Hiến pháp sẽ làm giảm ưu thế của các cử tri da trắng trong các cuộc bầu cử.
Đến thập niên 1920, tổ chức Ku Klux Klan (KKK) cử phái đoàn đến dự đại hội bầu tổng thống toàn quốc của cả hai đảng Dân chủ, Cộng hòa (GOP) và năm 1924 giúp Calvin Coolidge, ứng cử viên tổng thống của GOP chiến thắng. KKK còn vận động hành lang cho Đạo luật Nhập cư (Immigration Act) khét tiếng ban hành 1924 để ngăn cản người châu Á, người Ý và người Do Thái định cư tại Hoa Kỳ. Đến thập niên 1980, phong trào phân biệt chủng tộc được tiếp thêm sức sống mới khi hàng loạt người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng chấp nhận “great replacement theory”.
Robert Mathews, người sáng lập và lãnh đạo nhóm khủng bố phát xít mới “The Order” vào năm 1983-1984, từng khoe y đã say khướt trong “cái giếng của chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa bài Do Thái”. Trong thập niên 1980 và 1990, Ri Chard Butler, lãnh đạo phong trào tân Quốc xã Aryan Nations cũng sử dụng “great replacement theory” để thu hút những thành viên với lập luận: “Những kẻ bên ngoài đang tràn vào từng vùng đất tổ tiên chúng ta để lại, đe dọa tước đoạt di sản, văn hóa và cả huyết thống của hậu thế chúng ta”.
Sau khi cuộc bầu cử đưa Barack Obama lên làm tổng thống người Mỹ gốc Phi đầu tiên, những kẻ phân biệt chủng tộc lập tức gọi đây là “bằng chứng mới cho thấy sự chuyên chế và gian lận bầu cử đã bắt đầu”. Ngoài nước Mỹ, các phong trào mị dân cũng đạt được động lực ở phương Tây dân chủ như một phản ứng trước dòng người tị nạn trốn chiến tranh ở Trung Đông và sự nổi lên của phong trào Black Lives Matter ở Mỹ.
Các đảng cánh hữu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ năm 2016, Brazil năm 2022 và cuộc trưng cầu dân ý về Brexit ở Vương quốc Anh năm 2016. Dưới thời chính quyền của Donald Trump, những nỗi “sợ hãi” của người da trắng cực đoan có cơ hội bộc lộ. Chiến dịch tranh cử của Trump đã nhiều lần bôi bác “những người không da trắng” và những người không theo đạo Thiên chúa la “những mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và người dân Mỹ”.
Năm 2017, sau khi một nhà hoạt động cực đoan bị giết ở Charlottesville, Virginia trong cuộc biểu tình của những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng và chủ nghĩa Quốc xã trong khuôn viên Đại học Virginia với những ngọn đuốc hô vang các khẩu hiệu như “Người Do Thái sẽ không thay thế chúng tôi”, “ Máu và đất”, Trump tuyên bố lấp lửng: “Có những người rất tốt ở cả hai bên!”. Phe cực hữu xem tuyên bố của ông ta như một “sự chứng thực” và họ được tiếp thêm sức sống mới khi người ủng hộ mạnh mẽ nhất đang ngồi trong Toà Bạch Ốc.
Sự lan rộng của “great replacement theory” được tiếp tay bởi “accelerationism” để kích động hỗn loạn bạo lực như phương tiện tiếm quyền. Karl Marx và Frederick Engels từng đề cập đến ý tưởng này trong cuốn sách nhỏ xuất bản năm 1848 “The Communist Manifesto” (Tuyên ngôn Cộng sản).
Tại Hoa Kỳ, thuật ngữ “accelerationism” lần đầu tiên xuất hiện trong cuốn “Siege” phát hành vào thập niên 1980 của James Mason, một học trò tận tuỵ của William Luther Pierce, một nhà tư tưởng theo chủ nghĩa thượng tôn da trắng rất có ảnh hưởng. Năm 1978 Pierce xuất bản cuốn “The Turner Diaries”, được cho là “lời kêu gọi người da trắng hãy cầm lấy vũ khí”.
Cuốn tiểu thuyết kể câu chuyện của một kỹ sư điện 35 tuổi tên Earl Turner, thành viên “The Organization” (một tổ chức dân tộc chủ nghĩa ngầm của người da trắng) và tham gia vào một chiến dịch khủng bố kéo dài hai năm để chống lại việc chính phủ tịch thu tất cả các loại súng sở hữu hợp pháp. Đáng chú ý nhất trong cuốn sách là tình tiết “Day of the Rope” (Ngày của sợi dây), khi “The Organization” treo cổ những người bị buộc tội phản bội chủng tộc mình. Cuốn truyện cũng kể chi tiết vụ đánh bom trụ sở FBI ở Washington, DC và vụ đánh bom kinh hoàng một công sở tại Thành phố Oklahoma năm 1995.
Một hội thảo về nhận thức chủ nghĩa thù ghét và phân biệt chủng tộc tổ chức tại Trung tâm Simon Wiesenthal, Irvine, CA ngày 8 Tháng Ba 2023 (ảnh: Paul Bersebach/MediaNews Group/Orange County Register via Getty Images)
“Ngày của sợi dây”
“Accelerationism” đã cung cấp một hình mẫu chiến lược và ý thức hệ hấp dẫn cho những kẻ khủng bố mà Dylann Roof là một học trò kiệt xuất khi y xả súng tại một nhà thờ của người da đen ở Charleston, South Carolina vào năm 2015 giết chết nhiều người. “Còn lâu mới là quá muộn đối với nước Mỹ và Châu Âu – tuyên ngôn của y nhấn mạnh – Tôi tin ngay cả khi chỉ còn chiếm 30% dân số, chúng tôi vẫn có thể lấy lại hoàn toàn đất nước. Nhưng nói thế không có nghĩa là chúng ta có thể chờ đợi lâu hơn để ra tay!”.
John Earnest, tay súng tấn công một giáo đường Do Thái ở Poway, California, vào Tháng Tư 2019 cũng được truyền cảm hứng tương tự bởi mong muốn đẩy nhanh một cuộc nội chiến mới. “Các bạn phải hiểu là chúng ta sắp hết thời gian rồi! – Earnest cảnh báo – Nếu cuộc cách mạng này không diễn ra sớm, chúng ta sẽ không có đủ quân số để chiến thắng”.
Ngày 6 Tháng Một 2021, khi một giàn giáo và thòng lọng treo cổ được dựng lên tượng trưng bên ngoài Điện Capitol Hoa Kỳ, nhiều người hiểu rằng, “Ngày của sợi dây” đã quá gần để trở thành hiện thực nếu Hoa Kỳ không xem xét nguy cơ này một cách nghiêm túc. Nhờ công nghệ, những giọng điệu phân biệt chủng tộc, bài Do Thái, bài ngoại và kỳ thị người đồng tính nhanh chóng lan rộng với khán giả toàn cầu. Hệ tư tưởng cực đoan lan truyền ra khắp các đại dương thông qua các trung tâm phát tán.
Tháng Ba 2019, Brenton Tarrant, một siêu khủng bố cực đoan da trắng đã sát hại 51 tín đồ tại hai nhà thờ Hồi giáo ở Christchurch, New Zealand. Y chọn súng trường tấn công sát thương cao AR-15. Tarrant là người ủng hộ “accelerationism” ra mặt và tự hào tuyên bố: “Sự thay đổi thực sự chúng ta cần chỉ có thể xuất hiện trong lò lửa khủng hoảng lớn”.
Bóng tối của cuộc tấn công ngày 6 Tháng Giêng vào Điện Capitol của Hoa Kỳ cũng đã truyền cảm hứng cho những kẻ khác phá vỡ quá trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình ở đất nước họ. Đầu năm nay ở Brazil, một đám đông được thúc đẩy bởi những bất bình tương tự như những người ủng hộ Trump ở Washington đã tìm cách bắt chước những kẻ bạo loạn ở Mỹ bằng cách xông vào trung tâm chính quyền thủ đô với hy vọng lật ngược kết quả bầu cử.
Ứng cử viên của họ, Jair Bolsonaro, đã theo dõi các sự kiện diễn ra trên truyền hình từ nơi ông ta đang lưu vong ở Florida. Tầm vóc của Hoa Kỳ với tư cách là trụ cột và hình mẫu của nền dân chủ đã bị chính quyền Trump phá nát khi phủ nhận cuộc bầu cử hợp pháp. Những người ủng hộ Bolsonaro thậm chí còn tìm kiếm sự hướng dẫn và lời khuyên từ các cựu quan chức cấp cao của Nhà Trắng, trong đó có cựu cố vấn cấp cao của Trump, Steve Bannon.
Viết trên Foreign Affairs, hai tác giả Bruce Hoffman và Jacob Ware cho rằng, vì chủ nghĩa cực đoan da trắng cánh hữu là vấn đề của Mỹ trước, nên Toà Bạch Ốc cần chỉ đạo Bộ Ngoại giao đưa các nhóm theo chủ nghĩa tân Quốc xã và theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng vào danh sách khủng bố. Trong 73 nhóm đã có trong danh sách hiện tại của Bộ Ngoại giao, vẫn không có nhóm nào theo chủ nghĩa phát xít mới hoặc theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng ở Mỹ.
Quốc hội cũng nên thông qua luật khủng bố nội địa để chính thức hình sự hóa các âm mưu và hành vi bạo lực dựa trên chủng tộc, dân tộc, tôn giáo, bản sắc dân tộc, giới tính và đảng phái chính trị. Thiếu luật chống khủng bố nội địa đã dẫn đến “bất bình đẳng trong tuyên án”, khi kết án nặng hơn các tội ác được thực hiện bởi một tổ chức khủng bố nước ngoài trong khi lại xử nhẹ hơn các nhóm cực đoan trong nước.
(Theo SGN)