Mimi Nguyen Ly
Iran đã có động thái trục xuất các thanh sát viên hạt nhân của Liên Hợp Quốc chỉ vài ngày sau khi chính quyền ông Biden cho phép chuyển 6 tỷ USD trong các quỹ bị đóng băng của Iran như một phần của thỏa thuận trao đổi tù nhân.
Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Mariano Grossi cho biết trong một tuyên bố ngày 16/9 rằng Iran đã thông báo cho ông về “quyết định rút lại việc chỉ định một số thanh sát viên giàu kinh nghiệm của IAEA – những người được giao nhiệm vụ tiến hành các hoạt động thanh sát ở Iran theo Thỏa thuận bảo vệ Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT)”.
IAEA là cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc, chịu trách nhiệm thúc đẩy việc sử dụng công nghệ hạt nhân một cách an toàn và hòa bình.
NPT là một thỏa thuận quốc tế có sự tham gia của 191 quốc gia và có hiệu lực vào năm 10970. Thỏa thuận này nhằm mục đích ngăn chặn sự phổ biến vũ khí hạt nhân, thúc đẩy giải trừ quân bị và cho phép sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.
Theo NPT, 5 quốc gia được công nhận là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân chính thức, bao gồm: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Anh và Pháp. Các quốc gia này cam kết trong hiệp ước NPT là sẽ không chuyển giao vũ khí hạt nhân và các quốc gia phi hạt nhân hứa sẽ không mua những vũ khí này.
IAEA đảm bảo các thành viên tuân thủ, chủ yếu bằng cách giám sát các nhà máy hạt nhân để ngăn chặn việc lạm dụng công nghệ hạt nhân cho mục đích quân sự.
Ông Rafael Mariano Grossi, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, phát biểu trước giới truyền thông tại Sân bay Quốc tế Vienna, ở Schwechat, gần Vienna, vào ngày 4/3/2023. (Ảnh: Alex Halada/AFP/Getty Images)
Ông Grossi cho biết việc Iran trục xuất thêm thanh sát viên hạt nhân khỏi Liên Hợp Quốc diễn ra sau việc gần đây đã trục xuất “một thanh sát viên giàu kinh nghiệm khác của Iran”.
Ông nói: “Những thanh sát viên này là một trong những chuyên gia giàu kinh nghiệm nhất của IAEA với kiến thức chuyên sâu về công nghệ làm giàu uranium và họ đã tiến hành công việc xác minh quan trọng tại các cơ sở làm giàu uranium do IAEA giám sát ở Iran”.
“Với quyết định ngày hôm nay, Iran đã trục xuất khoảng 1/3 1/3 số lượng thành viên nhóm thanh sát viên nòng cốt giàu kinh nghiệm nhất của cơ quan này được chỉ định đến Iran”.
Ông Grossi lập luận rằng, mặc dù hành động của Iran được NPT cho phép, nhưng điều đó sẽ khiến IAEA gặp khó khăn hơn trong việc đảm bảo rằng các hoạt động hạt nhân của Iran là vì mục đích hòa bình.
“Tôi cực lực lên án biện pháp đơn phương không cân xứng và chưa từng có này, cản trở việc lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động xác minh thông thường của Cơ quan ở Iran và mâu thuẫn công khai với sự hợp tác lẽ ra phải tồn tại giữa Cơ quan này và Iran”.
Theo Tổng giám đốc IAEA, việc Iran trục xuất các thanh sát viên nòng cốt đang làm tổn hại đến khả năng giám sát của cơ quan và gây căng thẳng cho “sự hợp tác đáng lẽ phải tồn tại giữa Cơ quan và Iran”.
Ông Grossi kêu gọi Iran xem xét lại hành vi của mình.
Ông nói thêm: “Tôi cũng kêu gọi các cơ quan có thẩm quyền cao nhất của Iran hợp tác với tôi càng sớm càng tốt để điều chỉnh hướng đi và làm việc với Cơ quan để làm rõ đầy đủ các vấn đề bảo vệ còn tồn đọng”.
Theo hãng thông tấn AP, Bộ Ngoại giao Iran đã liên kết hành động của mình với điều mà họ cho là nỗ lực của Mỹ và ba quốc gia châu Âu nhằm thao túng IAEA “vì mục đích chính trị của riêng họ”.
Tuần trước, tại cuộc họp hội đồng IAEA ở Vienna, Mỹ, Anh, Pháp và Đức đã đưa ra tuyên bố thống nhất chỉ trích Iran và kêu gọi nước này tăng cường hợp tác với tổ chức này.
Anh, Pháp và Đức hôm 14/9 cũng cho biết họ sẽ duy trì các biện pháp trừng phạt đối với Iran liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani cho biết: “Iran trước đây đã cảnh báo về hậu quả của những hành vi lạm dụng chính trị như vậy, bao gồm cả nỗ lực chính trị hóa bầu không khí của cơ quan này”.
Thỏa thuận trao đổi tù nhân
Quốc hội Mỹ hôm 11/9 thông báo rằng chính quyền ông Biden đã ban hành quyền miễn trừ như một phần của thỏa thuận trao đổi tù nhân nhằm đảm bảo với các ngân hàng quốc tế rằng họ có thể chuyển 6 tỷ USD tài sản bị phong tỏa của Iran từ Hàn Quốc sang Qatar mà không phải chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ. Theo đó, việc miễn trừ áp dụng cho các ngân hàng và tổ chức tài chính ở Hàn Quốc, Đức, Ireland, Qatar và Thụy Sĩ.
Động thái này đã mở đường cho việc trả tự do cho 5 công dân Mỹ bị giam giữ ở Iran và trả tự do cho 5 công dân Iran bị giam giữ tại Hoa Kỳ.
Theo hãng tin AP, Ngoại trưởng Antony Blinken đã thông qua các lệnh miễn trừ trừng phạt hồi đầu tháng này. Việc này diễn ra một tháng sau khi các quan chức Mỹ và Iran đã thông qua một thỏa thuận về nguyên tắc.
Các quan chức Mỹ cho biết số tiền trị giá 6 tỷ USD này dự kiến sẽ được dành cho việc mua sắm nhân đạo của Iran. Theo ông John Kirby, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, số tiền này “chỉ có thể được sử dụng để mua thực phẩm, thuốc men và thiết bị y tế không có mục đích lưỡng dụng (cho quân sự)”.
Hôm 22/8, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết trong một tuyên bố rằng chính quyền ông Biden sẽ giám sát việc sử dụng tài sản bị phong tỏa mà họ sẽ giải phóng để đảm bảo “rằng số tiền đó được chi cho các giao dịch không bị xử phạt”.
Tuy nhiên, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi nói với đài NBC News hôm 12/9 rằng số tiền chưa được dỡ bỏ phong tỏa “thuộc về người dân Iran, chính phủ Iran, do đó Cộng hòa Hồi giáo Iran sẽ quyết định phải làm gì với số tiền này” và số tiền này sẽ được chuyển đến bất cứ nơi nào Iran cần.
Những lời chỉ trích của Đảng Cộng hòa
Đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ phần lớn chỉ trích thỏa thuận này.
Thượng nghị sĩ Cynthia Lummis trước đây đã nói với The Epoch Times rằng chiến lược này là “sai lầm, khủng khiếp”. “Đây là khoản bồi thường lớn nhất dành cho những tù nhân. Đây là phần thưởng tài chính cho sự gian ác và chính quyền ông Biden đã đi quá xa trong vấn đề này”.
Thượng nghị sĩ Bill Cassidy nói với The Epoch Times: “Tôi ngờ rằng sẽ sớm có thêm nhiều người bị bắt cóc. Đó là một thỏa thuận có lợi cho người Iran”.
Thượng nghị sĩ Joni Ernst nói rằng bà “rất khó chịu” khi Hoa Kỳ “bắt đầu đàm phán về con tin”. Bà nói rằng thỏa thuận này “chỉ khuyến khích hành vi xấu của người Iran”.
Trên trang X, trước đây gọi là Twitter, Thượng nghị sĩ Ted Cruz cho biết ông tin rằng thỏa thuận này chỉ là một phần nhỏ trong những nhượng bộ lớn mà chính quyền ông Biden đã thực hiện đối với Iran và rằng chính quyền Đảng Dân chủ đang có kế hoạch gửi thêm 10 tỷ USD cho Iran và có thể cho phép họ tránh các lệnh trừng phạt về dầu mỏ.
Ông Cruz cũng chỉ trích việc chính quyền ông Biden thiếu hành động trong những năm gần đây, cho rằng điều đó đã giúp Iran nâng cao năng lực hạt nhân.
Các quốc gia phương Tây từ lâu đã nghi ngờ rằng chương trình hạt nhân của Iran nhằm mục đích cuối cùng là chế tạo vũ khí hạt nhân, nhưng Iran vẫn khẳng định rằng chương trình này hoàn toàn vì mục đích hòa bình. Theo IAEA, phương Tây và các quốc gia khác, Iran có chương trình hạt nhân quân sự bí mật đã bị chấm dứt vào năm 2003.
Căng thẳng giữa Iran và Mỹ gia tăng kể từ khi chính quyền cựu Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2018 và áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Tehran. Chính quyền Obama cho rằng thỏa thuận năm 2015 giữa Iran và các cường quốc khác sẽ giúp hạn chế tham vọng hạt nhân của Tehran. Thỏa thuận này về mặt kỹ thuật được gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA).
Vào thời điểm rút khỏi thỏa thuận, Tổng thống Trump cho biết thỏa thuận này chưa đủ để ngăn cản Iran chế tạo vũ khí hạt nhân và nó cũng không giải quyết được những mối lo ngại khác của Mỹ đối với chế độ Hồi giáo, chẳng hạn như việc phát triển tên lửa đạn đạo của nước này, hỗ trợ cho các nhóm khủng bố và dân quân, đồng thời đe dọa các tuyến hàng hải.
Iran bắt đầu vi phạm các điều khoản của thỏa thuận vào năm 2019. Các cuộc đàm phán chính thức ở Vienna nhằm cố gắng khôi phục thỏa thuận đã sụp đổ vào tháng 8/2022.
(Theo The Epoch Times, Lam Giang biên dịch)